Tiến sĩ ngành AI và niềm đam mê với mã nguồn mở
Trở thành tiến sĩ trong lĩnh vực AI là một trong những ước mơ của Lương Anh Vũ ấp ủ từ thời sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. 5 năm sau khi ra trường, ước mơ đó đã trở thành hiện thực tại trường đại học Griffith, Úc.
Đề tài cho luận án tiến sĩ mà Vũ chọn có tên “Các kỹ thuật tiên tiến cho bài toán phân lớp dòng dữ liệu động và ứng dụng”, tiếng anh là “Advanced techniques for classification of non-stationary streaming data and applications”. Nội dung của đề tài nhằm phát triển các phương pháp học máy mới cho phép học liên tục từ dòng dữ liệu, tức là dữ liệu đến bao nhiêu sẽ được dùng để huấn luyện mô hình bấy nhiêu nhằm khắc phục nhược điểm của các phương pháp học máy truyền thống, phải thu thập được một bộ dữ liệu đủ lớn để huấn luyện mô hình, và khi có dữ liệu mới sẽ phải gộp với dữ liệu cũ để huấn luyện lại từ đầu. Trong thực tế, các dòng dữ liệu thường sẽ thay đổi phân phối rất thường xuyên và khó đoán, vì vậy đề tài của Vũ cũng đề xuất các giải pháp mới để giúp mô hình phản ứng lại với các thay đổi này.
Đề tài nghiên cứu vấn đề nền tảng nên có thể áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, cụ thể là các bài toán dự đoán dòng dữ liệu, chuỗi thời gian, hoặc dữ liệu lớn. Trong thực tế, ta sẽ gặp rất nhiều bài toán dạng này, ví dụ như các hệ thống giám sát, dòng dữ liệu tài chính, thời tiết, mạng xã hội...
Để trở thành tiến sĩ vào năm 27 tuổi không hề đơn giản, ngay từ lúc nhỏ Vũ đã không ngừng cố gắng. Xuất thân từ gia đình có truyền thống giáo dục tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Bắt đầu từ trường tiểu học Bắc Nghèn, đến THCS Xuân Diệu, sau đó là THPT Chuyên Hà Tĩnh để rồi được tuyển thẳng vào Đại Học Bách Khoa Hà Nội và thi đỗ vào lớp tài năng toán tin.
Chưa dừng lại ở đó, sau bốn năm tại đại học Bách khoa với số điểm 3.47/4, Vũ may mắn gặp được tiến sĩ Nguyễn Tiến Thành hiện đang là chuyên viên nghiên cứu tại trường Robert Gordon University và giáo sư Alan Wee-Chung Liew hiện đang là viện trưởng viện công nghệ thông tin và truyền thông tại trường đại học Griffith thông qua buổi giới thiệu chương trình tiến sĩ ở Úc tại Viện Toán đại Học Bách Khoa Hà Nội. Tiến sĩ Thành cũng là cựu sinh viên tài năng toán tin, lúc đó đang làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của giáo sư Alan. Từ đó, Vũ nảy sinh ước muốn giành được học bổng và trở thành tiến sĩ.
Tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản như vậy, để dành được học bổng phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí:
Về điểm đại học, Vũ có thể được bằng giỏi và đáp ứng đủ tiêu chí. Về bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế, sinh viên Việt Nam rất khó để có thể tự viết được nếu không tham gia nhóm nghiên cứu mạnh. Sau buổi giới thiệu, Vũ đã chủ động liên lạc tiến sĩ Thành và được vào nhóm làm nghiên cứu. Làm khoảng một năm thì Vũ có tên trong bài được đăng trong tạp chí nổi tiếng Pattern Recognition.
Về tiếng Anh, rất nhiều sinh viên Việt Nam mất cơ hội học bổng vì tiêu chí này, có người thi gần chục lần vẫn chưa đạt. Vũ bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc cũng muộn nên cũng phải cố gắng rất nhiều, và rất may mắn khi tìm được phương pháp học phù hợp nên thi đạt yêu cầu với số điểm 7.5 IELTS.
Do không học thạc sĩ nên Vũ đã gặp muôn vàn khó khăn. Việc học không quá nặng nề về thi cử, tuy nhiên luôn có những kỳ vọng và đòi hỏi phải có những ý tưởng mới, lại thêm dịch COVID-19 không thể về Việt Nam được trong suốt thời gian học tại Griffith, cũng tạo ra cho Vũ rất nhiều áp lực và căng thẳng. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, sau hơn 3 năm, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Alan, vũ đã hoàn thành chương trình học của mình và trở thành tiến sĩ vào ngày 2 tháng 12 năm 2022.
Vũ nhận bằng trong buổi lễ tốt nghiệp.
Mặc dù đang sống và làm việc tại Úc, nhưng Vũ luôn mong muốn có thể đóng góp chút gì đó vào sự phát triển của Việt Nam. Nhận thấy rằng nhu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều là vừa và nhỏ, nguồn kinh phí để chuyển đổi số còn rất eo hẹp, vậy nên cần phải có một cách nào đó để tạo ra các sản phẩm với chi phí nhỏ, nhưng vẫn đủ chất lượng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp. Sau khi làm việc với một số lập trình viên tại Việt Nam, Vũ nhận thấy rằng mã nguồn mở và hợp tác mở chính là lời giải cho bài toán này.
Vũ đang lập trình EzyPlatform
Hiện tại, Vũ đang đóng góp cho tổ chức mã nguồn mở Young Monkeys tại Việt Nam thông qua dự án nền tảng có tên EzyPlatform, cho phép người dùng có thể tích hợp các thành phần để tạo ra các phần mềm mà không phải lập trình hoặc lập trình rất ít. Xa hơn nữa, Vũ muốn ứng dụng AI cho nền tảng này để có thể tự động lập trình để giúp người dùng giảm thiểu được từ 85% đến 100% các công việc liên quan đến kỹ thuật, giúp họ dễ dàng tạo ra các phần mềm đáp ứng mọi nhu cầu của mình.
Mã nguồn mở không mới ở trên thế giới và các lập trình viên ở Việt Nam, tuy nhiên mã nguồn mở và hợp tác mở vẫn còn rất mới đối với các nhà quản lý và những người làm kinh doanh ở Việt Nam. Vậy nên để cho những ý tưởng trở thành hiện thực, Vũ sẽ còn phải làm việc chăm chỉ và đam mê hơn nữa để phổ biến các sản phẩm mã nguồn mở và mang lại giá trị cho xã hội.
Theo khoahocdoisong.vn
Lượt xem: 896
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"