Chị Hoàng Thị Lệ Thương làm việc tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Tân Trào.
Hiện chị đang nghiên cứu đề tài “Tuyển chọn chủng nấm men để sản xuất rượu vang từ quả sim”. Chị Thương cho biết, các nghiên cứu trước đây về sản xuất rượu vang sim chủ yếu sử dụng các chủng nấm men thương mại trên thị trường hoặc mua các chủng lên men vang chung chung. Các chủng này không hoàn toàn phù hợp với mọi loại quả, đặc biệt là quả sim có hàm lượng tanin và các hợp chất chống oxy hóa phenolic cao. Chị đã nghiên cứu phân lập và tuyển chọn chủng nấm men có khả năng lên men mạnh, cho sản phẩm có chất lượng cao (không có metanol) và cho hương thơm đặc trưng, từ đó tuyển chọn và lưu giữ giống nấm men thuần cho sản xuất rượu vang sim ở Việt Nam. Chủng nấm men được tuyển chọn này cũng có thể sử dụng để lên men vang từ các quả khác.
Theo chị Thương, làm nghiên cứu khoa học phải có đam mê, không nản bước trước những khó khăn. Từ năm 2010 - 2020, chị tham gia 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh, 3 đề tài cấp cơ sở, 2 lần chuyển giao công nghệ và có 15 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước, xuất bản 1 cuốn sách chuyên khảo và 1 cuốn sách tham khảo. Các đề tài nghiên cứu của chị đều có tính ứng dụng thực tiễn cao, được xếp loại xuất sắc. Năm 2019, tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật năm 2018 - 2019 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức, công trình “Nghiên cứu tuyển chọn chủng nấm men để sản xuất rượu vang từ quả sim tại xã Côn Lôn (Na Hang)” của chị đã đạt giải Ba.
Bà Nguyễn Tuyết Nga, Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Tân Trào cho biết, chị Thương là một cán bộ trẻ triển vọng, có trình độ chuyên môn, đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy của trường.
Theo baotuyenquang.com