Bệnh than khiến 13 người mắc ở Điện Biên có biểu hiện và nguy hiểm như thế nào?
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5 đến 30/5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh than thuộc ba ổ dịch ở Tuần Giáo và Tủa Chùa, có yếu tố dịch tễ là giết mổ và ăn thịt trâu bò. Sự nguy hiểm của bệnh than như thế nào bạn đã biết chưa?
Mặc dù là một bệnh không phổ biến tại Việt Nam nhưng vẫn có khả năng tồn tại mầm bệnh. Bệnh có nhiều tổn thương, khi bệnh than tiến triển có thể gây sốc, suy đa tạng, viêm màng não…
Và điều quan trọng, vi khuẩn gây bệnh than có thể ngủ dưới dạng các bào tử. Ở môi trường đất thích hợp, bào tử có thể tồn tại ở dạng tiềm sinh trong vài thập kỷ. Chính vì thế bào tử vi khuẩn bệnh than được một số nước dùng làm vũ khí sinh học. Tất cả những gene độc lực của B. anthracis đều xuất phát từ sự nảy mầm của bào tử trong cơ thể. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh than là một bệnh truyền nhiễm với nỗi lo vũ khí sinh học và căn bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm ở người.
Bệnh than lây truyền sang người qua các phương thức sau:
Bệnh than thể ngoài da có đặc tính là các vết loét trên da và do phơi nhiễm với các bào tử thông qua con đường chăm sóc động vật bị bệnh hoặc lông, da, sản phẩm thịt, xương của động vật bị nhiễm vi khuẩn. Thể bệnh này chiếm 95% các trường hợp bệnh than.
Khi mắc tổn thương thường gặp là ở đầu, cổ, các chi. Tổn thương ban đầu trên da có dạng sẩn ngứa, không đau, xuất hiện sau khi nhiễm bào tử 3-5 ngày. Trong vòng 24-36 giờ, chúng sẽ trở thành dạng bọng nước, bị hoại tử ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng, kèm phù xung quanh với những bọng nước đỏ tím.
Nếu loét hoại tử có mủ, đau và bệnh nhân bị sốt thì có thể có bội nhiễm, thường là do tụ cầu hoặc liên cầu.
Vùng xung quanh có thể sưng phồng và đau và có thể kéo dài sau khi hình thành vảy. Các vết lở loét ảnh hưởng lên cổ có thể gây sưng phồng và có thể góp phần làm khó thở.
Biểu hiện mắc bệnh than trên cơ thể người.
Thể bệnh than đường hô hấp này hiếm gặp trong tự nhiên nhưng có thể có tần suất cao trong trường hợp bào tử bệnh than được dùng làm vũ khí sinh học. Khi bào tử bệnh than được dùng dưới dạng khí dung, nó có thể lan xa trong khí quyển và thâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh với tỉ lệ tử vong cao.
Thể bệnh than đường hô hấp hay thể hít bắt đầu đột ngột, thường 1 - 3 ngày (có thể kéo dài từ 1-60 ngày) sau khi hít một lượng lớn bào tử vi khuẩn than vào hô hấp. Có thể ban đầu không có triệu chứng hô hấp hoặc khó thở đặc hiệu nhưng có thể sốt nhẹ và ho không rõ ràng.
Bệnh nhân có thể đau ngực sớm và cải thiện một cách tạm thời trước khi diễn tiến nhanh chóng sang vấn đề thở nghiêm trọng. Thể hít nghiêm trọng biểu hiện sốt cao, khó thở, thở nhanh, da tái xanh và toát nhiều mồ hôi, nôn ra máu và đau ngực có thể rất nặng giống như cơn đau tim. Thể này thường gây nên tử vong khi độc tố sinh ra bởi vi khuẩn quá mức đào thải của hệ thống tuần hoàn.
Bệnh than thể phổi hay thể hít do hít vào các bào tử vào đường thở vào trong phổi. có thể do người đó cầm các thực phẩm động vật chứa mầm bệnh và chuyển thành thể bệnh này. Một khi hít vào, vi khuẩn nhân lên và có thể lan rộng các độc tố của chúng vào trong dòng máu và đi đến nhiều cơ quan khác. Nhiễm trùng có thể đến gan, lách và thận, do đó chúng có thể gây nhiễm trùng nặng toàn thân và tử vong. Thể bệnh này còn gọi là nhiễm trùng huyết sau khi bị thể hít.
Bệnh than đường tiêu hóa rất khó nhận ra, người bệnh có thể sốc và tử vong trong vòng 2-5 ngày sau khi khởi bệnh. Việc nuốt các bào tử hoặc ăn thịt động vật mắc bệnh có chứa bào tử, có thể xảy ra các triệu chứng sốt, đau bụng lan tỏa, táo bón hoặc tiêu chảy. Phân có màu bã cà phê hoặc lẫn máu. Sau khi khởi phát 2-5 ngày, có thể xuất hiện cổ trướng kèm với giảm đau bụng.
Người bị bệnh than thể tiêu hóa có thể biểu hiện nôn, nôn ra máu, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, tiêu lỏng ra máu kèm theo sốt. Thể bệnh này rất khó chẩn đoán vì dễ nhầm với một số bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh có thể sinh ra loét miệng, họng. Một người có tiền sử ăn các sản phẩm có mầm bệnh sẽ cảm thấy đau họng hoặc khó nuốt. Thể này có tỷ lệ tử vong cao.
Vi khuẩn có thể truyền bệnh than từ động vật sang người
Thể bệnh than viêm màng não có thể gây biến chứng bất kỳ hình thức nào và lan rộng khắp hệ thống thần kinh trung ương và não bộ. Ðây là một biến chứng hiếm gặp song rất dễ tử vong.
Ðường xâm nhập của trực khuẩn than thường thấy nhất là qua da, nhưng cũng có thể xảy ra với thể bệnh ở đường tiêu hóa và ở hô hấp. Bệnh nhân hầu như sẽ tử vong trong vòng 1-6 ngày sau khi khởi phát, tuy được điều trị kháng sinh tích cực.
Ngoài các triệu chứng điển hình như viêm màng não mủ, còn có triệu chứng đau cơ, kích động, co giật hoặc hôn mê. Tình trạng thần kinh suy sụp nhanh và sau đó là tử vong
Bệnh than nhiễm trùng huyết là sự nhiễm trùng trực khuẩn than quá mức trong toàn bộ tuần hoàn. Điều này có thể là một biến chứng của thể hít ở trên. Các cơ quan nội tạng có thể chuyển màu đen với sự lan rộng nhiễm trùng trong máu. Vi khuẩn nhân lên trong máu và tràn lan gây nhiễm cho nhiều tế bào hồng cầu.
Hầu hết thể bệnh than nhiễm trùng máu xảy ra sau thể hít. Số vi khuẩn ly giải từ gan và lách vào trong phổi quá mức chống đỡ của cơ thể và vì thế sinh ra một lượng lớn độc chất gây chết người (lethal toxin) biểu hiện lâm sàng là sốc và tử vong.
Tóm lại: Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do bào tử hoặc vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh lây nhiễm sang người thông qua vết thương hở ngoài da, hoặc nhiễm do ăn thịt động vật bị bệnh, hoặc hít phải bào tử vi khuẩn. Để phòng bệnh, người dân được khuyến cáo không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.
Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa và thông báo với chính quyền địa phương để điều tra, xử lý ổ dịch.
Theo suckhoedoisong.vn
Lượt xem: 199
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"