'Mặc' áo lá sen, nón Việt Nam đi ra thế giới
Những chiếc nón lá sen màu xanh tươi sáng do chàng trai Nguyễn Thanh Thảo (SN 1988, ở phường Hương Sơ, TP. Huế, Thừa Thiên Huế) sáng tạo đã trở thành mặt hàng lưu niệm mới lạ dành cho du khách khi đến Cố đô Huế.
Ngoài nón sen, anh còn mày mò chế tác ra nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác từ lá sen như bình hoa, đèn lồng, quạt, tranh… Những sản phẩm độc đáo liên tục được tạo ra từ những chiếc lá sen mỏng manh, xinh xắn và mang hồn cốt dân tộc.
Sản phẩm lưu niệm gắn liền với hồn cốt dân tộc
Chia sẻ về hành trình đến với chiếc nón lá độc đáo này, anh Thảo cho hay, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế, anh bắt đầu khởi nghiệp với nghề vẽ tranh bằng bút lửa tại phố đi bộ đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Huế).
Nón lá sen với màu xanh lá tươi, đường vân lá sen hiện rõ nét rất độc đáo, mới lạ. Ảnh: Nhật Tuấn.
Chính vì gắn bó với nơi này, anh Thảo nhận ra, rất nhiều du khách đến Huế không thể chọn được một món quà lưu niệm mang truyền thống xứ Huế. “Từ đó, tôi quyết tâm nghiên cứu để cho ra một mặt hàng lưu niệm mà khi nhìn là biết ngay Huế. Nó phải là một sản phẩm lưu niệm truyền thống gắn liền với hồn cốt con người Huế”, anh Thảo cho biết thêm.
Từ suy nghĩ đó, bắt đầu vào năm 2017, anh Thảo nghiên cứu nhiều loại lá cây nhằm biến chúng thành chất liệu mới trong nghệ thuật và ứng dụng vào hàng lưu niệm.
Ban đầu, anh dùng lá cây bồ đề để trang trí lên các mặt hàng lưu niệm vì loại lá này chu vi lớn, đường vân rõ nét. Tuy nhiên, những sản phẩm tráp gỗ, bình hoa trang trí bằng lá bồ đề… không được khách hàng đón nhận vì dễ rách nát, không sử dụng được lâu dài.
Nhiều vật dụng trở nên mới lạ nhờ được 'mặc' áo lá sen. Ảnh: Nhật Tuấn.
Không từ bỏ ý định, anh tiếp tục thử nghiệm với loại lá cây khác. Và lá sen đã mang đến cho anh những hy vọng mới, bởi lá sen dẻo dai, lại là loại cây mang hồn dân tộc.
Trải qua nhiều tháng mày mò, anh Thảo mới thành công trong việc 'mặc' lớp áo lá sen ngoài cùng cho chiếc nón Huế.
Theo anh Thảo, trải qua các khâu ủ lá bằng nước Javel, phơi khô, ủi lá… lá sen đã được 'tái sinh' để mang một cuộc đời mới. Những chiếc nón lá sen ra đời với màu xanh lá tươi, đường vân lá sen hiện rõ nét rất độc đáo, mới lạ. Đặc biệt, mỗi chiếc nón là một sản phẩm riêng biệt, không có cái nào giống nhau cũng bởi nhờ đường vân của lá.
Bức tranh mới lạ từ lá sen. Ảnh: Nhật Tuấn.
Để giữ được sắc xanh nguyên bản của lá sen, vừa tạo độ bền khi nón tiếp xúc với mưa nắng, anh Thảo đã cho phủ lên một lớp sơn bảo vệ.
Nón lá sen đi ra thế giới một cách... không tưởng
Trong ngày đầu ra mắt sản phẩm mới, những chiếc nón lá sen của anh Thảo đã được nhiều du khách đến Huế yêu thích. Qua đó, nón sen trở thành món hàng lưu niệm độc đáo mà du khách muốn mua làm quà.
Anh Thảo bên bức tranh của mình. Ảnh: Nhật Tuấn.
Cầm trên tay chiếc nón độc lạ, anh Trần Quốc Nghi (đến từ TP. Hải Phòng) chia sẻ: “Thú thật, tôi thấy nón lá nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tôi thấy chiếc nón lá được làm từ chiếc lá sen rất bắt mắt. Những đường vân nổi lên và màu sắc xanh của chiếc nón khiến tôi rất ấn tượng, thật sự rất đẹp”.
Chiếc quạt sen. Ảnh: Nhật Tuấn.
Sản phẩm không chỉ được nhiều công ty Việt Nam tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đặt hàng, mà một số doanh nghiệp - công ty tại Thái Lan, Hàn Quốc cũng đã tìm đến liên hệ đặt hàng. Một chiếc nón lá sen có giá khoảng 250.000 đồng.
“Từ ngày bắt đầu nghiên cứu về nón lá sen, tôi vẫn không nghĩ nó có thể phát triển tốt đến vậy. Từ món hàng lưu niệm mang đậm chất Huế, nón lá sen đã đi ra thế giới một cách không tưởng”, Thảo cho biết.
Bộ sưu tập đồ lưu niệm từ lá sen của anh Nguyễn Thanh Thảo.
Nói về chiếc nón lá sen này, PGS. TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật - ĐH Huế, cho biết, khác với các nghệ sĩ khác - họ khai thác trực tiếp tính tạo hình của nón lá trong nghệ thuật nhiếp ảnh, múa, sân khấu và nghệ thuật sắp đặt, còn Thảo đã biết đi ngược lại, nghiên cứu tạo hình ngay trên cấu trúc tinh thần của nón lá.
“Hiện nay, với những kỹ thuật xử lý để tạo nên chiếc nón lá thì nón lá sen có độ bền không thua kém gì nón từ lá truyền thống. Tuy nhiên, nón lá sen có phần nghiêng về mỹ cảm hơn là thực dụng. Nón lá sen phù hợp trong việc trưng diện, lễ hội, với phong thái ứng xử tao nhã, duyên dáng cùng chiếc áo dài, áo cánh truyền thống hơn là sử dụng làm đồng áng”, ông Bình cho hay.
Du khách thích thú tìm mua nón sen. Ảnh: Nhật Tuấn.
Ngoài tạo ra nón sen, với sự sáng tạo không ngừng, anh Thảo còn mày mò chế tác ra nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác từ lá sen như bình hoa trang trí, đèn lồng, quạt, tranh lá sen…
Những bình hoa, tráp đựng… phải mất nhiều ngày hay một bức tranh lá sen phải mất cả tuần để hoàn thiện. Cứ thế, những sản phẩm độc đáo liên tục được tạo ra từ những chiếc lá sen mỏng manh, xinh xắn và mang cả hồn cốt dân tộc.
Sản phẩm của anh đã giành được giải A cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018. Ảnh: Nhật Tuấn.
Theo khampha.vn
Lượt xem: 562
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"