• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Nông - Lâm - Ngư nghiệp20/11/2021 13:44

Người xứ Tuyên làm kinh tế hợp tác (Bài 1): Phát triển nông nghiệp bền vững

Để đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng nông thôn miền núi sớm vươn lên thoát nghèo, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX phát triển, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, thực tế, nhiều HTX vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực hơn, nhằm giúp các HTX phát triển bền vững.

Từng bước cải thiện cuộc sống

Trời gần trưa những ngày cuối tháng 6 nắng như đổ lửa, nhưng trên cánh đồng của thôn Hòa Bình, xã Thái Long, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, chị Hà Thị Hường vẫn cần mẫn nhặt từng cây cỏ trong vườn trồng bạc hà. 

Chị Hường là người dân tộc Tày, quê ở Phú Thọ, lấy chồng và về làm dâu ở Tuyên Quang gần 20 năm nay. Chị kể, trước đây, ngoài làm hơn 1 mẫu ruộng đất bãi bồi ven sông Lô để trồng ngô, bình quân thu nhập mỗi năm được khoảng 15 triệu đồng, thời gian rảnh rỗi, ai thuê làm việc gì chị cũng nhận để có đồng ra đồng vào. Thế nhưng, thu nhập không ổn định, cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn. Để cuộc sống thay đổi tích cực, gia đình rất muốn chuyển đổi diện tích cây trồng nhưng cũng chưa tìm được cơ hội.

Năm 2019, chị Hường được HTX nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang vận động chuyển đổi cây trồng phù hợp, qua đó nâng cao giá trị và thu nhập trên cùng diện tích đất. Theo giao ước được ký kết, HTX sẽ cung cấp giống, bán chịu phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra của sản phẩm, nên gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng sang trồng cây bạc hà và húng quế.


Chị Hà Thị Cần (áo xanh) hy vọng việc chuyển đổi sản xuất sẽ mang lại đời sống ấm no cho gia đình.
 

 

Chị Hường cho biết, do được hướng dẫn về kỹ thuật nên việc chăm sóc cây bạc hà, húng quế không gặp khó khăn. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ hơn 3 tháng sau gieo hạt đã cao hơn 1m và trổ hoa. 

“Cây bạc hà trồng một lần cho thu hoạch 3 lứa/năm, rồi cày xới lại trồng lứa mới. Với giá cả ổn định và được thu mua cả gốc đến lá, nên ngay trong năm đầu tiên đã cho gia đình thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng ngô trước đây”, chị Hường nói.

Thấy việc trồng cây bạc hà cho hiệu quả thu nhập cao so với trồng ngô, lại ổn định đầu ra, chị Hường đã vận động em gái mình là chị Hà Thị Cần chuyển đổi gần 1 mẫu đất bãi trồng ngô sang trồng cây bạc hà.

Trò chuyện với phóng viên, chị Cần cho biết, sau hơn 3 tháng trồng, đến nay cây đã cao khoảng 1m, trổ hoa lần thứ nhất, dù thời tiết năm nay nắng nóng khắc nghiệt.

“Cây tốt thế này, lại có HTX thu mua, chúng tôi hy vọng sẽ có nguồn thu nhập ổn định lâu dài”, chị Cần chia sẻ.

Lợi ích thấy rõ từ liên kết

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang cho biết, thời tiết càng nắng nóng thì tinh dầu của cây bạc hà càng bốc lên thân và ngọn cây; thời tiết mát mẻ, mưa thì tinh dầu lại “chui xuống gốc”. Do vậy, để có chất lượng, hiệu quả thì cây bạc hà phải được thu hoạch vào thời tiết nắng nóng và phải sau 3 đợt cây nở hoa và xoăn lá.

Chị Hiền kể, bản thân chị là con gái Tuyên Quang gốc. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị theo người thân xuống Hà Nội học tiếng rồi vào làm cho cho một công ty của Trung Quốc với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Để thay đổi môi trường, chị đã xin chuyển sang làm việc cho công ty tài chính của Anh tại Hà Nội, rồi sau đó cùng người bạn thành lập công ty chuyên về sản xuất, chế biến gỗ với vai trò là giám đốc...

Thu nhập cao, kinh tế ổn định, nhiều lần từ Hà Nội về quê, chị nhận thấy đồng đất ngoại thành xứ Tuyên còn nhiều, người dân lại khai thác chưa thực sự hiệu quả. Trước đó, trong quá trình làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước, chị biết được thế mạnh của quê mình, đồng thời cũng có mối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm được tinh chế, chiết xuất thành dầu rất được ưa chuộng. Với khát vọng phải làm gì đó cho bà con, chị Hiền đã quyết định trở về quê để thử nghiệm làm nông nghiệp, với cây bạc hà, cây húng quế và sa chi.

Năm 2018, chị Hiền kết hợp với 7 thành viên có diện tích đất để thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang. Tổng diện tích đất trồng cây bạc hà, cây húng quế là 4ha tại xã Thái Long và xã An Khang, TP Tuyên Quang; và liên kết trồng 6 ha cây sa chi tại xã Tân Trào (huyện Sơn Dương), nơi hầu hết là đồng bào dân tộc Dao và Nùng sinh sống.

Theo chị Hiền, trước đây, đời sống của người dân xã Tân Trào còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và khai thác dịch vụ du lịch homestay. Sau khi trở thành thành viên liên kết của HTX để trồng và khai thác sa chi, 12 hộ đã có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được thay đổi, bởi toàn bộ sa chi được HTX thu mua, tinh chế để cung cấp cho một số doanh nghiệp bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Nhờ sản phẩm chất lượng, làm tốt thị trường nên năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và thương mại, HTX vẫn thu mua, tinh chế toàn bộ diện tích cây trồng của các thành viên, lợi nhuận của HTX đạt hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Bước đầu thành công đã đến, nhưng HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng chưa có. Trong tinh chế dầu bạc hà, dầu húng quế, HTX phải đi thuê nhà xưởng, máy móc với chi phí mỗi nồi hơn 400 nghìn đồng và phải phụ thuộc vào thời gian.

“Các sản phẩm nông nghiệp muốn nâng cao được giá trị, ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho người dân và người lao động thì phải được chế biến sâu. Muốn chủ động được việc này thì phải đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị. Do vậy, HTX mong muốn các cấp, ngành tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện cho thuê đất làm khu chế xuất để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho HTX và thành viên”, chị Hiền kiến nghị.

Theo Vnbusiness

Lượt xem: 299

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 971200- Đang online : 314