› Khoa học & Công nghệ30/5/2017 14:49
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời cơ và thách thức
Gần đây người ta nói nhiều đến cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vậy hiểu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) hàm chứa nội dung gì, thế giới và Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Mời các quí bạn đọc cùng tìm hiểu.
1. Các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trong lịch sử.
Cụm từ cách mạng công nghiệp (CMCN) hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh một cách toàn diện.
Nhìn lại lịch sử, con người đã chứng kiến 3 cuộc CMCN lớn:
Cách mạng công nghiệp lần tứ nhất (trải dài từ 1760 đến khoảng 1840) bắt đầu bằng việc phát minh ra máy hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt, may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải…Động cơ hơi nước được đưa vào ô tô, tầu hỏa, tầu thủy, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Cách mạng công nghiệp lần thư 2 (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20)) bắt đầu bằng việc phát minh ra động cơ điện, đèn điện mang lại cuộc sống văn minh, năng suất lao động tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (từ thập niên 1960)) xuất hiện khi con người phát minh ra một loại máy có thể thay thế 1 phần quan trọng của lao động trí óc - đó là máy tính. Sự ra đời của chất bán dẫn đã dẫn tới sáng chế ra siêu máy tính (thập niên 1960) máy tính cá nhân (thập niên 1970-1980) và Internet (thập niên 1990) kết nối thế giới liên lạc được với nhau, tự động hóa sản xuất…
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra từ năm 2000: Trên cơ sở phát triển mạnh mẽ, toàn diện của cuộc CMCN lần thứ 3, đặc biệt là công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng trên cơ sở ngày càng phát triển, được tích hợp cả về tính năng lẫn phạm vi ứng dụng, từ đó làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu, đây là cơ sở ra đời của cuộc CMCN lần thứ 4. Đặc trưng của CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn.
2. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cơ hội và thách thức.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đế nhiều lĩnh vực với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy làm việc thông minh có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên. Ưu điểm làm việc 24/24 không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của Robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy.
Trong cuộc CMCN lần thứ 4, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới
trải dài từ dệt may, da dầy, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục…
Trong lĩnh vực dệt may, trước đây các nước có ngành công nghiệp dệt may phát triển như Mỹ, Anh vì thiếu lao động nên đã chuyển dịch thuê nhân công sang các nước Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam…nơi có lao động thủ công giá rẻ dồi dào. Nhưng với công nghệ Robot trong cuộc CMCN lần thứ 4 này, nhiều nhà máy may trước đây đặt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam …có thể quay trở về nước Mỹ, Anh, bởi họ đã sử dụng rất nhiều robot. Báo cáo của tổ chức lao động quốc tế (ILO) cung cấp số liệu đáng lo ngại khi mà hơn 2/3 trong tổng số 9,2 triệu lao động dệt may, da dày tại Đông Nam Ắ đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này. Cụ thể khoảng 86% lao động Việt Nam, 88% lao động Campuchia, 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da dày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.
Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, giải trí, robot cũng đã hiện diện ở những vị trí công việc vốn được cho rằng không thể thay thế con người như lễ tân khách sạn, cơ quan, nhà hàng, trung tâm callcenter… Khi có khách đến robốt có thể tự nhận dạng, ghi nhớ để chào hỏi, nhớ được sở thích, trả lời các nhu cầu của khách bằng giọng nói hoàn toàn như con người.
Trong lĩnh vực giao thông, thế hệ xe không người lái sẽ phát triển nhờ đảm bảo an toàn gấp nhiều lần vì không có tình trạng say rượi, bia, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu.
Trong lĩnh vực y tế, cỗ máy “bác sỹ biết tuốt” có thể lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sỹ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ và tốc độ sử lí cực nhanh.
Đầu năm 2017, 1 số bệnh viện tại thành phố Hồ chí Minh, Hà Nội đã thực hiện ca mổ với sự hỗ trợ của robot. Với 4 cánh tay, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng, hình ảnh 3D, robot có thể phẫu thuật ở những vị trí khó, hỗ trợ bác sỹ tiến hành phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả, an toàn hơn, giúp người bệnh ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
Trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và học. Sinh viên đeo kính VR và có cảm giác như đang ngồi trong lớp học nghe bài giảng. Trong đào tạo nghề phi công, học sinh đeo kính và thấy phía trước là ca bin và học lái máy bay như thật để thực hiện đến khi thuần thục rồi mới lái. Trong tương lai, số lượng giáo viên ảo có thể nhiều hơn giáo viên thực rất nhiều.
Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không còn là nông nghiệp thuần túy. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp tưới cây, bón phân đúng thời điểm và khoa học với lượng cần thiết đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương pháp truyền thống, khi đó nông dân - nhóm người vốn bấp bênh nhất về công việc sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Như vậy đây không phải là câu truyện tương lai mà là câu truyện của hiện tại. Một cuộc CMCN đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động lên nhiều lĩnh vực, quan trọng là mỗi nước, mỗi cá nhân có nhận thức được điều đó hay không?.
Thế giới thực mà ta biết, từ con người, xe cộ, nhà cửa, tài sản… trong cuộc CMCN 4.0 này sẽ chuyển đổi sang thế giới số, sẽ có bản sao của thế giới thực trên nền của thế giới số.
Khái niệm này giống như chơi game nhập vai. Mỗi thực tế sống sẽ có 1 bản sao tương đương trong thế giới số. Thực thể của thế giới thực ra sao thì bản sao thế giới số cũng y như vậy.
Cách đây 7 năm, mã độc khét tiếng Stunet đã cho thế giới thấy những nguy cơ có thể xẩy ra trong một thế giới kết nối. Một chương trình gián điệp, được cho là do Mỹ hậu thuẫn đã thâm nhập vào nhà máy hạt nhân Natanz của Iran với nhiệm vụ ghi lại thiết kế của hệ thống chịu trách nhiệm kiểm soát máy ly tâm tinh chế Uranium nằm sâu dưới lòng đất. Sau khi nắm, sao chép được sơ đồ chi tiết, hacker tung ra vius điều khiển hệ thống máy ly tâm bằng cách kích hoạt máy quay với tốc độ cực cao dẫn đến hỏng máy. Kết quả là virus độc hại đã loại bỏ khoảng 1000 máy trên tổng số 5000 máy ly tâm ở nhà máy Natanz.
Dù phải đối mặt với các nguy cơ song cơ hội còn lớn hơn cho những quốc gia nhận thức sớm được xu hướng chuyển đổi. Việc đầu tư đúng hướng về hành vi nghề nghiệp sẽ mang lại sự chiếm lĩnh cơ hội sớm.
Mọi hành vi nghề nghiệp, cách thức kinh doanh trong thế giới sẽ thay đổi, biến đổi hoàn toàn. Sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề mới như tạo ra hệ thống Sen sov, đưa vào các hệ thống sẵn có để chuyển đổi thế giới thực sang thế giới số.
Khi biết được xu thế xã hội, định hướng của quốc gia về đào tạo và định hướng nghề nghiệp của các cá nhân mỗi người cũng sẽ chuyển đổi theo. Các công ty, tập đoàn lớn sẽ đặt kế hoạch, chiến lược của mình trong bối cảnh thế giới thay đổi thành thế giới số để làm sao có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ sẽ phải đối mặt với nguy cơ trì trệ, phá sản, đóng cửa không xa.
3. Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc CMCN lần thứ 4.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân khoảng 2.200USD nhưng cũng đã tham gia khá sâu rộng trong lĩnh vực Internet và truyền thông. Theo Cục viễn thông (Bộ TTTT), tính đến hết năm 2005, tỷ lệ người dân dùng Internet ở Việt Nam đạt 52% dân số, đúng thứ 4 thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 h/ngày, đứng thứ 22 thế giới tính theo dân số về người sử dụng mạng xã hội. Hiện tại 55% dân số Việt Nam đang dùng điện thoại di động. Với chiếc điện thoại được kết nối Internet, chúng ta có thể cập nhật được tin tức thời sự thế giới, có thể đặt vé máy bay, gọi taxi hay mạng xã hội trao đổi thông tin với bạn nè. Việt Nam đang được hưởng những công nghệ thông tin mới nhất trong lĩnh vực truyền thông di động. Đây là cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào CMCN 4.0.
Có 2 lĩnh vực được nhắc đến trong CMCN 4.0 thuộc về y học là cấy ghép tạng và in 3D thì Việt Nam đã có được thành công nhất định. In 3D còn được gọi là công nghệ “chế tạo cộng”. Nó khác với công nghệ sản xuất vật liệu thông thường ở chỗ không phải gọt dũa phôi (chế tạo trừ) để tạo ra sản phẩm hoàn thiện mà ngược lại, nó được chế tạo theo từng lớp, bổ sung dần dần cho đến khi sản phẩm hoàn thiện. Công nghệ in 3D đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên do giá thành quá đắt nên chưa ứng dụng được nhiều.
Hiện nay ở Việt Nam, in 3Đ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, mỹ thuật, y học đến kiến trúc, xây dựng. Thành tịu nổi bật nhất là năm 2006, các bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy đã in một mảnh sọ người tạo bằng kỹ thuật Methylmetha crylate để vá sọ cho 1 bệnh nhân 17 tuổi bị chấn thương thủng sọ não với lỗ thủng rộng 140mm. Sau khi được phẫu thuật, ghép mảnh sọ nhân tạo, bệnh nhân đã hồi phục.
Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ trong cấy ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh ung thư. Các bác sỹ đã làm khá thành thạo các ca phẫu thuât ghép thận, ghép tạng. Về kỹ thuật, người Việt nam có khả năng tiếp thu nhanh các kỹ thuật tiến tiến.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), 1 lĩnh vực đặc trưng chủ yếu của CMCN 4.0, Việt Nam đã có những sản phẩm như “Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica Allabs. Hệ thống AI hàng ngày phải phân tích hàng tỷ câu văn - đây là khối lượng khổng lồ vượt quá sức con người mà chỉ có trí thông minh nhân tạo mới có thể đảm đương được.
Một dự án AI khác của của tiến sỹ Nguyễn Tuấn Đức cùng công sự tại Alt Việt Nam đang phát triển một chatbot thay thế con người làm 1 số công việc như trả lời điện thoại, Email, đặt lịch làm việc. Chatbot này được sử dụng cho các việc như dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Nhóm của ông đang có ý định xây dựng “hiện thân ảo” của những người đã chết. “Hiện thân ảo” sẽ hiện diện hàng ngày, trò truyện với ngườii thân để họ nguôi ngoai nỗi đau mất mát. Để người ảo này giống người thật, các nhà lập trình phải thu thập khối lượng lớn dữ liệu của họ do người thân cung cấp.
Tạm kết: Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Tận dụng được những lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, chúng ta cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của cuộc CMCN đó, từ đó đề ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.
Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, Ngành cần tăng cường nhận thức về CMCN 4.0. Toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, cơ quan, trổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN4.0, tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng nói phải làm gì cho bản thân mình, ngành mình thì không biết rõ ràng. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải nói cho mọi người biết CMCN 4.0 không phải là công việc riêng của Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là công việc của toàn xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh”
* Bài có sử dụng tư liệu của tác giả Lê Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch MÍA, đăng trên VNEXPERESS, 18/4/2017; củaVIET TIMES của Hội TT số VN, ngày 15/4/2017.
Văn Giang biên tập
Lượt xem: 585