• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Nông - Lâm - Ngư nghiệp4/9/2018 14:19

Một số thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ nổi bật đã triển khai ứng dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang những năm gần đây

Trong quá trình hội nhập của đất nước, khoa học công nghệ luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đối với tỉnh ta, với đặc thù là tỉnh miền núi, việc tìm tòi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

 
Khoa học công nghệ  luôn luôn phải đi trước
         Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, sau đó Tỉnh ủy Tuyên Quang  đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 04/02/2013 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 23/5/2013  về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
            Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã khẳng định: “Nâng cao nhận thức của các cấp, các các ngành về phát triển, ứng dụng khoa học  và công nghệ; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội xây dựng trên cơ sở khoa học, xác định rõ giải pháp khoa học công nghệ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp…”
            Căn cứ nghị quyết và kế hoạch của cấp trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã  tổ chức học tập, xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ  của ngành, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và thu nhập của người nông dân, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đề ra các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ; coi việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp then chốt để giải quyết yêu cầu về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản và xây dựng nông thôn mới.
         Xác định vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong hơn 5 năm qua, nhận thức của các đơn vị và của công chức, viên chức trong ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2013-2016 đã cử 18 công chức, viên chức đi đào tạo trên Đại học thuộc các lĩnh vực chuyên môn của ngành, nâng số lượng công chức viên chức có trình độ thạc sỹ từ 14 người năm 2012 lên đến 28 người vào năm 2016.
Kết quả đạt được
Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; tham mưu xây dựng lồng ghép các nguồn vốn để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp; nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả được nhân rộng. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân 5,78%/năm, năm 2016 tăng trưởng trên 4%.
 

Cán bộ Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang lấy trứng cá chiên để nghiên cứu, nhân giống. Nguồn: Sở NN và PTNT
- Đã xây dựng thành công và duy trì 13 mô hình sản xuất VietGAP, diện tích áp dụng VietGAP là 153,7ha1 và 769 ha chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững Rainforest2. Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho 29 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm được chứng nhận VietGAP đều có giá bán tăng khoảng 30% so với trước khi được chứng nhận. Các sản phẩm đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ, như: Cam Sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Chè Bát tiên Mỹ Bằng, Chè xanh Vĩnh Tân, Làng Bát, Mật ong Phong Thổ,...
- Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ đối với nhiều cây trồng; hệ thống khuyến nông đã làm tốt việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường và giá cả các mặt hàng nông sản để nông dân thực hiện đúng kỹ thuật và có định hướng đầu tư sản xuất; triển khai  nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình đạt hiệu quả, được nhân rộng, điển hình như: Mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu; mô hình giống lúa RVT và Bte-1; mô hình chè Làng Bát; mô hình hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi; mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học,... Năm 2016: (1) Sử dụng phân viên nén NK (diện tích 22.723 ha lúa), năng suất lúa tăng từ 5-10% so với bón phân đơn truyền thống; (2) sử dụng phân Growmore bón cho mía (diện tích 1.030 ha), năng suất mía tăng từ 15-20% so với bón phân đơn truyền thống; (3) khảo nghiệm 01 giống ngô biến đổi gen (diện tích 2 ha), các giống đều cho năng suất vượt từ 10-15% so với các giống đại trà; (4) Sản xuất giống cá Rầm xanh, Anh vũ và cá Chiên bằng phương pháp sinh sản nhân tạo (cá Rầm xanh 500 con; Anh vũ 3000 con; cá Chiên 240 con); (5) Đưa giống keo được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô vào trồng rừng được trên 165 ha; (6) Xây dựng 1 mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây mía theo công nghệ Israel tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên.
- Đã chú trọng nghiên cứu tuyển chọn, chuyển giao, đưa vào sản xuất nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường thông qua các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Hiện nay tỷ lệ sử dụng giống lúa tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đạt trên 85% diện tích3.
- Triển khai các chương trình hỗ trợ máy móc giảm tổn thất sau thu hoạch; tập huấn kiến thức và kỹ năng về sử dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Đưa mức độ bình quân về cơ giới hóa các khâu sản xuất lên 38,1%, tăng 11,2% so với năm 2012 (cơ giới khâu làm đất 80,59%; cơ giới khâu thu hoạch, tuốt, tách hạt 47,93%; cơ giới khâu chăm sóc 16,83%; cơ giới khâu gieo cấy 7,09%). Kết quả đạt được đã góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội được tiếp cận với khoa học và công nghệ mới trong sản xuất.
- Ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới như: Ứng dụng công nghệ kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn để kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, năm 2016 đã thực hiện lắp đặt, kiến cố được trên 35 km kênh mương.
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng như: Ứng dụng phần mềm Geo Survey trong công tác Quản lý bảo vệ rừng. Kiểm tra hiện trạng rừng trên phần mềm LOCUS FREE ứng dụng cho hệ điều hành Androi, có thẻ SD trên smart phone (cài đặt trên điện thoại di động thay máy định vị GPS); Ứng dụng phần mềm Google Earth trong quản lý, giám sát nhân viên tuần rừng; Áp dụng công thức dự báo cháy rừng của Nesterov (chỉ số P) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
-Từ năm 2012 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát phát triển nông thôn  Tuyên Quang thực hiện 11 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, gồm:
- 08 Dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh: (1) Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá Lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo; (2) Ứng dụng các phương thức nuôi cá có hiệu quả trên hồ thủy lợi tỉnh Tuyên Quang; (3)Xây dựng mô hình gây trồng, phát triển mây, tre chuyên canh bền vững trên vùng đồi huyện Chiêm Hóa cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu mây tre, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình; (4) Sản xuất thử hai dòng chim bồ câu Pháp Titan "siêu thịt" và Mimas "siêu sinh sản" nhập nội bằng phương pháp nuôi nhốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; (5) Điều tra, đánh giá hiện trạng các loài động, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm và đưa ra các giải pháp để bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật tại khu rừng đặc dụng Cham Chu, tỉnh Tuyên Quang. (6) Thử nghiệm phân viên nén NPK nhả chậm trên một số cây trồng (lúa, ngô, mía) tại tỉnh Tuyên Quang; (7)Trồng thử nghiệm một số giống chè mới có năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Xiêng khoảng-CHND Lào; (8) Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.   
- 03 Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: (1) Nghiên cứu chọn giống và bổ sung biện pháp kỹ thuật trồng rừng keo Acasia đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về gỗ nguyên liệu; (2) Trồng thử nghiệm cây Macadamia (Macadamia integrifolia) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; (3) Nghiên cứu ứng dụng, sử dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa .
Nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới
 Để góp phần  đưa Tuyên  Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, giai đoạn tới, ngành nông nghiệp tiếp tục xác địnhđẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là khâu then chốt để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản”. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tạo bước đột phá về giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất giống; tưới tiên tiến; sản xuất an toàn sinh học; phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Tăng cường hợp tác công tư, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả.
Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và xây dựng, quảng bá các thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.
Xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giải quyết những yêu cầu bức thiết cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhất là sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; phát triển hạ tầng kỹ thuật khoa học công nghệ, khu công nghệ cao; củng cố hệ thống tổ chức, nhất là hệ thống khuyến nông, thú y trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân về khoa học công nghệ; liên kết trong nước, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.
Chú trọng thực hiện công tác đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

   
 [1]. Gồm: 02 mô hình chè, diện tích 17,64ha với 38 hộ tham gia; 10 mô hình cam, diện tích 131,1 ha với 62 hộ tham gia; 01 mô hình bưởi diện tích 05 ha, với 23 hộ tham gia.
2.  Trong đó: Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm 412 ha, Công ty cổ phần chè Tân Trào 357 ha.     
3.Các giống lúa đang được sử dụng nhiều là: Nhóm giống chất lượng: HT1, Bắc thơm số 7, J02;nhóm nếp: N97, IRi352; nhóm giống năng suất: LS1, Thái  xuyên 111, GS9,BC15, TBR225,  Kim Cương 111; nhóm giống ngắn ngày: Việt lai 20, TH 3-3, Thiên ưu 8...        
Th.S Nguyễn Đại Thành- Phó Giám đốc Sở NN và PTNT  

Lượt xem: 631

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 980223- Đang online : 81