Tiến sĩ tạo vật liệu biến nước biển thành nước sạch sinh hoạt
Tận dụng polyphenol tự nhiên có trong trà xanh và cấu trúc xốp đa lớp của quả phật thủ, TS Phạm Tiến Thành cùng cộng sự phát triển thành công vật liệu quang nhiệt giá rẻ để lọc nước biển.
Vật liệu do nhóm nghiên cứu trường Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội do TS Phạm Tiến Thành (38 tuổi) dẫn đầu chế tạo có hiệu suất hấp thụ mặt trời lên tới 95%. Đây là loại vật liệu tích hợp ứng dụng trong các hệ tạo hơi nước bằng năng lượng mặt trời, nhằm lọc nước biển thành nước sạch.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra quy trình chế tạo vật liệu mới bằng cách tạo ra phức chất sắt kết hợp polyphenol chiết xuất từ nước trà xanh (hoặc trà mạn) trên vật liệu nền tự nhiên từ quả phật thủ để tăng khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời. Họ lấy lõi xốp của quả phật thủ cắt lát, xử lý bằng cồn, sau đó ngâm vào dung dịch nước trà xanh và tổng hợp với dung dịch Fe3+ để tạo thành vật liệu. Khi đó phản ứng giữa Fe3+ và các polyphenol sẽ tạo lớp phức có kích cỡ nanomet bám trên bề mặt cấu trúc xốp đa lớp của lõi phật thủ từ đó tạo thành lớp hấp thụ ánh sáng với hiệu suất cao.
TS Thành cho hay, để lớp phức ion kim loại có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt, polyphenol trong chè phải bám đồng đều trên bề mặt vật liệu. Do đó các công đoạn đều được thực hiện kỹ càng, nhất là bước xử lý vỏ phật thủ. Việc xử lý tinh dầu trong vỏ giúp tăng hình thành liên kết giữa polyphenol tự nhiên trong nước trà và xenlulo trên bề mặt quả phật thủ, nhờ đó vật liệu đạt mức hấp thụ mặt trời lên tới 95%.
Nhóm đã thử nghiệm vật liệu quang nhiệt trong hệ lọc nước biển theo phương pháp bay hơi, hơi nước sẽ được ngưng tụ thành nước sạch. Trong điều kiện phòng thí nghiệm (sử dụng mặt trời nhân tạo), vật liệu này có tốc độ bốc hơi nước là 1,92kg/m2/giờ, gấp hơn 4,5 lần so với tốc độ bay hơi nước trong điều kiện thường không sử dụng vật liệu (0,42kg/m2/tiếng). Tốc độ này cao hơn các vật liệu quang nhiệt bằng sinh khối đã được nghiên cứu trước đó (như tre, rơm rạ hay vỏ dừa...).
Sử dụng vật liệu mới vào lọc nước mặn quy mô nhỏ, diện tích vật liệu khoảng 100 cm2 cho thấy, ngày nắng thu được khoảng 3,7 lít nước sạch/m2. TS Thành cho biết, thời điểm thực hiện thí nghiệm là vào mùa đông, nếu mùa hè có thể lên tới 5-6 lít/m2 vật liệu mỗi ngày. Nước lọc qua hệ thống khử được 99.9% ion muối có trong nước biển.
TS Phạm Tiến Thành (phải) tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC
Nhờ cấu trúc có khả năng dẫn nước tốt mà vật liệu này ít bị bám muối trên bề mặt trong quá trình bay hơi nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hiệu suất của vật liệu trong quá trình sử dụng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế Desalination tháng 7/2022.
Ông Nguyễn Hoàng Oanh, phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật đánh giá, nghiên cứu của nhóm là bước tiến quan trọng hướng tới phát triển các vật liệu phù hợp ứng dụng thực tế. Theo ông trước hết cần chế tạo vật liệu ở quy mô lớn với giá thành rẻ. "Việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giá thành rẻ sẽ là giải pháp tiềm năng để đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình phù hợp với hiện trạng của các nước đang phát triển", ông cho hay.
Khoảng 6 năm gần đây hướng nghiên cứu chế tạo vật liệu quang nhiệt ứng dụng vào hệ lọc nước mặn và xử lý nước ô nhiễm phát triển mạnh trên thế giới. Nhiều loại vật liệu và phương pháp khác nhau được sử dụng như vật liệu nano kim loại, polyme, vật liệu carbon... Tuy nhiên để ứng dụng thực tế đòi hỏi vật liệu quang nhiệt cần được chế tạo với quy trình đơn giản, giá thành rẻ. Do đó hướng sử dụng vật liệu sinh khối như sợi cellulose tự nhiên từ tre, nứa, xơ dừa... dần trở thành vật liệu nền tiềm năng.
Thực tế nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Đông... đã xây dựng các nhà máy lọc nước biển có quy mô lớn với chi phí đầu tư ban đầu và duy trì cao. Cách này khó phù hợp với điều kiện các nước đang phát triển như Việt Nam. Hệ thống sản xuất hơi nước bằng năng lượng mặt trời của nhóm có nhiều tiềm năng ứng dụng ở quy mô hộ gia đình, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ở vùng bị ảnh hưởng của hạn mặn như Đồng bằng sông Cửu Long và vùng hải đảo.
TS Thành cho biết, nhóm tiếp tục hướng nghiên cứu các loại vật liệu mới có thể đạt được hiệu suất cao hơn, hệ thống lọc xuyên suốt 24 giờ, thay vì chỉ ban ngày như hiện tại.
Theo VnExpress
Lượt xem: 193
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"