Nguyên nhân chính đến từ sự cản trở của một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn và các tập đoàn sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Vào ngày 1/12, Hội nghị toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa do Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC5) của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Busan, Hàn Quốc đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Nguyên nhân chính đến từ sự cản trở của một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn và các tập đoàn sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Hội nghị lần này có sự tham gia của gần 200 quốc gia với mục tiêu xây dựng “Hiệp ước nhựa toàn cầu”. Nội dung thảo luận tại hội nghị bao gồm các ràng buộc pháp lý nhằm cắt giảm sản xuất nhựa, quản lý hóa chất độc hạitrong sản phẩm nhựa, cải thiện thiết kế, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nâng cao hiệu quả tái chế.
Tuy nhiên, các nước như Saudi Arabia phản đối các biện pháp này. Họ cho rằng việc hạn chế sản xuất nhựa không giải quyết tận gốc vấn đề mà chỉ làm tổn hại các ngành công nghiệp liên quan, bao gồm ngành công nghiệp dầu mỏ.
Theo báo cáo từ tổ chức Greenpeace UK, ít nhất 220 nhà vận động hành lang của ngành sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã tham gia hội nghị, vượt xa số lượng đại biểu của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và gấp đôi số đại diện đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Điều này đã làm suy yếu khả năng đạt được thỏa thuận mang tính đột phá, dù phần lớn quốc gia muốn hành động mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.
Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được nối lại vào năm 2025 tại một địa điểm vẫn chưa xác định.
Theo khoahocphattrien.vn