• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin Thế giới27/3/2025 14:8

Spin-off: Cầu nối giữa nghiên cứu và thị trường

Xoay quanh các thảo luận liên quan đến các quy định mới về khoa học và công nghệ, có ý kiến cho rằng cần phải cho phép các nhà khoa học tại các trường, viện thành lập công ty để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình. Đây là một dịp để chúng ta nói về mô hình spin-off.


Doanh nghiệp khoa học và công nghệ trình diễn sản phẩm trí tuệ nhân tạo.

Câu chuyện của bạn tôi
Cách đây gần 30 năm, vào năm 1996, tôi có điều kiện làm giáo sư khách mời trong hai năm tại Đại học Wuerzburg, Đức trong phòng thí nghiệm NanoLab nhỏ, quy mô 2-3 người của một người bạn – GS. Alfred. F, hiệu trưởng nhà trường. Tới những năm 2010, gặp lại bạn mình, tôi không ngờ được nhóm nghiên cứu “từ thuở hàn vi” đó đã có một công ty spin off trở nên rất lớn và thành công tên là NanoPlus. Một trong những sản phẩm của nhóm, laser hồng ngoại được robot thăm dò sao Hỏa của Mỹ Curiousity sử dụng. Họ còn có những sản phẩm vô cùng đổi mới sáng tạo, “độc nhất vô nhị” trên thị trường như thiết bị phổ hồng ngoại đo được cả nồng độ rượu của lái xe ngồi trong ô tô đang chạy hay phát hiện được cả lượng vô cùng nhỏ các chất độc hại trong môi trường như Formaldehyde với độ nhạy 8ppb (tám phần tỉ) chỉ trong một giây!
 
Đức đã thúc đẩy các giáo sư thành lập công ty Spin-off (khởi nguồn) rất mạnh mẽ. Trong hai năm đầu, các doanh nghiệp này được chính phủ trả lương ½ suất nhân sự (ở thời giá những năm 2000 là 30.000 Euro/năm) và được phép sử dụng địa điểm và máy móc và trang thiết bị của phòng thí nghiệm trong trường của nhóm nghiên cứu “gốc”. NanoPlus nói trên của bạn tôi đặt tại và được sử dụng cơ sở vật chất của NanoLab – với đầu tư ban đầu từ ngân sách của nhà nước lên tới hàng chục triệu Euro. Đó còn chưa kể, nhà nước cũng cung cấp tiền bảo trì, vận hành (lên đến một triệu Euro/năm) cho phòng thí nghiệm còn công ty sử dụng chỉ phải trả tiền vật tư tiêu hao như hóa chất, vật liệu, dung môi. Các công ty spin-off này cũng được trao quyền bình đẳng như bất kỳ nhóm nghiên cứu nào trong việc đăng ký, xin tài trợ từ các đề tài của các quỹ và cơ quan khoa học ở Đức. Khi tôi hỏi Alfred F., NanoPlus giờ đây đã trở thành một công ty lớn với hai nhà máy hàng trăm nhân công. Để có được tiền đầu tư mở rộng như vậy cũng một phần nhờ cơ chế cho vay đầy hào phóng của chính phủ. Các công ty Spin-off đều được Ngân hàng Tái thiết (KfW – một ngân hàng tập trung phục vụ các mục tiêu xã hội của Đức) bảo lãnh để được vay tại các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng.
 
Thoạt nghe, các doanh nghiệp spin-off tưởng như có những điều kiện lý tưởng và được nhà nước đặt niềm tin tuyệt đối để họ có thể trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, để có được những điều kiện này, họ phải chứng minh được sản phẩm của mình là “mới”, là “đột phá” và đang ở mức độ sẵn sàng đủ để thị trường chấp nhận, nói cách khác là có người đặt mua. Đó là một quá trình nỗ lực “khủng khiếp” của người đứng đầu các doanh nghiệp spin-off, là quãng thời gian “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trước khi nhận được sự đầu tư “khủng” của chính phủ. Việc tạo ra được một ứng dụng mới có thể không phải là chuyện hiếm, nhưng làm sao để nghiên cứu đó khớp với nhu cầu và trình độ của thị trường mới là chuyện thách thức. Và kể cả sau khi nhận được đầu tư và hỗ trợ lớn từ chính phủ, vẫn có nguy cơ sản phẩm đó thất bại khi sản xuất hàng loạt, mở rộng quy mô thị trường. Nhà khoa học, những người đứng sau công ty đó có nguy cơ mất hết danh dự và uy tín, không còn được hỗ trợ cũng như tham gia những chương trình tài trợ hào phóng trong tương lai. Đó cũng là một sức ép cực lớn khiến các nhà khoa học phải cân nhắc rất kĩ trước khi quyết định thành lập công ty spin-off.

Tại sao lại là Spin-off?

Sự xuất hiện của Spin-off, Spin-out xuất phát từ thực tế là các phương pháp chuyển giao, mua bán công nghệ thông thường vẫn chưa đủ để đưa các thành tựu khoa học công nghệ vào ứng dụng. Lí do là bởi, có nhiều công nghệ quá mới mẻ và vẫn còn chưa hoàn thiện, đa phần xã hội và nhà đầu tư chưa đủ hiểu để dám bỏ ra một khoản tiền lớn để tài trợ hoặc nhận chuyển giao ngay lập tức. Hơn nữa, chỉ có người tạo ra nghiên cứu và sản phẩm đó mới đủ hiểu để có thể tiếp tục phát triển và đưa nó ra thị trường. Công nghệ vốn thuộc lĩnh vực kinh tế tri thức, đa phần là chất xám và không thể tách rời khỏi người đã sáng tạo hoặc nhóm sáng tạo ra chúng ở những giai đoạn ban đầu.
 
Sơ đồ mô tả vị trí của Doanh nghiệp khởi nguồn trong hệ thống Khoa học Công nghệ và thi trường kinh tế xã hội.

Spin-off, spin-out (sau đây tạm dùng là Doanh nghiệp khởi nguồn) bởi thế, là một mô hình doanh nghiệp đặc biệt, chỉ dành riêng cho các nhà khoa học đang làm việc ở các cơ sở nghiên cứu, trường đại học để có thể đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, doanh nghiệp khởi nguồn thỏa mãn được những yêu cầu rất khó thực hiện của cơ chế quản lý khoa học công nghệ. Đó là muốn đưa kết quả khoa học vào ứng dụng thì phải sử dụng ưu điểm của cách quản lý doanh nghiệp, lấy lợi ích kinh doanh làm mục tiêu. Nhưng nếu chỉ lấy mục đích kinh doanh làm mục tiêu thì phát triển khoa học trở thành thứ yếu và có thể mất hẳn, đặc biệt là mất về nhân lực chất xám cao. Doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off ) là hình thức để nhà khoa học, đặc biệt là trong các cơ sở nghiên cứu công lập (Trường Đại học, Viện nghiên cứu) tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến cùng với kết quả của mình trong khi nghiên cứu cũng như khi triển khai trong khuôn khổ doanh nghiệp. Muốn cho doanh nghiệp có kết quả thì lại phải gắn liền một cách hữu cơ với phòng thí nghiệm của trường, viện, vẫn phải tiếp tục nỗ lực hơn trong nghiên cứu khoa học. Như vậy, khác với các hình thức khác như vườn ươm các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up), Doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off )và Cơ sở nghiên cứu luôn luôn gắn liền với nhau, tận dụng được cả cơ chế của tổ chức khoa học lẫn cơ chế quản lý doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu phục vụ xã hội một cách tiết kiệm và tối ưu.
 
Trở lại câu chuyện của NanoPlus, người đọc có thể thấy sự thành công của doanh nghiệp này dựa trên nền tảng tin tưởng có đi có lại giữa nhà nước và nhà khoa học. Tuy vậy, niềm tin đó không phải là mù quáng. Để nhà nước có thể tin nhà khoa học, bản thân nhà khoa học cũng phải thể hiện được trách nhiệm với kết quả nghiên cứu của mình. Như đã nói ở trên, hạt nhân của doanh nghiệp khởi nghiệp phải là một công nghệ mới được phát triển hoặc làm chủ được bởi nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm, tiến hành trong một chương trình nghiên cứu do phòng thí nghiệm đó chủ trì. Kêt quả này phải được chính thức công nhận bởi một cơ quan thích hợp. Bản thân nhà nghiên cứu sẵn sàng góp vốn, kêu gọi được vốn bằng nhiều nguồn (từ đề tài của nhà nước, hợp đồng với doanh nghiệp, quỹ mạo hiểm…) để thành lập spin-off và phải đồng ý chịu trách nhiệm tiếp tục lãnh đạo việc tiếp tục phát triển công nghệ đến được với thị trường. Trong đó, kể cả cơ quan chủ quản cũng có thể tham gia đầu tư và cho phép công ty được phép sử dụng cơ sở vật chất, thuê nhân công của trường với chi phí khiêm tốn (thường là bằng chi phí khấu hao).
 
Khác với startup, bao gồm cả các startup được ươm tạo trong trường đại học, có thể có người đứng đầu là bất kỳ ai và xuất phát từ nghiên cứu và công nghệ ở bất kỳ đâu, doanh nghiệp khởi nguồn có một mối quan hệ hữu cơ với các cơ sở nghiên cứu. Người có vai trò lãnh đạo trong các spin-off nhất thiết phải là nhà khoa học, có thành tựu sáng tạo trong quá trình làm việc tại cơ sở nghiên cứu. Thành viên của spin-off sẽ vừa giữ vai trò quan trọng trong công ty và vẫn hưởng biên chế của trường, viện (ít nhất ở giai đoạn đầu). Sứ mệnh và mục tiêu của các spin-off cũng khác biệt, startup thường đặt mục đích lợi ích kinh tế lên hàng đầu trong khi spin off là cánh tay nối dài của khoa học phục vụ xã hội, bằng cách sử dụng ưu điểm của cơ chế điều hành của doanh nghiệp. Khi đã đưa được thành tựu khoa học công nghệ ra xã hôi và có lợi ích kinh tế, đồng thời đã đào tạo được người tiếp nhận điều hành thì chuyển giao toàn bộ doanh nghiệp cho thị trường (bán, cho thuê, đưa lên sàn giao dịch...) Nhà khoa học tiếp tục nhiệm vụ khoa học mới. doanh nghiệp chuyển ra khỏi khuôn viên nghiên cứu. Doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off) không biến nhà khoa học thành doanh nhân; chỉ tạo điều kiện để nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu có điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất. Thực tế là người bạn của tôi Alfred F. đã rời khỏi NanoPlus sau khi công ty đã thành công. Một người bạn khác của chúng tôi, cũng từ Đại học Wuerzburg, Trần Gia Phước (đã qua đời năm 2023) đã thành lập một loạt công ty công nghệ thông tin, trong đó có tập đoàn Infosim (cung cấp các giải pháp hàng đầu trong Dịch vụ hoàn tất và Đảm bảo đơn hàng tại Đức), đã rời khỏi vị trí lãnh đạo tại các spin-off của mình sau khi nó lớn mạnh.

Nhìn lại Việt Nam

Đã từ lâu, trên thế giới, người ta đã định nghĩa rất đơn giản rằng “nghiên cứu là biến từ tiền thành kiến thức” (research is the transformation of money into knowledge) còn “đổi mới sáng tạo là biến kiến thức thành tiền” (innovation is the transformation of knowledge into money). Cho đến nay nước ta chỉ mới thực hiên được phần thứ nhất, còn phần thứ hai chủ yếu phụ thuộc vào sự vận hành của thị trường
 
Xem trên sơ đồ mô tả vị trí của doanh nghiệp khởi nguồn (Hình 1) trong hệ thống KH&CN và thị trường kinh tế xã hội, thấy rõ ràng là nước ta hiện thiếu khâu nối giữa nghiên cứu phát triển với khu vực sản xuất kinh doanh, và đó cũng là vị trí của doanh nghiệp Khởi nguồn. Cho nên nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng, kể cả có tiềm năng thị trường luôn bị xếp vào ngăn kéo là hiển nhiên.
 
Cho đến hiện nay, theo quan sát của tôi, các lãnh đạo ở viện nghiên cứu lớn của Việt Nam dù hiểu vai trò của spin-off nhưng thường e ngại khi nói đến việc thành lập các doanh nghiệp này. Lý do rất chính đáng: Không có cơ chế chính sách và mô hình cụ thể cho doanh nghiệp khởi nguồn thì không dám thực hiện.
 
Tình hình hiện nay đang có những chuyển biến rất đáng khích lệ. Đã có những thảo luận, đề xuất rất tích cực, một trong những đề xuất đó là đang cân nhắc “quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH&CN mà mình là thành viên tạo ra.” Mong rằng đây có thể là cơ hội để quy chế về Spin-Off sớm được ban hành, để cởi trói cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 10

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2135451- Đang online : 1738