“Đó là một nhiệm vụ đầy thách thức”, giáo sư Shimin Liu – ngành kỹ thuật năng lượng và khoáng sản tại Penn State, trưởng nhóm – cho biết. “Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, dựa trên những kinh nghiệm trước đây đối với than và đá phiến, mới có thể hoàn thành”, ông nói thêm.
Khi phân tích 8 mẫu than lấy từ các bang khác nhau của Mỹ, nhóm kết luận đây thực sự là một loại vật liệu tốt để lưu trữ hydro, trong đó than bitum kém bay hơi ở Virginia và than anthracite tại Pennsylvania cho hiệu quả cao nhất nhờ vào thành phần độc đáo của chúng. “Rất nhiều người định nghĩa than như một loại đá, song thực ra nó là polymer”,GS. Liu nói. “Nó chứa hàm lượng cacbon cao với vô số lỗ nhỏ có khả năng lưu trữ khí. Vì vậy, than giống như một miếng bọt biển chứa được nhiều phân tử hydro hơn so với các vật liệu phi carbon khác.”
Những nghiên cứu xa hơn trong tương lai sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa ý tưởng sử dụng than để lưu trữ hydro, tức tạo ra một loại pin hydro từ than. Hướng đi này có thể mang lại hy vọng cho những cộng đồng dân cư xung quanh các mỏ than đứng trước nguy cơ lụi tàn vì xu hướng dịch chuyển năng lượng. “Họ vốn là những người đã có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Nếu có thể xây dựng cơ sở hạ tầng và điều chỉnh cơ hội kinh tế của họ, tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta nên xem xét.”
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Applied Energy.
Theo khoahocphattrien.vn