Chúng ta hình thành khi trứng gặp tinh trùng và DNA từ cha mẹ kết hợp với nhau. Tế bào đầu tiên sao chép bộ gene mới hợp nhất và phân chia để tạo thành cơ thể. Gần như ngay lập tức, các lỗi gene bắt đầu tích lũy, quá trình nãy diễn ra trên toàn bộ hệ gene và trong suốt cuộc đời.
Kể từ khi phát hiện cấu trúc DNA vào những năm 1950, các nhà khoa học đã nghi ngờ lỗi gene và nhiều đột biến khác tích tụ trong các mô không sinh sản (mô soma) có thể giúp lý giải bệnh tật hoặc lão hóa. Đến những năm 1970, nhà nghiên cứu biết rằng các đột biến thúc đẩy tăng trưởng trong một phần nhỏ tế bào chính là nguồn gốc gây ung thư. Song, việc phát hiện và nghiên cứu những đột biến này rất khó khăn. Giải trình tự DNA tiêu chuẩn chỉ làm sáng tỏ những trình tự phổ biến nhất, còn đột biến hiếm không được chú ý. Điều này thay đổi vào năm 2008, khi các kỹ thuật mới nhạy bén đến mức phát hiện được đột biến trong một phần nhỏ tế bào.
Đầu những năm 2010, nhà sinh học tế bào gốc Siddhartha Jaiswal từ Đại học Stanford (Mỹ) cùng đồng nghiệp phân tích mẫu máu của hơn 17.000 người để tìm hiểu đột biến tích tụ trong tế bào máu thế nào trước khi chúng phát triển ung thư máu. Kết quả, đột biến liên quan tới ung thư hiếm khi xuất hiện ở người dưới 40 tuổi, nhưng có số lượng lớn khi tuổi tác tăng, chiếm khoảng 10% trở lên sau 70 tuổi.
Tuy nhiên, nhóm cũng thấy rằng các tế bào có đột biến thường giống hệt nhau về mặt di truyền: chúng là các bản sao tế bào (clone). Nguyên nhân có thể là do một trong hàng ngàn tế bào gốc tạo máu của cơ thể đã tiếp nhận đột biến, khiến nó phát triển và phân chia tốt hơn một chút. Sau nhiều thập niên, nó bắt đầu vượt mặt các tế bào gốc phát triển bình thường, tạo ra nhóm lớn các tế bào phù hợp về mặt di truyền.
Không ngạc nhiên khi bản sao tế bào máu đột biến phân chia có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư máu. Nhưng chúng cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, có lẽ vì thúc đẩy tình trạng viêm. Bất ngờ thay, chúng liên quan tới việc giảm khoảng 1/3 nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer. Jaiswal suy đoán một số bản sao có thể giúp lấp đầy mô não hoặc loại bỏ protein độc hại.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Wellcome Sanger (Anh) cũng bắt tay tìm hiểu đột biến cơ thể ở các mô khác, bắt đầu từ da mí mắt. Theo tuổi tác, một số người bị sụp mí, cần phẫu thuật cắt một phần da để khắc phục. Nhóm lấy mảnh da từ bốn người bệnh và giải trình tự gene. Thật bất ngờ, tuy các bệnh nhân không bị ung thư da, nhưng da của họ chứa hàng nghìn bản sao, 1/5 đến 1/3 tế bào da mí mắt chứa đột biến liên quan tới ung thư. Nhóm còn xác định được các cụm tế bào đột biến giống hệt nhau trong nhiều loại mô như thực quản, bàng quang và ruột kết. Phát hiện này gây chấn động cộng đồng y khoa.
Tuy nhiên, các mô trong cơ thể có cách ngăn bản sao trở thành ung thư. Ví dụ, đến tuổi trung niên, nhiều bản sao tế bào chiếm phần lớn mô thực quản có đột biến làm gián đoạn gene NOTCH1. Điều này không ảnh hưởng việc thực quản di chuyển thức ăn, song ung thư dường như cần NOTCH1 để phát triển. Các đột biến xấu tích tụ trong tế bào thực quản nếu không có NOTCH1 thì ít có khả năng thành khối u hơn.
Tiến vào bộ não
Bộ máy sao chép DNA dễ mắc lỗi trong tế bào thực quản, ruột kết và máu vì chúng phân chia liên tục. Song, tế bào thần kinh trong não ngừng phân chia trước hoặc sau khi sinh. Vì vậy, ban đầu các chuyên gia cho rằng chúng nguyên vẹn về mặt di truyền.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy đột biến tích tụ suốt đời có thể gây vấn đề ở não. Năm 2004, các nhà nghiên cứu báo cáo về một bệnh nhân mắc Alzheimer do đột biến chỉ xuất hiện ở một số tế bào não, không di truyền từ cha mẹ.
Năm 2012, nhà di truyền học thần kinh Christopher Walsh ở Bệnh viện Nhi Boston cùng đồng nghiệp đã phân tích một mô não cắt bỏ trong phẫu thuật để điều chỉnh tình trạng não phát triển quá mức gây động kinh. Ba trong số tám mẫu chứa đột biến ảnh hưởng tới gene điều chỉnh kích thước não. Song, đột biến không xuất hiện liên tục trong máu, cho thấy chúng chỉ có ở một phần cơ thể.
Các tế bào não có thể tiếp nhận đột biến theo cách: xảy ra sớm trong quá trình phát triển, trước khi bộ não hoàn thiện và tế bào não dừng phân chia. Hoặc, trong tế bào não trưởng thành, DNA bị tổn thương và không được sửa chữa đúng cách.
Đến năm 2012, giới khoa học quan tâm hơn đến đột biến não không di truyền, với giả thuyết cho rằng chúng có thể gây ra nhiều tình trạng tâm thần. Điều này có thể là đáp án cho câu đố lâu đời về các bệnh thần kinh: tại sao các cặp song sinh giống nhau thường không có cùng chẩn đoán tâm thần (vd: nếu một người mắc bệnh tâm thần phân liệt, thì người kia chỉ có khoảng 50% khả năng mắc bệnh).
Một loạt các dự án từ năm 2015 đến năm 2019 tìm hiểu tình trạng khảm não ở các mẫu (các tế bào trong não khác biệt về mặt di truyền, dù cùng tồn tại trong một cá thể), chủ yếu thu thập sau khi bệnh nhân qua đời và gửi vào ngân hàng mô, từ hơn 1.000 người là người bình thường hoặc mắc các tình trạng như hội chứng Tourette và rối loạn phổ tự kỷ. Kết quả cho thấy đột biến một chữ cái là phổ biến nhất. Từ công trình này và các nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã liên kết khảm não với các bệnh thần kinh, bao gồm chứng tự kỷ, động kinh và tâm thần phân liệt.
Manh mối về lão hóa
Nhiều nhà khoa học coi những phát hiện này là bằng chứng cho một lý thuyết đã có từ lâu: đột biến suốt đời dẫn đến lão hóa.
Nhà di truyền học Inigo Martincorena và các đồng nghiệp thử nghiệm một phần lý thuyết đó trong nghiên cứu năm 2022. Họ cho rằng nếu tích tụ đột biến góp phần gây lão hóa, thì sinh vật sống ngắn như chuột nhanh chóng tích tụ đột biến, còn loài sống lâu hơn như người tích lũy đột biến chậm hơn, có lẽ nhờ cơ chế sửa chữa tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu các mẫu hốc ruột kết từ tám người cùng 19 con chuột thí nghiệm và chuột cống; 15 loài nuôi trong nhà như mèo, chó, bò và thỏ; 14 loài khác gồm hổ, vượn cáo, cá heo cảng và bốn loài chuột chũi trụi lông, nổi tiếng với tuổi thọ dài trong loài gặm nhấm, lên đến hơn 30 năm. Như dự đoán, loài sống càng lâu thì tốc độ tích lũy đột biến càng chậm.
Có hai yếu tố tác động ở đây: Đột biến tích lũy góp phần làm giảm tuổi thọ, nhưng tuổi thọ ngắn hơn khiến khả năng bảo vệ đột biến kém quan trọng hơn, do đó các loài sống ngắn đầu tư ít hơn vào quá trình sửa chữa DNA. Ý tưởng đột biến có thể góp phần gây lão hóa thật hấp dẫn, vì nếu khắc phục được, con người sẽ có khả năng duy trì tuổi trẻ.
Theo khoahocphattrien.vn