Có nhiều lý do, từ thiếu sự hỗ trợ của nhà trường đến nỗi sợ đánh mất vị thế người thầy – nghiên cứu mới chỉ ra.
COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa lĩnh vực giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhanh chóng sang giảng dạy trực tuyến đã dẫn đến một giai đoạn căng thẳng cao độ đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học và giảng viên. Đột nhiên bị buộc phải nắm bắt công nghệ giáo dục (edtech), nhiều giảng viên đại học đã trải qua những thời đoạn chật vật do họ ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng như thiếu nguồn lực kỹ thuật và sự hỗ trợ của cơ sở giáo dục đại học.
Dự án nghiên cứu của Viện Internet và Xã hội Alexander von Humboldt và Đại học Fern ở Đức đã thử tìm hiểu những trải nghiệm tiêu cực này dẫn đến việc một số giảng viên kháng cự lại edtech như thế nào.
Thông qua các cuộc phỏng vấn với 68 giảng viên làm việc tại tám trường đại học châu Âu, nghiên cứu đã xác định được những động cơ thúc đẩy phản ứng kháng cự edtech.
Các hành vi kháng cự dễ nhận thấy nhất thường là những hành vi được coi là kịch tính nhất, chẳng hạn như tranh cãi và từ chối tham gia. Ví dụ, hãy tưởng tượng các giảng viên đại học xếp hàng biểu tình để yêu cầu được quay trở lại hình thức giảng dạy trực tiếp.
Tuy nhiên, còn có nhiều hình thức kháng cự edtech tinh vi hơn: né tránh, phớt lờ, “dìm hàng” nó hoặc chờ cho đại dịch qua. Trong các cuộc phỏng vấn, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các hình thức kháng cự tinh vi phổ biến hơn.
Chẳng hạn, những người được phỏng vấn thường bộc lộ sự phản đối ngầm đối với edtech khi coi nó là thấp kém hơn so với giảng dạy trực tiếp. Một nhà quản lý đại học làm việc tại một trường đại học nghiên cứu lớn của Anh nhận xét: “Đã có sự chuyển dịch sang văn hóa ủng hộ làm nhiều việc bằng công nghệ kỹ thuật số, nhưng vẫn có sự kháng cự; phần lớn trong số đó chủ yếu liên quan đến quan niệm coi trường học là trung tâm và việc đến lớp đem lại những ưu thế đặc biệt. Vẫn tồn tại nhận thức rằng trực tuyến là tốt thứ hai theo một cách nào đó.”
Những phát biểu như vậy dẫn đến câu hỏi: Những nhận thức tiêu cực này từ đâu mà ra? Điều gì khiến các giảng viên đại học chống lại edtech?
Hệ tư tưởng cá nhân
Thông thường, những hình thức kháng cự tinh vi gắn liền với hệ tư tưởng cá nhân về công việc giảng dạy hoặc các giá trị của tổ chức đại học, như được minh họa qua lời một giảng viên làm việc tại một trường đại học nghiên cứu ở Đức: “Do [virus] corona, chúng tôi bắt buộc phải thay đổi một cách đột ngột, điều đó cho đến nay vẫn không dễ dàng đối với chúng tôi. Chà, không phải dành cho tôi... bởi vì nó mâu thuẫn với hình dung của tôi về trường đại học. Trường đại học là về trình bày và thảo luận với các cá nhân và các nhóm. Và trong môi trường kỹ thuật số, điều đó diễn ra với những hạn chế lớn. Bởi vậy, nó không còn là trường đại học nữa.”
Giảng viên này đã nói thay nỗi lo chung của những người được phỏng vấn, đó là việc giảng dạy trực tuyến khiến họ không thể tương tác đầy đủ với sinh viên vì không gian hạn chế cho các cuộc thảo luận tích cực và hấp dẫn. Đối với nhiều giảng viên, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội, thảo luận được coi là nền tảng của giáo dục đại học.
Thay đổi kích hoạt cảm xúc tiêu cực
Sự phản đối cũng có thể là biểu hiện ra bên ngoài phản ứng cảm xúc của một cá nhân trước yêu cầu phải thay đổi. Đối với một số giảng viên, edtech gợi lên nỗi sợ: một số sợ phải xuất hiện trước mặt sinh viên với bộ dạng không thành thạo công nghệ, trong khi số khác sợ việc sử dụng edtech sẽ làm giảm quyền uy học thuật của họ.
Trong đoạn trích dưới đây, một trưởng phòng đào tạo tại một trường đại học cỡ trung bình của Đức, mô tả bản chất nhiều mặt của nỗi sợ edtech này: “Có một nỗi sợ thực sự [liên quan đến edtech] trong các giảng viên về việc đánh mất vị thế của họ. Khi bạn hiểu việc giảng dạy kỹ thuật số như một sản phẩm đóng hộp, điều mà một số người vẫn nghĩ, nghĩa là, một bản ghi bài giảng có thể được phát đi phát lại nhiều lần trong 5 năm tới.
“Nếu bạn bị mắc kẹt trong cách nghĩ đó, thì sẽ xuất hiện cảm giác bạn mất kiểm soát, bạn không quan trọng đến vậy... Tôi nghĩ rằng điều này thực sự khiến nhiều người sợ hãi... họ sợ mất vị thế của mình [và] những người khác có thể sao chép hoặc phán xét những gì họ đã làm.”
Hơn nữa, nỗi sợ sử dụng edtech của nhiều giảng viên còn liên quan đến khối lượng công việc tăng lên. Các giảng viên giải thích rằng dạy trực tuyến có nghĩa là thiết kế lại các khóa học, một nhiệm vụ tốn nhiều thời gian và công sức, lại thường không được lãnh đạo trường đại học thấu hiểu hoặc công nhận.
Một trưởng phòng đào tạo từ một trường đại học ở Estonia mô tả tình trạng khó xử này khi phải làm thêm mà không được công nhận: “Mặc dù tất cả chúng tôi đều hiểu nhu cầu [sử dụng edtech], nhưng chúng tôi không thực sự muốn thay đổi. Giảng viên không muốn thay đổi vì nó tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi nỗ lực rất lớn. ... [Cũng] không có động lực để thay đổi. Vì sao? Bởi vì trường đại học của chúng tôi coi trọng nghiên cứu, còn việc giảng dạy thì không.”
Chính khối lượng công việc phải gánh thêm cùng với việc chưa được trường đại học dành đủ ưu tiên đã góp phần tạo ra những thái độ tiêu cực với edtech.
Thách thức quyền tự chủ
Kháng cự thay đổi không phải là một hiện tượng mới mẻ gì ở trường đại học và có thể được giải thích bằng vị thế của các giáo sư và cấu trúc của trường đại học. Là những người có trình độ cao, các giáo sư được xã hội trao cho quyền tự do học thuật cũng như quyền tự quyết trong các phạm vi thuộc ảnh hưởng của họ: giảng dạy và nghiên cứu. Do đó, thay đổi từ trên xuống có thể được coi là vi phạm quyền tự chủ của các giáo sư trong việc quyết định định dạng và nội dung khóa học.
Tinh thần tự chủ cũng ngấm sâu vào cấu trúc của trường đại học – một cấu trúc mà trong đó, theo nhà lý luận tổ chức Karl E Weick, các đơn vị thành viên liên kết lỏng lẻo với nhau. Quan điểm này cũng phù hợp với quan điểm cho rằng các trường đại học không có một nền văn hóa độc tôn, mà bao gồm nhiều 'nền văn hóa' hoặc 'tiểu văn hóa', được hình thành theo các ngành và các khoa.
Những đặc điểm cấu trúc và xã hội nêu trên tạo ra một môi trường phức tạp - đấy là trong trường hợp tốt nhất, còn xấu nhất là chỉ trích và thậm chí nghi ngờ - đối với những yêu cầu thay đổi từ trên xuống. Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi việc thúc đẩy edtech vào thời kỳ đại dịch đã dẫn đến sự phản đối của một số giảng viên đại học.
Hiểu sự phức tạp
Kháng cự thay đổi, theo truyền thống, được coi là một rào cản phải vượt qua. Khi vấn đề này xuất hiện, các tổ chức thường đầu tư công sức để tìm giải pháp cho nó, chẳng hạn như làm thế nào để thuyết phục hoặc xử lý những người vi phạm. Tuy nhiên, những ứng xử như vậy chỉ giải quyết được vấn đề ở trên bề mặt.
Sự thay đổi do edtech mang lại thách thức các hệ tư tưởng đã sâu rễ bền gốc và các đặc tính được gán cho việc giảng dạy, trải nghiệm trong lớp học, và mục đích của trường đại học.
Hiểu được sự phức tạp của hành vi kháng cự và những cảm xúc khác nhau tạo nên nó là bước quan trọng đầu tiên. Trong tương lai, chúng ta có thể xem các hành vi kháng cự như một cơ hội để hiểu thêm về cá nhân giảng viên ở phía sau công nghệ và về vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ các thực hành xã hội hiện nay.
Theo khoahocphatrien.vn