• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Nông - Lâm - Ngư nghiệp20/11/2021 13:54

Người xứ Tuyên làm kinh tế hợp tác (Bài 2): Cây chanh giúp đổi thay đời sống

Từ vài héc ta ban đầu của Tổ hợp tác số 2 ở thôn 2, đến nay trên địa bàn phường Đội Cấn (TP. Tuyên Quang) có đến hơn 50 ha trồng chanh, cho thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác, giúp đời sống của các thành viên và hộ liên kết ngày càng được cải thiện. Hiện nay, Tổ hợp tác số 2 đang triển khai các quy trình xin đề nghị thành lập HTX Tân Bình An.

 

Để giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao hiệu quả, năm 2010, anh Khổng Văn Nam, ở phường Đội Cấn đã mạnh dạn đưa cây chanh về trồng thử nghiệm và cho hiệu quả cao hơn gấp 10 lần so với cấy lúa, trồng rau màu.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Bưng sọt quả chanh vừa thu hái từ vườn về, anh Hà Tiến Lâm, dân tộc Tày, ở tổ 1, phường Đội Cấn đổ ra và nhanh tay lựa chọn, phân loại chanh để cân cho thương lái chuyển về Hải Phòng. Anh Lâm cho biết, trước đây, gia đình anh cấy lúa, trồng rau màu trên diện tích đất thuê hơn 1,5 ha của Công ty cổ phần chè Sông Lô.

Hàng trăm hộ gia đình khác cũng phải thuê lại đất của doanh nghiệp này, với kinh phí chi trả theo hợp đồng là 6kg thóc/sào/năm để trồng cấy. Vì sản xuất theo lối truyền thống, nên giá trị kinh tế từ cấy lúa và rau màu không cao.


Thành viên THT số 2 tuyển chọn chanh để xuất bán ra thị trường.

 

“Năm 2012, gia đình tôi được anh Khổng Văn Nam vận động chuyển đổi từ cấy lúa, trồng rau màu sang trồng chanh và tham gia vào Tổ hợp tác (THT) số 2. Thấy anh Nam phân tích và đưa ra nhiều lợi ích khi tham gia vào THT cũng như chuyển đổi sang trồng chanh, nên gia đình tôi đã chuyển hơn 1,5 ha đất màu sang trồng chanh”, anh Lâm nói.

Dẫn phóng viên ra cánh đồng chanh rộng bạt ngàn giữa thời tiết nắng nóng gay gắt, Tổ trưởng THT số 2 Khổng Văn Nam cho biết, khu vực trồng chanh hiện nay trước đây là vùng đất trồng cây rau màu ngắn ngày, được người dân thuê khoán của Công ty cổ phần chè Sông Lô. Do thấy việc khai thác của người dân kém hiệu quả mà mỗi năm phải nộp khoán cho công ty hơn 200 triệu đồng, nên anh đã lên ý tưởng chuyển đổi cây trồng, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Năm 2010, người dân bắt đầu triển khai trồng chanh 4 mùa cho ra quả và thu hoạch quanh năm. Đến nay, tổng diện tích chanh đã lên đến hơn 50 ha, với sự tham gia của 30 hộ thành viên của THT. Chanh sau khi trồng đến năm thứ 2 thì bắt đầu cho bói quả, đến năm thứ 3 sẽ chính thức cho thu hoạch.

Để tiết kiệm nước tưới, phân bón không bị rửa trôi và thảm thực vật là cỏ trở thành loại thực vật ký sinh, hỗ trợ giữ độ ẩm cho cây, anh Nam đề nghị các thành viên THT không phun thuốc trừ cỏ, không nhổ cỏ tận gốc, mà chỉ cắt, tỉa cỏ cao khoảng 5-10cm so với gốc chanh. Cạnh mỗi gốc chanh được đặt các bao phân chuồng ủ hoai mục, bổ sung vôi bột để diệt khuẩn nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây.


Trồng chanh hữu cơ tại THT số 2 không nhổ cỏ, mà cắt tỉa để cỏ và chanh cùng ký sinh hỗ trợ nhau phát triển.
 

 

Để đảm bảo được giá, được mùa, anh Nam đã hướng dẫn kỹ thuật về phương pháp tưới nước, bón phân để chanh ra hoa, kết quả và cho thu hoạch sớm hơn hoặc muộn hơn so với chanh chính vụ. Theo đó, chanh chính vụ thường thu hoạch vào tháng 3-4 âm lịch thì chanh trái vụ sẽ thu hoạch sớm hơn hoặc muộn hơn từ 2-2,5 tháng.

“Việc cung cấp nước tưới cho cây cũng được chúng tôi triển khai lắp đặt hệ thống tự động, điều khiển bằng remote và đo độ ẩm tự động để đảm bảo hạn chế về nhân lực và tiết kiệm nước”, anh Nam nói.

Kinh tế phát triển, an toàn xã hội

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên từ năm thứ 3 trở đi, mỗi ha chanh cho thu hoạch từ 30 - 50 tấn, giá bán từ 15-35 nghìn đồng/kg, tùy từng thời điểm. Nếu tính mức thấp nhất là 15 nghìn đồng/kg thì mỗi ha thu hoạch ít nhất là 500 triệu, cao là đến 800 triệu đồng/năm.

“Đây là nguồn thu rất lớn so với làm nông nghiệp trước đây”, anh Nam nói.

Cũng theo anh Nam, thương lái các địa phương thường xuyên nhập chanh của THT về bán là Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh. Người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố hiện nay rất kỹ tính nên việc lựa chọn giống chanh phải đảm bảo về chất lượng, sản xuất hữu cơ, an toàn. Theo đó, chanh trồng tại phường Đội Cấn quả không quá to, khoảng 25-30 quả/kg, vỏ quả chanh nhẵn, mọng nước và mỏng, độ chua dịu, hương thơm, ngon và dễ chịu.
 

Đặc trưng của chanh trồng tại THT số 2 là khi thu hoạch vẫn còn nguyên phần cuống hoa. Khi cắt ra nếm thử, chanh có mùi thơm ngon, độ chua dịu.

Để đảm bảo sản lượng chanh được tiêu thụ hết, anh Nam không ngừng mở rộng tìm kiếm các mối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước, giúp thành viên THT yên tâm sản xuất. Đến nay đã có hàng trăm thương lái lớn nhỏ đăng ký thu mua, tiêu thụ chanh cho THT để bán tại các chợ đầu mối các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Việc đưa cây chanh về trồng của anh Nam đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở phường Đội Cấn. Địa phương trước đây vốn có nhiều tệ nạn xã hội như thanh niên nghiện ma túy, tệ nạn cờ bạc, xóc đĩa sau thời gian làm nông nghiệp rảnh rỗi, khiến nhiều gia đình phải tan cửa nát nhà, bán tài sản đi nơi khác. Thấy đây là khu vực điểm nóng của TP Tuyên Quang, nên chính quyền, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Cùng với chính quyền, THT số 2 đã vận động người dân chuyển đổi sang trồng chanh, làm kinh tế, đẩy lùi tệ nạn.

“Có việc làm, người dân lại tỉ mẩn chăm sóc, làm cỏ. Có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo, Nhà nước vào cuộc xử lý quyết liệt đã giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây được ổn định, tình hình an ninh trật tự được thiết lập”, anh Nguyễn Kim Cửu, một hộ thành viên THT trồng hơn 1,5 ha chanh cho thu nhập năm 2020 hơn 600 triệu đồng phấn khởi cho biết.

Theo Vnbusiness

 

 

Lượt xem: 287

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 980418- Đang online : 276