• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin Thế giới5/2/2025 16:1

10 Xu hướng Công nghệ 2025

Đến hẹn lại lên, chúng ta hãy cùng dự đoán xem những công nghệ nào sẽ ảnh hưởng tới thế giới trong năm tới đây nhé!



1. AI Tự chủ (Agentic AI)

AI tự chủ là một loại trí thông minh nhân tạo mới, cho phép tác nhân AI tự vận hành, đưa ra quyết định và hành động hướng tới mục tiêu cụ thể mà không cần con người phải can thiệp liên tục. AI truyền thống phản ứng với các yêu cầu trực tiếp. Còn AI mới có khả năng độc lập phân tích tình huống, tự đưa ra quyết định và học hỏi, phát triển từ phản hồi.

AI tự chủ ra đời từ sự tiến bộ của AI tạo sinh và nghiên cứu Mô hình ngôn ngữ lớn, sự xuất hiện ngày càng nhiều dữ liệu quy mô lớn, cùng nhu cầu về hệ thống AI có thể hoạt động tự chủ hơn để xử lý những nhiệm vụ phức tạp. AI tự chủ sẽ làm thay đổi năng suất và hoạt động trong nhiều ngành nghề.



Ví dụ, AI tự chủ có thể ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ khách hàng, vận tải... Trong lĩnh vực y tế, AI tự chủ sẽ là công cụ đắc lực giúp các nhà khoa học khám phá ra thuốc mới nhờ nhanh chóng phân tích các bộ dữ liệu khổng lồ. Trong lĩnh vực tài chính, AI tự chủ hiện đang giúp các chuyên gia phân tích xu hướng thị trường, đánh giá các cơ hội đầu tư và lên kế hoạch tài chính cá nhân hóa.
 
2. Nền tảng quản trị AI

Nền tảng quản trị AI đang giải quyết được nhu cầu ngày càng tăng về triển khai AI có trách nhiệm. Đây là giải pháp công nghệ giúp các tổ chức quản lý và giám sát việc vận hành các hệ thống và công cụ AI, cho phép họ điều chỉnh hệ thống AI sao cho phù hợp với các yêu cầu kinh doanh, pháp lý và đạo đức trong mọi giai đoạn của vòng đời AI.


Các công ty như Credo AI và Fairly AI đang đi đầu trong các giải pháp quản trị AI. Trong đó, Credo AI đang cung cấp công cụ để giúp các tổ chức chuẩn bị cho Đạo luật AI của Liên minh châu Âu.
 
3. Đảm bảo an toàn trước thông tin sai lệch

AI và các công cụ học máy không chỉ trao cho các tổ chức năng lực tự động hóa quy trình hoạt động. Chúng đồng thời đem lại cho kẻ ác ý một công cụ mạnh mẽ để tạo ra nội dung phục vụ chiến dịch thông tin sai lệch, nhằm lừa dối, gây nhầm lẫn, ngộ nhận cho một nhóm người.

Các chiến dịch thông tin sai lệch vốn là mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu. Chúng có khả năng nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, dẫn đến tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp do gian lận, tẩy chay và tổn hại danh tiếng. Hoặc, kẻ xấu có thể tiến hành chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch với mục tiêu ảnh hưởng kết quả của một cuộc bầu cử.

Điều này dẫn tới nhu cầu có một công cụ hiệu quả để ngăn chặn vấn đề. Đảm bảo an toàn trước thông tin sai lệch cần sự phối hợp giữa nhiều bộ phận khác nhau trong tổ chức, bao gồm công nghệ, con người và quy trình làm việc từ cấp lãnh đạo, đội ngũ an ninh, quan hệ công chúng, tiếp thị, nhân sự, cố vấn pháp lý và bộ phận bán hàng. Như vậy, về bản chất, công cụ này cho phép xử lý vấn đề trong nhiều ngành và giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của các cuộc tấn công độc hại được tăng cường bằng AI và thông tin sai lệch.

Công nghệ này được thiết kế để nhận diện và phân biệt sự tin cậy một cách có hệ thống, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, đánh giá tính xác thực và ngăn chặn hành vi mạo danh. Nó làm thay đổi phương pháp chống thông tin sai lệch lan truyền nhờ tận dụng AI và học máy để phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa.

Các công ty công nghệ lớn đang đầu tư vào mảng này, chẳng hạn như Meta yêu cầu người dùng phải dán nhãn nội dung do AI tạo ra, còn Google và Microsoft đang phát triển các thuật toán phát hiện tiên tiến.

Đồng thời, công ty kiểm toán PwC báo cáo rằng hiện nay trên thị trường đang xuất hiện các dịch vụ thương mại để giúp các công ty và nhà báo theo dõi và chống lại thông tin sai lệch.

Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, dự đoán đến năm 2028, 50% doanh nghiệp sẽ bắt đầu áp dụng các sản phẩm, dịch vụ hoặc tính năng được thiết kế riêng để giải quyết các trường hợp sử dụng thông tin sai lệch, tăng từ mức dưới 5% hiện nay.
 
4. Mật mã hậu lượng tử

Mật mã hậu lượng tử (PQC) là một trọng tâm mới xuất hiện trong ngành công nghệ, giúp giải quyết mối đe dọa đang rình rập: máy tính lượng tử trở nên mạnh mẽ tới nỗi có thể giải mã các mã hóa hiện tại một cách dễ dàng, khiến các phương pháp bảo mật hiện tại không còn hiệu quả nữa. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với quyền riêng tư và bảo mật, khiến các cuộc tấn công tin tặc có thể dễ dàng xảy ra hơn.


Nghiên cứu cho thấy 27% chuyên gia tin rằng có 50% khả năng máy tính lượng tử liên quan đến mật mã sẽ xuất hiện vào năm 2033. Khi ngày đó tới, tính bảo mật của các chữ ký số hiện có trên phần mềm hệ thống (firmware) và phần mềm (software) sẽ trở nên không đáng tin và sự tin cậy vào các sản phẩm số sẽ tan biến. Song, việc chuyển dời toàn bộ thế giới số sang tiêu chuẩn mật mã mới là một công việc khổng lồ. Ngoài ra, phần mềm có thể cập nhật được nhưng phần cứng lại không, bao gồm cả một số mật mã bảo vệ firmware.

Đứng trước vấn đề này, các công ty công nghệ lớn đang ráo riết chuẩn bị cho sự thay đổi. Ví dụ, HP là nhà sản xuất PC đầu tiên bảo vệ phần mềm hệ thống tích hợp bằng mật mã hậu lượng tử. Trong khi đó, Google, IBM và Microsoft đang phát triển các thuật toán chống lượng tử.

Các chính phủ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn nguy cơ. Trong Cẩm nang di chuyển Mật mã Hậu Lượng tử, Chính phủ Hà Lan xác định Các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng trọng yếu (Năng lượng, Viễn thông, Nước, Giao thông...) cần nhanh chóng tiến hành di chuyển sang Mật mã hậu lượng tử. Vào tháng 8/2024, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố các tiêu chuẩn mật mã hậu lượng tử mới, đề ra những khuyến nghị cụ thể xoay quanh việc chuyển sang thuật toán mật mã chống lượng tử đối với chữ ký số phần mềm hệ thống, khuyến khích việc đưa mật mã chống lượng tử vào sử dụng từ năm 2025, và bắt buộc vào năm 2030, đối với các hệ thống nhạy cảm.

5. Trí thông minh ẩn trong môi trường xung quanh

Trí thông minh ẩn trong môi trường xung quanh là một hệ sinh thái số nơi công nghệ hoạt động ở chế độ nền, dự đoán và đáp ứng nhu cầu của người dùng mà không cần thông tin đầu vào rõ ràng. Khác với hệ thống điện toán truyền thống đòi hỏi tương tác trực tiếp, mô hình mới sẽ tạo ra môi trường thông minh, nhận thức bối cảnh giúp nâng cao trải nghiệm thường ngày của chúng ta.
 

Nguyên tắc cốt lõi là của nó là khiến công nghệ gần như vô hình, nhưng lại hiện diện ở mọi nơi và mang lại hiệu quả cao. Điều này sẽ được thực hiện thông qua một mạng lưới các thiết bị, cảm biến và hệ thống do AI điều khiển kết nối với nhau và với không gian vật lý để tạo ra môi trường thông minh, phản ứng nhanh nhạy.

Trong lĩnh vực chăm sóc y tế, trí thông minh ẩn xung quanh đang được tích hợp vào Phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để tăng cường vận động cho bệnh nhân và giám sát. Một nghiên cứu đã chứng minh công nghệ này phân loại chuyển động của bệnh nhân chính xác tới 87%.

Công ty khởi nghiệp Eleos Health tập trung vào sức khỏe tâm thần đang khai thác trí thông minh vô hình xung quanh để nâng cao hiệu quả của buổi trị liệu. Trợ lý giọng nói của họ là Eleos hoạt động một cách kín đáo trong các buổi trị liệu, cung cấp thông tin giá trị cho các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

6. Điện toán tiết kiệm năng lượng

Trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra trầm trọng, đòi hỏi các ngành công nghiệp phải giảm thiểu dấu chân carbon. Các tổ chức công nghệ thông tin cũng không nằm ngoài xu hướng khi những trung tâm dữ liệu và tác vụ AI tiêu thụ lượng điện năng vô cùng lớn, gây ra nhiều ảnh hưởng tới môi trường.

 
Trong bối cảnh này, điện toán tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là điện toán xanh) ra đời nhằm mục đích giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời vẫn duy trì hoặc cải thiện được hiệu suất tính toán, đặc biệt là cho các ứng dụng yêu cầu sức mạnh tính toán cao như đào tạo AI và mô phỏng.

Điện toán tiết kiệm năng lượng bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa cả phần cứng (máy xử lý và máy chủ) lẫn phần mềm (chương trình và thuật toán), áp dụng các công nghệ mới để tăng năng suất và giảm tiêu thụ điện...

Google là công ty tiên phong khi đạt được chỉ số hiệu suất sử dụng năng lượng (PUE) là 1,1, so với mức trung bình toàn ngành là 1,67. PUE là chỉ số đo lường hiệu suất năng lượng của một trung tâm dữ liệu, bằng cách tính tỷ lệ tổng năng lượng điện tiêu thụ của trung tâm dữ liệu so với lượng năng lượng mà chỉ thiết bị IT tiêu thụ: PUE = Tổng năng lượng tiêu thụ / Năng lượng tiêu thụ của IT. Chỉ số PUE hoàn hảo là 1, khi toàn bộ năng lượng do thiết bị IT tiêu thụ và không lãng phí điện năng cho làm mát và các chi phí khác.

Hãng Microsoft cũng cam kết sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo trong toàn bộ cơ sở vào năm 2025 và đặt mục tiêu đạt được chứng nhận không rác thải (Zero waste) vào năm 2030.

Ngoài ra, Trung tâm Điện toán Khoa học Nghiên cứu Năng lượng Quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các cụm máy tính tăng tốc sử dụng GPU có thể cải thiện hiệu suất năng lượng gấp 5 lần so với các cụm máy tính chỉ sử dụng CPU.

7. Điện toán lai

Điện toán lai kết hợp các công nghệ lưu trữ, tính toán và mạng để xử lý các yêu cầu tính toán phức tạp, tạo nên môi trường đổi mới nhanh chóng và hiệu quả cao. Trong ngành công nghệ, điện toán lai có vai trò tích hợp các mô hình tính toán đa dạng để giải quyết các vấn đề phức tạp. Nhờ tích hợp nhiều cơ chế khác nhau để nâng cao hiệu suất, nó cho phép các công nghệ như AI vượt qua giới hạn hiện tại.

Các công ty như IBM và Microsoft đang đem lại thay đổi trong lĩnh vực này, cung cấp các giải pháp lai hợp nhất tài nguyên đám mây công cộng và riêng.

Đáng chú ý là, các dịch vụ đám mây lai của IBM cho phép doanh nghiệp tận dụng cơ sở hạ tầng mà họ hiện có, đồng thời áp dụng các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy sự đổi mới và hiệu năng trên khắp các lĩnh vực.

8. Điện toán không gian

Điện toán không gian là một khái niệm không mới, nhưng hẳn với nhiều người trong chúng ta đây vẫn là một lĩnh vực xa lạ. Điện toán không gian kết hợp công nghệ thông tin với không gian vật lý theo thời gian thực, tạo ra các ứng dụng và hệ thống tương tác trong không gian ba chiều. Điện toán không gian cho phép người dùng tương tác với dữ liệu và thông tin trong môi trường xung quanh họ theo cách tự nhiên hơn, thông qua thiết bị như kính thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và thực tế hỗn hợp (MR)...
 

Sự phát triển này đã đưa Microsoft và Apple trở thành những công ty dẫn đầu tiến bộ. Kính thực tế ảo HoloLens của Microsoft cho phép người dùng phủ thông tin kỹ thuật số lên môi trường ngoài thế giới thực. Còn kính thực tế ảo đa năng Vision Pro của Apple giúp người dùng tương tác với nội dung số trong không gian thực thông qua trải nghiệm nhập vai.

Ngoài ra, trong lĩnh vực chăm sóc y tế, điện toán không gian nâng cao việc giáo dục bệnh nhân và lên kế hoạch phẫu thuật bằng cách cung cấp lớp phủ kỹ thuật số theo thời gian thực.

Nhiều người tin rằng điện toán không gian sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả của tổ chức thông qua quy trình làm việc hợp lý và tăng cường hợp tác trong vòng 5 đến 7 năm tới. Dự tính, đến năm 2033, điện toán không gian sẽ tăng từ 110 tỷ USD vào năm 2023 lên tới 1,7 nghìn tỷ USD.

9. Robot đa chức năng

Robot đa chức năng đang thay đổi ngành công nghệ: những cỗ máy có thể thực hiện nhiều chức năng đang thế chỗ robot truyền thống chỉ thao tác nhiệm vụ cụ thể. Robot thế hệ mới đang cải thiện hiệu suất và đem lại lợi tức đầu tư nhanh hơn, biến chúng thành thiết bị thiết yếu trong các môi trường năng động.

Một số chuyên gia dự đoán rằng vào năm 2030, 80% nhân loại sẽ kết hợp với robot thông minh trong cuộc sống thường ngày, tăng mạnh từ chưa đầy 10% hôm nay.


Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Amazon (Mỹ) và Công ty Công nghệ toàn cầu Siemens (Đức)là hai đơn vị đang mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực robot đa chức năng để nâng cao tính linh hoạt trong vận hành. Amazon hiện đang sử dụng robot thế hệ mới trong các kho hàng để thực hiện nhiệm vụ từ phân loại cho tới đóng gói. Còn Công ty Siemens kết hợp robot vào quá trình sản xuất để tinh giản dây chuyền.

Bước phát triển tiếp theo trong lĩnh vực này sẽ là sử dụng robot đa chức năng trong chăm sóc y tế, robot sẽ hỗ trợ con người làm những công việc như vận chuyển đồ thiết yếu và khử trùng không gian.

10. Tăng cường thần kinh

Công nghệ thần kinh là một loạt các công cụ, thiết bị và kỹ thuật được thiết kế nhằm kết nối với hệ thần kinh, đặc biệt là não. Mục tiêu chính của chúng là theo dõi, phân tích và tác động đến hoạt động thần kinh, biến đổi cách chúng ta hiểu và tương tác với tâm trí con người. Bắt nguồn từ nghiên cứu về não và hệ thần kinh, công nghệ này ban đầu được ứng dụng chính trong lĩnh vực y tế.


Tuy nhiên, với những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, phạm vi của nó đã được mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thậm chí là trò chơi. Trọng tâm của những biến đổi này là tăng cường thần kinh, một khái niệm chú trọng vào việc tăng cường tiềm năng của con người, từ cải thiện trí nhớ và tập trung cho tới học hành nhanh hơn và tư duy sáng tạo.

Một trong những công cụ nổi bật hiện nay là Giao diện não-máy tính hai chiều (BBMIs), cho phép não người và máy tính hoặc máy móc giao tiếp hai chiều thông qua kích thích điện. BBMI đo hoạt động điện của não và theo dõi trạng thái tinh thần của người dùng thông qua một thiết bị đeo trên đầu hoặc cấy ghép xâm lấn.

Gartner dự báo rằng đến năm 2030, 30% người lao động trí thức sẽ được tăng cường bằng các công nghệ như Giao diện não-máy tính hai chiều, từ chưa tới 1% vào năm 2024. Công ty Neuralinkvà Elon Muskđang đi đầu trong lĩnh vực này. Họ đang phát triển các thiết bị cấy ghép cho phép cá nhân kiểm soát thiết bị chỉ bằng suy nghĩ.
Theo khoahocphattrien.vn

 
 

 

Lượt xem: 17

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2073325- Đang online : 420