Xây dựng nền nông nghiệp đô thị - sinh thái bền vững, phù hợp với đặc điểm thành phố Tuyên Quang
Cùng với quá trình hình thành và phát triển đô thị, nông nghiệp đô thị hình thành, phát triển và trở thành xu thế tất yếu. Ở nước ta, những năm gần đây, nông nghiệp đô thị đã được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm và đạt được kết quả nhất định.
Tại thành phố Tuyên Quang, tuy chưa có chủ trương, chính sách, đề án cụ thể nào về phát triển nông nghiệp đô thị nhưng thực tế đang hình thành nền nông nghiệp đô thị. Để nông nghiệp đô thị tại thành phố Tuyên Quang phát triển bền vững, hiệu quả, rất cần có chủ trương, chính sách, chương trình, đề án phát triển của tỉnh, thành phố về vấn đề này.
Hiện nay chưa có một khái niệm thống nhất ở nước ta nông nghiệp đô thị là gì? Tuy vậy các nhà nghiên cứu về nội dung này cơ bản đều có chung cách hiểu: “Nông nghiệp đô thị là quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp từ nguyên liệu, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm phù hợp với đất đai, khí hậu, thủy văn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo ra năng suất, chất lượng vượt trội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống trong lành. Quá trình này được diễn ra ở các vùng xen kẽ hay tập trung ở đô thị bao gồm nội đô, vùng giáp ranh và cả ngoại ô”.(*)
Ở nước ta trong những năm gần đây, nông nghiệp đô thị đã được nhiều địa phương quan tâm xây dựng, phát triển, điển hình: Ở phía Bắc có Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Yên Bái; ở miền Trung và Tây Nguyên có các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; ở phía Nam có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp…Các địa phương trên đã đề ra chủ trương, chương trình, có nơi xây dựng thành đề án và có cơ chế, chính sách thực hiện, đạt được những kết quả ban đầu.
Dù mức độ phát triển, hiệu quả đạt được có khác nhau nhưng nông nghiệp đô thị ở các địa phương trên đều có chung đặc điểm:
1.Nông nghiệp đô thị có sự liên kết theo không gian: giữa đô thị và nông thôn, giữa không gian hành chính và không gian kinh tế; có vai trò định hướng đến hoạt động nông nghiệp ở các vùng phụ cận; có mối quan hệ cân bằng sinh thái.
2.Nông nghiệp đô thị mang đặc điểm của nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn.
3.Năng suất cây trồng, vật nuôi có thể thấp hơn nông nghiệp thâm canh nhưng giá trị sử dụng cao hơn.
Những năm qua, phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn luôn được thành phố Tuyên Quang quan tâm, gắn với đẩy mạnh phát triển triển công nghiệp và dịch vụ. Đã thực hiện qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của thành phố và các xã, phường giai đoạn 2011-2020; qui hoạch cây xanh đô thị; qui hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2011-2015 đã hỗ trợ 25 dự án và mô hình sản xuất nông lâm nghiệp với số vốn hỗ trợ trên 1400 triệu đồng. Chọn 6 xã để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đến cuối năm 2014 đã có 1 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Tuy thành phố chưa có chương trình hay dự án phát triển nông nghiệp đô thị nhưng trong thực tế tại thành phố đang hình thành nền nông nghiệp đô thị. Có thể thấy nông nghiệp ở thành phố Tuyên Quang đang từng bước chuyển sang nông nghiệp đô thị ở các nhận dạng sau:
- Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch khá rõ nét theo hướng sản xuất các cây, con có giá trị sử dụng cao, gắn với áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm: Ở vùng nội thị, do đất sản xuất nông nghiệp ít, không tập trung, xen kẽ giữa các khu dân cư, cơ cấu cây trồng chủ yếu là cây thực phẩm, cây hoa, cây cảnh; hầu hết các gia đình không tổ chức chăn nuôi. Các vật nuôi như chim, cá cảnh, sinh vật cảnh khác có chiều hướng phát triển. Có gia đình tận dụng những mảnh đất nhỏ xen kẹp, thậm chí như mái tầng thượng cho đất vào hộp xốp, chậu sành, nhựa, làm dàn trồng cây thực phẩm, trồng nấm, có hộ nuôi gia cầm để tạo thực phẩm “sạch”. Ở vùng ngoại thị, cơ cấu cây trồng, vật nuôi cơ bản vẫn là cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp…nhưng cơ cấu giống, công nghệ canh tác, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm đã có những chuyển đổi rõ nét theo hướng giống tốt, chất lượng, giá trị sử dụng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
- Trong cơ cấu sử dụng đất, xu hướng đất canh tác nông nghiệp giảm dần, đất chuyên dùng, trong đó có đất ở đô thị tăng lên. Theo số liệu do Cục Thống kê tỉnh phát hành năm 2015, đất nông nghiệp ở thành phố Tuyên Quang năm 2013 đã giảm 197 ha so với năm 2009, đất chuyên dùng năm 2013, trong đó có đất ở đô thị tăng 22 ha so với 2009. Ngay trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, đất cây lương thực giảm dần, thay vào đó là cây thực phẩm, cây ăn quả, hoa, cây cảnh… Đã bắt đầu hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến; các gia trại theo kiểu nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng, hay còn gọi là nông nghiệp sinh thái, nghỉ dưỡng và đây cũng là tiền đề có thể nâng cấp thành cơ sở du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong tương lai. Nhìn chung, nông nghiệp tại thành phố Tuyên Quang đã bắt đầu phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị và đây là xu hướng phát triển đúng. Theo số liệu thống kê năm 2014, giá trị sản phẩm thu được trên ha trồng trọt tại thành phố Tuyên Quang đạt 63,7 triệu đồng/ha tăng 72,16% so với năm 2010; giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt 121 triệu đồng/ha, tăng 22,7% so với 2010. (theo giá hiện hành),
Cùng với chức năng là đơn vị hành chính, kinh tế như các đơn vị hành chính khác thuộc tỉnh, Thành phố Tuyên Quang còn là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, mọi phát triển của thành phố đều có mối liên hệ và tác động đến các huyện, vùng trong tỉnh.Trong quá trình phát triển, quá trình đô thị hóa ở thành phố Tuyên Quang sẽ tiếp tục diễn ra nhanh hơn các huyện. Đô thị hóa diễn ra trong điều kiện tiền công nghiệp hóa ít gắn với các yếu tố nội tại làm động lực cho kinh tế thành phố phát triển; một phần đất nông nghiệp chuyển sang phục vụ xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư tập trung… và do đó một bộ phận lao động nông nghiệp thiếu hoặc không còn đất sản xuất phải chuyển đổi ngành nghề, thành dân nội đô trong điều kiện trình độ, vốn liếng sản xuất, kinh nghiệm thích ứng với lối sống đô thị, công nghiệp hạn chế. Những vấn đề trên dẫn đến tăng áp lực về giải quyết việc làm, cung ứng lương thực, thực phẩm, về môi trường…Vì vậy cần có những giải pháp để phát triển đô thị bền vững và một trong các giải pháp đó là phát triển nền nông nghiệp đô thị, tiến tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững.
Nông nghiệp đô thị gắn chặt với hệ thống kinh tế - xã hội, chịu sự tác động bởi qui hoạch, kế hoạch, chính sách và nhu cầu của đô thị, hơn thế có mặt còn là nhu cầu của cả tỉnh. Đối với thành phố Tuyên Quang, để phát triển nền nông nghiệp đô thị bền vững xin đề xuất quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
1. Rà soát lại qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đó lập qui hoạch, có kế hoạch sử dụng đất hợp lý với từng vùng trong thành phố. Qui hoạch là bước đi đầu tiên, là cơ sở để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của thành phố theo hướng tập trung, chuyên canh, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; gắn phát triển nông nghiệp đô thị với xây dựng nông thôn mới bền vững.
2. Có chính sách mạnh hơn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất với công nghệ tiên tiến; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao.
3. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới, trọng tâm là tạo, chọn giống, nhân giống, qui trình sản xuất thương phẩm, qui trình thu hoạch, xử lý, bảo quản, vận chuyển sản phẩm… đây là việc làm cần thiết, hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến quá trình chuyển đổi từ một nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị.
4. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
5. Có giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp đô thị; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững.
6. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống khuyến nông nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến các chủ thể sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp.
Nông nghiệp đô thị là loại hình sản xuất mới. Sản xuất sạch, hiện đại, sinh thái bền vững và tạo ra hàng hóa có giá trị thương phẩm cao, là con đường đi tất yếu của nông nghiệp đô thị. Hiện nay tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng để xây dựng nền nông nghiệp đô thị và xây dựng thành phố Tuyên Quang phát triển nhanh theo cơ cấu Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ - Nông Lâm nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành đô thị loại II vào năm 2020 như nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đề ra, xứng tầm là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, rất cần tỉnh, thành phố có chủ trương, chính sách cụ thể, hợp lý, hài hòa để phát triển thành phố Tuyên Quang, trong đó có phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững.
Lượt xem: 750
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"