Khó khăn hơn, tài liệu về những thiết bị sấy vi sóng trên thế giới cũng hầu như không được công bố. “Chúng ta chỉ hiểu nguyên lý thế nào là vi sóng thôi còn để ứng dụng nó, tính toán thiết kế ra sao, làm thế nào để đưa vào thực tiễn cụ thể thì hầu như không có một chỗ nào để tham khảo”, TS. Hệ nhớ lại. Để cho ra đời những chiếc máy sấy vi sóng ở quy mô phòng thí nghiệm, ông và các đồng nghiệp phải tự mua thiết bị về, tự nghiên cứu, suy luận và “trả giá” cho mỗi lần thí nghiệm để tìm ra được ứng dụng phù hợp. Thiết bị đầu tiên của nhóm ra đời với các bộ phận được chế từ đầu phát sóng trong lò vi sóng gia đình và lắp vào buồng sấy để thử nghiệm. Dù phiên bản này còn vô cùng thô sơ song nhờ đó, TS. Hệ và các đồng nghiệp có thể hiểu thêm về đặc tính của vi sóng và tìm kiếm các phương án điều chỉnh.
Thế nhưng muốn tối ưu khả năng sấy, phần vi sóng mới chỉ là một yếu tố. “Vấn đề khác cần giải quyết là kết cấu buồng sấy để đảo trộn và giúp vật liệu được sấy đồng đều”, TS. Hệ cho biết. Sau khi thử nghiệm các kiểu thùng quay khác nhau, nhóm nghiên cứu nhận thấy kiểu thùng quay ngang đem lại hiệu quả đảo trộn hơn hẳn và giúp cắt giảm nhiều thời gian sấy. Nhưng thách thức lớn hơn bắt đầu lộ diện khi họ muốn nhân quy mô của thiết bị lên. “Nếu làm hệ thống vi sóng nhỏ chỉ có một đầu phát sóng thì rất đơn giản, tuy nhiên khi làm thiết bị lớn cần nhiều đầu phát sóng cùng lắp bên trong thì nếu không cẩn thận, đầu phát sóng này sẽ có thể làm cháy đầu phát sóng kia ngay”, TS. Hệ cho biết.
Nhờ có kinh phí từ đề tài thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và công nghệ vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu” năm 2016, kết hợp với kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm về thiết bị và tự động hóa trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nhóm của TS. Hệ đã chế tạo thành công thiết bị với tám đầu phát sóng hoạt động ổn định ngay trong những lần thử đầu tiên.
Đến nay, chiếc máy sấy vi sóng của nhóm TS. Hệ đã được tự động hóa hoàn toàn để sấy các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, dược liệu ở mức nhiệt 45°C. Thiết bị sẽ vận hành với buồng sấy có hệ thống thực hiện quay liên tục theo trục đứng khung chứa các khay vật liệu hoặc quay theo trục ngang thùng chứa vật liệu. Máy sấy cũng được tích hợp hệ thống đo lượng, điều khiển tự động hiện đại và sử dụng các bộ điều khiển PLC hãng Rockwell Automation (USA), cảm biển nhiệt, ẩm G7, đồng thời được kết nối máy tính để điều khiển giám sát và xử lý dữ liệu quá trình sấy.
“Người vận hành hoàn toàn có thể lựa chọn chương trình sấy phù hợp với vật liệu và khối lượng vật liệu sấy”, TS. Hệ cho biết. Nghe tưởng như không có gì đặc biệt nhưng chỉ một tính năng như vậy thôi thực tế cũng có thể giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp chế biến bởi “tôi đã chứng kiến không ít dây chuyền sấy vi sóng được nhập khẩu về nhưng sau một thời gian lại phải đắp chiếu hết vì không tìm ra được chế độ làm việc hợp lý cho sản phẩm, hoặc bị hỏng hóc nhưng không có đội ngũ chuyên gia nước ngoài sang chữa”, TS. Hệ kể lại
Các kết quả thử nghiệm và phân tích hàm lượng dinh dưỡng cũng giúp nhóm nghiên cứu khẳng định được khả năng duy trì chất lượng, vitamin, dược chất trong sản phẩm sau khi sấy bằng công nghệ vi sóng. “Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là nó cho phép sấy khô nguyên củ, không phải thái nhỏ vật liệu, nhờ đó cũng tránh được nguy cơ phá hủy tế bào, mất chất dinh dưỡng”, TS. Hệ nói thêm. Sau đề tài năm 2016, giải pháp của nhóm cũng đã được chuyển giao cho doanh nghiệp là Công ty Cổ phần thương mại Dược, Vật tư Y tế Khải Hà (Thái Bình) để sấy dược liệu cho đến nay cũng như đang thử ứng dụng để sấy lá chè hay gia vị như gừng, hồi, sả, ớt,… cho một số công ty khác. “Tùy từng sản phẩm mà thời gian sấy có thể giảm đi từ 40% đến 80%, chẳng hạn như gừng, trước đây có công ty phải mất đến 24 tiếng để sấy nhưng giờ đây chỉ còn cần 6 tiếng”, TS. Hệ hào hứng chia sẻ.
Điều quan trọng là hiện nay công ty của TS. Hệ đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ và có thể “đáp ứng mọi quy mô sản xuất, dù là vài chục kilogram hay là một tấn” - một điều đặc biệt hữu ích trong môi trường sản xuất nông nghiệp đặc thù của Việt Nam vốn hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ. Đến nay, công ty của TS. Hệ đã hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo các máy sấy vi sóng kết hợp bơm nhiệt, hoặc chân không tùy vào các ứng dụng cụ thể. Do làm chủ được công nghệ nên dù một số bộ phận, linh kiện của thiết bị như nguồn phát vi sóng phải nhập khẩu từ nước ngoài (do Việt Nam chưa có), song “giá thành của sản phẩm rẻ hơn rất nhiều so với những thiết bị của nước ngoài”, TS. Hệ tự tin nói.
Theo khoahocphattrien.vn