• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin trong nước22/5/2024 16:5

Xây dựng hạ tầng thông tin để phát triển không gian số

Sau gần 30 năm, kể từ ngày 19/11/1997 khi bắt đầu kết nối internet toàn cầu, đến nay Việt Nam đã có một nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ với tốc độ hàng đầu trên thế giới.



Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
 

Tỷ lệ người Việt Nam dùng internet đạt gần 80%; số người dân dùng Zalo, TikTok, Facebook, YouTube, Twitter ở mức cao; 79% người dân sử dụng điện thoại di động. Cả nước có hơn 64 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số; 1.500 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Đây là những nền tảng thuận lợi cho không gian số tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng CNTT ở Việt Nam còn hạn chế: tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh; hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia triển khai còn chậm.

Đáng chú ý, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu và chưa được chuẩn hóa; hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn; hạ tầng điện phục vụ cho hạ tầng thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ, thiếu kết nối và tầm nhìn dài hạn…

Khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg về “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế-xã hội, tạo môi trường thuận lợi để kiến tạo giá trị mới cho đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quy hoạch đã đưa ra các tiêu chí phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông như một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Quy hoạch cũng định hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến liên kết, tính đồng bộ nội ngành và liên ngành, thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, phát huy lợi thế vùng trên cả nước.

Để thực hiện Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc triển khai các giải pháp tổng thể phát triển hạ tầng thông tin, từ việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về vốn, đầu tư, giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh phù hợp để thu hút đầu tư hạ tầng số, đến huy động nguồn lực xã hội trong việc xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng các doanh nghiệp cùng đầu tư, sử dụng chung hạ tầng.

Đặc biệt, cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia và cấp vùng cũng như các trung tâm dữ liệu khác theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phù hợp với xu thế và xứng tầm thế giới. Điều này nhằm tạo nền tảng để thay đổi một cách căn bản, toàn diện việc thu thập, lưu trữ, quản lý, cung cấp, tích hợp, chia sẻ thông tin, phân tích dữ liệu của Chính phủ, bảo đảm mục tiêu quản lý xã hội, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công và tiện ích cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Sản phẩm tạo ra phải là công cụ giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu khác hình thành trong tương lai. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải trở thành một thành phần hạ tầng số quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và quản lý xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT để bổ sung khoản thiếu hụt 500 nghìn nhân lực cho nhu cầu năm 2025.

Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp đột phá, cơ bản để phát triển hạ tầng CNTT.

Việc triển khai Quy hoạch thành công sẽ kiến tạo động lực, không gian phát triển cho lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, của đất nước để phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng, rộng khắp và bền vững

Theo nhandan.vn


 

Lượt xem: 97

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành
Chưa có video
Số lượt truy cập: 1896197- Đang online : 2673