• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin Thế giới28/12/2017 15:3

Những sự kiện khoa học nổi bật năm 2017

Mới đây, Business Inside đã đưa ra danh sách những phát kiến mới trong năm 2017 được bình chọn là những phát kiến khoa học ấn tượng nhất.


I. Phát hiện lục địa mới chìm dưới đại dương.
 
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội địa chất Mỹ đã phát hiện bí ẩn nằm dưới khu vực phía Đông Australia, đó là một lục địa mới có tên gọi “Zeaiandia”.
Zeaiandia có diện tích khoảng 4,9 triệu Km2 và được coi là lục địa nhỏ nhất trên trái đất. Đây đồng thời là lục địa trẻ nhất, mỏng nhất và ngập trong nước nhiều nhất (94%  diện tích lục địa nằm dưới nước biển).
Lục địa này hội tụ đủ 4 đặc điểm của một lục địa: Có độ cao và độ đặc lớn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá.
Đây cũng là lục địa thứ 7 được khám phá. Trước đó, trái đất được chia thành 6 lục địa: Phi, Ă – Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam cực, Úc.

 
II. Các nhà khoa học đã tạo ra một sự sống mới.
 
     Một nhóm nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Scripps, Hoa Kỳ đã làm nên một kỳ tích mới. Họ lần đầu tiên tổng hợp thêm một cặp Nucleotide cơ sở nhân tạo gọi là X và Y, sau đó chèn thành công cặp này vào mã di truyền của vi khuẩn E.Coli.
Điều đó có nghĩa là con người vừa tạo ra một sinh vật bán tổng hợp đầu tiên trên trái đất với mã di truyền chứa một cặp Nucleotide cơ sở “ngoài hành tinh”.
Tiến sỹ Floyd Romesberg, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu nghĩ rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Dấu mốc này sau đó có thể mở ra những hình thức mới của sự sống trên trái đất, cũng như trong vũ trụ.
 
III. Các nhà khoa học tận mắt thấy vũ trụ tạo ra vàng.
 
Trong năm 2017, các nhà khoa học đã chứng kiến hiện tượng đáng nhớ nhất trong hiện tượng thiên văn, đó là khi 2 sao nơ-tron va chạm nhau.
Cụ thể vào tháng 3/2017, các nhà khoa học thấy 2 sao nơ-tron thuộc thiên hà NGC 4993 trong chòm sao Hydra ngày càng xoắn vào nhau rồi tạo ra cú va chạm mà giáo sư David H.Reitze thuộc Viện công nghệ Califonia gọi là “màn pháo hoa đáng xem nhất vũ trụ”.
Màn va chạm làn tung ra một mớ hỗn hợp cực nóng, đậm đặc, không ổn định, màu xanh lam. Một phần trong số này bắt đầu kết thành những nguyên tố nặng hơn như sắt, vàng, bạch kim và uranium.
Dùng kính thiên văn đo cường độ tia UV, các nhà khoa học ước tính vụ va chạm sinh ra một lượng nguyên tố nặng 1.300 lần trái đất, được bắn ra mọi phía và đang tăng tốc di chuyển khắp vũ trụ.
 
IV. Phát hiện ra căn phòng 30m trong đại kim tự tháp Aicập.
 
Theo Internationan Business Times, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế xác định được căn phòng lớn dài ít nhất 30m nằm bên trên Grand Gallery, một hành lang dốc nối liền hai phòng khác mang tên “Phòng vua” và “Phòng hoàng hậu”. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ về kết cấu chính xác và chức năng của các phòng mới tìm thấy, nhưng phát hiện cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn về kim tự tháp và kết cấu công trình.
Để tìm hiểu bên trong kim tự tháp, các nhà nghiên cứu quốc tế chụp ảnh kết cấu bên trong bằng hạt hạ nguyên tử Muon, sản phẩm phụ của tia vũ trụ có thể xuyên qua các lớp đá. Khi các hạt di chuyển qua các lớp đá hoặc không khí, đường đi của nó cho phép phân biệt các khoảng trống với kết cấu xung quanh.
Nghiên cứu nằm trong dự án quét kim tự tháp ScanPyramids do Viện HIP và Đại học Cairo hợp tác thực hiện nhằm khám phá những bí ẩn mà không gây hại và xâm phạm công trình, bao gồm quét 3D, thiết bị nhũ hóa và công nghệ chụp mới.
 
V. Bệnh nhân chữa ung thư bằng tế bào máu của chính họ.
 
Liệu pháp này được gọi là liệu pháp CAR T- Cell, chữa ung thư một cách hoàn toàn mới bằng cách lấy các tế bào trong người bệnh nhân, tái lập trình chúng và sau đó đưa chúng vào lại cơ thể để đi săn các tế bào ung thư.
Hồi tháng 8/2017, FDA đã cho phép Kymriah – một phương pháp sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể để tấn công bệnh bạch cầu lympo cấp tính ở trẻ em. Phương pháp này có chi phí 475.000 USD mỗi bệnh nhân.
Đến tháng 10/2017, một liệu pháp CAR-T khác là Yescarta đã được cho phép tiến hành trên người bệnh trưởng thành để điều trị căn bệnh ung thư máu gọi là tế bào lympho B-cell non – Hodgkin.
 
VI. Phát hiện gây lo ngại về hiện tượng băng tan ở Nam cực.
 
Nam cực là nơi có điều kiện sống khắc nghiệt nhất trên trái đất. Kể từ đầu thế kỷ 20, những vùng băng tan chảy theo mùa đã tạo ra những sông, hồ tạm ở đây. Tuy nhiên những vực nước này không hiếm như các nhà khoa học nghĩ trước đây.
Theo kết quả một cuộc khảo sát vừa được công bố, các nhà khoa học Mỹ đã có phát hiện mới gây lo ngại về hiện tượng băng tan ở Nam cực. Cụ thể có một mạng lưới sông, hồ, ao do băng tan tạo ra ở vùng rìa của Nam cực. Phạm vi của hệ thống sông hồ này khiến một số người lo ngại rằng lượng nước do băng tan có thể làm suy yếu các thềm băng ở Nam cực vốn đã mỏng đi khá nhiều, làm cho các khối băng lớn tiếp tục tan vỡ và gây mực nước biển dâng cao.
 
VII. Phát hiện 7 hành tinh to bằng trái đất có thể có sự sống.
 
7 hành tinh mới nằm ngoài thái dương hệ này đều được phát hiện quay quanh một ngôi sao lùn gọi là TRAPPIST-1. Nó lạnh hơn và đỏ hơn so với mặt trời và lớn hơn một chút so với sao Mộc. Các ngôi sao như vậy có rất nhiều trong dải Ngân hà và tồn tại rất lâu.
Theo CNN, dựa trên đánh giá trọng lượng cho thấy 7 hành tinh đều được cấu tạo từ đá thay vì khí như sao Mộc. Ba hành tinh lần lượt được định danh là TRAPPIST-1e, TRAPPIST-1f, TRAPPST-1g, thậm chí có thể có đại dương ở bề mặt.
7 hành tinh cách trái đất 40 năm ánh sáng. Khoảng cách này được coi là khá gần với địa cầu trong dải ngân hà rộng lớn. Tuy nhiên với công nghệ tầu vũ trụ hiện tại thì cần hàng triệu năm để từ trái đất đi đến các hành tinh trên.
Do vậy về giá trị khoa học, phát hiện này khẳng định nỗ lực tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ mặt trời. Các nhà khoa học tin rằng, hành tinh TRAPPIST – 1f chính là hành tinh có tiềm năng tồn tại sự sống.
 
VIII. Phi thuyền Cassini  của NASA lập kỷ lục mới.
 
Trước khi kết thúc sứ mạng 20 năm thăm dò sao Thổ, phi thuyền Cassini đã chụp được những bức ảnh hiếm có về khí quyển Thổ tinh và vành đai của nó.
Sứ mệnh cuối cùng đầy mạo hiểm này của Cassini đã cho chúng ta thấy khoảng cách giữa bầu khí quyển của sao Thổ với vành đai của nó là khoảng 2000 Km.
Lúc này con tầu đang bay với vận tốc 34.000 m/giây, gấp 45 lần vận tốc viên đạn bay để cung cấp những hình ảnh đầu tiên trong lịch sử về khí quyển sao Thổ và khoảng cách với vành đai gần nhất.
Đây thực sự là những cống hiến không hề mệt mỏi của Cassini. Sắp cạn kiệt nguồn năng lượng sống nhưng nó vẫn xác lập thêm kỷ kục mới trong lịch sử khai phá sao Thổ của con người.
 
IX. Đạt được bước tiến quan trọng trong nghiên cứu cấy ghép nội tạng lợn lên cơ thể con người.
 
Các nhà khoa học tại viện quốc gia Y tế Mỹ đã giữ cho trái tim lợn còn sống trong 5 con khỉ đầu chó trong khoảng 298 ngày. Để thực hiện được việc này, trước tiên các nhà khoa học đã ghép quả tim lợn vào hệ tuần hoàn của một con khỉ đầu chó, sau đó giữ cho trái tim đó luôn đập. Họ sử dụng các loại thuốc để cơ thể khỉ không phản ứng với sự cấy ghép chéo loại này.
Những con lợn cũng phải được biến đổi gen để nội tạng của chúng tương thích với cấu tạo sinh học của con vật được ghép. Trước đó một nhóm nghiên cứu đã kéo dài sự sống cho vật thí nghiệm trong vòng 500 ngày và đến thời điểm hiện tại, sự sống đó có thể còn được kéo dài đến khoảng 945 ngày.
Hiện tại các nhà nghiên cứu cho biết sẽ sử dụng một số loại thuốc để thay thế hoàn toàn trái tim của khỉ đầu chó bằng trái tim của một con lợn biến đổi gen trong vòng một vài năm tiếp theo.
Nếu thành công, thí nghiệm này sẽ là một bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện dự án cấy ghép tim lợn vào cơ thể con người. Đây có thể là giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu hụt các bộ phận cơ thể con người  được hiến tặng trong các ca phẫu thuật cấy ghép.
 
                                                  Văn Giang LHH sưu tầm
                              (theo báo Của Hội sở hữu trí tuệ và sáng tạo Việt Nam)

Lượt xem: 735

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành
Chưa có video
Số lượt truy cập: 1894722- Đang online : 1198