Khoa học & Công nghệ › Kỹ thuật và Công nghệ13/9/2018 15:16
Tuyên Quang: Ứng dụng Công nghệ thông tin đã khởi sắc
Trong năm 2017, Tuyên Quang đã triển khai các nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT).
I. Các nhiệm vụ đã triển khai.
Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 1.0 đã được xây dựng và ban hành theo Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 27/12 năm 2017 của UBND tỉnh.
Kiến trúc CQĐT chính là bản thiết kế để theo đó xây dựng CQĐT. Mô hình Kiến trúc CQĐT tỉnh gồm 8 lớp thành phần, có thể kết nối, liên thông, tích hợp với các ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Trung ương. Việc xây dựng CQĐT tỉnh được cụ thể hóa bởi 9 dự án lớn với Lộ trình triển khai gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1(từ năm 2018):
(1) Xây dựng các ứng dụng nghiệp vụ CQĐT tỉnh Tuyên Quang
(2) Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh
(3) Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP)
(4) Tư vấn và đào tạo kiến trúc
Giai đoạn 2 (từ năm 2020):
(1) Xây dựng Trung tâm dữ liệu tỉnh
(2) Xây dựng hệ thống an toàn thông tin toàn tỉnh
(3) Xây dựng Hệ thống quản lý kiến trúc chính quyền điện tử (EAMS)
Giai đoạn 3 (từ năm 2022):
(1) Tư vấn và đào tạo kiến trúc (tiếp tục)
(2) Nâng cấp hệ thống Thư điện tử
(3)Trang bị cơ sở hạ tầng cho cơ quan nhà nước
Triển khai xây dựng CQĐT, trong năm 2017, tỉnh đã đưa vào ứng dụng 3 phần mềm quan trọng: Quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH), Một cửa điện tử (MCĐT) và Chữ ký số.
Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang sử dụng theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Phần mềm này giúp cho các cơ quan lưu trữ văn bản đi, đến; phân công, theo dõi việc xử lý văn bản đến; soạn thảo, phê duyệt văn bản đi; lập hồ sơ xử lý vụ việc; tạo lập và theo dõi các thông tin điều hành hoạt động của cơ quan; gửi và nhận văn bản với các cơ quan khác trên môi trường mạng.
Từ ngày 01/5/2017, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cài đặt, hướng dẫn sử dụng và sử dụng phần mềm trong công việc. (Riêng với huyện Chiêm Hóa, hợp đồng sử dụng phần mềm của nhà cung cấp khác chưa hết hạn, nên tạm thời chưa đồng bộ với các đơn vị còn lại).
Trục liên thông văn bản nội bộ tỉnh đã được hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 01/2018, qua đó đã kết nối được với trục liên thông kết nối quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử 04 cấp chính quyền trong toàn quốc (theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 11503/VPCP-TTĐT ngày 30/10/2017). Sau 1 năm, đã có hơn 498 ngàn văn bản điện tử của tỉnh được lưu thông trên mạng. (Nếu cứ tính mỗi văn bản mất 2 tờ giấy A4 thì đã tiết kiệm được không ít tiền?)
Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến: Đã triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng 353 thủ tục hành chính thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và phần mềm một cửa điện tử tại 161 cơ quan, đơn vị, bao gồm: 13 sở, ban, ngành; 07 huyện, thành phố và 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống phẩn mềm này do tỉnh tự xây dựng, quản lý, vận hành.
Một cửa điện tử là ứng dụng để quản lý việc giải quyết thủ tục hành chính, làm cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Người có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, chờ đến khi hồ sơ được giải quyết xong (theo phiếu hẹn) thì đến nhận kết quả, không cần phải tiếp xúc với cán bộ giải quyết hồ sơ của mình. Các bước giải quyết thủ tục hành chính được mô hình hóa bằng phần mềm, do đó được lưu giữ lại trong cơ sở dữ liệu. Từ đó kiểm soát được việc hồ sơ do ai giải quyết (theo từng công đoạn), việc giải quyết có chậm trễ ở người/công đoạn nào hay không? Còn hồ sơ được luân chuyển giữa các bộ phận bằng 2 hình thức là chuyển thủ công đối với hồ sơ giấy và chuyển qua mạng đối với hồ sơ điện tử. Việc tiếp nhận hồ sơ cũng có 2 con đường : Nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc nộp hồ sơ điện tử qua mạng đối với những thủ tục hành chính được chuyển thành dịch vụ hành chính công mức độ 3 hoặc 4.
Dịch vụ công trực tuyến chính là phần mềm giải quyết thủ tục hành chính với 4 mức độ tự động hóa đối với người nộp hồ sơ. Mức độ 4 là mức tự động hóa hoàn toàn: Nộp hồ sơ qua mạng, nhận kết quả tại nhà, thanh toán phí (nếu có) qua mạng. Mức độ 3 gần như hoàn toàn tự động hóa: Nộp hồ sơ qua mạng, nhận kết quả (và trả phí) tại bộ phận một cửa (có thể nhận hồ sơ và thanh toán phí qua bưu điện). Theo nội dung thủ tục hành chính và kết cấu hồ sơ hiện nay thì không thể chuyển hoàn toàn thủ tục hành chính sang dịch vụ công mức độ 3 và 4 được vì vướng vấn đề tính pháp lý của hồ sơ, tính pháp lý của kết quả giải quyết hồ sơ, vấn đề thanh toán phí do hệ thống thanh toán trực tuyến chưa phát triển.
Việc triển khai đồng thời Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến là một việc làm sáng tạo, vừa tăng được tính đồng bộ của các ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính, vừa giảm chi phí và thời gian triển khai.
Tuy nhiên, để dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và thậm chí là đào tạo cho người dân hiểu và biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cần làm cho người dân biết rằng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ có nhiều lợi ích :
- Tiết kiệm thời gian, giấy tờ, chi phí đi lại.
- Có thể nộp hồ sơ bất kể giờ nào trong ngày, ngày nào trong tuần và tại bất cứ địa điểm nào, chỉ cần có thiết bị truy cập được vào Internet.
- Hồ sơ chắc chắn được giải quyết, không phải mất "tiêu cực phí".
Hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn người dân chưa tiếp xúc thường xuyên với Internet, nên việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến chắc chắc sẽ có những khó khăn nhất định. Để tăng nhanh số lượng hồ sơ trực tuyến, cần thiết phải có những biện pháp giúp đỡ người dân, ví dụ làm giúp hồ sơ, hướng dẫn sử dụng dịch vụ… Có thể phát động thành phong trào giúp dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thanh niên, học sinh (ví dụ: mỗi học sinh THPT, mỗi đoàn viên thanh niên giúp cho 5 người biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến).
Chữ ký số: Được triển khai sử dụng bằng Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 06/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về Triển khai ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 – 2020. Mục tiêu là đến năm 2020, 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan là văn bản điện tử.
Chữ ký số là chữ ký điện tử, người ký dùng nó để gắn vào văn bản điện tử thay cho chữ ký tay trên giấy (và có thể thay cho cả con dấu của tổ chức), người nhận văn bản điện tử đó dùng chứng thư số để xác nhận chữ ký của người ký. Vì vậy chữ ký số và chứng thư số là một cặp không tách rời khi dùng văn bản điện tử giao dịch trên mạng. Nhờ có chữ ký số mà tính pháp lý của văn bản điện tử có thể coi là tương đương văn bản giấy.
Trong giai đoạn I của kế hoạch, năm 2017, đã triển khai xong các nội dung sau:
+ Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và VNPT Tuyên Quang xây dựng modul và tích hợp phần mềm chữ ký số chuyên dùng vào phần mềm quản lý văn bản đang sử dụng tại các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang.
+ Triển khai đăng ký, cung cấp và tập huấn, hướng dẫn sử dụng chứng thư số tập thể cho Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, hiện nay, các cơ quan giao dịch với nhau hoàn toàn bằng văn bản điện tử, trừ các văn bản mật theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn II của kế hoạch đang được tiến hành, đã đăng ký và cung cấp chứng thư số chuyên dùng cho các phòng, ban trực thuộc UBND các huyện, thành phố và 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dự kiến sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho các cơ quan, đơn vị nêu trên vào quý II năm 2018.
II. Một vài suy nghĩ cho giai đoạn tiếp theo.
Để xây dựng CQĐT, còn cần đầu tư nhiều hạng mục nữa bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, hay nói gọn lại là cần có nguồn tài chính và nhân lực.
Tính hiệu quả của đầu tư phụ thuộc cách thức triển khai, cách thức vận hành khai thác. Hiện nay có 2 phương thức đầu tư: Tự xây dựng vận hành và Thuê dịch vụ.
Với phương thức tự xây dựng vận hành, tỉnh phải đầu tư toàn bộ phần cứng, phần mềm lúc đầu và chi phí vận hành, bảo mật, duy tu hàng năm. Còn với phương thức thuê dịch vụ, tỉnh chỉ phải trả tiền thuê hàng năm, các công việc xây dựng, quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, vận hành, duy tu sẽ do bên cho thuê đảm bảo. Phương thức này thường được áp dụng khi hạng mục quá phức tạp, đầu tư ban đầu quá lớn, lực lượng CNTT địa phương không đảm nhận được việc vận hành..., nhưng rõ ràng là có sự phụ thuộc của bên thuê vào bên cho thuê và không thể đảm bảo rằng bên cho thuê có đọc được nội dung thông tin của bên thuê hay không.
Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức đầu tư nào là tùy theo từng hạng mục, không nhất thiết phải thuê ngoài toàn bộ các hạng mục. Theo ý kiến cá nhân, các hạng mục mà lực lượng CNTT của tỉnh đảm nhận được việc triển khai, vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu và kinh phí đầu tư nằm trong khả năng tài chính của tỉnh thì nên tự xây dựng, tự vận hành. Lý do là đảm bảo sự độc lập tự chủ về tài sản đã đầu tư, hơn nữa sẽ giúp cho lực lượng CNTT của tỉnh có điều kiện phát triển.
Nhóm lập trình của Trung tâm CNTT và TT. Ảnh Thu Thủy
Để làm tốt việc xây dựng CQĐT, việc đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng CNTT của tỉnh là một nhiệm vụ không thể bỏ qua.
Hiện nay, các cơ quan cấp tỉnh, huyện đều có chuyên viên CNTT. Đội ngũ này sẽ làm nhiệm vụ phối hợp triển khai các ứng dụng, hướng dẫn sử dụng, khắc phục sự cố, đặt ra và tham gia giải quyết các bài toán về ứng dụng nghiệp vụ. Do đó họ phải được nắm vững các kế hoạch CNTT, tham gia triển khai, đào tạo người dùng, học quản lý hệ thống thông tin riêng của cơ quan. Họ cũng cần được bồi dưỡng thường xuyên về công nghệ mới, các kiến thức về an toàn dữ liệu và an ninh mạng. Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích họ xây dựng hoặc đề xuất các ứng dụng nghiệp vụ cho cơ quan dựa trên Kiến trúc CQĐT của tỉnh.
Ngoài lực lượng trên, tỉnh còn có một lực lượng có tính chuyên nghiệp hơn, đó là Trung tâm CNTT và Truyền thông (CNTT và TT) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT). Trung tâm này được giao nhiệm vụ quản lý Trung tâm tích hợp dữ liệu, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh. Họ có khả năng xây dựng các hệ thống thông tin, lắp đặt thiết bị phần cứng và xây dựng phần mềm. Tuy nhiên, hiện nay, do phải tập trung lực lượng đảm bảo vận hành thông suốt Cổng TTĐT của tỉnh, nên không còn nhiều quĩ thời gian để nghiên cứu xây dựng phần mềm và các hoạt động kỹ thuật thuộc lĩnh vực CNTT. Để Trung tâm này phát huy tốt vai trò của nó trong tiến trình xây dựng CQĐT, cần nghiên cứu:
- Tách Cổng TTĐT ra khỏi Sở Thông tin và Truyền thông, chuyển về Văn phòng UBND tỉnh cho đúng với tính chất là cổng giao tiếp điện tử của tỉnh. Trưởng ban Biên tập của Cổng hiện nay là Giám đốc Sở TTTT, không đủ điều kiện tốt nhất để làm cho Cổng hoạt động với hiệu quả tối đa. Có thể thành lập trung tâm mới tại Văn phòng UBND tỉnh để đảm bảo vận hành cả kỹ thuật và nội dung Cổng TTĐT (nhiều tỉnh đã làm việc này), hoặc chỉ chuyển bộ phận nội dung về Văn phòng UBND tỉnh, Ban Biên tập do một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh (hoặc lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh) phụ trách; bộ phận kỹ thuật Cổng vẫn do Trung tâm CNTT và TT phụ trách.
- Tập trung lực lượng kỹ thuật CNTT cho bộ phận sản xuất phần mềm của Trung tâm CNTT và TT, giao cho họ nhiệm vụ xây dựng các phần mềm nghiệp vụ theo đề xuất của lực lượng CNTT của các cơ quan. Bởi vì còn rất nhiều ứng dụng nghiệp vụ cần được xây dựng, nên nếu nhiệm vụ này quá nặng nề, có thể để Trung tâm đứng ra làm đầu mối quản lý để phân phối (đấu thầu, nếu cần) cho các doanh nghiệp phần mềm ở địa phương thực hiện. Các nhiệm vụ hậu mãi sẽ do Trung tâm làm đầu mối tổ chức đảm bảo. Làm như vậy thì nguồn đầu tư của tỉnh sẽ đạt được lợi ích kép: Vừa xây dựng được phần mềm (với việc bảo hành bảo trì được nhanh chóng, kịp thời), vừa đào tạo, bồi dưỡng được lực lượng CNTT của tỉnh.
- Một bộ phận khác của Trung tâm CNTT và TT sẽ được đào tạo thường xuyên về quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Data Center), đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo mật mạng... để vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu và duy tu, bảo trì hoạt động của toàn bộ mạng CQĐT của tỉnh.
(Nhân trong bài viết này, cũng nói thêm rằng, theo tiến trình xây dựng CQĐT, dữ liệu ngày càng nhiều, Trung tâm Tích hợp dữ liệu sẽ là một kho dữ liệu lớn. Do đó cần đầu tư thêm máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết bị an toàn bảo mật, lưu điện, mở rộng đường truyền... Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh ta hiện nay quá nhỏ bé so với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của các tỉnh bạn).
- Có chế tài buộc các cơ quan phải ứng dụng CNTT (đánh giá năng lực người đứng đầu, tính điểm thi đua hàng năm, điểm cải cách hành chính, điểm vận dụng ISO, chỉ số hài lòng của công dân và doanh nghiệp...)
Năm 2017, ứng dụng CNTT của tỉnh đã khởi sắc, nhưng muốn cho nó bừng nở thật sự thì còn cần có chiến lược đầu tư hiệu quả, có sự chung sức phấn đấu của cả hệ thống chính trị của tỉnh.
Nguyễn Đăng Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội
Lượt xem: 432