• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Nông - Lâm - Ngư nghiệp18/5/2017 15:36

Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn, nông dân trí thức

Sau 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2011-2016), diện mạo nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên. Đạt được thành tịu ấy có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của của người dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, nhất là những trí thức trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trí thức là cán bộ xã, thôn, bản và những nông dân trí thức.

 1. Vai trò của trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nói riêng.
     Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, trí thức luôn là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Cha ông ta từ xưa đã khẳng định:“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”(1). Kế thừa triết lý đúng đắn đó và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin về trí thức vào thực tiễn Việt Nam, Đảng, Bác Hồ có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn  nên đã tập hợp, động viên, đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo, góp phần đặc biệt quan trọng cùng dân tộc làm cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Gần đây nhất, BCHTW Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-TW, nghị quyết chuyên đề, toàn diện nhất từ trước tới nay về đội ngũ trí thức, nhấn mạnh:“Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lương nòng cốt sáng tạo và truyền bá trí thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển” và “Trí thức là lực lượng sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.(2)
     Thực hiện đường lối của Đảng về phát triển đội ngũ trí thức trong điều kiện một tỉnh miền núi, Tuyên Quang đã tích cực chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức. Nếu trước năm 1945, khi còn nằm trong sự chiếm đóng của thực dân Pháp, toàn tỉnh chỉ có 6 trường tiểu học (có 1 trường dành cho con em người Pháp) với vài trăm học sinh và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp (Trường Canh nông Tuyên Quang) với vài chục học sinh thì nay, toàn tỉnh đã có 335 trường phổ thông với gần 13 vạn học sinh; 2 trường trung cấp, 1 trường cao đẳng, 1 trường đại học với trên 7500 học sinh. Đội ngũ trí thức (chỉ tính những người có trình độ đại học trở lên) khoảng  15 vạn người, trong đó số có trình độ trên đại học hơn 1000 người. Đội ngũ trên  hiện đang làm việc tại các địa bàn và trong tất cả các lĩnh vực vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; đã và đang đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh, trong đó có chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà chương trình xây dựng NTM là một  trọng tâm.
      2. Vì sao xây dựng NTM lại phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn, nông dân trí thức.
     Hiện nay, thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) thì vai trò của trí thức càng trở nên đặc biệt quan trọng.
     Để bàn thảo về xây dựng NTM gắn với “xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn và nông dân trí thức”, chúng ta cùng điểm lại những kết quả chủ yếu đạt được của tỉnh  qua 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM (2011-2016).
      Tỉnh có 141 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 129 xã. Hết 2016 có 16 xã đạt chuẩn NTM (12,4%), 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (3,1%), 63 xã đạt 10-14 tiêu chí (48,8%), 46 xã đạt 5-9 tiêu chí (35,6%), không có xã dưới 5 tiêu chí. Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40 xã đạt chuẩn NTM, bằng 31 % tổng số xã.
     Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình nông thôn mới 8.791,464 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của nhân dân 908,093 tỷ đồng, bằng 8,79%.
      Chương trình xây dựng NTM đã huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và là chương trình  huy động đông đảo nhất  nông dân, đội ngũ cán bộ thôn, xã tham gia trực tiếp. Tỉnh cũng huy động đông đảo đội ngũ trí thức tham gia trực tiếp vào chương trình, tập trung vào các việc: Lập qui hoạch, kế hoạch triển khai, xây dựng cơ chế, chính sách; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện...
     Qua 6 năm thực hiện, bên cạnh mặt được cũng bộc lộ vấn đề là: Kiến thức và phương pháp tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ ở xã, thôn, của người dân về chương trình xây dựng NTM còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về qui hoạch, kế hoạch, xây dựng giải pháp, kiến thức về quản lý và kỹ thuật sản xuất của người dân, về nguồn lực và huy động nguồn lực; … Vì vậy muốn xây dựng NTM thành công, bền vững cần giải quyết đồng bộ nhiều khâu, trong đó có vấn đề (có thể đây là vấn đề quan trọng gốc của mọi vấn đề)  là phải xây dựng  được đội ngũ cán bộ xã, thôn có kiến thức chuyên môn, có trình độ tổ chức và quản lý tương ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung chương trình xây dựng NTM; phải có những nông dân có kiến thức cần thiết về quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng của mình (cánh đồng ở đây hiểu theo nghĩa rộng có thể là cánh đồng sản xuất cây ngắn ngày, dài ngày, cây lâm nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, dịch vụ cho chương trình xây dựng NTM). Sở dĩ xây dựng NTM phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn, nông dân trí thức là do:
      Một là: Do vai trò, vị trí của nông thôn. Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa X) đã chỉ rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước” (3)
     Với địa bàn rộng, dân số đông, nông thôn là địa bàn chiến lược, nơi cung ứng nhân lực, tài nguyên, bảo tồn sinh thái, không gian cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của đất nước cũng như các địa phương.
     Để nông thôn đảm nhiệm đươc vị trí chiến lược nêu trên cần phải phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chương trình xây dựng NTM theo 19 tiêu chí qui định tại Quyết định Số 1980/QĐ-TTg của Chính phủ một cách bền vững là một trong tâm (và chắc theo thời gian, bộ tiêu chí này còn phải nâng cao về độ chuẩn đạt được).
     Chương trình xây dựng NTM là chương trình do dân tự chọn, trực tiếp thực hiện, hưởng lợi. Để thực hiện thành công rất cần có đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở nông thôn, đó là đội ngũ cán bộ xã, thôn và người dân trực tiếp làm nông nghiệp có trình độ chuyên môn (về quản lý, kỹ thuật …) tương ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, hay nói cách khác là “cần phải có đội ngũ trí thức ở nông thôn”.
     Hiện nay nông thôn Tuyên Quang chiếm khoảng 85% dân số và 64% lao động toàn tỉnh, phần kinh tế nông nghiêp trong khu vực nông thôn (chưa tính công nghiệp và dịch vụ trong khu vực này) chiếm tỷ trọng khoảng 32% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn; là nơi cung cấp hầu hết lao động, nguyên nhiên liệu cho công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, là không gian để mở rộng đô thị, phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh…
    Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ trước năm 2000, Tuyên Quang đã chú trọng xây dựng “đội ngũ trí thức ở nông thôn”  và  công  việc  này  càng  được đẩy  mạnh khi thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCHTWW Đảng (khóa X), Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Chính phủ.  Tỉnh đã  mở các lớp đào  tạo cán bộ  có trình  độ  đại học cho cán bộ chủ chốt xã, trước hết là các chức danh Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND, cán bộ khuyến nông, địa chính, tư pháp, xây dựng (chủ yếu giao thông, thủy lợi), bố trí cán bộ có trình độ đại học về làm việc tại cấp xã. Các Trưởng thôn nhiều người đã học tại các Trường trung cấp trong và ngoài tỉnh.  Song song đó là đội ngũ cán bộ khuyến nông được  tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, được trang bị phương tiện cần thiết, bố trí đến các xã, thôn. Vì vậy đến nay cán bộ  các chức danh chủ chốt  ở cấp xã của tỉnh có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 58,68%, số còn lại hầu hết có trình độ trung cấp; 2,83% cán  bộ thôn  có  trình độ cao đẳng trở lên, 7,66% có trình độ trung cấp. Chính nhờ có đội ngũ  cán bộ  cấp  xã, thôn có trình độ như trên nên khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, họ trực tiếp lập chương trình, qui hoạch, kế hoạch, tổ chức và hướng dẫn nông dân thực hiện có hướng dẫn, giúp đỡ của cấp huyện và chính vì có nền tảng cán bộ được đào tạo như  vậy nên từ trước năm 2000, tỉnh đã giao cho xã làm chủ đầu tư các công trình XDCB ở cấp xã như chương trình định canh, định cư, CT 135 ... Tuy đạt được kết quả về xây dựng NTM và có đội ngũ cán bộ thôn, xã có trình độ như trên song với hoàn cảnh là một tỉnh miền núi, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM và kết quả đạt được ở Tuyên Quang không phải là  hoàn toàn thuận lợi, dễ dàng mà là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, vượt qua không ít khó khăn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng thực hiện người dân, sự giúp đỡ của TW.
      Hai là: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp không thể tự cấp, tự túc, thủ công, manh mún mà phải tiến tới  sản xuất lớn, hàng hóa, công nghệ cao, là sản xuất theo chuỗi giá trị… tất cả những vấn đề trên đòi hỏi nông dân phải có trình độ tiếp cận, vận dụng kiến thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, trình độ quản lý kinh tế, hiểu biết về chính trị, pháp luật, văn hóa, xã hội… có như vậy mới hòa nhập được với hội nhập trong nước và quốc tế; mới có cơ sở, nền tảng vững chắc để  đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển hiện đại, hài hòa, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, phát huy và làm giầu bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, môi trường sinh thái được giữ gìn, bảo vệ, tạo nền tảng kinh tế - xã hội - chính trị nông thôn vững mạnh để đi vào hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
      3.Về các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn, nông dân trí thức.
      Các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 26/NQ-TƯ và Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCHTW (Khóa X), Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện 2 nghị quyết trên đã chỉ rõ các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng đội ngũ trí thức. Trong phạm vi bài này chỉ xin nêu ý kiến về xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn, nông dân trí thức:
     - Về xây dựng đội ngũ trí thức cán bộ xã: Hiện nay các chức danh công chức xã đã nằm trong biên chế. Tỉnh cần rà soát, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để có được  đội ngũ cán bộ  có trình độ  đại học trở lên. Những cán bộ tuổi còn trẻ chưa có trình độ đại học cần thiết phải bố trí đi học trước để có trình độ đại học, phần việc đang đảm nhiệm giao cán bộ khác tạm kiêm nhiệm. Hiện nay ở nông thôn còn khá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Có thể có xã có nguồn, có xã thiếu nguồn nhưng hiện nay chúng ta thi tuyển công chức xã nên nguồn tuyển không chỉ lấy tại xã đó mà mở rộng đến các xã khác do đó không thiếu nguồn.
      - Về xây dựng đội ngũ trí thức cán bộ thôn:
      Hiện nay cán bộ thôn được nhà nước trợ cấp kinh phí hàng tháng tùy theo các chức danh đảm nhiệm (trưởng thôn 1,3 triệu đồng/tháng).  Tuy không phải là một cấp hành chính song cán bộ  thôn  là  người  trực tiếp truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến dân, va chạm với dân hàng ngày. Họ còn là người cùng cán bộ khuyến nông tổ chức, hướng dẫn nông dân ứng  dụng các tiến  bộ  
khoa học và kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy đội ngũ này cũng rất cần chọn lựa để từng bước đào tạo, bồi dưỡng để họ có nền kiến thức chuyên môn cần thiết, tiến tới có trình độ cao đẳng, đại học. Cần có kế hoạch bố trí ngân sách để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã, thôn với lộ trình phù hợp.
     -Về xây dựng đội ngũ nông dân trí thức: Nông nghiệp tất yếu sẽ phải tiến lên hình thức sản xuất theo mô hình trang trại, doanh nghiệp, là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch chứ không thể cứ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Một người nông dân nếu chỉ canh tác trên 1, 2 sào ruộng thì không thể có lãi, khó có thể  áp dụng các hình thức canh tác hiện đại được nhưng nếu sản xuất trên cánh đồng vài ha nhất định sẽ có điều kiện áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sẽ có lãi. Hơn nữa đã sản xuất hàng hóa phải gắn với nhu cầu thị trường (trong, ngoài nước), phải có liên kết trong sản xuất (với nhà khoa học, nhà cung cấp vốn, doanh nghiệp);  người nông dân phải có trình độ hiểu biết về khoa học và kỹ thuật, về hạch toán kinh tế,  thị trường… Vì vậy để có đội ngũ “nông dân trí thức”, cần làm cho các bậc phụ huynh hiện nay và cả số sinh viên nông thôn đi học các trường cao đẳng, đại học trong, ngoài nước nhận thức được là: Đi học đại học trước hết là có kiến thức để lập nghiệp, không nhất thiết cứ  làm việc trong khu vực Nhà nước, các khu công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ mới bõ công học tập mà lập nghiệp ngay tại nông thôn quê hương mình, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một lựa chọn; quan trọng là lĩnh vực nào tạo được việc làm và làm giầu cho bản thân, gia đình, góp phần làm giầu cho xã hội đều tốt.  Để có nhiều trí thức về nông thôn, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần khuyến khích, tôn vinh các trí thức về xây dựng nông thôn và nhà nước, tỉnh cần có chính sách khuyến khích khởi nghiệp cho các doanh nhân trẻ tổ chức sản xuất nông nghiệp để họ có cơ hội làm giầu từ nông nghiệp ngay tại quê hương, nơi họ sinh ra, lớn lên với bao kỷ niệm và những năm tháng cùng cha mẹ lặn lội nắng mưa trên đồng ruộng, cánh rừng. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả nông dân đều phải đào tạo trở thành trí thức nhưng những nông dân sản xuất lớn thì rất cần là nông dân trí thức.
       (1) Phạm tất Dong: Trí thức Việt Nam, thực tiễn và triển vọng, Nxb Chính trị quốc gia 1995.
       (2) Nghị quyết 27-NQ/TW, Hội nghị BCHTW Đảng (khóa X).
       (3) Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị BCHTW Đảng (khóa X).
Giang Văn Huỳnh, Chủ tịch LHCHKH&KT tỉnh
 
 
     
 

Lượt xem: 532

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 971298- Đang online : 413