Tại Việt Nam, theo ông Đinh Quốc Văn - Phó Trưởng phòng Quan sát Động đất (Viện Vật lý Địa cầu), các nguyên nhân dẫn đến động đất bao gồm: vận động kiến tạo (đứt gãy), phun trào núi lửa, sập các hang động ngầm, hoạt động nhân sinh (hồ chứa, khoan hút dầu khí, khai thác mỏ,...).
Việc dự báo động đất trung - dài hạn thường được thể hiện dưới dạng các bản đồ phân bố không gian các vùng có độ nguy hiểm động đất khác nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, kể từ phiên bản đầu tiên năm 1985, cho đến thời điểm hiện tại, 6 thế hệ bản đồ nguy hiểm động đất lãnh thổ Việt Nam đã được xuất bản, trong đó bản năm 2019 là phiên bản mới nhất. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ngành Vật lý địa cầu cũng đã xây hơn hơn 125 kịch bản sóng thần phát sinh trên khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, không có cách nào dự báo ngắn được động đất (tức dự báo vị trí, thời gian gần xảy ra một trận động đất), theo TS. Bùi Thị Nhung - Viện Vật lý địa cầu. Vì vậy, việc trang bị kiến thức về động đất và chuẩn bị sẵn sàng các kĩ năng ứng phó là chìa khóa cho sự an toàn của con người, giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra.
"Tại Việt Nam, trước đây, đã có một số hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho cộng đồng tại vùng tâm chấn sau mỗi động đất lớn xảy ra, tuy nhiên các hoạt động này mới ở bước nhỏ lẻ, mang tính tình thế của các cơ quan chuyên môn", TS. Bùi Thị Nhung cho biết.
Từ năm 2021, sau một loạt các trận động đất xảy ra tại Mộc Châu, Cao Bằng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng”. Thông qua cuốn sách "Những hiểu biết cơ bản để an toàn với động đất tại Việt Nam", các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp với các địa phương tổ chức các hội thảo tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho cộng đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 8/2024, Viện Vật lý địa cầu đã cử Đoàn công tác đi thực địa tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn động đất M=5.0.
Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kĩ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng. Thông qua hoạt động tuyên tuyền, các chuyên gia đã giúp người dân có thêm kỹ năng thiết thực để không hoảng loạn, kịp thời áp dụng các biện pháp an toàn cho bản thân, gia đình khi động đất xảy ra.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, để tăng cường hiệu quả việc nghiên cứu và dự báo về động đất, các nhà khoa học cần được trao thêm công cụ và công nghệ, bên cạnh đó việc tuyên truyền kiến thức về động đất, sóng thần cho người dân càng phải được chú trọng nâng cao.
Theo khoahocphattrien.vn