• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Kỹ thuật và Công nghệ15/8/2024 16:7

Điều gì xảy ra với não khi chúng ta uống rượu cùng bạn bè?

Lúc nâng cốc với bạn bè, chúng ta nói đủ chuyện trên trời dưới bể và cảm thấy thật hào hứng làm sao. Nhưng khi một mình nhâm nhi ly rượu, chúng ta có thể cảm thấy kém vui. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này đã được các nhà khoa học tìm ra.

“Bối cảnh xã hội ảnh hưởng tới cách mỗi người phản ứng với rượu, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào về cơ chế khiến điều này xảy ra”, tiến sĩ Kyung-An Han, nhà sinh vật học tại Đại học Texas tại El Paso (UTEP), cho biết.
 
Han cùng nhóm giảng viên và sinh viên tại trường đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc hiểu về quá trình sinh học thần kinh đằng sau hoạt động uống rượu với bạn bè và vì sao nó khiến người ta hưng phấn.
 
Nghiên cứu mới đã xác định chính xác vùng não bị kích thích bởi việc uống rượu cùng bạn bè và nhờ thế chúng ta có thể hiểu rõ hơn vì sao con người dễ mắc chứng Rối loạn sử dụng rượu. Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 29,5 triệu người chỉ trong năm qua, theo Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu Mỹ.
 
Nhóm đã dùng ruồi giấm để thực hiện nghiên cứu. Hóa ra, những con ruồi khi "xỉn" cũng chẳng khác với người ngấm rượu. Nghe qua thì việc dùng ruồi để rút ra hiểu biết về hành vi con người không được chính thống cho lắm. Thế nhưng, loài côn trùng này có chung khoảng 75% các gene gây ra bệnh tật ở người.
 
Sử dụng ruồi giấm, Han cùng nhóm nghiên cứu tìm cách chứng minh rằng ethanol, chất cồn có trong rượu, gây ra những phản ứng khác biệt trong bối cảnh uống một mình và uống với bạn. Đồng thời, họ cũng muốn chứng minh rằng dopamine, một loại phân tử trong não đóng vai trò quan trọng trong niềm vui, động lực và học hỏi, là tác nhân chính gây ra hiện tượng này.
 

Tiến sĩ Paul Sabandal (trái) và Tiến sĩ Kyung-An Han (phải) bên thí nghiệm cho ruồi giấm tiếp xúc với hơi ethanol. Nguồn: Đại học Texas tại El Paso.
 
Nhóm cho một con hoặc cả nhóm ruồi giấm tiếp xúc với hơi ethanol. Sau đó, họ đo tốc độ trung bình của chúng để xác định mức độ của phản ứng do ethanol gây ra. Những con ruồi giấm “uống một mình” chỉ hơi tăng động hơn một chút. Trong khí đó, ruồi giấm tiếp xúc với ethanol theo nhóm thể hiện sự tăng động đáng kể.
 
Tiếp theo, nhóm tiến hành kiểm tra xem dopamine có tham gia vào phản ứng của ruồi giấm với ethanol hay không. Họ so sánh một nhóm ruồi giấm kiểm chứng có dopamine được não điều tiết tự nhiên với nhóm thử nghiệm có mức dopamine tăng.
 
Kết quả, bất kể mức độ dopamine bình thường hoặc tăng, thì ruồi giấm đều có phản ứng tương tự với ethanol trong bối cảnh đơn độc: hoạt động tăng nhẹ. Nhưng trong bối cảnh nhóm, những con ruồi có mức dopamine tăng biểu hiện tăng động hơn bình thường.
 
Nhiệm vụ cuối cùng của nhóm là xác định cái nào trong năm thụ thể dopamine trong não là yếu tố đóng góp lớn nhất vào quá trình này. Họ phát hiện thụ thể dopamine D1 là yếu tố quan trọng nhất trong phản ứng của ruồi với ethanol trong bối cảnh nhóm.
 
“Gene thụ thể D1 ở người có liên quan tới Rối loạn sử dụng rượu và nghiên cứu này cung cấp cho kết luận này một kiểm chứng thực nghiệm," Han nói. Việc xác định được vai trò của thụ thể D1 là yếu tố hết sức quan trọng vì nó giúp các nhà nghiên cứu tại UTEP và nhiều nơi khác định hướng các nghiên cứu tiếp theo, Han lưu ý.
 
"Công trình này giúp chúng tôi, với tư cách là nhà nghiên cứu, biết được vùng não và những thành phần nào có thể đóng vai trò hội tụ tất cả các tín hiệu góp phần gây ra rối loạn sử dụng rượu," Paul Rafael Sabandal, tiến sĩ, phó giáo sư khoa học sinh học và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.
 
Tiếp theo, nhóm sẽ khám phá sự cơ chế cho phép thụ thể dopamine D1 hội tụ các tín hiệu góp phần tạo nên chứng rối loạn sử dụng rượu.
 
Nghiên cứu Social setting interacts with hyper dopamine to boost the stimulant effect of ethanol của nhóm đã được đăng trên tạp chí Addiction Biology.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 17

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành
Chưa có video
Số lượt truy cập: 1426170- Đang online : 3576