• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Y - Dược học - Sức khỏe19/9/2023 15:12

Gel điều trị viêm da từ chiết xuất lá tre

Sản phẩm được phát triển từ nghiên cứu của thạc sỹ Trần Chí Thành (Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh) và các cộng sự đem lại triển vọng điều trị bệnh viêm da cơ địa một cách nhanh chóng và an toàn.

Là một bệnh da mãn tính, bệnh viêm da cơ địa (vẩy, nến, chàm,...) đứng đầu danh sách các bệnh về da, theo ước tính của Gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Dù không lây nhiễm cũng như không gây tử vong, song căn bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc rất cao (tới 20% trẻ em và 10% người lớn) này lại ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của người bệnh.

Để điều trị viêm da, hiện nay bệnh nhân thường được cho sử dụng corticosteroid, thuốc ức chế calcineurin, thuốc chống vi khuẩn và thuốc kháng histamine. Ngoài ra, các phương pháp không dùng thuốc như dưỡng ẩm, tắm và quấn ướt cũng có thể được sử dụng.

Tuy nhiên, do căn bệnh này không thể chữa khỏi, “nếu sử dụng các thuốc như corticosteroid liên tục thì có thể gây hại cho tuyến thượng thận cũng như một số vấn đề khác”, ThS. Trần Chí Thành (Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh) cho biết. Đó là lý do tám năm trước, anh và các đồng nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm điều trị viêm da lành tính chiết xuất thảo dược từ lá tre và mới đây kết quả nghiên cứu và thử nghiệm về sản phẩm đã được công bố trong bài báo “A case series evaluating the efficacy of herbal oil-based Bambusa vulgaris (Bamboo) leaf extracts as a topical treatment for atopic dermatitis” trên tạp chí Phytomedicine Plus.

Thử nghiệm “ngược” lý thuyết

Cho đến nay, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy lá tre có các hoạt chất sinh học như phenolic, flavoinoids có khả năng chống oxy hóa, làm nhanh liền các tế bào da bị tổn thương, đồng thời các quy trình để chiết xuất các hoạt chất từ lá tre cũng đã được nhiều bên nghiên cứu.



Hình ảnh sản phẩm Gel trị viêm da từ lá tre. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Có nhiều cách để chiết xuất các hoạt tính từ thực vật như dùng dung môi, chưng cất, ép, thăng hoa,.. cho ra hỗn hợp các hoạt chất khác nhau; sau đó kết tinh, chiết lỏng, sắc ký để chiết xuất tinh khiết từng loại hoạt chất, ứng dụng vào sản xuất dược, mỹ phẩm. Song, điểm thách thức nằm ở chỗ, “muốn một phân tử hay một hợp chất thấm qua da, chúng thường phải dưới 500 Da (đơn vị khối lượng nguyên tử - Dalton). Các phân tử lớn hơn khó có thể xâm nhập, nên không thể tác động đến các tế bào của cơ thể, làm giảm hiệu quả khi sử dụng sản phẩm”, ThS. Chí Thành cho biết.

Thêm vào đó, nếu các hợp chất của lá tre tiếp xúc với oxy, chúng sẽ bị oxy hóa và mất đi các hoạt tính, do đó các chất chiết của lá tre thường được giữ ở trong dầu để tránh bị hỏng. “Bản chất các phân tử dầu cũng không thấm qua da, nếu bôi hỗn hợp này lên da thì chắc chắn cũng bị gây bít tắc lỗ chân lông”, ThS. Chí Thành giải thích thêm.

Do đó, cho đến nay, các sản phẩm điều trị viêm da hiện có trên thị trường vẫn chỉ là các sản phẩm như corticosteroid, trong khi đó, các thuốc điều trị từ thảo dược như lá tre vẫn chỉ dừng lại ở các quy trình trong nghiên cứu hoặc bằng sáng chế mà chưa thể có sản phẩm đưa ra được trên thị trường.

Nhận thấy vấn đề này, nhóm nghiên cứu của ThS. Chí Thành đã nghiên cứu công nghệ cố định các hoạt chất dịch chiết thực vật trong hỗn hợp dầu có tính thấm nhanh qua da và thử nghiệm công nghệ này trong việc sản xuất gel trị viêm da từ chiết xuất của lá tre. Nếu nhìn qua quy trình của nhóm, có lẽ chúng ta sẽ không thấy có điểm gì quá khác lạ: lá tre Bambusa Vulgaris được rửa sạch, phơi khô, nghiền nhỏ, sau đó dùng dung môi (nước cất, ethanol) để chiết xuất các hoạt chất, rồi ủ lạnh ở nhiệt độ 4ºC trong 10 ngày và lọc lấy dung dịch dịch chiết lá tre.
 
Bên cạnh đó, nhóm sử dụng các loại dầu (dừa, gấc, oliu, nghệ), nhũ tương (hệ phân tán của hai chất lỏng không hòa tan được với nhau), bổ sung thêm chất mang háo nước (đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA chấp nhận sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm), đem ủ ở nhiệt độ thường và khuấy đều hằng ngày, trong một tháng rồi lọc và tách lấy lớp dung dịch có dầu. Tiếp đó, nhóm dùng hỗn hợp dung dịch dầu này, phối trộn với dịch chiết từ lá tre nói trên và vaselin (có tác dụng dưỡng ẩm, dưỡng da), sau đó hòa tan ở nhiệt độ 50ºC, thu được gel trị viêm da (nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, hoặc viêm da cơ địa).

Vậy đâu là điểm khác biệt trong quy trình này, giúp cho nhóm vượt qua điểm thách thức lớn nhất mà rất nhiều nghiên cứu trước đó đã gặp phải? “Đó chính là chất háo nước giúp cho chiết xuất lá tre cũng như dầu có thể thấm qua màng tế bào”, ThS. Chí Thành cho hay. Dù giữ bí mật về công nghệ, anh cho hay, thực tế chất này rất dễ kiếm và vẫn được dùng trong ngành mỹ phẩm, tuy nhiên “người ta chỉ nghĩ đến việc dùng nó để tan trong nước mà không ai nghĩ đến việc sử dụng để tan trong dầu”.

Lý do đơn giản là bởi, về lý thuyết, chất háo nước đó chỉ có thể tan trong nước chứ không tan trong dầu, do đó không ai bỏ nó vào trong dầu để nghiên cứu cả. Song, trong một lần thử nghiệm, ThS. Thành bất ngờ phát hiện ra, sau ba tháng “để quên” trong lọ dầu, chất háo nước này đã tan hết. “Lúc đó mình mới nghĩ: à đúng rồi, ngày xưa khi tính các đặc điểm hóa chất thì người ta chỉ tính trong khoảng thời gian 1-2 ngày, sau đó ngưng thí nghiệm. Thế nên khi để lâu hơn, mình mới biết rằng chất này cũng có thể tan hết ở trong dầu nữa với khoảng thời gian cần là một tháng”, anh nhớ lại.

Nhớ phát hiện này, nhóm nghiên cứu dần dần cải tiến, điều chỉnh tỷ lệ sản phẩm và cuối cùng đã đi đến một công thức cho sản phẩm gel Derma điều trị viêm da gồm các thành phần: chiết xuất lá tre tổng số (50%); dầu dược liệu hỗn hợp (ô liu, curcumin, dừa, mướp ngọt với tỷ lệ bằng nhau, 10%); Vaseline (40%); phụ gia tăng cường thẩm thấu vào da.
 
Triển vọng chữa bệnh lý viêm da nặng

Một điểm thách thức khác trong việc phát triển các sản phẩm điều trị viêm da cơ địa là cho đến nay, không có mô hình động vật nào về viêm da dị ứng có thể được sử dụng trong các thí nghiệm điều trị.



Hình ảnh sản phẩm Gel trị viêm da từ lá tre và kết quả thử nghiệm gel trên da. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do đó, để thử nghiệm về độ an toàn và hoạt tính kháng khuẩn nhanh trước khi sử dụng như một phương pháp điều trị hỗ trợ viêm da cơ địa, từ tháng 1 đến tháng 12/2022, nhóm của ThS. Chí Thành đã thử nghiệm sản phẩm trên da của chín tình nguyện viên mắc viêm da cơ địa (2 nhẹ, 3 trung bình và 4 nặng), bao gồm cả trẻ em và người lớn. Các bệnh nhân sử dụng gel Derma với chiết xuất từ ​​lá tre tổng cộng ba lần một ngày trong ba tháng. “Điểm số Mức độ nghiêm trọng ba mục (TIS) được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm da, bao gồm đánh giá ban đỏ, phù nề, nổi sần và trầy xước ở thời điểm ban đầu và sau ba tháng theo dõi”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Kết quả cho thấy, trong số chín người tham gia, có tám trên chín người (bất kể mức độ nghiêm trọng của tình trạng hoặc tuổi tác, và đã trải nghiệm sử dụng corticosteroid) đã hết triệu chứng viêm da sau ba tháng sử dụng Dermal gel. “Những kết quả chính này cho thấy chiết xuất từ ​​lá Bambusa Vulgaris có thể có hiệu quả trong việc giảm bớt các triệu chứng viêm da và giúp bệnh nhân không có triệu chứng".

Trước đó, thử nghiệm sản phẩm cũng cho thấy, da nhanh lành sau ba ngày đối với bệnh nhân bị dị ứng corticosteroid; tay bị bong tróc lên da non sau ba ngày và khỏi hoàn toàn sau mười ngày. Ngoài ra, thử nghiệm trên tay bị viêm da của một số nhân viên y tế ở Bệnh viện Cần Giờ, TPHCM cho thấy da phục hồi hoàn toàn trong mười ngày điều trị. Sản phẩm cũng không gây bí hay ngứa khó chịu, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng đã được Sở Y tế Long An cấp phép lưu hành dưới dạng mỹ phẩm và công nghệ sản xuất của nhóm tác giả đã đoạt giải quán quân của Cuộc thi Tìm kiếm tài năng quốc tế năm 2021 do trường Đại học Leipzig (Đức) tổ chức.

“Để xác nhận thêm những phát hiện trên, cần phải điều tra bổ sung thông qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Nếu được xác nhận, những kết quả này có thể góp phần phát triển một loại thuốc thảo dược bôi ngoài da mới để điều trị viêm da cơ địa”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo.

Điều đáng chú ý là theo ThS. Thành, công nghệ nói trên không phá huỷ hoạt tính các chất trong dịch chiết thảo dược, có thể áp dụng chung cho các loại thảo dược khác nhau. Bất kỳ hoạt chất dịch chiết nào cũng có thể áp dụng công nghệ này để sản xuất dược, mỹ phẩm giúp thấm nhanh qua da, nâng cao hiệu quả của sản phẩm.
Theo khoahocphattrien.vn

 

Lượt xem: 166

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1976134- Đang online : 1092