Bệnh lý mũi xoang mùa lạnh cần xử trí đúng cách
Thời tiết lạnh cơ thể khó thích nghi và có thể làm giảm sức đề kháng. Điều này cũng sẽ tác động trực tiếp đến mũi – cơ quan quan trọng của hệ hô hấp gây nên bệnh lý về mũi xoang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm mũi xoang như: dị ứng, virus, vi khuần, hoá chất… Mùa lạnh có nhiều tác nhân làm tăng nguy cơ viêm mũi xoang trong đó có sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Do mũi là cơ quan quan trọng của hệ hô hấp, "cửa ngõ" tiếp xúc trực tiếp đầu tiên, đón không khí vào cơ thể. Khi đó, thời tiết lạnh, hanh khô tác động trực tiếp dễ dẫn đến viêm, đau mũi. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh hệ miễn dịch của cơ thể thường suy yếu cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Những người có cơ địa dị ứng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. Bệnh thường gặp ở những người hay bị dị ứng vời thời tiết, dị ứng với phấn hoa hoặc thực phẩm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân như nhiễm lạnh, người bệnh không giữ ấm cơ thể đúng cách, vệ sinh mũi kém…cũng dễ dẫn đến viêm mũi xoang.
Viêm xoang mũi rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường
Viêm mũi xoang cấp thường xảy ra sau đợt viêm mũi họng hay cảm cúm 1 tuần. Khi đó, người bệnh sẽ xuất hiện sốt trở lại, ngạt tắc mũi, ho, đau nhức mặt và đau đầu, chảy nước mũi vàng xanh, đôi khi mất ngửi. Niêm mạc mũi sung huyết, nề, cuốn mũi quá phát, sàn và khe mũi nhiều dịch vàng xanh hoặc nâu bẩn. Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có dịch chảy từ cửa mũi sau; vòm mũi họng sung huyết, đọng dịch.
Viêm mũi xoang mạn tính là khi bệnh kéo dài trên 12 tuần. Bệnh nhân thường xuyên chảy dịch xuống họng, ngạt tắc mũi từng lúc hoặc thường xuyên, giảm ngửi hoặc mất ngửi. Khám thấy niêm mạc mũi nhợt màu, cuốn dưới quá phát, cuốn giữa thoái hóa, có thể có polip khe trên, khe giữa...
Tuy nhiên, viêm xoang mũi rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường vì vậy, các triệu khi viêm xoang mũi thường gặp phải được ghi nhận một trong các biểu hiện cụ thể như:
- Người bệnh chảy dịch mũi: Khi bị viêm mũi xoang sẽ có dịch nhầy chảy ra đường mũi hoặc chảy xuống họng.
- Người bệnh ngạt mũi: Sẽ xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, khó thở, khó ngửi
- Người bệnh đau nhức vùng xoang: Khi bị viêm sẽ có các cơn đau thường và xuất hiện ở giữa hai lông mày, xung quanh cánh mũi, ở xương trán hoặc hai hốc mắt,…
- Người bệnh có thể sẽ chóng mặt, buồn nôn, cơ thể suy nhược
Để điều trị các bệnh về mũi xoang ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ thì người bệnh cần rửa mũi xoang đúng cách và sử dụng thuốc xịt mũi xoang. Người bệnh cần thực hiện những bước cơ bản có thể áp dụng nhằm đưa lại hiệu quả cao trong điều trị.
Bước 1: Khi mắc viêm mũi xoang nếu có nhiều dịch mũi, chảy nước mũi nhiều, ngạt tắc mũi. Việc cần làm là bịt từng bên mũi và sì sạch mũi từng bên 1. Sau khi hỷ sạch mũi mỗi bên, người bệnh cần nhỏ các thuốc co mạch theo chỉ định của bác sĩ làm thông thoáng mũi, mỗi bên 2 - 3 giọt, hoặc 1 - 2 nhát xịt với thuốc xịt mũi. Đợi thuốc có tác dụng sau 3 - 5 phút, sau 10 - 15 phút, nếu có nhiều dịch thì phải xì sạch mũi từng bên. Lưu ý các thuốc sịt co mạch không nên dùng kéo dài hơn 10 ngày hoặc khi không có ngạt tắc mũi.
Bước 2: Sau khi xịt sạch mũi từng bên, chúng ta rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý 0,9%( dạng đóng chai). Sau đó đổ nước muối vào bình rửa mũi hoặc đổ ra cốc to, dùng xy lanh 10ml, 20 ml cần nhớ phải bỏ kim ra. Bơm rửa vào lần lượt từng bên mũi ở tư thế mặt cúi vào chậu rửa mặt rồi xì sạch mũi lần lượt từng bên bằng cách bịt chặt mũi bên đối diện.
Bước 3: Khi mũi khi đã sạch và thông rồi tiếp tục xịt vào mũi các thuốc có tác dụng chống viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cách xịt đúng là đưa đầu xịt vào mũi, hướng chếch ra ngoài. Bóp xịt thuốc vào mỗi bên mũi, khi xịt thuốc, hít vào bằng mũi và thở ra đằng miệng. Dùng 2 ngón tay bóp và day nhẹ 2 cánh mũi để thuốc tan trong hốc mũi.
Viêm mũi xoang thường dễ tái lại nhiều lần, do đó để đạt hiệu quả cao trong điều trị, cần loại bỏ tình trạng viêm nhiễm, sau đó triệt tiêu các yếu tố nguy cơ để bệnh không có cơ hội phát triển nặng thêm. Người bệnh ngoài việc cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, thực hiện các lời dặn dò chỉ định về chế độ sinh hoạt, kiêng một số thực phẩm gây dị ứng thì cần giữ ấm cơ thể về mùa lạnh, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi đi ra đường, ngoài việc mặc ấm thì cần đeo khẩu trang, nên dùng loại có khả năng hạn chế sự xâm nhập của bụi.
Tóm lại: Viêm mũi xoang là một bệnh gặp khá phổ biến ở mọi lứa tuổi, giới tính, bệnh có liên quan tới nghề nghiệp, môi trường sống, một số thể có liên quan tới yếu tố gia đình và cơ địa. Bất kể nguyên nhân gì gây viêm mũi xoang đều phải tìm và giải quyết nguyên nhân, thì bệnh mới khỏi được, nhưng rửa mũi xoang là thủ thuật để điều trị viêm mũi xoang do tất cả các nguyên nhân gây nên.
Theo suckhoedoisong.vn
Lượt xem: 234
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"