Đau thần kinh tọa có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?
Ðau dây thần kinh tọa thường gặp ở nam giới hơn nữ giới và ở lứa tuổi 30-60. Đây là tình trạng đau dây thần kinh lan từ lưng xuống chân, có khi lan đến gót và bàn chân. Căn bệnh này liệu có thể chữa khỏi hẳn không?
Đau thần kinh tọa còn gọi là thần kinh hông to hay thần kinh ngồi. Cơn đau khiến cho người bệnh không thể cúi ngửa, xoay trở hoặc đi lại. Có thể kèm theo các tình trạng như tê, châm chích, dị cảm hoặc yếu liệt 2 chân. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30 đến 50, tuy nhiên ngày nay bệnh có xu hướng phổ biến hơn ở người trẻ.
Nguyên nhân của đau thần kinh tọa thường là do thoát vị đĩa đệm, ngoài ra còn các nguyên nhân bao gồm: thoái hóa cột sống, chấn thương cột sống, trượt đốt sống, viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn, u,…) cũng gây tác động vào thần kinh tọa gây đau.
Hiếm gặp hơn là dây thần kinh tọa bị chèn bởi khối u, do mạch máu biến dạng, phình lên đè ép vào gây đau.
Đau thần kinh tọa khiến cho người bệnh không thể cúi ngửa, xoay trở hoặc đi lại.
Đối với người trẻ đau dây thần kinh tọa chủ yếu do các nguyên nhân như lao động nặng, bị chấn thương, ngồi - nằm không đúng tư thế,...
Những nguy cơ dẫn đến bệnh đau thần kinh tọa có nhiều nhưng người ta thường thấy là tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc càng cao. Bởi tình trạng thoái hóa theo quy luật tích tuổi xảy ra, trong đó có thoái hóa đĩa đệm và thân đốt sống gây tác động lên dây thần kinh tọa và có thể gây chèn ép vào dây thần kinh tọa.
Nếu phải làm công việc nặng là nguy cơ để tăng áp lực lên cột sống và tư thế làm việc không hợp lý sẽ dễ gây ra thoát vị đĩa đệm… nguy cơ sẽ đau dây thần kinh tọa là rất cao. Những người phải làm việc lâu trong một tư thế cũng dễ dẫn tới tình trạng giảm máu nuôi tới cột sống và cơ cạnh cột sống, áp lực liên tục về một phía đĩa đệm. Kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến nhanh thoái hóa cột sống và đĩa đệm, là nguyên nhân gây đau thần kinh toạ.
Người ta còn ghi nhận thấy nếu làm việc trong môi trường rung xóc liên tục như lái xe, sẽ liên tục tạo chấn thương nhỏ nhưng liên tục lên cột sống, đĩa đệm cũng sớm gây ra thoái hóa cột sống và đĩa đệm.
Thói quen sinh hoạt không hợp lý ví dụ đi giày, guốc cao gót kéo dài, làm thay đổi tư thế sinh lý của cột sống, cột sống luôn ưỡn ra phía trước quá mức… cũng dễ mắc nguy cơ đau thần kinh tọa do đĩa đệm bị tăng áp lực có thể gây ra trượt đốt sống.
Khi mắc người bệnh sẽ chịu đựng những cơn đau đớn. Tình trạng nhẹ sau một đợt điều trị có thể khỏi nếu nặng sẽ gây đau dai dẳng làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ở một số người bệnh sẽ gây liệt hai chi dưới có thể dẫn đến teo cơ và mất vận động. Ở người bệnh phải điều trị lâu dài có thể sẽ gây hệ lụy bởi tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, người bệnh rất thường bị tái phát, nhất là các trường hợp như thoát vị, thoái hóa, xẹp, trượt đốt sống.
Câu hỏi nhiều người băn khoăn là khi mắc đau thần kinh tọa của chữa khỏi hoàn toàn không? Để trả lời cho câu hỏi này, việc điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương và từng cá nhân…
Đối với người bệnh đau thần kinh tọa do các nguyên nhân thường gặp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng thường không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Nếu mắc đau ở đợt cấp, chủ yếu là bất động và giảm đau gồm các phương pháp điều trị như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu, dùng thuốc, phẫu thuật được chỉ định khi cần thiết. Ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần đeo đai lưng và tránh hoạt động sai tư thế.
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ. Người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn, nằm giường cứng, tránh các cử động mạnh, không mang xách nặng, hạn chế đứng lâu hoặc ngồi lâu.
Ngoài ra các bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng vật lý trị liệu như massage, kéo giãn cột sống, ấn cột sống,... cũng giúp làm giảm đau cho bệnh nhân.
Can thiệp ngoại khoa sẽ được chỉ định cho các trường hợp sau: Thoát vị đĩa đệm mức độ nặng (hội chứng chùm đuôi ngựa, mất cảm giác vùng tầng sinh môn, biểu hiện tăng đau, hẹp ống sống nặng, liệt chi dưới,..) hoặc thất bại với điều trị nội khoa bảo tồn.
Còn đối với người bệnh đau thần kinh tọa do nguyên nhân khác như: Các nguyên nhân do viêm nhiễm thì tùy theo viêm do vi trùng, do lao hay do ký sinh trùng mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Đối với người bệnh mắc đau thần kinh tọa do các nguyên nhân như: U thần kinh, ung thư… sẽ phải hội chẩn các chuyên khoa liên quan để có phương pháp điều trị phù hợp.
Tóm lại: Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất cơ thể đi từ dưới thắt lưng đến ngón chân. Bệnh đau thần kinh tọa gây ra cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Mức độ đau sẽ tùy thuộc vào vị trí tổn thương và hướng lan của bệnh. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng đau thần kinh tọa có thể dẫn đến yếu chi, tàn phế, ảnh hưởng đến cuộc sống. Do đó, bệnh nhân cần đi khám sớm nếu có một số dấu hiệu bệnh ban đầu. Để dự phòng đau dây thần kinh tọa cần giữ cột sống thẳng đứng, tránh cúi người bưng, bê, vác vật nặng, nếu không thể tránh được, cần phải tập luyện tư thế bưng vác đúng cách, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về điều đó. Cần tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ lưng và sự mềm mại cột sống. Khi mắc các bệnh lý thoái hóa, xẹp, trượt đốt sống, ung thư, viêm… cần điều trị kịp thời. |
Theo suckhoedoisong.vn
Lượt xem: 226
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"