Khoa học & Công nghệ › Khoa học tự nhiên3/7/2023 15:33
Hút nước ngầm quá mức đã thay đổi trục quay của Trái đất
Con người đã hút và di chuyển một lượng nước ngầm lớn đến mức làm cho Trái đất nghiêng gần 80cm về phía đông từ năm 1993 đến 2010.
Trước đây, dựa vào các mô hình khí hậu, các nhà khoa học ước tính rằng từ năm 1993 - 2010, con người đã hút 2.150 tỷ tấn nước ngầm, tương đương với mực nước biển dâng lên hơn 6mm. Nhưng không dễ chứng minh được con số này.
Có một cách tiếp cận liên quan đến cực quay của Trái đất. Trục Trái đất là một đường thẳng tưởng tượng xuyên tâm cắt mặt Trái Đất ở 2 điểm cố định, đó chính là cực quay. Nó di chuyển trong một quá trình gọi là chuyển động cực, khi vị trí cực quay của Trái đất thay đổi tương đối với lớp vỏ. Phân bố nước trên hành tinh ảnh hưởng tới sự phân bố trọng lượng. Giống như thêm một quả cân tí hon lên con quay, cách Trái đất quay thay đổi khi nước được vận chuyển đi khắp nơi.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, cực quay của Trái đất thay đổi khá nhiều. Nghiên cứu của họ cho thấy trong số các nguyên nhân liên quan đến khí hậu thì phân bố lại nước ngầm có ảnh hưởng lớn nhất lên sự thay đổi của cực quay.
Vào năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện nước có khả năng thay đổi hiện tượng tự quay của Trái đất. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng cụ thể của nước ngầm lên các thay đổi của hiện tượng này. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã mô phỏng những thay đổi quan sát được về tình trạng dịch chuyển của cực quay Trái đất và sự di chuyển của nước, đầu tiên chỉ tính đến các dải băng và sông băng, và sau đó thêm vào các tình huống tái phân bố nước ngầm khác nhau.
Các kết quả của mô hình chỉ tương thích với tình trạng lệch quan sát được của cực quay khi các nhà nghiên cứu thêm vào 2.150 tỷ tấn nước ngầm được phân bố lại. Nếu không tính đến yếu tố này thì cực quay trong mô hình đã lệch 78,5cm, tương đương với độ lệch 4,3cm mỗi năm.
Vị trí phân bố nước ngầm có vai trò quan trọng trong việc xác định ảnh hưởng của nó tới độ lệch của trục, trong đó sự phân bố lại nước từ các địa điểm ở vĩ độ trung bình có ảnh hưởng lớn nhất. Trong khoảng thời gian nghiên cứu, lượng nước được phân bố lại lớn nhất là ở miền tây Bắc Mỹ và tây bắc Ấn Độ, cả hai khu vực này đều nằm ở vĩ độ trung bình.
Trên lý thuyết, nỗ lực giảm tốc độ cạn kiệt nước ngầm ở các quốc gia, nhất là ở những vùng ở vĩ độ trung bình, có thể tác động tới tình trạng lệch, song điều này chỉ có thể xảy ra khi những phương án bảo tồn được duy trì trong nhiều thập niên.
Cực quay thường thay đổi vài mét trong khoảng một năm, nên các thay đổi do việc hút nước ngầm không có nguy cơ làm thay đổi các mùa trong năm. Song, theo niên đại địa chất, sự thay đổi cực có thể ảnh hưởng đến khí hậu.
Bước tiếp theo trong nghiên cứu là tìm hiểu về quá khứ.
Quan sát những thay đổi về trục quay của Trái đất sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu được những biến đổi về dự trữ nước trên quy mô lục địa. Số liệu về tình trạng chuyển dịch cực đã có từ đầu thế kỷ 19. Do đó, ta có thể sử dụng những số liệu này để tìm hiểu về các biến đổi về dự trữ nước trên quy mô lục địa trong vòng 100 năm trở lại đây. Chuyển động cực có thể đưa ra lời giải cho câu hỏi liệu khí hậu ấm lên có gây thay đổi trong chế độ thủy văn hay không.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Theo khoahocphattrien.vn
Lượt xem: 207