• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Nông - Lâm - Ngư nghiệp2/6/2022 15:41

Mở “lối ra” cho nông sản: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho chế biến sâu

Sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn chủ yếu đang ở dạng sản xuất thô, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng dưới dạng thô, chưa có chế biến sâu, nên giá trị thu về còn thấp. Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ chế biến nông sản cho nông dân?

Đó là câu hỏi của nông dân Nguyễn Thị Trâm (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 diễn ra ngày 29/5 vừa qua tại TP. Sơn La.

Hỗ trợ chế biến nông sản cho nông dân

Chia sẻ với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Trâm bày tỏ: Trước thực trạng hiện nay, một số nghiên cứu cho thấy, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở nước ta hiện rất cao. Ví dụ đối với rau, quả tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch từ 25%-30%, lúa gạo xấp xỉ 14%... Tình trạng này do thời gian qua nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm đến việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp. Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm.



Nông dân Nguyễn Thị Trâm, đến từ xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh


Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng. Công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chỉ đạt ở mức trung bình. Sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10-40% tùy ngành hàng), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú.
Thu hút đầu tư vào chế biến sâu đối với nông sản cũng như ứng dụng công nghệ cao trong chế biến là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp. Nhìn ở góc độ này, với "vựa trái cây" lớn nhất miền Bắc là Sơn La đã có câu chuyện điển hình thành công.

Trong 5 năm qua, UBND tỉnh Sơn La đã có chính sách thu hút đặc biệt đối với những doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và thành quả của các chính sách đó là nhiều nhà máy chế biến đã ra đời tại Sơn La trong thời gian này.

Nổi bật trong số đó là Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.



Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH đi vào hoạt động đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động là bà con nhân dân các dân tộc các vùng trồng cây ăn quả của tỉnh Sơn La


Được biết, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ có công suất chế biến giai đoạn 1 dự kiến là 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược. Tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất vùng Tây Bắc vào thời điểm khánh thành (tháng 9/2020) và là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước cam, nhãn dạng cô đặc. Nhà máy là điểm nhấn quan trọng trong hành trình TH đưa nông dân đi theo chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững tại Sơn La và vùng Tây Bắc.



Với công suất 300 tấn rau quả/ngày, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ nằm trong tốp các nhà máy chế biến có công suất lớn nhất ở Việt Nam.

Để đảm bảo được yêu cầu sản xuất nước hoa quả giữ vẹn nguyên các dưỡng chất tự nhiên và thân thiện với môi trường, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ ghi dấu ấn với các điểm nhấn đặc biệt về công nghệ như công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao không dùng nhiệt với dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới.

Hiện nay, nhà máy tập trung vào chế biến nước ép từ các loại quả như nhãn, cam,..Bên cạnh đó, Nhà máy đang hoàn thiện lắp đặt dây chuyền chế biến quả xoài và nghiên cứu lắp đặt thêm dây chuyền đóng chai, dây chuyền chế biến các loại hoa quả sấy.



Bài toán "được mùa - mất giá" đã được giải quyết, người nông dân Sơn La có đời sống khấm khá.

Trong 2 năm qua, TH đã liên kết chặt chẽ với nông dân các vùng nguyên liệu như Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn (nhãn, cam) và Sông Mã (nhãn). Trong thời gian tới khi chế biến quả xoài và các sản phẩm sấy, Nhà máy sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu đến huyện Yên Châu, Mường La và các huyện khác.

Chế biến nông sản: Kiến nghị về chính sách, chứ không chờ chính sách

Có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Về chế biến đúng là thời gian trước là chế biến thô, nhưng chúng ta thấy rõ ràng ở những gian hàng OCOP chúng ta vừa đi thăm đã bắt đầu chuyển qua chế biến nhiều. Chúng ta hãy bắt đầu từ thay đổi ý tưởng và từ đó chúng ta làm".



Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

"Tôi sẵn sàng tiếp đại biểu Nguyễn Thị Trâm và các đại biểu tại Bộ để chúng ta có thể bàn tiếp về ý tưởng để thấy rõ cần bắt đầu từ đâu, sau đó có doanh nghiệp chế biến nông sản. Từ mô hình đó để chúng ta kiến nghị về chính sách, chứ không phải chúng ta chờ chính sách", người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: Xác định lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Như vậy, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu tạo chuỗi sản xuất khép kín cũng là cách để hỗ trợ nông dân- đưa người dân vào chuỗi sản xuất này như câu chuyện điển hình của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Cùng với đó, để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, an toàn, bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm nguồn cung vật tư nông nghiệp và đầu vào thiết yếu phục vụ sản xuất; hỗ trợ gián tiếp thực hiện thông qua các chính sách về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu đãi thuế cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp...



Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics.

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân trong lúc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời gian phòng chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics.

Theo Dân Việt

Lượt xem: 353

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 988771- Đang online : 52