• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Kỹ thuật và Công nghệ19/5/2020 14:26

Thời khắc ngắn ngủi, bước ngoặt cuộc đời

Ngày 18/7/1951, bên một con suối ở Đại Từ (Thái Nguyên), Bác Hồ bất ngờ đến thăm Đoàn cán bộ chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ… Chỉ chút ít thời gian được gặp Bác nhưng những lời dặn dò chu đáo của Người đã có ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc đời của những cán bộ trong đoàn năm ấy.

Đó là đoàn cán bộ khoa học kĩ thuật đầu tiên được Trung ương Đảng chọn đi học tập nâng cao trình độ tại Liên Xô trong thời kỳ cuộc Kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt.

Đoàn gồm 21 người, trong đó có 9 người do Quân đội cử đi và 12 người do Tổng Công đoàn Việt Nam cử. Họ đều là Đảng viên và đang đảm nhiệm những vị trí nhất định thuộc các lĩnh vực: kiến trúc, luyện kim, sản xuất vũ khí, hóa học, nông nghiệp, ngân hàng, y dược…

Trước khi đi học nước ngoài, Đoàn cán bộ có một tuần tham dự tập huấn về chính trị. Tại các buổi học đó, các đồng chí Trần Quang Huy, Hoàng Tùng đã phân tích tình hình cách mạng thế giới và trong nước, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ học tập của Đoàn.

Đồng thời, đồng chí Trần Đăng Ninh và Trường Chinh hướng dẫn, dặn dò về cách sống và học tập ở nước ngoài. Đặc biệt, ngày 18/7/1951, đoàn được Bác Hồ tới thăm và ân cần dặn dò trước khi lên đường. Những giây phút ngắn ngủi được gặp Bác như in đậm mãi trong kí ức của mỗi người.

PGS Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, một trong số hai thành viên của Đoàn hiện còn sống, kể lại: “Bác mặc áo lụa màu gụ, quần cộc thao màu nâu, tay cầm gậy tre, đầu đội mũ cứng, bên vành mũ có vết rách… Bác đến, lật ngược chiếc ghế đẩu mọi người dành cho Bác ngồi, ngồi lọt thỏm giữa bốn chân ghế". Bác ngồi như vậy, chắc muốn đối diện gần mọi người hơn.

Rồi Bác nghe báo cáo về thành phần Đoàn, gia đình vợ con và tuổi tác của từng người. Bác hỏi: “Ai ít tuổi nhất?”. Khi đó, Lê Văn Chiểu là người ít tuổi nhất trong đoàn, ông vinh dự giới thiệu với Bác về mình: “Thưa Bác, cháu ít tuổi nhất, cháu 25 tuổi”. Cho đến nay, khi kể lại kỉ niệm đó, ông vẫn rất vui sướng và tự hào được nói chuyện với Bác Hồ dù chỉ là một câu trả lời.

Ông còn nhớ như in những lời Bác dặn: sang Liên Xô học phải biết định hướng, vận dụng hiểu biết mới để đảm bảo những yêu cầu thiết yếu của nhân dân, giúp nhau giữ được tư cách; đi nước ngoài sung sướng đừng quên người nước nhà cực khổ; anh em trong đoàn phải đoàn kết, thành thật, phê bình và tự phê bình. Đối với nước bạn: cái gì biết thì nói biết, phải thành thật ân cần. Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên, Liên Xô đào tạo chúng ta, nếu bằng lòng thì chuyến sau sẽ dễ, đầu xuôi đuôi lọt. Những lời ấy được PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu ghi nhớ và chép vào cuốn sổ tay nhỏ luôn mang theo bên mình, với dòng chữ: “Luôn luôn tích cực” viết bằng bút chì xanh đỏ.

Còn Thiếu tướng Phạm Như Vưu, ông đã rất xúc động khi chia sẻ với chúng tôi trong một buổi trao đổi. Với ông, ngày 18/7/1951 năm ấy “có lẽ là ngày lịch sử trong đời, Bác đến bắt tay anh em và dặn dò thêm kĩ càng hơn người cha”. “Một bờ suối quanh co dưới bóng cây um tùm kia không ngờ đã là nơi kỉ niệm sâu sắc của 21 anh em, tiếp thụ những lời vàng ngọc của các vị lãnh tụ”.

Và ông tự dặn lòng: “Một trong 21 chú hư hỏng là cả đoàn mang tiếng. Lời Bác dặn như trao cho mọi người một trách nhiệm dứt khoát, một sự tương trợ đầy đủ. Mình không thể quên từng lời nói nhỏ và không thể để đồng chí mình quên lãng được”.

Với GS Ngô Huy Quỳnh - thành viên trong đoàn năm xưa, nay ông đã không còn nữa, song kỷ niệm sâu sắc được gặp Bác Hồ vẫn còn lưu lại mãi mãi. Trong sổ công tác trước khi đi học Liên Xô, ông ghi chép chi tiết những điều Bác và các đồng chí Trần Đăng Ninh, Hoàng Tùng, Trần Quang Huy giảng dạy.

Đoàn cán bộ học tại Liên Xô và các giáo viên người Nga, năm 1952. Từ trái, hàng đầu: Tăng Văn Bằng, Cô giáo Nga, Hoàng Văn Lãn, Cô giáo Nga. Hàng hai:  Nguyễn Thanh Quế, Hoàng Bình, Cô giáo Nga, Phạm Như Vưu, Lê Trọng Đồng, Nguyễn Tuyên, Cô giáo Nga. Hàng ba: Phan Lục, Văn Tôn, Nguyễn Văn Nhiên.

Những lời động viên, căn dặn chu đáo của Bác Hồ ngày đó được các ông mang theo như hành trang trong suốt những năm tháng học tập trên đất nước Lênin. Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn cùng học một trường về vũ khí, hai người thành một lớp, học toàn bộ chương trình giống các học viên Liên Xô. Hai ông chỉ tập trung học tập kể cả chủ nhật và thành lập một Chi bộ sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Lời dặn dò của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh tự kiểm điểm thái độ học tập và sinh hoạt là nội dung không thể thiếu trong các buổi họp Chi bộ đó.

Học tập theo những lời căn dặn của Bác Hồ, hai ông luôn tự rèn luyện và không hề đòi hỏi sự ưu tiên của nước bạn. Khi mới sang Liên Xô, các ông phải ăn món ăn của Nga vốn không phù hợp với khẩu vị của người Việt. Các bạn Liên Xô đề nghị làm các món ăn Việt Nam cho hai ông, nhưng các ông quyết tâm không phiền đến bạn và rèn luyện để ăn uống giống những học viên khác.

Rồi khi xếp hàng mua sách, người dân Liên Xô biết các ông là người Việt Nam nên ưu tiên cho mua sách trước, nhưng các ông vẫn từ chối. Sau này, khi nhớ lại thời gian ấy, Thiếu tướng Phạm Như Vưu nhận thấy: “Chúng tôi không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chiến dịch mà chúng tôi chiến đấu suốt 5 năm không kém phần vất vả, hết sức học tập, cố gắng gìn vàng giữ ngọc, nhớ quê hương vợ con thấm thía, có tiền không dám ăn tiêu, giữ mối quan hệ quốc tế tốt đẹp”.

Ông Hoàng Bình (sau này là Thứ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim), một thành viên trong Đoàn thì tự cho rằng mình đang mang trên vai gánh nặng của đất nước, và “Mình không thể trực tiếp làm cách mạng trên chiến trường thì mình làm cách mạng khoa học”. Do đó, ông chỉ chăm chú học tập ở bất cứ mọi nơi mọi lúc. Khi ở Liên Xô, ông viết thư về thường xuyên khuyến khích vợ Đoàn Thị Uyển phải học hành cẩn thận, tiếp tục trau dồi bản thân. Ông nói: “Phải học, vì mình còn dốt lắm em à”.

Ông Lê Văn Chiểu được phân công học trường Đại học Bauman. Cô đơn nơi xứ người cũng khiến nhiều khi ông buồn và nhớ nhà da diết. Nhưng ông kể: “Mỗi ngày, tôi dậy lúc 7 giờ, đi học trên lớp từ 8h30 đến 12h30 rồi về ăn trưa tại phòng ăn ở kí túc. Buổi chiều, tôi lên thư viện học. Đến tối, tôi cũng ở nhà học và nghe đài”. Dường như, trong ông, chỉ có một quyết tâm và một tâm trạng duy nhất: Học, học và học. Theo lời dạy của Bác, học để trở về xây dựng quê hương. Ý nghĩ đó đã tạo nên động lực giúp ông vượt qua tất cả những nỗi nhớ nhung gia đình và ham muốn đời thường.

Một nét đặc biệt khác, các thành viên trong đoàn cán bộ được phân công học nhiều ngành ở các thành phố khác nhau, nhưng 21 con người đó đều hướng về đất nước. Hàng năm, cứ vào dịp hè, các ông lại tổ chức gặp mặt nhau tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mátxcơva. Trong năm đầu mới sang (năm 1951-1952), các ông đã bàn nhau dành dụm tiền học bổng để ủng hộ việc xây dựng Đại sứ quán. Phong trào này được các đoàn học viên sau tiếp nối đến tận năm 1954.

Có thể thấy, những lời dặn dò chứa chan tình yêu thương, trách nhiệm đối với con người, với dân tộc của Bác cùng tình yêu đất nước tha thiết đã giúp những thành viên trong đoàn giữ vững tinh thần, quyết tâm học tập khi phải xa quê hương, gia đình. Nhờ đó, kết quả học tập của họ đều đạt thành tích tốt.

Trở về nước, hầu hết trong số họ đều giữ vai trò tiên phong trong các lĩnh vực đã được đào tạo: Ngô Huy Quỳnh trở thành Giáo sư, nhà kiến trúc tài năng; Phạm Như Vưu, Lê Văn Chiểu trở thành những tướng lĩnh trong Quân đội, những người đầu ngành về đảm bảo và sản xuất vũ khí, hay Trần Linh Sơn trở thành Giáo sư, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Trinh Cơ, Huỳnh Quang Đại, Nguyễn Sĩ Quốc trở thành những nhà Y học nổi tiếng...

Chỉ một lần gặp Bác nhưng hình ảnh vị lãnh tụ áo nâu, quần vải cùng những lời quan tâm dặn dò như người cha thân thương đã trở thành động lực để các ông phấn đấu, miệt mài học tập và cống hiến suốt cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Theo khampha.vn

Lượt xem: 335

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 988148- Đang online : 142