Khoa học & Công nghệ › Kỹ thuật và Công nghệ27/9/2017 15:47
Cảm nhận từ Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2017
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang được Ban Tổ chức Hội thi chính thức phát động đến cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trên địa bàn toàn tỉnh từ tháng 3 năm 2017.
Sau 5 tháng kể từ ngày phát động, với sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động, đã có tổng số 66 giải pháp, sản phẩm trên các lĩnh vực dự thi được Hội đồng giám khảo của Hội thi xem xét đánh giá, chấm điểm, (trong đó lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông có 15 giải pháp; Lĩnh vực Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải có 13 giải pháp; Lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng có 8 giải pháp; Lĩnh vực Nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường có 13 giải pháp; Lĩnh vực Y dược có 9 giải pháp; Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo và các lĩnh vực khác có 8 giải pháp).
Từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 8 năm 2017, Hội đồng giám khảo của Hội thi với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, khách quan đã xem xét, đánh giá chấm điểm và lựa chọn được 11 giải pháp để Ban Tổ chức trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2017, trong đó:
Giải Nhất Hội thi thuộc về tác giả Phan Hoàng Hải (Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang) với giải pháp "Phần mềm tra cứu thông tin, thủ tục hành chính trên màn hình cảm ứng tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện, thành phố".
Hai Giải Nhì, trong đó một giải thuộc về nhóm tác giả Đỗ Đình Huy, Lê Ngọc Tùng, Nguyễn Văn Việt, Trần Thị Khánh Vân (Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang) với giải pháp "Cải tiến công nghệ xử lý nước cứng nhiễm sắt, đá vôi trên cơ sở giải pháp hữu ích số 1048 của Cục Sở hữu trí tuệ"; giải Nhì còn lại thuộc về tác giả Nguyễn Văn Khải (Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) với giải pháp "Học sinh ở các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ".
Ba Giải Ba, gồm có:
- Tác giả Đỗ Văn Định (Trường Trung học phổ thông Sơn Dương) với sản phẩm "Quạt làm mát không khí bằng nước".
- Tác giả Phạm Đức Hùng (Công ty điện lực Tuyên Quang) với giải pháp "Ứng dụng máy pha XD1352 của Trung Quốc vào công tác thí nghiệm chức năng bù thông minh của bộ điều khiển bù trung thế ứng động CQ900R của hãng ABB".
- Tác giả Phạm Đức Thắng (Trung tâm y tế huyện Yên Sơn) với giải pháp "Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo mô hình thấm dội và tự hoại cho vùng đồng bào miền núi và nông thôn trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang năm 2017".
Ngoài các giải Nhất, Nhì, Ba, căn cứ vào kết quả điểm chấm, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 05 giải pháp đoạt giải khuyến khích như sau:
- Nhóm tác giả Nguyễn Phú Phương, Đỗ Trường Giang, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Tuấn Anh (Công ty điện lực Tuyên Quang) với giải pháp "Ứng dụng thiết bị flycam có điều khiển từ xa DJI Phantom 4 để kiểm tra định kỳ, kiểm tra sự cố đường dây trung thế trong vận hành; khảo sát cao độ, tọa độ, khoảng cách các vị trí cột điện trong việc lập thiết kế kỹ thuật"
- Nhóm tác giả Hoàng Trung Kiên, Trần Trọng Nghĩa (Công ty Cổ phần xi măng Tân Quang VVMI) với giải pháp "Thay thế cam van lật 26201 bằng cụm van tấm vận hành bằng khóa nén"
- Tác giả Trần Quốc Tự Kiều với giải pháp "Mô hình ủ rác làm phân Compost".
- Tác giả Lê Anh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang) với giải pháp "Điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản đoạn trên bằng tán sỏi ngoài cơ thể dưới định vị bằng C-arm tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang".
- Tác giả Khổng Thị Thái (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hùng Đức) với giải pháp "Một số giải pháp huy động có hiệu quả các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hùng Đức xã Hùng Đức huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang".
Kết quả Hội thi cho thấy các giải pháp, sản phẩm, mô hình dự thi năm 2017 rất đa dạng, phong phú, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đến khoa học ứng dụng đều có các giải pháp dự thi.
Tác giả của các giải pháp, sản phẩm dự thi chính là những cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh, trong quá trình công tác, sản xuất, bằng kinh nghiệm kết hợp với việc vận dụng, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, đã có rất nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích góp phần cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm được thời gian, công sức, nâng cao năng suất lao động. Có thể khẳng định với trí tuệ, khối óc thông minh, sáng tạo, một hàm lượng "chất xám" không nhỏ đã được chuyển hóa, kết tinh trong các giải pháp, sản phẩm của Hội thi. Có những giải pháp đã được ứng dụng trong đời sống, đem lại hiệu quả cao như giải pháp đoạt Giải Nhất Hội thi của tác giả Phan Hoàng Hải (Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang). Hoặc các giải pháp đoạt Giải Nhì, Giải Ba; thậm chí một số giải pháp đoạt Giải Khuyến khích cũng đã được áp dụng ngay tại cơ quan, đơn vị công tác của chính tác giả; cụ thể như sản phẩm "Quạt làm mát không khí bằng nước" đoạt Giải Ba của tác giả Đỗ Văn Định (Trường Trung học phổ thông Sơn Dương). Sản phẩm này được tác giả tận dụng những nguồn phế liệu đã bỏ đi như các bộ phận, linh kiện cũ của những chiếc điều hòa hỏng, quạt hỏng…để chế tạo ra; quạt có bộ lưu điện có thể hoạt động 5 tiếng đồng hồ sau khi mất điện lưới. Trên quạt có thể lắp đặt thêm hệ thống đèn tín hiệu chiếu sáng. Tùy theo từng loại quạt kích cỡ to, nhỏ khác nhau theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng, tác giả đã chế tạo và bán trên thị trường với giá từ 04 đến 07 triệu đồng/chiếc. Như vậy, sản phẩm đã được người tiêu dùng lựa chọn và ưa thích.
Tuy nhiên, cũng còn có những giải pháp, mô hình mang đến Hội thi chưa thể hiện được yếu tố "kỹ thuật", "chất xám" trong đó; còn sơ sài, chưa mang tính mới, tính sáng tạo và tính chuyên nghiệp, thậm chí chỉ mới dừng ở ý tưởng, mô hình quá đơn giản.
Để Hội thi trong những năm tới có nhiều giải pháp, sản phẩm có chất lượng, đoạt giải cao và tham dự tại Hội thi của Trung ương, xin mạnh dạn đề xuất một số vấn đề sau:
Trước hết cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về tác dụng, vai trò của Hội thi đến tất cả cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó các đơn vị giữ vị trí nòng cốt, trung tâm trong công tác tuyên truyền chính là Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo…
Hai là, cuộc thi cần phải được phát động sớm để các tác giả có đủ thời gian xây dựng các sản phẩm, mô hình, giải pháp dự thi hoàn thiện, chu đáo, để nhằm khắc phục những sơ suất, hạn chế không đáng có của sản phẩm.
Ba là, về giải thưởng cuộc thi, cần phải có một cơ cấu giải thưởng hợp lý, thỏa đáng cho các sản phẩm, giải pháp đoạt giải; có thể huy động sự giúp đỡ về kinh phí từ các doanh nghiệp, các "mạnh thường quân" trên địa bàn tỉnh để bổ sung vào nguồn kinh phí của Hội thi, tăng mức thưởng đối với các sản phẩm đoạt giải; vì giải thưởng là nguồn động viên, khích lệ các tác giả tích cực xây dựng, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp tham gia Hội thi, mặt khác, giá trị của giải thưởng cũng phải tương xứng với công sức, trí tuệ, tâm huyết, hàm lượng "chất xám" của các tác giả được kết tinh, chuyển hóa vào trong các sản phẩm, giải pháp.
Kết quả và ý nghĩa của Hội thi không chỉ dừng ở việc phát hiện ra những tài năng với những sản phẩm tham gia Hội thi mà ý nghĩa quan trọng là ở tính thực tiễn, các giải pháp, sản phẩm được áp dụng, ứng dụng trong đời sống xã hội, góp phần tiết kiệm thời gian làm việc, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, đem lại lợi ích cho cá nhân và xã hội, đặc biệt là những sản phẩm được Ban Tổ chức Hội thi lựa chọn tham gia Hội thi do Trung ương tổ chức, nếu đoạt giải sẽ đem lại vinh quang không những cho các cá nhân mà còn là niềm vinh dự, tự hào, làm vẻ vang cho quê hương cách mạng Tuyên Quang.
Nguyễn Thị Hiên, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Tuyên Quang
Lượt xem: 501