Lời giải cho câu hỏi này đã gây sóng gió cả “ba nhà” trong vòng năm năm qua, kể từ khi Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước ra đời vào năm 2018. Tại sao một văn bản tưởng chừng mở ra một đường đi, đem lại một khung khổ pháp luật hướng dẫn việc xử lý các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm hình thành từ việc thực hiện một đề tài, dự án nghiên cứu khoa học do nhà nước tài trợ, trên thực tế lại dẫn cả ba nhà đến những khúc mắc khó cởi bỏ?
Tại nhiều cuộc họp, từ cấp Trung ương đến địa phương đều có những chia sẻ và đề xuất hóa giải những khúc mắc, hay nói đúng hơn là những rào cản dựng lên trên con đường chuyển giao công nghệ hoặc ứng dụng sản phẩm nghiên cứu, như một đại diện của Tổng Công ty công nghiệp Công nghệ cao Viettel cho biết “Vừa rồi, ĐH Bách khoa HN mở phòng thí nghiệm về thiết bị 5G, có rất nhiều sản phẩm chúng tôi có thể tài trợ cho trường được nhưng vướng một số sản phẩm là kết quả đầu ra của đề tài nghiên cứu KH&CN do nhà nước tài trợ kinh phí, là tài sản của nhà nước nên không có căn cứ nào để tài trợ được”. Không chỉ là việc tài trợ hào phóng mà ở cả marketing sản phẩm cũng gặp khó. “Ngoài ra, nhiều khách hàng muốn sử dụng thử nghiệm một số sản phẩm nghiên cứu của Viettel. Chúng tôi cũng muốn chuyển cho khách hàng để xem họ đánh giá sản phẩm như thế nào, không ngoài mục đích để tiếp tục nghiên cứu khoa học hoặc làm marketing cho các sản phẩm và sẵn sàng cung cấp khi các sản phẩm được đánh giá cao, ví dụ như MobiFone với công nghệ 5G, nhưng chúng tôi không có cơ chế để chuyển giao. Rất vướng mà chúng tôi không biết xử trí”, ông nói.
Nếu những doanh nghiệp giàu tiềm lực như Viettel mà còn thấy vướng mắc thì ở cấp cơ sở cũng không thoát khỏi tình thế này. Một số địa phương, trong đó có Sơn La, đã đề xuất gửi Bộ KH&CN “xem xét sớm sửa đổi và ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP. Đề nghị xem xét theo hướng mở rộng đối tượng được giao quyền sử dụng, sở hữu tài sản khi kết thúc nhiệm vụ KH&CN (cụ thể giao cho đơn vị phối hợp cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ) đồng thời bổ sung cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN đối với các tỉnh miền núi, vùng còn khó khăn về kinh tế nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng”.
Nhưng tại sao Nghị định 70 lại gây tranh cãi và dẫn cả ba nhà đến những khúc mắc?
Một mục tiêu đẹp đẽ
Câu chuyện đầu tư cho khoa học để một ngày khoa học có thể đóng góp trở lại cho xã hội bằng những sản phẩm như tri thức, tư vấn chính sách, giải pháp công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là một mục tiêu mà mọi nền khoa học đều hướng đến. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đó là lý do mà trong vòng mấy chục năm tồn tại của ngành KH&CN, Nhà nước đã trở thành ông bầu số một trong tài trợ cho khoa học, đồng thời cũng là bà đỡ quan trọng trong việc hỗ trợ cho các kết quả có định hướng ứng dụng thành hình sản phẩm và thúc đấy chuyển giao cho doanh nghiệp.
Cơ chế thị trường với những nỗ lực mở cánh cửa thị trường cho các viện nghiên cứu và nhà khoa học có thể thương mại hóa sản phẩm mình làm ra, qua đó góp phần đem lại những giải pháp công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp trong nước, cơ hội để xã hội có những sản phẩm “make in Việt Nam”, “nhà làm” chất lượng cao, giá rẻ hơn hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, những hoạt động R&D và chuyển giao công nghệ như vậy cần được hướng dẫn và thúc đẩy bằng những khung khổ pháp luật hay diễn ra trong một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch. Khi đó, hẳn ngành khoa học sẽ bớt được điều tiếng là “đề tài cất ngăn kéo”, “nhà nghiên cứu xa rời thực tế, không đủ năng lực làm ra được sản phẩm hữu hình, có ích cho xã hội” … hoặc xa hơn là “nghiên cứu khoa học để làm gì”? Có thể, đi xa hơn, các nhà quản lý còn nghĩ rằng “vậy nhà đầu tư lớn là nhà nước thì sẽ thu lại được gì”?
Đó là lý do, cách đây non 10 năm, Bộ KH&CN cùng với Bộ Tài chính đã bàn thảo và khảo sát thực tế để cho ra đời văn bản hướng dẫn đầu tiên là Thông tư 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Tại cuộc họp sửa đổi Nghị định 70 về xử lý tài sản sau khi thực hiện đề tài do nhà nước tài trợ diễn ra vào ngày 24/12/2023, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhớ lại “Cách đây đúng chín năm định hình cơ chế quản lý tài sản hình thành sau thực hiện đề tài KH&CN. Trước đây, đối với vốn tài sản sử dụng vốn nhà nước, chúng ta coi đó là một tài sản dự án, giống như một dự án xây trụ sở, làm đường… nên hồi đó cũng có cái vướng. Bộ KH&CN đã đề nghị với Bộ Tài chính là có quy định và văn bản hướng dẫn riêng trong lĩnh vực KH&CN”.
Một văn bản tiên phong như thông tư 16 cũng không đủ sức giải quyết vấn đề. Vì vậy, các nhà quản lý nghĩ đến một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, toàn diện hơn để hướng dẫn xử lý kết quả nghiên cứu KH&CN, cơ sở để hình thành Nghị định 70 vào năm 2018.
Trên thực tế thì phần lớn những đề tài, nhiệm vụ thuộc sở hữu nhà nước đều “đút ngăn tủ” vì linh hồn của công nghệ và kết quả nghiên cứu thuộc về nhà khoa học, người sáng tạo ra nó. Muốn chuyển giao cho doanh nghiệp sử dụng thì nhà khoa học phải trực tiếp hợp tác với doanh nghiệp thì mới đưa vào ứng dụng được.
|
Khi được ban hành vào ngày 15/5/2018, Nghị định 70 được giới khoa học hồ hởi đón nhận và hân hoan nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng mà nó sẽ đem lại, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nơi được coi là sở hữu nhiều giải pháp và sản phẩm công nghệ mới, nhớ lại. Tưởng chừng như Nghị định 70 sẽ hướng dẫn được nhiều hoạt động chuyển giao khi đưa ra những khung khổ chặt chẽ để quy định các hoạt động liên quan như xử lý kết quả, sản phẩm nghiên cứu như các điều về điều chuyển tài sản, cho thuê tài sản, mua sắm tài sản, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thẩm quyền quyết định xử lý tài sản… Văn bản này vạch một lằn ranh phân định quyền sở hữu tài sản hình thành giữa hai loại đề tài, một là sử dụng một phần ngân sách nhà nước, dưới 30%, và hai là sử dụng hoàn toàn ngân sách nhà nước.
Giống như với một công nghệ mới ra đời, ở góc độ nào người ta cũng thấy nó đẹp và hữu dụng, khi đó, nghị định này cũng được các nhà quản lý coi là giải pháp khá hoàn hảo. Một nhà quản lý nhận xét, trong phiên họp giới thiệu về Nghị định 70, diễn ra vào tháng 7/2018, với các đề tài thuộc dạng thứ nhất, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ được chuyển giao không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì, dù tổ chức chủ trì là doanh nghiệp, viện nghiên cứu hay nhà nghiên cứu để họ có thể chủ động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; với các trường hợp khác, có thể có quyền mua lại để có quyền sở hữu sau khi nhiệm vụ hoàn thành.
Nghị định cũng nêu trong trường hợp kết thúc nhiệm vụ KH&CN, đơn vị chủ trì không muốn mua quyền sở hữu nhưng vẫn muốn sử dụng trang thiết bị, tiếp tục theo hướng nghiên cứu để phát triển thương mại hóa sản phẩm thì sẽ được giao quyền sử dụng, nếu được các nhà quản lý xem xét và đồng ý.
Do đó, nhà quản lý này đã nhấn mạnh “Chưa bao giờ có điều kiện mở một cách rõ ràng, rành mạch như vậy trong hệ thống quản lý tài sản nhà nước”.
Cũng với góc nhìn ấy, một nhà quản lý khác không ngớt lời ca ngợi “Nghị định 70 vừa rõ ràng, vừa minh bạch trong quản lý tài sản và theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển”.
Nhiều hệ lụy
Câu chuyện của Nghị định 70 khiến người ta nhớ đến những sản phẩm công nghệ một thời, khi mới ra đời khiến người ta hồ hởi đón nhận nhưng theo dòng thời gian mới thấy được chuyển biến từ mừng đến lo ngại, như trường hợp các loại thuốc trừ sâu DDT, nhựa, phụ gia thuộc nhóm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs)... Bởi mục tiêu được kỳ vọng đã không diễn ra, ngược lại trên thực tế nó lại làm nhà khoa học, tổ chức gặp vướng mắc vì thực chất “Nghị định không rành mạch về quyền sở hữu” như nhận xét của PGS. TS Nguyễn Ái Việt (ĐHQGHN) còn theo giáo sư Huỳnh Trung Hải (ĐH Bách khoa HN, chủ nhiệm chương trình KC 06/21-30 nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường), “Nghị định 70 làm chúng tôi không thể chuyển giao được. Khó là ở khâu định giá”.
Có lẽ, với các nhiệm vụ KH&CN mà nhà nước tài trợ dưới 30% thì vấn đề trở nên dễ thở hơn rất nhiều và rất dễ giải quyết khi giao thẳng cho đơn vị chủ trì; nhưng với các nhiệm vụ mà nhà nước tài trợ hoàn toàn thì nhà nước có quyền định đoạt, ấy mới là điều đáng nói và là điều khiến cho các nhà khoa học vò đầu bứt tai: kết quả nghiên cứu mà mình làm ra không thuộc về mình. Trong phiên họp sửa đổi nghị định 70, TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật (ĐHGHN) và nhà nghiên cứu về bệnh Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, nói lên tình thế của người trong cuộc “một trong những rào cản lớn nhất bây giờ là tự chúng tôi, các nhà khoa học, không thể đưa được sản phẩm ra ngoài xã hội bởi vì nếu chúng tôi chuyển giao thì chúng tôi lại vi phạm luật”.
Một nhà quản lý giàu kinh nghiệm cũng thừa nhận vấn đề này “nếu kết quả nghiên cứu không thuộc về nhà khoa học hay tổ chức chủ trì mà là quyền sở hữu của nhà nước là tài sản công thì không ông nào dám bán cho doanh nghiệp?”. Khi xét về bản chất của vấn đề, ông cho rằng “Nếu đề tài nghiên cứu mà không dùng ngân sách nhà nước thì không vấn đề gì, giá ở đây là giá thỏa thuận nhưng cái vướng nhất hiện nay là hầu hết các đề tài nghiên cứu của mình đều do nhà nước đầu tư còn xã hội đầu tư chưa đáng kể…”.
Dòng chảy kết quả nghiên cứu, giải pháp công nghệ cứ bị nghẽn lại như thế ngay từ cánh cửa phòng thí nghiệm. PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, một viện nghiên cứu trực thuộc Bộ KH&CN được xây dựng thí điểm theo mô hình thành công trong chuyển giao kết quả nghiên cứu và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Viện KIST ở Hàn Quốc, chia sẻ những gì ông phải đối diện khi làm việc tại VKIST “Vấn đề chuyển giao công nghệ đối với chúng tôi là vấn đề sống còn. Hiện nay công nghệ mà VKIST làm ra cũng có rất nhiều nhưng những đề tài liên quan đến ngân sách nhà nước hiện nay chúng tôi không chuyển giao cho doanh nghiệp được”, ông nói.
Trong vòng gần năm năm Nghị định 70 được ban hành và có hiệu lực, vướng mắc bao phủ nhiều bên liên đới, từ nhà khoa học, viện nghiên cứu ở Trung ương đến các tổ chức ở địa phương. Không chỉ nhà khoa học lúng túng mà nhà quản lý các cấp cũng than thở, “không còn đầu óc để làm gì mà chỉ lo tháo gỡ vướng mắc là chính” như chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM tại Hội nghị giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2023.