Việc xây dựng những chính sách đặc thù, giải quyết những bài toán cụ thể cho địa phương, kết hợp với thúc đẩy liên kết vùng là một trong những điểm mấu chốt để tăng cường hiệu quả hoạt động KH&CN ở vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Trong số 10 tỉnh khiêm tốn nhất về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, có 7 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Điểm trung bình về đổi mới sáng tạo của toàn vùng là 32,18 điểm, thấp hơn điểm trung bình cả nước là 37,62 điểm. Thực ra, kết quả này không có gì bất ngờ với những nơi ở xa về mặt địa lý cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực, đồng thời phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về điều kiện tự nhiên như vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN là bài toán mà các địa phương trong vùng cũng như các nhà quản lý trong ngành KH&CN vẫn đang đi tìm lời giải. “Chúng ta phải lưu ý rằng vùng trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển riêng, khác với những địa phương khác. Do vậy, trong quá trình trao đổi, thảo luận, cần lưu ý đến đặc thù của các địa phương, để có [câu trả lời] phù hợp”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh trong Hội nghị giao ban KH&CN vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX diễn ra vào ngày 10/10 vừa qua tại Cao Bằng. “Quan điểm phát triển của vùng là phát triển kinh tế dựa trên sự tăng cường liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.
Giải quyết nhu cầu cụ thể cho địa phương
Ở những nơi càng khó khăn, vai trò của KH&CN càng quan trọng. Các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc đều thấy KH&CN có thể giải quyết nhiều vấn đề mà họ đang gặp phải. Dù có nhiều tiềm năng về tài nguyên, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, kinh tế cửa khẩu, du lịch, song vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng gặp khó khăn về nhiều mặt như giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện địa lý, khí hậu, đất đai với địa hình phức tạp, hạn hán, lũ lụt, gió lốc, mưa đá, sương muối, dịch bệnh thường xuyên xảy ra hằng năm. Do vậy, “về triển khai các nhiệm vụ KH&CN, tôi nghĩ không cần to tát cao sang lắm đâu. Quan trọng là có thể ứng dụng ngay vào những việc cụ thể. Chẳng hạn như phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, làm thế nào để nâng cao chất lượng, hình thức mẫu mã sản phẩm… Ngoài ra, cũng cần tập trung vào các đề tài ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, góp phần cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, bày tỏ ý kiến.
Nhiệm vụ KH&CN muốn gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương thì phải xuất phát ngay từ các cấp huyện, thị xã... Chỉ khi tiếp cận từ cấp cơ sở, mới biết địa phương đó cần gì, người dân cần gì, để có những đề tài sáng kiến phù hợp với điều kiện của địa phương đó. Nhưng hiện nay ở cấp cơ sở các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách phụ trách KH&CN, đây là vấn đề rất đáng quan tâm.
Ông Vừ A Bằng
|
Điều này thể hiện rõ trong quá trình vươn lên trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc của tỉnh Sơn La. Hơn 20 năm trước đây, cây ăn quả chưa từng được coi là thế mạnh của Sơn La. Nhưng kể từ khi có chủ trương tái cơ cấu, tập trung phát triển cây ăn quả, Sơn La đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp nhằm nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, mở rộng thị trường, thúc đẩy chế biến và bảo hộ thương hiệu nông sản. Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có 28 nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có hai sản phẩm (chè shan tuyết và xoài tròn Yên Châu) được bảo hộ tại châu Âu theo hiệp định EVFTA từ năm 2020. “Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ ở Sơn La đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất bình quân tăng 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống”, theo báo cáo về kết quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo ở vùng trung du và miền núi phía Bắc được công bố trong hội nghị.
Nếu bám sát nhu cầu thực tế, một đề tài nhỏ cũng có thể mang lại ý nghĩa lớn trong thực tế. Chẳng hạn như đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật qua da bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn” do tỉnh Lạng Sơn phê duyệt từ năm 2021. Sỏi mật là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, có diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Trong số nhiều phương pháp điều trị sỏi mật hiện nay, tán sỏi đường mật qua da bằng laser là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả và an toàn nhất. Tuy nhiên, những địa phương xa xôi thuộc các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc như Lạng Sơn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với kỹ thuật này. Nhờ đề tài cấp tỉnh trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã cử hai bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh tham gia đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Đến nay, các bác sĩ tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này. “Đề tài đã góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm can thiệp phẫu thuật, điều trị hiệu quả, hạn chế biến chứng và tử vong do sỏi mật gây ra, giảm gánh nặng chi phí y tế, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình người bệnh”, theo báo cáo.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của toàn vùng. Ngay cả những địa phương dẫn đầu trong vùng như Thái Nguyên - đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về chỉ số đổi mới sáng tạo, cũng đang gặp nhiều thách thức. Dù có thế mạnh về phát triển công nghiệp, song báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên cũng thẳng thắn chỉ ra “trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh còn ở mức trung bình; khả năng hấp thụ công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu còn hạn chế. Tốc độ đổi mới công nghệ còn thấp, giai đoạn 2018-2022 tốc độ đổi mới công nghệ là 6,42%/năm, thấp hơn yêu cầu đặt ra là 20%/năm”.
Nhìn chung, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Đây vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước, quy mô kinh tế các tỉnh còn nhỏ; các địa phương còn chưa cân đối được ngân sách; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; liên kết vùng còn thiếu và yếu, chưa phát huy được tiềm năng của vùng. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình của cả nước..., Thứ trưởng Hoàng Minh chia sẻ.
Những địa phương đều nhận diện được vấn đề mà mình đang gặp phải. Song có những thứ nằm ngoài khả năng giải quyết của họ. Chẳng hạn như “nhiệm vụ KH&CN muốn gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương thì phải xuất phát ngay từ các cấp huyện, thị xã…nhưng thực tế bây giờ chưa có cán bộ chuyên trách phụ trách KH&CN [ở các cấp cơ sở]. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Chỉ khi tiếp cận từ cấp cơ sở mới biết địa phương đó cần gì, người dân cần gì, để có những đề tài sáng kiến phù hợp với điều kiện của địa phương đó”, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhận xét. “Rất mong Bộ quan tâm đến nội dung này, có thể trao đổi với Bộ Nội vụ, bố trí một cán bộ phụ trách công tác KH&CN ở cấp huyện, thị xã, kết nối trực tiếp với Sở KH&CN, khi đó mới có thể tổ chức thực hiện hiệu quả [các nhiệm vụ KH&CN]”.
Tăng cường liên kết vùng
Việc ứng dụng KH&CN để giải quyết những bài toán cụ thể cho từng địa phương rất cần thiết, song nếu chỉ dừng lại ở đó, nhiều vấn đề sẽ không được giải quyết trọn vẹn, hoặc không tạo ra sự thay đổi lớn cho vùng. Chẳng hạn như sản phẩm thạch đen, ở Lạng Sơn và Cao Bằng đều nổi tiếng với sản phẩm thạch làm từ cây thạch đen. Tuy nhiên, chỉ có thạch đen Lạng Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2023. Nếu sản xuất riêng lẻ, không có sự phối hợp, rất có thể hoạt động sản xuất, giá trị thương hiệu của hai bên sẽ đều bị ảnh hưởng. Tình trạng này đã từng xảy ra với sản phẩm gà đồi ở Bắc Giang. “Thái Nguyên, Tuyên Quang cùng có sản phẩm gà đồi giống như Bắc Giang và đều được cấp bảo vệ nhãn hiệu nhưng vẫn có tình trạng mang gà từ tỉnh nọ sang tỉnh kia bán dưới thương hiệu của nhau”, theo bài viết về liên kết KH&CN trung du miền núi phía Bắc trên báo KH&PT từ năm 2019. Việc hợp tác để tạo ra vùng sản xuất lớn là điều cần thiết, “bởi ngay cả tỉnh mạnh về thương hiệu gà đồi như Bắc Giang, thì các công ty lớn cũng chỉ sản xuất được 20% lượng thịt gà thương phẩm để bán, xuất khẩu, còn lại thì cũng chỉ bán gà lông ra thị trường”.
Trong giai đoạn 2022-2024, có 86 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 636,1 tỷ đồng được triển khai thực hiện tại 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Các nhiệm vụ chủ yếu được hỗ trợ thông qua Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và nhiệm vụ cấp thiết địa phương. Một trong số các đề tài tiêu biểu như “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều tại tỉnh Bắc Giang” (2020-2024). Qua đó, xây dựng báo cáo đánh giá về dinh dưỡng đất và lá cho cây vải thiều tỉnh Bắc Giang với 3 quy trình công nghệ sản xuất phân bón, 3 quy trình sử dụng phân bón chuyên dùng bón trực tiếp vào đất và bón qua hệ thống tưới tiết kiệm cho cây vải thiều thời kỳ kinh doanh, 1 bộ cơ sở dữ liệu về quản lý dinh dưỡng cho cây vải thiều, 1 bộ hồ sơ đăng ký lưu hành phân bón chuyên dùng.
Về các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, các địa phương trong vùng đã triển khai 494 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh từ năm 2022 đến nay. Trong đó lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất (42,7%); tiếp đến là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (31,4%); lĩnh vực khoa học, công nghệ (11,3%); lĩnh vực khoa học y - dược (10,9%); còn lại là lĩnh vực khoa giáo dục - đào tạo, khoa họac tự nhiên và sở hữu trí tuệ (chiếm 10,4%). Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ có 9 nhiệm vụ, tuy số lượng còn khiêm tốn song đã góp phần xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, đặc thù của các địa phương, nâng cao giá trị cho sản phẩm được bảo hộ như dược liệu Bắc Hà, đương quy Bát Xát, hà thủ ô đỏ Lào Cai, gà đồi Thanh Ba... Trong giai đoạn 2022-2024, các địa phương trong vùng đã tiếp nhận 3.049 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm; 1.509 văn bằng bảo hộ được cấp (dẫn đầu là Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên).
|
Với các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, “các địa phương trong vùng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn có rất nhiều nội dung có thể liên kết được”, ông Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở KH&CN Cao Bằng, nhận xét. “Chẳng hạn như phát triển cây dược liệu, rau màu…, nếu có nhiệm vụ liên vùng thúc đẩy các đặc sản địa phương, nâng cao chất lượng thì mới có thể khẳng định danh tiếng, thương hiệu, đi vào các thị trường khác được. Nếu chỉ gói gọn trong một tỉnh thì sẽ rất hạn chế, sản lượng cũng thấp, chỉ riêng từng vùng sẽ không đủ”.
Vấn đề thúc đẩy liên kết vùng là vấn đề mà các địa phương quan tâm từ lâu nay. “Tôi rất đồng tình với ý kiến này. Điều quan trọng là cơ chế, quy chế để chúng ta phối hợp như thế nào, phải trao đổi thông tin giữa các địa phương để có phương hướng thực hiện, liên kết. Có những vấn đề thực hiện theo từng tỉnh, nhưng có những vấn đề mang tính vùng thì phải liên kết với nhau để mang lại giá trị cao hơn. Chẳng hạn như vấn đề phát triển vùng sản xuất chè, dược liệu…”, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ, bày tỏ.
Việc thiết kế những chính sách đặc thù cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy liên kết vùng trung du và miền núi phía Bắc. “Với các điều kiện đặc thù, nên chúng ta cần có chính sách riêng cho vùng. Không phải đòi hỏi ưu đãi gì quá lớn, nhưng tất cả cơ chế thực hiện nhiệm vụ KH&CN hiện nay, nếu chúng tôi áp dụng theo cách thông thường thì có nhiều điểm không phù hợp, chẳng hạn như xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Hầu hết nhiệm vụ KH&CN của các địa phương ở vùng trung du và miền núi phía Bắc chủ yếu mang tính chất dự án hơn, hàm lượng nghiên cứu khoa học không cao, sử dụng cơ sở vật chất trong dân, lao động chính là người dân. Nếu áp dụng cơ chế thu hồi tài sản, xử lý tài sản như các nhiệm vụ cấp quốc gia với hàm lượng khoa học cao thì sẽ không phù hợp”, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn, nhận định.
Theo khoahocphattrien.vn