Xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị Covid-19 thế nào?
Y học cổ truyền Việt Nam xếp xuyên tâm liên thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất của cây thu hái vào đầu thu khi bắt đầu ra hoa.
Ngày 7/7, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 lần thứ 5, Bộ Y tế cũng họp bàn về các thay đổi tại Việt Nam. Hội đồng chuyên môn xem xét và bàn luận các ý kiến về việc sử dụng thuốc đông y (xuyên tâm liên).
Việc sử dụng xuyên tâm liên trong hỗ trợ điều trị Covid-19 đã được Bộ Y tế đặt vấn đề vào tháng 3/2020. Trên thế giới, đây cũng là vị thuốc được nhiều quốc gia Đông Nam Á sử dụng khi hỗ trợ chữa trị cho các ca nhiễm nCoV.
Ở y học cổ truyền Trung Quốc, xuyên tâm liên được xem là thảo mộc dùng trong hạ nhiệt, thải bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Trong hệ thống y học Ayurvedic, các cư dân của Tamilnadu, Ấn Độ, sử dụng loại thảo mộc này cho nhiều loại bệnh như đau bụng kinh, leucorrhoea, chăm sóc trước - sau khi sinh; một số bệnh phức tạp như sốt rét, vàng da, lậu và chữa lành vết thương, vết cắt, nhọt, bệnh ngoài da...
Tháng 4, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan cho thấy trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng xuyên tâm liên, tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên mắc Covid-19 đều được cải thiện. Mọi triệu chứng của bệnh biến mất sau 5 ngày thử nghiệm mà không xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào.
Thống kê của Cục Cải tạo của Bộ Tư pháp Thái Lan cho thấy cơ quan này đã điều trị thành công cho 12.376 bệnh nhân mắc Covid-19 bằng xuyên tâm liên chiết xuất.
Cánh đồng trồng xuyên tâm liên tại Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post).
Phác đồ điều trị cho các tù nhân dựa trên thông tin từ Cơ quan Dược phẩm truyền thống Thái Lan, khuyến nghị sử dụng một liều 180 mg andrographolide có trong xuyên tâm liên để điều trị trong 5 ngày liên tiếp cho người mắc Covid-19.
Theo Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia Thái Lan (NHSO), các F0 điều trị Covid-19 tại nhà cũng được phát thuốc có chứa xuyên tâm liên. Thông qua bệnh viện mà bệnh nhân đăng ký, chính phủ sẽ gửi nhiệt kế, máy đo nồng độ bão hòa oxy kẹp đầu ngón tay, và thức ăn cho người bệnh.
Tại Ấn Độ, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Cao đẳng Dược JSS cho thấy thành phần hóa học của xuyên tâm liên (andrographolide và dihydroxy dimethoxy flavone) có tác dụng chống lại Covid-19 nhờ ức chế enzym protease chính của SARS-CoV-2.
Hợp chất chiết xuất từ xuyên tâm liên (Andrographolide) cũng mang lại tiềm năng ức chế protease chính của virus. Nhờ đó, Andrographolide được đánh giá là hợp chất hứa hẹn, có tiềm năng trong việc chống lại Covid-19.
Tại Trung Quốc, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giới chuyên gia về y học cổ truyền đã khuyên dùng Xiyanping tiêm để điều trị lâm sàng Covid-19. Đây là chế phẩm chống viêm, kháng virus, được cấp phép sử dụng tại Trung Quốc, có nguồn gốc từ thành phần hoạt tính của xuyên tâm liên.
Nhóm tác giả của Công ty Dược Tasly Pharmaceutical Group, Thiên Tân, Trung Quốc, công bố trên nền tảng khoa học Frontiers Media SA ngày 15/7 khẳng định y dược học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong phòng, điều trị Covid-19 ở các giai đoạn khác nhau. Thống kê từ nhóm tác giả cho thấy tại Trung Quốc, 92,58% F0 được điều trị bằng y dược học cổ truyền. Hơn 70% trong số này đã xuất viện, khỏi bệnh.
Các thành viên Công ty Dược Tasly Pharmaceutical Group khẳng định công năng thanh nhiệt và giải độc, kháng sinh, chống viêm, có tác dụng điều trị rõ ràng đối với các bệnh hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn, virus của xuyên tâm liên, dựa trên một số lượng lớn dữ liệu lâm sàng đã được tích lũy.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Lý, Trưởng Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), xuyên tâm liên trong dân gian còn gọi là cây công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, là một loài thảo dược thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Vị thuốc này có tên khoa học là Andrographis paniculata, dễ tìm thấy trong môi trường tự nhiên và có nguồn gốc ở Ấn Độ. Sau nhiều năm, loài cây này được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trở thành một bài thuốc hữu dụng.
Ở Việt Nam, xuyên tâm liên rất phổ biến và phân bổ ở tất cả vùng miền. Cây có đặc điểm là thân mọc thẳng đứng, cao từ 0,3-0,8 m, nhiều đốt, nhiều cành. Lá nguyên, mềm, mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình trứng thuôn dài hay hơi có hình mác, hai đầu nhọn, mặt nhẵn, dài 3-12 cm, rộng 1-3 cm. Hoa màu trắng, điểm hồng, mọc thành chùm hình chùy ở nách lá hay đầu cành. Quả dài khoảng 15 mm, rộng 3,5 mm, hơi nhẵn. Hạt hình trụ, thuôn dài. Mùa hoa từ tháng 9 đến tháng 10.
Cây xuyên tâm liên được ép khô và dùng trong nhiều trường hợp như sấy, chiết... (Ảnh: Plantsoftheworldonline).
Y học cổ truyền Việt Nam xếp xuyên tâm liên thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt, giải độc, vị đắng, tính hàn, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống...
Bác sĩ Hoàng Văn Lý cho hay tính kháng sinh tự nhiên của xuyên tâm liên được đánh giá rất cao nhờ công dụng giảm đau, tăng đề kháng, không để lại tác dụng phụ như các loại kháng sinh thông thường.
Y học cổ truyền từ lâu đã dùng xuyên tâm liên để chữa các bệnh về hô hấp như cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, sưng amidan, viêm phế quản - phổi.
Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, virus phổ rộng, xuyên tâm liên cũng có hiệu quả tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan khác, như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, viêm nhiễm đường ruột. Ngoài ra còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, đắp ngoài hoặc làm nước tắm chữa mụn nhọt, ghẻ lở….
Xuyên tâm liên là thảo dược điều trị rất có hiệu quả các bệnh thuộc hệ thống hô hấp, đặc biệt đối với cảm cúm. Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu cũng là một dạng bệnh đường viêm đường hô hấp do virus gây nên.
Viên nang xuyên tâm liên được sử dụng tại Thái Lan trong hỗ trợ điều trị Covid-19. (Ảnh: Bangkok Post).
Theo bác sĩ Hoàng Văn Lý, việc sử dụng xuyên tâm liên kết hợp một số thuốc cũng sẽ có tác dụng nhất định trong hỗ trợ điều trị, cải thiện triệu chứng đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi, làm giảm tiết dịch, thông thoáng đường thở, đảm bảo thông khí ở các bệnh nhân bị Covid-19 nhẹ hoặc giai đoạn khởi phát.
Theo y học cổ truyền, xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh, sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy. Do đó, bác sĩ Lý khuyến cáo khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý với những người tỳ vị hư hàn; không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú. Những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng và những người phẫu thuật, chấn thương cũng không nên dùng vì có thể bị chảy máu do xuyên tâm liên làm chậm quá trình đông máu.
Lượt xem: 1580
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"