• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Nông - Lâm - Ngư nghiệp6/10/2016 15:8

Phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa tại Tuyên Quang

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển, đổi thay trong nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội của Tuyên Quang, kinh tế trang trại đã hình thành và không ngừng được mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển của kinh tế trang trại ở tỉnh miền núi đã góp phần thúc đẩysản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của nông sản, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, có hộ trở thành triệu phú...

Bước đi ban đầu
Với đặc thù là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên trên 5867 km2, trong đó có  trên 70% diện tích là đồi núi,  đất nông lâm nghiệp chiếm trên 90% diện tích.  Nhìn lại hơn 30 năm về trước, sản xuất lương thực của tỉnh không đủ ăn, bình quân lương thực chưa đạt 300 kg/người, thực phẩm khan hiếm, tình trạng phá rừng làm nương khá phổ biến ở nhiều huyện, nhiều xã đó cũng là thực trạng chung của đất nước những năm trước đổi mới. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện của đất nước. Sau Đại hội VI, nhất là từ năm 1989 tiến trình đổi mới diễn ra toàn diện. Một số chính sách quan trọng  liên quan đến phát triển kinh tế trang trại đã được ban hành thời kỳ này, như: Luật bảo vệ và phát triển rừng (1991); Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; Luật đất đai (1993); Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, khoán đến hộ gia đình, kinh tế hộ bắt đầu được hình thành. Nhiều gia đình mạnh dạn nhận đất trống, đồi trọc để trồng rừng, trồng cây ăn quả như  cam sành, mơ lai, nhãn, vải; đào ao nuôi cá, chăn nuôi lợn, trâu, bò, dê và gia cầm…khi đó kinh tế trang bắt đầu được khởi xướng…
Tuy nhiên, do thời gian đầu không có định hướng đầy đủ của các cơ quan chuyên môn, nhiều chủ hộ trong tỉnh thiếu hiểu biết về kinh tế trang trại,  một số làm theo phong trào, chủ yếu tập trung vào trồng bạch đàn, mơ lai, vải thiều, nhãn thực sinh,  đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước sau hội nhập, hàng hóa nông sản của nhiều nước được nhập về bán tại thị trường nội địa, nhất là nông sản của Trung Quốc, dẫn đến nhiều trang trại bị thua lỗ, sản phẩm làm ra chất lượng kém và số lượng ít nên không  bán được trên thị trường…
Ghi nhận sự đóng góp của kinh tế trang trại, đồng thời tạo điều kiện để phát triển kinh tế trang trại. Ngày 02/02/2000, Chính phủ ban hành  Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại, theo đó kinh tế trang trại được hiểu là:  hình thức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Những kết quả đạt được
Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn, tính đến 31/12/2015, toàn tỉnh có 358 trang trại, trong đó huyện Chiêm Hoá  có 52 trang trại, Hàm Yên  có 114 trang trại, Yên Sơn có 57 trang trại, Sơn Dương có 133 trang trại, Na Hang có 1 trang trại, thành phố Tuyên Quang có 1 trang trại. Loại hình trang trại chăn nuôi chiếm số lượng lớn nhất với 138 trang trại, trồng trọt đứng thứ hai với 118 trang trại, trang trại tổng hợp có 97, trang trại lâm nghiệp có 4 và trang trại thủy sản có 1.
Tổng diện tích đất các trang trại đang sử dụng 1.615,82 ha; bình quân 4,51 ha/trang trại, trong đó: Diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 450,61 ha; diện tích đất được giao khoán ổn định: 949,54 ha; diện tích đất khác (mượn, liên doanh, khác): 215,67 ha. Các trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp có chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi lợn (lợn sinh sản, lợn thịt) quy mô chủ yếu từ 200 con trở lên, gia cầm (gà, vịt, bồ câu) quy mô chủ yếu từ 1.000 con trở lên.
Có 337 chủ trang trại  xuất thân từ nông dân có ý chí làm giàu, có hiểu biết nhất định về kinh tế thị trường, có 21 chủ trang trại  là cán bộ hoặc công nhân, viên chức nghỉ hưu. Các loại hình trang trại phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Tổng số lao động làm việc tại các trang trại năm 2015 là 3.345 người, trong đó lao động thường xuyên là 595 lao động, còn lại lao động của gia đình và lao động thuê theo thời vụ. Bình quân mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 9 lao động. Lao động tự có của gia đình chủ trang trại chủ yếu thực hiện việc quản lý sản xuất kinh doanh chung của trang trại, còn lao động làm việc của các trang trại trực tiếp thực hiện sản xuất, được thuê khoán công việc và trả công theo thỏa thuận. Các trang trại chăn nuôi, tổng hợp và lâm nghiệp chủ yếu thuê lao động với thời gian khá thường xuyên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Bên cạnh nguồn vốn tự có, các chủ trang trại đã huy động thêm các nguồn vốn khác để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại. Đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư của các trang trại là 365,74 tỷ đồng, bình quân 1,02 tỷ đồng/trang trại. Nguồn vốn tự có chiếm số lượng lớn với 312,64 tỷ đồng, chiếm 85,48%, vốn vay 52,82 tỷ đồng.
 Về kết quả sản xuất kinh doanh có sự khác nhau giữa các loại hình trang trại. Các trang trại trồng trọt chủ yếu là trồng các loài cây ăn quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Cam sành, bưởi; đây là những loại trái cây đã và đang được tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và đã được khẳng định thương hiệu tại một số thị trường trong và ngoài tỉnh. Một số trang trại đầu tư trồng cây lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi hoặc trồng cây ngắn ngày dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài; một số trang trại trồng những loài cây khác như: Chanh tứ thì, Phật thủ...Các trang trại tổ chức chăn nuôi chủ yếu là nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, gia cầm; một số chăn nuôi trâu, bò và một số ít chăn nuôi dê, lợn đen. Tổng doanh thu năm 2015 của các trang trại là 410,63 tỷ đồng, bình quân đạt 1,14 tỷ đồng/trang trại. Lãi của các trang trại đạt 112,50 tỷ đồng; bình quân đạt 314,3 triệu đồng/năm/trang trại. Các trang trại đều sản xuất kinh doanh có lãi, đặc biệt có lãi cao là các trang trại trồng trọt ( trồng cam, trồng bưởi) ở huyện Hàm Yên,  Yên Sơn và trang trại chăn nuôi ở huyện Sơn Dương.
Ngoài ra,  nhiều trang trại, gia trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ, kỹ thuật cho nông dân trong vùng, tạo nguồn cung ổn định cho các cơ sở chế biến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ thị trường.
Những điển hình làm kinh tế trang trại trong tỉnh phải kể đến: Ông Trình Ngọc Huynh xã Yên Lâm (Hàm Yên) với 51 ha rừng, trên 10 ha cam sành doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng; Ông Nguyễn Văn Dầu xã Phúc Ninh( Yên Sơn)  với gần 20 ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi và cam đường canh cho doanh thu gần 2 tỷ/năm; Hộ bà Tạ Thị Kiều xã Hợp Thành, Hộ ông Nguyễn Tiến Mạnh xã Sơn Nam (Sơn Dương) chăn nuôi lợn thịt doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm...
Những vấn đề còn tồn tại
Tuy kinh tế trang trại của tỉnh đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục, đó là: Các chủ trang trại đều chưa qua các lớp đào tạo về quản lý kinh tế, kỹ thuật nên trình độ quản lý còn hạn chế, kiến thức kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi chưa toàn diện; nhiều người chưa nắm được cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại. Hầu hết các trang trại có quy mô diện tích dưới mức hạn điền, có nguồn gốc đa dạng, đã gây không ít khó khăn trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất để phát triển kinh tế trang trại. Mặt khác, các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thoả thuận giữa hai bên, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng còn ít. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, chế biến, bảo quản, hệ thống thuỷ lợi, điện, thị trường… làm cho không ít trang trại gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến  cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, chưa có nhiều  trang trại thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải ở một số trang trại chăn nuôi  nhất là nuôi lợn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức ở một số  trang trại trồng cây ăn quả đang là vấn đề  bức xúc với nhiều hộ sống liền kề…
Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại
Để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh nhà, đặc biệt khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã lựa chọn “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực”  là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh, một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện đó là:
1. Các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho các chủ trang trại tiếp cận được với cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 và Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 của UBND tỉnh. Cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Trên cơ sở xác định các vùng phát triển trang trại, các địa phương cần công bố quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở  chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây, con… đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất của trang trại.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý,  kiến thức về thị trường cho các chủ trang trại và người lao động trong các trang trại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Khuyến nông và Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất (đối với các trang trại chăn nuôi khuyến cáo tăng cường việc ứng dụng sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hầm bể Biogas, ủ phân bằng các chế phẩm.... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập); đồng thời khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trang trại hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo cho sản phẩm của các trang trại có thị trường ổn định, lâu dài, chủ trang trại yên tâm đầu tư, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các trang trại.
3. Đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích đất đủ điều kiện để các chủ trang trại  yên tâm đầu tư phát triển trang trại. Tiếp tục  rà soát và cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các cơ sở sản xuất đủ điều kiện theo quy định để các trang trại có cơ hội tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới....
4. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước...


ThS.Nguyễn Đại Thành- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh

 

Lượt xem: 651

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2179944- Đang online : 516