• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Tài nguyên và Môi trường19/9/2016 15:22

Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Tuyên Quang

Khí hậu đã và đang biến đổi và có những tác động tiềm tàng, bất lợi đến phát triển. Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường, không còn là vấn đề của một ngành riêng lẻ mà chính là vấn đề của phát triển bền vững cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ cả về nhận thức và hành động của tất cả các cấp, ngành, của toàn thể nhân dân.

Biểu hiện của biến đổi khí hậu (viết tắt là BĐKH) ở tỉnh Tuyên Quang.
     Căn cứ số liệu  quan trắc 30 năm qua về lượng mưa và nhiệt độ của 3 trạm khí tượng: Chiêm Hóa, Hàm Yên và Tuyên Quang đại diện cho các vùng trong tỉnh để đánh giá ra như sau:
 Nhiệt độ: Trong 30 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tỉnh Tuyên Quang tăng khoảng 0,62°C, trong đó: Nhiệt độ trung bình năm ở Trạm Chiêm Hóa tăng 0,73°C, Trạm Hàm Yên tăng 0,7°C, Trạm Tuyên Quang tăng 0,43°C. Mức tăng nhiệt độ mùa tương ứng ở Trạm Tuyên Quang thời kỳ 1980 - 2010 lần lượt là 0,65°C; 0,37°C; 0,44°C; 1,06°C.
      Lượng mưa: Trong thời kỳ 1980 - 2010, lượng mưa trung bình năm trên toàn tỉnh có xu hướng giảm. Lượng mưa trung bình năm tại Trạm Chiêm Hóa giảm 9,18%; 11,28% tại Trạm Hàm Yên và Trạm Tuyên Quang giảm 19,05% . Lượng mưa mùa xu hướng giảm nhưng không giảm đều ở các tháng mà xu hướng giảm nhẹ vào mùa Hè, giảm mạnh vào mùa Thu; lượng mưa mùa Xuân và mùa Đông có xu hướng tăng nhưng không đáng kể.
      Các hin tượng do thiên tai và thời tiết cực đoan: Là tỉnh có địa hình chia cắt  mạnh, hàng năm thường phải hứng chịu các loại thiên tai như hạn hán, mưa đá kèm gió lốc, lũ quét, ngập lụt, lũ lụt, ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới…Tình hình thời tiết và diễn biến thiên tai nổi bật trong thập kỷ vừa qua như sau:
      Từ năm 2001 đến 2005, trên địa bàn đã xảy ra 7 trận lũ quét, 15 trận mưa đá và gió lốc, 11 trận ngập lụt trên sông Lô, làm 59 người chết, 25 người bị thương, thiệt hại khoảng 16,5 tỷ đồng, 445 công trình cầu cống, 1.067 công trình thủy lợi bị hư hỏng, phá hủy; gần 4 vạn con gia súc, gia cầm bị chết…
      Năm 2005, chịu ảnh hưởng bởi 4 cơn bão và áp thấp, trong đó đáng kể nhất là cơn bão số 7.         
      Năm 2006, lũ lớn làm 05 người chết và 3 người bị thương; 186.640m3 đất đá  sạt lở; ngập 14 km đường quốc lộ và 48km đường liên thôn, 13 trạm bơm; làm hỏng 3 cầu tràn, phá hủy 580m kênh xây và hư hỏng 1333m kênh đất, 20 công trình thủy lợi khác. Vụ Đông Xuân năm 2006, hạn hán đã làm giảm năng suất sản lượng của trên 2.596 ha cây trồng.
      Năm 2007, thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng mạnh của ElNino. Trong năm có 05 trận gió lốc, sét; mực nước của các sông suối xuống thấp so với nhiều năm gần đây. Cuối năm 2007 đầu năm 2008 xuất hiện đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
      Năm 2008 có 04 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Tuyên Quang là hoàn lưu của các cơn bão số 4, số 5, số 6 và áp thấp nhiệt đới đầu tháng 9 năm 2008. Đợt không khí lạnh tháng 1 đầu tháng 2 năm 2008 gây rét đậm rét hại, hội tụ gió Đông Nam đã gây ra mưa to từ ngày 31 tháng 10 đến 03 tháng 11, tại thành phố Tuyên Quang lượng mưa trung bình từ 100 đến 150 mm, Sơn Dương xấp xỉ 400 mm.
      Năm 2009, trên địa bàn tỉnh có 3 trận gió lốc kèm mưa đá và 2 đợt mưa lớn đáng kể do hội tụ gió Đông Nam và ảnh hưởng của rãnh thấp gây lũ trên hệ thống sông Lô và sông Gâm và một số trận mưa cục bộ gây lũ trên các suối nhỏ.
      Năm 2010 có 7 đợt nắng nóng kéo dài trung bình từ 2 đến 3 ngày, trong đó có 2 đợt nắng nóng gay gắt. Cũng năm này, tỉnh chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 5 đợt mưa vừa và to. Tuy nhiên, tổng lượng mưa mùa mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, mực nước cao nhất năm cũng thấp hơn trung bình nhiều năm.
      Năm 2011 có 3 đợt không khí lạnh: Đợt không khí lạnh đầu tiên (từ ngày 3/1-3/2) gây ra đợt rét đậm, rét hại trên địa bàn toàn tỉnh kéo dài 32 ngày. Đợt giữa tháng 3 (từ 16-19/3/2011) gây mưa, mưa vừa cho tất cả các khu vực trong tỉnh, gây ra đợt rét ngày 19 đến 20 tháng 9, gây mưa vừa, mưa to và dông trên địa bàn toàn tỉnh với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, nhiệt độ giảm từ 3-5°C. Trong năm, trên hệ thống sông Lô - Gâm xảy ra từ 5-6 đợt lũ nhỏ, mực nước trung bình mùa lũ thấp hơn so với trung bình nhiều năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010.
      Gần đây nhất vào khoảng 6 giờ 40 ngày 3/4/2016, trận mưa đá với kích thước hạt trung  bình từ 5-10cm, có những viên có đường kính đến 15cm, làm vỡ, thủng mái trên 1.700 ngôi nhà; trên 136 ha lúa, 109 ha ngô và 10 ha rau màu bị mưa đá gây hư hỏng.
      Diễn biến thời tiết cực đoan ở Tuyên Quang ngày càng trở nên phức tạp và khó dự đoán, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiệt độ có biên độ dao động thất thường, đạt nhiều giá trị thấp nhất, cao nhất trong thập niên gần đây. Mưa lũ có giảm về số lượng và mức độ tàn phá do hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện và công tác phòng chống lụt bão cứu hộ cứu nạn được nâng cao, song mức độ phức tạp và thời gian diễn ra mưa lũ trong năm bị thay đổi.
       Tác động của biến đối khí hậu đến đến một số lĩnh vực chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
      Tác động của BĐKH đối với tài nguyên nước như chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, gây khó khăn cho việc cấp nước.
      Tác động của BĐKH đối với nông nghiệp và an ninh lương thực như tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng, ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm, gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.
      Tác động của BĐKH đối với lâm nghiệp như nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh...
      Tác động của BĐKH đối với giao thông vận tải như làm tăng nguy cơ ngập nước các tuyến giao thông quan trọng, xói lở mặt và nền đường bộ, xói lở và cạn kiệt các luồng đường thủy.
      Tác động của BĐKH đối với sức khỏe con người như nhiệt độ tăng, rét đậm kéo dài tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, nhất là người già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh tâm lý; làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, số lượng người bị bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan…BĐKH làm giảm thu nhập, thiệt hại tài sản và còn ảnh hưởng đến dịch chuyển, phân bố dân cư… Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là nông dân nghèo, các hộ dân sống ở vùng sâu, vùng xa, người già, trẻ em và phụ nữ. An ninh quốc phòng cũng phải đặt ra những vấn đề thích ứng hơn với bối cảnh mới.
          Giải pháp thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững ở Tuyên Quang
      Trên cơ sở những biểu hiện của BĐKH và tác động của chúng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong những năm qua, Tuyên Quang đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch ứng phó với BĐKH. Giải pháp cụ thể đối với các ngành,lĩnh vực chính:
      Tài nguyên đất:
       Bổ sung, điều chỉnh, qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện tốt qui định của pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên đất. Chú trọng chọn lọc đưa các giống cây trồng có chất lượng, có khả năng cải tạo, bảo về đất gắn với kỹ thuật canh tác phù hợp cho từng vùng khác nhau trong điều kiện BĐKH.
      Tài nguyên nước và hệ thống thủy lợi:
       Thực hiện phát triển bảo vệ rừng đầu nguồn theo chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Lập quy hoạch phát triển bền vững và xây dựng,  hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên trên lưu vực sông Lô, Gâm. Gắn kết quy hoạch thủy lợi, thủy điện, điều tra địa chất thủy văn toàn tỉnh. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của BĐKH đến tài nguyên nước và sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Đánh giá công năng và tình trạng hoạt động của các công trình thủy lợi; tiến hành  nâng cấp, tu bổ, xây dựng công trình mới theo qui hoạch để bổ đảm bảo hạn chế  lũ dồn, lũ quét và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, đời sông, nhất là về mùa kiệt kiệt.
       Đa dạng sinh học:
      Xây dựng các phương án bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen các loài quý hiếm, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao do tác động của biến đổi khí hậu. Chọn và nhân giống các loài sinh vật thích hợp với điều kiện tự nhiên có tính đến khả năng biến đổi khí hậu như chịu nhiệt, chịu hạn, có biên độ sinh thái rộng. Ngăn chặn và tiêu diệt những sinh vật ngoại lai có hại. Có chính sách và giải pháp hạn chế chuyển đổi các hệ sinh thái tự nhiên và thâm canh nông nghiệp làm thay đổi và tổn hại đến đa dạng sinh học. Bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn. Áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn để duy trì diễn thế tự nhiên, kết hợp tái sinh tự nhiên với các cây bản địa trong điều kiện BĐKH. Quản lý vùng đệm, phát triển các cách tiếp cận quản lý có tính cộng tác. Xây dựng hệ thống quan trắc đa dạng sinh học tại vườn quốc gia, khu du lịch sinh thái. Xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về đa dạng sinh học nhằm thống nhất hệ thống thông tin dữ liệu đa dạng sinh học trong toàn tỉnh. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở dự báo, cảnh báo; cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về sự cố thiên tai liên quan tới BĐKH để kịp triển khai các biện pháp phòng tránh. Thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của BĐKH đến tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các khu bảo tồn, vườn quốc gia khác trong khu vực nhằm tiếp cận thông tin mới, phương pháp tiên tiến và tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường tiềm lực, đào tạo cán bộ như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, gửi người đi học tại các cơ sở bảo vệ đa dạng sinh học.
      Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
      - Nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về BĐKH và thích nghi với BĐKH cho cán bộ địa phương và nông dân. Bảo tồn và giữ gìn các giống loài đặc hữu ở địa phương. Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp tác nghiệp đồng ruộng ngắn hạn, dài hạn. Áp dụng công nghệ canh tác phù hợp với hoàn cảnh BĐKH. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và quy hoạch liên quan đến BĐKH. Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của BĐKH. Triển khai bảo hiểm nông nghiệp để giảm rủi ro cho sản xuất.
       - Lựa chọn và phát triển các giống cây lâm nghiệp phù hợp với hoàn cảnh BĐKH và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Phát triển sinh kế, cải thiện đời sống, ổn định nơi sinh sống, sản xuất cho người dân khu vực lâm nghiệp nhạy cảm với tác động của BĐKH. Đánh giá một cách có hệ thống và khoa học khả năng bị tổn thương và khả năng thích ứng, các tác động của BĐKH tới phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hệ thống chính sách, qui trình, chất lượng lập quy hoạch để ứng phó hiệu quả với bối cảnh thiên tai và BĐKH trong ngành lâm nghiệp. Duy trì và phát huy giá trị, nâng cao tác dụng của thảm rừng trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững cho từng khu vực, toàn tỉnh và vùng rộng lớn kế cận. Thúc đẩy những diễn biến rừng theo xu hướng tích cực trong bối cảnh BĐKH. Tăng cường năng lực quản lý bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu di tích lịch sử. Có  chính sách hợp lý đối với quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo quy hoạch môi trường toàn tỉnh. Thực hiện tốt chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững theo Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
      Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án phát triển, đầu tư xây dựng công trình, khai thác sử dụng tài nguyên trên địa bàn, trong đó có đánh giá tác động môi trường với diện tích đất lâm nghiệp.
      - Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng thủy sản tại các vùng sinh thái khác nhau, có tính đến tác động của BĐKH. Tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, năng lực quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong đó chú ý đến thiết kế và xây dựng hệ thống ao, hồ,… trong bối cảnh BĐKH.  Nâng cấp, xây dựng cơ sở sản xuất cá giống, các khu dịch vụ hậu cần ngư nghiệp, chế biến thủy sản. Xây dựng Quỹ bảo hiểm thủy sản đề phòng rủi ro do thiên tai và BĐKH.
      Xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp và năng lượng:
      Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất, sinh hoạt. Khai thác hợp lý, tối đa các nguồn tài nguyên năng lượng sạch của tỉnh, đặc biệt là thủy điện. Cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, bến cảng, bến thủy qua sông…  xây dựng mới các tuyến đường theo qui hoạch. Xây dựng, sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước đảm bảo yêu cầu thoát nước cho các công trình xây dựng, công trình giao thông, khu dân cư. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH như: Công nghệ xử lý sụt trượt, bền vững địa chất công trình… bảo đảm khả năng chống đỡ của các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, thi công công trình; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trước tác động của BĐKH. Phát triển các phương tiện giao thông công cộng, thu hồi các loại phương tiện giao thông cũ, nát có lượng khí thải không đảm bảo vệ sinh môi trường.  Xác định các vùng, các địa phương và khu vực đất dốc có nguy cơ bị lũ quét ở khu vực đồi núi để có các biện pháp kỹ thuật hạn chế thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người ở các vùng này.
      Y tế, sức khỏe cộng đồng:
       Xây dựng khu dân cư xanh và sạch. Quy hoạch đô thị cần chú ý bố trí khoảng cách công trình cho phù hợp, tránh hiệu ứng “đảo nhiệt” trong các thành phố. Xây dựng và triển khai mô hình để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, thích ứng với BĐKH tại các vùng bị ảnh hưởng. Tổ chức các cuộc diễn tập của ngành Y tế ứng phó với các tác động của BĐKH. Phát triển và tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về khả năng bùng phát và lan truyền dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin vệ sinh, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người dân về BĐKH và sức khỏe cộng đồng. Nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH cho các cơ sở y tế. Xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh BĐKH. Xây dựng và triển khai các hoạt động cấp cứu ứng phó với các thảm họa thiên tai (tai nạn, chấn thương, dịch bệnh…).
      Sinh kế và xóa đói giảm nghèo:
      Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đồng thời động viên toàn xã hội cùng  góp sức thực hiện công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế để tạo ra nhiều việc làm, thu nhập; đa dạng hóa các phương thức huy động nguồn lực từ nhân dân, tổ chức, nhà nước và quốc tế, trước hết và chủ yếu là chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ.Tập trung nguồn lực cho các mục tiêu trọng điểm, trong đó ưu tiên những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và các thôn, bản đặc biệt khó khăn, những nơi dễ bị tổn thương do BĐKH. Chú trọng  đào tạo nghề, tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, kế hoạch làm ăn cho hộ nghèo nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài của quá trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới . Củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đặc biệt là cấp cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, hộ nghèo tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ ưu đãi trong giáo dục đào tạo và khám chữa bệnh. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng Bảo trợ xã hội, những hộ gặp khó khăn trong cuộc sống, bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ, tai nạn rủi ro…Tăng cường giám sát, quản lý các nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, đảm bảo các nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo.
      Văn hóa-Du lich và Dịch vụ:
      Tuyên truyền để cộng đồng nhận thức rõ những tác động của BĐKH đến văn hóa, thể thao du lịch và các vấn đề xã hội và các biện pháp ứng phó. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường làm cơ sở đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý các khu du lịch; quy hoạch, thiết kế các khu du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường du  lịch phù hợp bối cảnh BĐKH. Nâng cấp hệ thống dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, phòng tránh, hạn chế thiệt hại do BĐKH gây ra.

ThS. Đặng Minh Tơn, Sở Tài nguyên và Môi trường

Lượt xem: 3120

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 979505- Đang online : 70