Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam do Bộ KH&CN triển khai trong giai đoạn 2023-2030 có các hạng mục liên quan đến công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và thu hồi carbon, vốn là những công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, muốn chuyển dịch năng lượng thành công, cần bảo đảm bốn yếu tố cốt lõi, đó là: nền kinh tế cạnh tranh; mở cửa thị trường; chính sách hỗ trợ; và công nghệ.
Trong đó, công nghệ đóng vai trò trung tâm, dù là từ động cơ chạy bằng xăng sang động cơ chạy bằng điện, từ nhiệt điện than sang điện gió và điện mặt trời, hay lưu trữ năng lượng dưới các dạng hình thái sử dụng lâu dài. Nói một cách đơn giản, tất cả các quá trình chuyển dịch năng lượng về cơ bản phụ thuộc vào tính có sẵn và tính phổ biến của các công nghệ mới.
Để phát triển các công nghệ năng lượng, cần đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Với tư cách là một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý khoa học và công nghệ của cả nước, Bộ KH&CN đã và đang tài trợ cho các nghiên cứu về công nghệ năng lượng thông qua một số kênh như chương trình KC.05 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.
Theo tổng kết giai đoạn trước đó (2016-2020), chương trình KC.05 đã đầu tư hơn 148 tỷ đồng cho 23 dự án phát triển nhằm làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng sinh khối, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện v.v), công nghệ bức xạ và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Đồng thời, Chương trình còn phát triển các công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn, tin cậy trong truyền tải, phân phối điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Giai đoạn tiếp theo (2021-2030), chương trình KC.05 vẫn
giữ vững những định hướng này và có lẽ sẽ đi sâu hơn vào một số nhiệm vụ, chẳng hạn như nghiên cứu công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ năng lượng hydrogen.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn tài trợ cho các nghiên cứu về công nghệ năng lượng thông qua một cơ chế chung là NAFOSTED - quỹ quốc gia chuyên tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản (80%) và nghiên cứu ứng dụng (18,4%) thuộc tất cả các lĩnh vực.
Tại "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2024" được tổ chức ở Hà Nội ngày 27/6, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), đã giới thiệu một chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mới mang tên “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam” (NET Zero). Chương trình cấp quốc gia này do Bộ KH&CN triển khai trong giai đoạn 2023-2030.
Theo ông Đăng, chương trình NET Zero sẽ có các hạng mục liên quan đến công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và thu hồi carbon - những công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Nói chung, chương trình NET Zero sẽ có phạm vi rộng, không chỉ ngành năng lượng - ông Đăng nhấn mạnh. Và đó là một nỗ lực của Việt Nam để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo tiết lộ, chương trình NET Zero sẽ gồm bốn nội dung chính:
- Nghiên cứu hỗ trợ hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các lĩnh vực phục vụ mục tiêu Net Zero. (ví dụ cho ngành năng lượng: các tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện, trạm đổi pin, tiêu chuẩn đấu nối lưới v.v)
- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, triển khai, giải mã và khai thác các công nghệ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. (ví dụ: công nghệ pin mặt trời hiệu suất cao, công nghệ chuyển hóa sinh khối thành năng lượng, thiết kế tòa nhà xanh, v.v)
- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, triển khai, giải mã và khai thác các công nghệ phát thải carbon thấp trong các ngành, lĩnh vực. (ví dụ: công nghệ kiểm soát giao thông, đèn LED, công nghệ thu hồi carbon,v.v)
- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, triển khai, giải mã và khai thác các công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp. (ví dụ: công nghệ tưới tiêu hiệu quả, quản lý chất thải nông nghiệp, quản lý phân bón hiệu quả, quản lý rừng bền vững v.v)
Ngân sách cho Chương trình chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sĩ Đăng nói rằng các nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và đối tác quốc tế đang muốn phát triển các công nghệ năng lượng mới được
khuyến khích tham gia vào những chương trình như vậy.
Cũng tại Diễn đàn, các diễn giả từ Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực EVN, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ và khối doanh nghiệp tư nhân (công ty Vinfast Việt Nam, công ty Enertrag Đức) đã thảo luận về những chính sách và chương trình liên quan đến các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển lưới điện linh hoạt của Việt Nam trong giai đoạn tới,.
Đồng thời, các diễn giả cũng cung cấp thông tin về những xu hướng phát triển công nghệ năng lượng trên thế giới, cũng như nhấn mạnh việc cần tăng cường các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong mọi ngành kinh tế.
"Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam" là sự kiện thường niên do Bộ KH&CN tổ chức. Năm nay, Diễn đàn có sự phối hợp tổ chức của Sở Công Thương Hà Nội và GIZ.
Sở Công Thương Hà Nội mang đến một hội chợ triển lãm về các công nghệ năng lượng - môi trường với tên gọi ENTECH Hanoi 2024, diễn ra trong ba ngày, từ 26-28/6/2024. Ước tính, hơn 400 gian hàng tại Hội chợ đã thu hút hơn 8.000 lượt khách tham quan, với giá trị các hợp đồng ký được kết ngay tại Hội chợ vào khoảng 1 triệu USD.
Trong khi đó, GIZ mang đến các kinh nghiệm hữu ích về Xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Khung quy định liên quan đến năng lượng tái tạo và hydrogen xanh, và Sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành năng lượng tái tạo mới.
Xem kỷ yếu diễn đàn tại đây. |
Theo khoahocphattrien.vn