Liên tục trong sáu tháng qua, chủ đề về bán dẫn được bàn thảo sôi nổi, từ cấp chính phủ, bộ, ngành, địa phương cho đến các viện, trường, doanh nghiệp và cả người dân. Có vẻ như Việt Nam đang rất mong muốn bắt nhịp với thế giới khi sắp sửa ban hành một Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn, và sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024.
Tương tự, một đề án quốc gia nhằm đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 cũng sắp được thông qua, với kinh phí ước tính khoảng 26.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), theo thông tin của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC (Bộ KH&ĐT) tại hội thảo “Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 17/4.
Câu chuyện bán dẫn ở Việt Nam được khơi dậy, không chỉ vì sự lan tỏa khắp toàn cầu của cơn sốt bán dẫn từ những ông lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mà còn vì một cơ hội mới đã được mở ra: Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ ngày 10/9/2023, Mỹ ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời bày tỏ quan điểm “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
“Trước đây, chúng ta không thể nói nhiều về bán dẫn vì thiếu các cam kết của Mỹ. Trong ngành công nghiệp này, nếu không có sự ủng hộ của Mỹ vào chuỗi giá trị thì chúng ta chỉ loanh quanh thế thôi. Có những công nghệ Mỹ cấm chúng ta nhập khẩu nhưng giờ họ sẵn sàng mở cửa”, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC, nhận xét.
Bắt đầu có những tín hiệu sẽ có hàng tỷ đôla từ các tập đoàn lớn của Mỹ và Hàn Quốc như Amkor, HANA Micron và Lam Research đổ vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy lắp ráp hoặc sản xuất. Trong khi đó hàng chục tập đoàn công nghệ khác, bao gồm NVIDIA, Siemens EDA, Intel và Qualcomm, đã chia sẻ những kế hoạch hợp tác dài hạn nhằm mục tiêu đào tạo hoặc nghiên cứu các sản phẩm vi mạch bán dẫn tại Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, việc thu hút luồng vốn lớn từ nước ngoài đổ vào xây dựng các nhà máy lắp ráp hoặc sản xuất ở Việt Nam không khiến tất cả lạc quan. Với tác động này thì “[nhìn bên ngoài] ngành bán dẫn Việt Nam có thể phát triển về quy mô nhưng không thực chất, không phải bằng nội lực của chính mình”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội), từng trao đổi với Tia Sáng vào cuối năm ngoái.
Theo quan sát của ông, doanh nghiệp Việt Nam rất khó chen chân được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn và ngành bán dẫn Việt Nam hiện chỉ là “sân chơi” của doanh nghiệp nước ngoài.
Tương tự, TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, nơi nhà máy bán dẫn đầu tiên của Intel tọa lạc gần 20 năm, cũng bày tỏ lo ngại với đại diện của Bộ KH&CN và các chuyên gia hôm 17/4 rằng chỉ thu hút FDI không giúp Việt Nam có được năng lực công nghệ trong ngành này.
Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI có xu hướng chỉ hoạt động trong không gian của họ và tận dụng triệt để ưu thế giá rẻ và tình hình ổn định tại Việt Nam. “Muốn có được năng lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta phải ‘cài cắm’ được các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị này”, ông Thi nói.
Vậy Việt Nam cần phải làm thế nào để có được các doanh nghiệp bán dẫn đủ lực bước vào chuỗi giá trị bán dẫn? làm thế nào để Việt Nam tạo ra được dấu ấn?
Nên chọn cách phát triển bán dẫn nào?
Thất bại ở những bước đi đầu tiên trong phát triển ngành bán dẫn Việt Nam qua câu chuyện đóng cửa vào những năm 1990 ở nhà máy bán dẫn Z181, sau một thập niên hoạt động, cho thấy việc cần phải cẩn trọng và có những bước đi phù hợp.
“Sản xuất chip là một công việc khó và cần có được nguồn đầu tư lớn và lâu dài, giáo sư vật lý chất rắn Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nhận xét như vậy.
Với một ngành đòi hỏi quá nhiều know-how như ngành thiết kế và chế tạo chip, các doanh nghiệp Việt Nam phải chọn một đường đi khác với các ngành công nghiệp truyền thống khác, nếu muốn tồn tại.
“Cách làm tất cả những công ty khác liên quan đến chip ở Việt Nam, kể cả như FPT Semiconductor, là tự thiết kế rồi đi thuê chế tạo, đóng gói”, theo góc nhìn của PGS. TS Nguyễn Trần Thuật (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN). Một vài năm trước, anh và cộng sự đã tiếp cận công nghệ chip từ A đến Z ở quy mô phòng thí nghiệm: phát triển hệ vật liệu, thiết kế và chế tạo thử chip ảnh nhiệt. Việc trải nghiệm này giúp anh tạo được sản phẩm nhưng lại không khả thi về kinh tế.
Rõ ràng, câu chuyện của bán dẫn Việt Nam, khi muốn phát triển được sản phẩm hữu dụng, khả thi về mặt kinh tế, được thị trường chấp nhận, là một bài toán khó. Vậy các công ty Việt Nam nên phát triển các con chip phục vụ cho nhu cầu trước mắt của thị trường nội địa hay những con chip tiên tiến, thuộc về nhu cầu của tương lai? Đó là một sự lựa chọn không dễ.
Có hai luồng ý kiến như vậy được đưa ra tại hội nghị. Điển hình cho luồng ý kiến thứ nhất là gợi ý của GS.TS Vũ Ngọc Hùng, giảng viên Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội: Việt Nam không nên đi vào các công nghệ chip tiên tiến ở node 3-5nm mà cần bắt đầu với các con chip thế hệ thấp nhưng phù hợp với nhu cầu thị trường, ví dụ như chip ô tô (mỗi ô tô cần tới 30 con chip khác nhau) hoặc chip cho các hệ thống điều khiển (ví dụ, máy giặt, lò vi sóng,...).
Dĩ nhiên, những con chip này sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng tốt hơn từ các hãng Qualcomn, MediaTek... hoặc các sản phẩm giá tốt từ Trung Quốc, trừ phi chúng có được một chính sách bảo hộ của chính phủ.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp có góc nhìn táo bạo hơn gợi ý rằng Việt Nam có thể đi vào những lĩnh vực mà các công ty trên thế giới mới bắt đầu khai phá.
Chẳng hạn, ông Phạm Việt Hà, người làm ở một doanh nghiệp thiết kế chip wifi đặt trụ sở tại Mỹ và Canada nhưng mới mở rộng hoạt động sang Việt Nam, nói rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó có thể thay đổi nhà cung cấp chip quen thuộc cho các dòng sản phẩm hiện tại của mình. Tuy vậy doanh nghiệp này cũng có thể cân nhắc đến việc lựa chọn các chip dành cho cảm biến hoặc các thiết bị IoT do Việt Nam phát triển - vốn sẽ được áp dụng rộng rãi vào việc xây dựng các “thành phố thông minh”, “nông nghiệp thông minh”, “giao thông thông minh”, “lưới điện thông minh” v.v trong tương lai.
Thậm chí, một số doanh nghiệp có tiềm lực như Viettel và FPT có thể hướng tới các dòng chip tiên tiến như chip AI.
Ông Nguyễn Thanh Yên, đại diện cộng đồng vi mạch Việt Nam đồng thời là Giám đốc của CoAsia, một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên thiết kế chip dùng trong các sản phẩm điện tử của Samsung hoặc Apple nhưng tuyển dụng khá nhiều kỹ sư người Việt, bày tỏ sẵn sàng đem hệ sinh thái đa dạng của mình vào quá trình tạo dựng sản phẩm riêng của Việt Nam, miễn là nhà nước có một “đầu bài” rõ ràng.
Một trong muôn nỗi lo mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều phải đối diện khi quyết định làm sản phẩm liên quan đến chip không phải là nhân lực có đủ hay không, hay nguồn vốn có đáp ứng được hay không, mà là “Ai sẽ tiêu thụ sản phẩm?” và “Chính sách có sẵn sàng hỗ trợ cho lĩnh vực mới mẻ này hay không?”
Sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong phát triển ngành bán dẫn chính là quan điểm đầu tư của nhà nước. Vậy nhà nước cần đầu tư như thế nào cho đúng?
Nhà nước nên đầu tư cho bán dẫn như thế nào?
“Một sản phẩm đột phá như vi mạch bán dẫn cần cách thức tài trợ đột phá. Nó sẽ cần linh động hơn và chấp nhận rủi ro hơn”, GS. TS Trần Xuân Hoài, nói với Tia Sáng vào cuối năm ngoái. Đầu tư của nhà nước cho bán dẫn đã là một vấn đề rõ ràng, nhưng liệu vai trò đầu tư của nhà nước ở đây thể hiện như thế nào?
Có lẽ, điểm mạnh nhất của nhà nước chính là tạo ra một môi trường hoạt động thuận lợi thông qua việc thiết kế và xây dựng các chính sách phù hợp với ngành bán dẫn. Theo các chuyên gia, thứ nhất cần có các chính sách giúp Việt Nam tận dụng được các doanh nghiệp FDI, điều mà nhiều năm trước chúng ta vẫn còn chưa khai thác tốt như với ngành công nghiệp ô tô, chế tạo máy…
Để làm được điều này, chính phủ có thể đặt ra các tiêu chí ràng buộc đối với bất kỳ doanh nghiệp FDI nào đặt nhà máy tại Việt Nam - chẳng hạn như phải có một tỷ lệ % nhất định sự tham gia R&D của Việt Nam trong các con chip - hoặc đưa ra các ưu đãi, trợ cấp hấp dẫn cho những doanh nghiệp Việt sử dụng chip nội địa. Nếu được thiết kế và thực thi thì những tiêu chí này sẽ mở ra một phạm vi hoạt động rất rộng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp ngành bán dẫn bằng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ thị trường cho sản phẩm đầu ra… Các chuyên gia cho rằng, chip mà các doanh nghiệp làm ra là linh kiện điện tử cần được tích hợp vào các sản phẩm điện tử. Vì ngành công nghiệp điện tử là đầu ra của ngành công nghiệp bán dẫn nên để thúc đẩy ngành bán dẫn, cần có một cú hích chính sách kích thích nội địa hóa ngành công nghiệp điện tử, tạo điều kiện sử dụng các thiết kế chip mà các doanh nghiệp nội tạo ra.
Thứ ba là hỗ trợ phát triển nhân lực. Hiện nay, các công ty Việt Nam đang theo đuổi mô hình fabless, tập trung vào khâu thiết kế. Tuy nhiên, phần lớn kỹ sư trong nước vẫn đang thực hiện các khâu có tính gia công ở phần thiết kế back-end. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam thiếu những kỹ sư trưởng có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip, những người có khả năng tạo ra khiến trúc logic cho cả con chip ở phần thiết kế frond-end. Những nhân lực như vậy cần được đào tạo một cách bài bản ở trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ...). Việt Nam đang có khoảng trống đào tạo trong lĩnh vực này.
Để tháo gỡ khó khăn này, trong chính sách về nhân lực, chính phủ cần tạo điều kiện cho các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn có được cơ sở vật chất phù hợp với mục tiêu đào tạo và nghiên cứu, xây dựng mạng lưới hợp tác với các trường viện quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Qua trao đổi, một số trường đại học cho biết, bước đầu mình đã tạo dựng được một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn nghiên cứu nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tiền duy trì sự vận hành của hệ thống trang thiết bị trong đó. Hiện tại, liên minh của năm trường đại học kỹ thuật công lập đã được thành lập để nhằm mục đích chia sẻ các phòng thí nghiệm, công cụ và học liệu dùng chung. Dẫu vậy thì về lâu dài, họ vẫn cần sự hậu thuẫn từ ngân sách Nhà nước.
Theo khoahocphattrien.vn