Việc chuyển đổi internet Việt Nam sang IPv6 mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng để tiến tới chuyển đổi hoàn toàn và hoạt động an toàn, ổn định vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. Trong đó, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò dẫn dắt công nghệ IPv6.
Nhiều kết quả tích cực
IPv6 hiện được cung cấp rộng rãi tới hơn 54 triệu người dùng trên cả nước, truy cập internet qua FTTH (kết nối cáp quang trực tiếp từ nhà mạng-ISP đến hộ gia đình hoặc doanh nghiệp), 3G hoặc 4G. Thời gian đầu của kỷ nguyên internet, không gian địa chỉ 32-bit được cung cấp bằng phiên bản Internet Protocol 4 (IPv4) tưởng chừng là vô hạn vì cho phép các thiết bị có thể kết nối đến gần bốn tỷ địa chỉ khác nhau. Nhưng sau gần 30 năm phát triển, số lượng địa chỉ trên internet thực tế sắp vượt quá giới hạn của IPv4 và theo lý thuyết, các thiết bị sẽ không thể tiếp tục kết nối internet được nữa.
Do đó, để bảo đảm hoạt động của mạng internet, sự phát triển hạ tầng số cũng như internet vạn vật (IoT), IPv6 đã được phát triển, giúp thay đổi lên không gian địa chỉ IP 128-bit, tăng gấp 340 lần phiên bản cũ, có thể cung cấp hàng tỷ địa chỉ cho mỗi người truy cập. Không gian mở rộng này rất quan trọng cho sự phát triển của internet. Theo các chuyên gia, IPv6 không chỉ giúp quản lý dễ dàng không gian địa chỉ, cấu trúc định tuyến cũng tốt hơn, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho bảo mật và di động. Với những lợi ích như vậy, dự báo đến năm 2030, khoảng 80%-85% người sử dụng internet toàn cầu sẽ được chuyển đổi sang IPv6.
Tại Việt Nam, nhờ hoạt động sớm và đúng hướng, nước ta cũng đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi internet sang thế hệ mới hoạt động với IPv6. Tính đến tháng 6, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên internet của Việt Nam đạt khoảng 50% (tăng 3% so năm 2021), cao gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2,3 lần trung bình khối ASEAN với hơn 54 triệu thuê bao FTTH, mobile hoạt động tốt.
Trong đó, đi tiên phong là khối cơ quan nhà nước với 15 trong số 22 bộ, ngành và 58 trong số 63 địa phương đã ban hành và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi IPv6; 5 trong số 22 bộ, ngành và 26 trong số 63 địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công theo nội dung nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ điều phối Chương trình IPv6 for Gov (IPv6 cho khối cơ quan nhà nước), đến nay Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức 70 khóa đào tạo về IPv6 cho hơn 3.000 học viên, trong đó có khoảng 2.000 học viên là cán bộ công nghệ-thông tin của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương.
Trong năm 2022 này, công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn đang tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác chuyển đổi IPv6. Các chương trình đào tạo được thiết kế riêng theo mô hình tham chiếu kết nối mạng bộ, ngành, địa phương và phát triển hạ tầng số cho cơ quan Đảng, Nhà nước. Nội dung đào tạo sẽ giúp các học viên nắm bắt tốt các vấn đề chính về hiện trạng IPv6, quy định chính sách và lý do triển khai IPv6; nắm bắt các nội dung từ xây dựng, triển khai kế hoạch đến kích hoạt IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin, Cổng Thông tin điện tử,…
Phát triển bền vững, đúng trọng điểm
Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng nhận định: Việt Nam đang đi đúng lộ trình chuyển đổi và phát triển IPv6 toàn cầu. Nếu giai đoạn trước là thúc đẩy chuyển đổi IPv6 thì trong giai đoạn tiếp theo cần hướng tới phát triển bền vững. Bài học kinh nghiệm là phải làm trực tiếp, đúng trọng điểm, tập trung phát triển thành mô hình tốt và nhân rộng cách làm. Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, để chuyển đổi hoàn toàn internet Việt Nam sang IPv6 với hoạt động an toàn, ổn định, các doanh nghiệp ISP chủ đạo cần giữ nhịp tăng trưởng tỷ lệ sử dụng IPv6, kích hoạt hỗ trợ IPv6 cho 100% thuê bao; triển khai IPv6 cho 5G, công nghệ đám mây và IoT.
Hiện nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đang là hai đơn vị tiên phong, đi đầu trong triển khai IPv6. Mặc dù có một số khó khăn về thiết bị đầu-cuối, nhưng các doanh nghiệp này cũng đã xây dựng được lộ trình thay thế thiết bị, có kế hoạch triển khai đúng mục tiêu để bảo đảm tỷ lệ ứng dụng cao; đồng thời, luôn chủ động cung cấp dịch vụ hỗ trợ IPv6 cho khối cơ quan nhà nước.
Về phía khối cơ quan nhà nước, ngay trong năm 2022 này, cần tiếp tục tập trung hoàn thành nhiệm vụ công tác IPv6 được nêu trong Chỉ thị số 02/CT-TTg, thực hiện việc chuyển đổi IPv6; trong đó, ưu tiên tập trung chuyển đổi IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước qua IPv6; thời hạn hoàn thành trong tháng 12/2022.
Các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện ngay là ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của đơn vị mình, bám sát Chương trình IPv6 for Gov, đồng bộ kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi hoạt động IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6. Riêng các đơn vị đã ban hành kế hoạch, cần quyết liệt triển khai nội dung được công bố.
Về phần mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao nhiệm vụ cho VNNIC tiếp tục đồng hành, thúc đẩy, hỗ trợ khối bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các mục tiêu của Chương trình IPv6 for Gov. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị khác như Cục Viễn thông khẩn trương nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy triển khai IPv6 trong 5G cũng như xây dựng tiêu chuẩn về IPv6, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi toàn diện mạng internet sang IPv6 theo đúng lộ trình, hướng tới thúc đẩy phát triển hạ tầng số, Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia.
Theo nhandan.vn