• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin trong nước6/5/2024 14:31

Quỹ KH&CN địa phương: Tìm lời giải cho nút thắt

Nếu không tháo gỡ được nút thắt cơ chế vận hành của các quỹ KH&CN địa phương thì vấn đề kinh phí đầu tư một cách linh hoạt và sẵn sàng cho các hoạt động KH&CN ở địa phương vẫn còn bị bỏ ngỏ.


Các cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh kiểm tra mô hình canh tác rươi - lúa hữu cơ có thả bổ sung rươi giống. Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh
 
Tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN các địa phương 2024, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nêu mong muốn có khảo sát đánh giá ở địa phương để có thể tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế hoạt động các quỹ KH&CN địa phương, hoặc đề xuất chuyển sang các mô hình khác tốt hơn.

Sự chật vật trong hoạt động của các quỹ KH&CN địa phương là điều ai cũng biết từ nhiều năm nay. Tuy nhiên tại sao điều này lại xảy ra ở Hà Nội, một trong hai thành phố lớn của cả nước, có mức bố trí ngân sách đầu tư cho KH&CN vào hàng top và là niềm mơ ước của rất nhiều địa phương khác? Hơn nữa, Sở KH&CN Hà Nội dường như đã cẩn trọng hơn nhiều so với một số sở KH&CN địa phương khác khi việc hình thành Quỹ KH&CN Hà Nội khá muộn sau khi “nghe ngóng” tình hình.
 
Nếu một số nơi đã có quỹ KH&CN địa phương từ năm 2007, 2009 thì tới mãi năm 2014, quỹ KH&CN Hà Nội mới được thành lập theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
 
Tưởng chừng người đi sau sẽ rút kinh nghiệm của những người đi trước để có được cách vận hành tốt hơn cho tổ chức của mình nhưng thật ra, “trốn trời không khỏi nắng” bởi cơ chế hoạt động vẫn là cơ chế chung. “Ở thành phố Hà Nội thì trong nhiều năm vừa rồi, quỹ này gần như không hoạt động được”, ông Nguyễn Hồng Sơn không ngại ngần chia sẻ về tình trạng của mình.

Đó là lý do trong hai năm 2022 và 2023, báo Hà Nội mới có nêu hiện trạng vướng mắc chồng chất vướng mắc của Quỹ KH&CN Hà Nội. Do không vận hành được nên từ tháng 2/2018, quỹ đã bị sáp nhập vào Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội (theo Quyết định số 714/QĐ-UBND Hà Nội) và nguồn vốn và hoạt động của quỹ như tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay các nhiệm vụ KH&CN, hoạt động nâng cao năng lực KH&CN đã được ủy thác cho Quỹ đầu tư theo các quy định của pháp luật liên quan.

Dẫu vậy, hoạt động của quỹ hỗn hợp này đã không phải là giải pháp phù hợp như mong muốn. Báo Hà Nội mới đã dẫn lời ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, nêu trong một cuộc họp nhằm tháo gỡ vướng mắc là hiện quỹ cũng chưa có đủ căn cứ triển khai, đẩy mạnh công tác khai thác cho vay, bảo lãnh vốn vay đối với các doanh nghiệp có hoạt động KH&CN nên chưa thể cho doanh nghiệp nào vay được.

Tại sao, sau hơn một thập kỷ tồn tại, việc tạo một cơ chế tài chính đầu tư linh hoạt cho các nhiệm vụ KH&CN giải quyết các vấn đề phát sinh của địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới ở các địa phương vẫn còn là nỗi khó khăn đến mức không thể thực hiện được? Liệu có giải pháp cho câu chuyện này?

 
 
Năm 2023, hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN tại các tỉnh/thành phố, cơ bản chưa phát huy được hiệu quả, không có thêm tỉnh/thành nào thành lập Quỹ Phát triển KH&CN địa phương. Cả nước có 32/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Quỹ Phát triển KH&CN, trong đó có ba tỉnh/thành phố là Đà Nẵng, Kiên Giang và Trà Vinh đã giải thể hoạt động của quỹ.

Hoạt động cho vay từ Quỹ chỉ được triển khai ở một số ít địa phương với giá trị chưa cao - Phú Thọ cho vay bốn dự án trị giá 3,1 tỷ đồng; Vĩnh Phúc cho vay một dự án trị giá 5,1 tỷ đồng; Quảng Trị cho vay ba dự án, giá trị 2,1 tỷ đổng; Lâm Đồng cho vay một dự án trị giá 1 tỷ đồng. Chủ yếu các dự án này là tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng tạo ra sản phẩm. Theo báo cáo thông kê của các địa phương, cả nước có chín dự án hỗ trợ cho vay với tổng giá trị 11,3 tỷ đồng.
 
Trích Kỷ yếu Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN các địa phương 2024

Vướng mắc không của riêng ai

Câu chuyện của Hà Nội cũng tương tự như câu chuyện của mọi quỹ KH&CN địa phương khác ở khắp mọi miền, từ những nơi giàu tiềm lực đến những nơi có nguồn lực khiêm tốn. Việc vận hành một cơ chế tài chính cho KH&CN mới hoàn toàn khác với cơ chế tài chính kế hoạch hóa mà như lý giải của TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, khi đề cập đến cơ chế quỹ trong quá trình xây dựng Luật KH&CN năm 2013 “Nhà nước giao cho KH&CN bao nhiêu tiền sẽ chuyển vào quỹ, còn Quỹ sẽ phê duyệt đề tài đến đâu cấp tiền đến đấy cho đến khi hết vốn”.
 
Cơ chế quỹ khác các chương trình cấp nhà nước là ở chỗ các chương trình này “hằng năm phải phê duyệt một danh mục các nhiệm vụ đi kèm mức kinh phí, sau đó mới tổng hợp, đưa vào dự toán ngân sách của năm sau, trình Chính phủ, Quốc hội. Quốc hội phê duyệt rồi thì năm sau mới giao kinh phí”.

Trên thực tế, việc vận hành một tổ chức theo hình thức mới mẻ như vậy ở Việt Nam đã nảy sinh nhiều khó khăn khiến phần lớn các quỹ KH&CN địa phương chưa thể phát huy vai trò của mình. Một số nơi như Bến Tre, Phú Thọ, Bình Định, Bình Dương đã cố gắng vượt khó để vận hành quỹ và hy vọng khi triển khai trong thực tiễn sẽ thấy được đường hướng để tháo gỡ.
 
Ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre trao đổi tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN địa phương “Quỹ KH&CN của Bến Tre hoạt động khó khăn. Chúng tôi có 10 tỉ đồng, hiện đã phê duyệt cho vay 16 dự án. Các dự án này hầu hết đều có hiệu quả rất cao tuy nhiên, chúng tôi đang lo là có một vài dự án người ta sẽ trốn nợ. Vậy cơ chế nào để thu hồi vốn này?”.

Thật không dễ tìm câu trả lời cho vấn đề này của Bến Tre. Quy định bảo toàn vốn khiến các hoạt động cho vay, dẫu dưới hình thức nào cũng phải nghĩ đến chuyện đảm bảo cho quỹ KH&CN địa phương phải giữ được đầy đủ kinh phí. Nhưng với trường hợp không may, nơi đón nhận vốn đầu tư vào nhiệm vụ, dự án KH&CN gặp rủi ro, thua lỗ thì cách nào để cơ quan quản lý quỹ bảo toàn được vốn”?
 
Hóa ra, giải pháp ở đây là “Tôi đã dự kiến đến một phương án tệ nhất là nếu người ta trốn nợ thì mình phải bỏ tiền ra trả. Đây là cái khó khăn của Bến Tre”, như lời chia sẻ của ông Lâm Văn Tân. “Vừa qua, tôi cũng đã trình các cấp ủy đảng, chính quyền xin tạm dừng hoạt động quỹ và được hướng dẫn là đợi hướng dẫn của Bộ KH&CN”.

Tình trạng vướng mắc không chỉ khiến nhiều quỹ địa phương hoạt động cầm chừng mà còn dẫn đến việc một số nơi đã cho quỹ của địa phương dừng hoạt động. Một trong số đó là Đà Nẵng, nơi có tổng mức chi cho KH&CN là 2.755 tỷ đồng, trên mức 2% chi ngân sách của địa phương.
 
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đà Nẵng, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, đã chia sẻ “năm ngoái chúng tôi đi giám sát tình hình thực hiện ngân sách cho KH&CN, các tỉnh hầu như đạt khoảng 1,7% là cao rồi, có tỉnh dưới 1 % thôi”.
 
Tuy nhiên, điều diễn ra ở một nơi có mức chi cho KH&CN ở mức cao như Đà Nẵng cũng không suôn sẻ: Đà Nẵng thành lập Quỹ phát triển KH&CN Đà Nẵng vào năm 2015 và trong giai đoạn 2015-2018 đã tài trợ cho bảy doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, đến năm 2021 quỹ giải thể với lý do nghiên cứu khoa học mang tính rủi ro trong khi mọi người đang xem Quỹ KH&CN là Quỹ tài chính như thông thường, phải bảo toàn quỹ nên khó thực hiện được.
 
Thay vào đó, địa phương đã dành nguồn lực cho các chính sách khuyến khích phát triển KHCN khác, đó là lời lý giải của Đà Nẵng tại phiên họp này.
Ông Nguyễn Minh Vạn (bìa trái) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Tân Thuận Phát thăm ruộng canh tác giống lúa Hương Cửu Long kháng sâu bệnh của thành viên HTX. Nguồn: Báo Kiên Giang.


Ông Nguyễn Minh Vạn (bìa trái) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Tân Thuận Phát thăm ruộng canh tác giống lúa Hương Cửu Long kháng sâu bệnh của thành viên HTX. Nguồn: Báo Kiên Giang.
 
Ở đâu, lối thoát?

Những vướng mắc trong thực thi khiến các sở KH&CN còn chưa lập quỹ đều cảm thấy ngại ngần, ví dụ như chia sẻ suy nghĩ của Sở KH&CN Sơn La “đã hai nhiệm kỳ nay chúng tôi không dám trình lãnh đạo tỉnh để thành lập quỹ bởi thành lập xong lại khó vận hành nên đến nay, chúng tôi vẫn chưa thành lập. Nếu khi hỗ trợ doanh nghiệp rồi nhưng nay còn mai mất thì mình không theo được”.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Giữa nhiều cái khó mà các địa phương gặp phải thì điều gì gây cản trở hoạt động của quỹ KH&CN địa phương nhất? Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Sơn thì chủ yếu là “vẫn vướng mắc về cơ chế để chúng ta cho vay, một trong những vướng mắc lớn là chúng ta phải đảm bảo quy định bảo toàn quỹ. Đó là vướng mắc mà nhiều tỉnh đã nêu”.
 
Đó cũng là lý do mà trong Kiến nghị 11 của các địa phương năm 2024 đã đề xuất với Bộ KH&CN “Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính cho hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của địa phương phù hợp với quy định của Luật KH&CN và Luật Ngân sách”.

Vấn đề chính ở đây là sự không tương thích trong quy định về quỹ tài chính giữa Luật KH&CN và Luật Ngân sách. Bởi theo quy định của Luật KH&CN, cho vay hay tài trợ, cấp kinh phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ KH&CN tiềm năng; cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, R&D vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay với nhiệm vụ KH&CN… là những nhiệm vụ quan trọng của quỹ KH&CN địa phương, một dạng quỹ tài chính đặc biệt của nhà nước.
 
Nguồn kinh phí để các quỹ KH&CN địa phương hoạt động là từ vốn được cấp lần đầu từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển KH&CN địa phương; vốn bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; kinh phí được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp… - nội dung này đã được quy định rõ trong Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo Luật Ngân sách nhà nước thì lại có hai mô hình quỹ tài chính, một là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nghĩa là không nhận được sự hỗ trợ kinh phí hoạt động của ngân sách nhà nước; hai là quỹ tài chính trong ngân sách nhà nước, nghĩa là được cấp kinh phí hằng năm nhưng toàn bộ ngân sách được cấp phải tuân theo cơ chế dự toán như các đơn vị sự nghiệp thông thường. Và đã là quỹ trong ngân sách thì phải đảm bảo tuân theo quy tắc bảo toàn vốn.
 
“Rất nhiều vướng mắc về cơ chế để chúng ta cho vay, trong đó một vướng mắc lớn là phải đảm bảo quy định bảo toàn quỹ”, ông Nguyễn Hồng Sơn chỉ ra thế khó.
 
 
Trong buổi làm việc với Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội về phương án sửa đổi Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã đề xuất quy định hai phương án với Quỹ Phát triển KH&CN các bộ, ngành, địa phương.

Phương án 1: Bỏ quy định về quỹ do thời gian qua rất ít bộ, ngành, địa phương thành lập quỹ. Đối với những quỹ đã thành lập thì tiếp tục xin dừng hoạt động do gặp khó khăn về biên chế, nhân sự có chuyên môn quản lý và nguồn kinh phí bố trí cho quỹ rất hạn chế dẫn đến quỹ hoạt động không hiệu quả.

Phương án 2: Sửa đổi quy định theo hướng mở để các bộ, ngành, địa phương tùy tình hình thực tiễn có thể thành lập hoặc không thành lập quỹ phát triển KH&CN. Bổ sung quy định khuyến khích thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp (không phân biệt loại hình doanh nghiệp). Khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.

 
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đây là nút thắt của mô hình quỹ KH&CN địa phương và là nguyên nhân khiến các địa phương buộc phải đối diện với nguy cơ làm thất thoát tài sản của nhà nước bởi về bản chất, các hoạt động KH&CN đều ẩn chứa rủi ro. Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ ít rủi ro hơn các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nhưng mức rủi ro vẫn lên tới 30%. Nếu khoản đầu tư không ra được sản phẩm như đăng ký hoặc tệ hơn là thất bại, thì các quỹ KH&CN địa phương không biết biết ăn nói, giải trình ra sao?

Mặt khác, mặc dù trong Luật đã nêu, các quỹ KH&CN địa phương có thể tiếp nhận nguồn vốn từ quỹ KH&CN của doanh nghiệp địa phương, khi còn dư kinh phí.
 
“Chúng tôi đã đưa vào Luật KH&CN một ý tưởng nữa, tức là để có thêm nguồn đầu tư cho quỹ KH&CN địa phương: nếu doanh nghiệp trích doanh thu trước thuế để lập quỹ KH&CN của doanh nghiệp mà chưa dùng đến hoặc dùng không hết thì thay vì phải trích nộp thuế theo quy định, họ có thể chuyển phần ấy vào cho quỹ của các bộ ngành địa phương. Đó chính là nguồn vốn của xã hội. Khi đó, các quỹ phát triển KH&CN địa phương sẽ có nguồn vốn này để đổi mới sáng tạo, như phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương”, một nhà quản lý khoa học kỳ cựu đã từng tham gia vào quá trình sửa đổi Luật KH&CN năm 2013, nói.

Nếu ý tưởng này thành hiện thực, câu chuyện về quỹ KH&CN địa phương có thể mang màu sắc khác. “Vốn dĩ nhà nước chỉ cấp vốn một lần cho quỹ KH&CN địa phương. Chúng tôi chấp nhận điều đó nhưng lẽ ra, các doanh nghiệp cần góp vốn vào đó, trích 3% cho phát triển công nghệ, dùng không hết thì gửi vào đó, nhưng giờ họ có làm thế đâu”, ông nói thêm.

Vậy ý tưởng này không thành hiện thực vì các doanh nghiệp không thấy lợi ích của mình ở đó? Họ sẽ mất đi khoản tiền lẽ ra sang năm tới có thể dùng vào một dự án đổi mới công nghệ nào đó của họ chăng? Ồ không phải, khi doanh nghiệp đó có dự án đổi mới công nghệ thì họ sẽ nộp đơn xin lại tiền mà họ đã đóng góp vào quỹ. Và quỹ có thể xin hỗ trợ từ nguồn các doanh nghiệp khác đóng vào mà chưa có nhu cầu sử dụng đến.
 
Nói một cách nôm na thì đây là kiểu chơi họ mà không sợ bị giật hụi, ông giải thích và cho biết thêm “Nếu tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn trích nộp theo cách như vậy thì có thể, quỹ KH&CN địa phương có thể quản lý tới hàng trăm tỉ, có thể dùng khoản tiền đó để hỗ trợ các doanh nghiệp khác tiếp theo”.

Việc chưa có cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn và tạo sự yên tâm để tận dụng được nguồn kinh phí chưa dùng hết trong năm của quỹ KH&CN tại doanh nghiệp nên quỹ KH&CN địa phương chưa bổ sung được nguồn vốn xã hội hóa. Có thể đây là lý do mà theo nhận xét của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN địa phương, TPHCM chưa thúc đẩy được nguồn lực từ xã hội đầu tư cho KH&CN trong khi “chúng tôi khảo sát hằng năm, GDP hằng năm của TP.HCM là 1 triệu 300 nghìn tỉ đến 1 triệu 500 nghìn tỉ đồng, nghĩa là mỗi năm doanh nghiệp ở TP.HCM được phép bỏ vào quỹ KH&CN doanh nghiệp, đầu tư vào R&D khoảng 1% GDP của thành phố, tương đương 15.000 tỉ đồng.

Có lẽ, nếu muốn các quỹ KH&CN địa phương đã được thành lập hoạt động hiệu quả thì phải tháo gỡ thế bí này cho họ, một nhiệm vụ lớn mà dự án Luật KH&CN sửa đổi được đặt kỳ vọng.

Trong khi chưa có phương án cuối cùng thì Quỹ Phát triển KH&CN Hà Nội, giờ là một phần của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, vẫn còn đang ở ngã ba đường. Bởi lẽ, theo lời ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó tổng Giám đốc Quỹ do báo Hà Nội mới trích dẫn vào năm 2022, một số quy định làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ cho vay được ban hành từ năm 2015 không còn phù hợp và không hấp dẫn các doanh nghiệp (như với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, khá cao so với mặt bằng chung).
 
Còn theo ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Quỹ cũng không thể tiếp nhận được nguồn kinh phí của doanh nghiệp vì quỹ KH&CN Hà Nội đã sáp nhập vào quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội nên về danh chính ngôn thuận không còn Quỹ KH&CN và quỹ Đầu tư không đủ cơ sở tiếp nhận nguồn này.

Hơn lúc nào hết, các quỹ KH&CN địa phương đang cần một phương án rốt ráo cho số phận của mình.
Theo khoahocphattrien.vn

 

 

Lượt xem: 70

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành
Chưa có video
Số lượt truy cập: 1896594- Đang online : 317