Đưa vào ứng dụng công nghệ in 3D phẫu thuật nội soi xương
Công nghệ in 3D phẫu thuật nội soi xương của nhóm bác sĩ tại Đại học VinUni được cải tiến, tối ưu thiết kế sau khi thắng giải Sáng kiến Khoa học 2022.
Gần 1 năm sau khi thắng giải Nhì cuộc thi Sáng kiến Khoa học do VnExpress tổ chức, BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D đã đưa vào ứng dụng thực tế. Giải pháp này được hội đồng giám khảo đánh giá cao, nghiên cứu có ý nghĩa, mang đến cơ hội cho người bệnh.
Anh chia sẻ, khi tham gia cuộc thi là thời điểm họ mới thành lập Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, tháng 12/2021. "Khi ấy ý tưởng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 3D trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và ngoại khoa cùng nhiều ngành khác vẫn còn trong giai đoạn phôi thai", bác sĩ Hiếu nói.
Khi thuyết trình, ban giám khảo cũng góp ý việc cải tiến về thiết kế sao cho nhỏ, gọn dễ làm, cùng với tối ưu giá thành và tiếp cận tới nhiều người hơn. "Phẫu thuật u nang xương sên cần giải pháp định vị chính xác trong không gian 3D. Việc tạo ra các mô hình thiết bị dẫn đường phẫu thuật trên phần mềm máy tính, đảm bảo chính xác tuyệt đối nhằm tránh tổn thương cho bệnh nhân", BS Hiếu nói.
BS Phạm Trung Hiếu (thứ 4 từ trái sang) cùng các cộng sự thuộc trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni. Ảnh: NVCC
Sau cuộc thi nhờ các đóng góp của Hội đồng giám khảo, công nghệ thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D đã có những cải tiến đáng kể về thiết kế và hiệu quả phẫu thuật. Nhờ thiết bị nhỏ, gọn, dễ làm hơn giúp phẫu thuật thêm 4 ca nội soi lấy nang xương sên, mở rộng sử dụng định vị dẫn đường vào 40 ca thay khớp háng, gối...
BS Hiếu cho biết công nghệ hỗ trợ bệnh nhân hồi phục rất nhanh, không đau, biên độ gập duỗi gối cải thiện, quay về cuộc sống sinh hoạt bình thường đạt >90% so với các nghiên cứu thay khớp thông thường chỉ đạt 60-70%. Ngoài những ca bệnh u nang xương sên thường gặp ở các bệnh nhân trẻ, hồi phục nhanh, nhóm nghiên cứu đã phát triển thêm các trợ cụ cá thể hóa (PSI) trong phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối toàn phần.
Nhóm nghiên cứu cho biết, người bệnh tại Việt Nam đang được phẫu thuật thay khớp với các bộ khớp nhân tạo và trợ cụ khay cắt dẫn đường đi kèm nhập khẩu hoàn toàn và dựa trên thông số của người Âu, Mỹ. Vì có sự bất tương xứng giữa cấu trúc xương người Việt với các bộ khớp này, đã gây ảnh hưởng tới kết quả điều trị, tuổi thọ khớp. Thậm chí, đến nay cũng chưa có nghiên cứu trên quy mô lớn nào mô tả chi tiết về các thông số nhân trắc học khớp của người Việt để có thể so sánh, hoặc ứng dụng vào nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp.
Bởi lý do trên, nhóm tiếp tục phát triển ý tưởng thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa (PSI) được in bằng vật liệu 3D tương thích sinh học có thể tiếp xúc với mô của bệnh nhân. "Chúng tôi cũng sử dụng công nghệ in 3D để in ra các khớp gối, khớp háng có bề mặt hoàn toàn trùng khớp để đặt thiết bị dẫn đường phẫu thuật cho mỗi bệnh nhân với từng tổn thương chỉ đặc trưng riêng cho người bệnh đó", BS Hiếu cho hay.
Như vậy mỗi ca bệnh sẽ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân 2 lần: phẫu thuật "trước mổ" trên mô hình giải phẫu kết hợp với trợ cụ dẫn đường, và phẫu thuật trên bệnh nhân với chính khay cắt PSI đã được thiết kế và sản xuất bằng công nghệ 3D.
Các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, thực hiện phẫu thuật phẫu thuật chỉnh hình khớp ứng dụng công nghệ 3D cho bệnh nhân. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Ngoài các sản phẩm ứng dụng công nghệ 3D trong chấn thương chỉnh hình (PSI, mô hình xương khớp của bệnh nhân), công nghệ này còn ứng dụng vào các sản phẩm khác trong lĩnh vực chỉnh hình mũi trẻ sơ sinh hở hàm ếch, mô hình giải phẫu bệnh lý các ca bệnh tim mạch phức tạp, mô hình trong chấn thương sọ não.
Đội thi Trung tâm công nghệ 3D trong Y học bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục tham gia các sản phẩm mới này tại mùa 2 của Sáng kiến khoa học, nhằm mở rộng hơn về đưa ứng dụng công nghệ 3D vào thực tiễn.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023 do VnExpress tổ chức bước sang năm thứ 2 với mong muốn tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên, tuổi dưới 40, nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp, sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống.
Cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh các giải pháp, sáng kiến thuộc lĩnh vực có tính ứng dụng rộng (y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới). Đặc biệt năm nay hạng mục mới thu hút các sáng kiến áp dụng cho vùng sâu, vùng xa, miền núi. Tổng giá trị giải thưởng cũng được nâng lên 300 triệu đồng cho các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba, khuyến khích.
Cuộc thi nhận hồ sơ đến ngày 2/3. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 5. Những người yêu khoa học, các nhà nghiên cứu có thể gửi hồ sơ tham dự tại đây.
Theo VnExpress
Lượt xem: 233
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"