"Đánh giặc" trên không gian mạng: Đằng sau những trận chiến không tiếng súng
Hệ thống nền tảng tác chiến trên không gian mạng mà Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) phối hợp cùng Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp (một thành viên của Tập đoàn Viettel) phát triển và ứng dụng đang mang lại những hiệu quả tích cực trong việc làm thất bại các hoạt động chống phá của kẻ thù trên internet.
Trung tá Vũ Duy Thăng, Trưởng Phòng Phân tích mã độc, Viện Nghiên cứu 486, thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), cho biết, tính tới đầu năm 2024, đơn vị tiếp nhận gần 1.000 mã, chủng loại mã độc từ các đơn vị trong toàn quân. Những mã độc này được thiết kế để đánh cắp thông tin, dữ liệu.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu 486 cũng ứng cứu và điều tra hàng loạt sự cố liên quan tới mất an toàn thông tin nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn, các cơ quan của Đảng và chính phủ trong thời gian qua.
Những số liệu mà Trung tá Vũ Duy Thăng cung cấp phần nào cho thấy sự phức tạp của các hoạt động tấn công, chống phá trên không gian mạng, nơi vẫn được mô tả như “vùng lãnh thổ đặc biệt của quốc gia”. Và cuộc chiến đấu tranh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, dù không có tiếng súng, nhưng cũng cam go như bất cứ cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên thực địa nào khác.
Chia sẻ với báo chí, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng là mặt trận quyết liệt, phức tạp và lâu dài. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội với khả năng tương tác, tạo hiệu ứng nhanh, rất khó kiểm soát, quản lý, giám sát, kiểm duyệt”.
Trong khi những thủ đoạn tấn công ngày càng tinh vi và phức tạp, việc sử dụng sức người để chiến đấu đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ phải làm việc liên tục, có khi tới 200% sức lực. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của Internet trong kỷ nguyên 4.0, nhiệm vụ này sẽ trở nên “bất khả thi” nếu không có giải pháp ứng dụng công nghệ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, ngay từ năm 2021, Bộ Tư lệnh 86 và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chung tay xây dựng giải pháp.
Các công nghệ này cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị của Bộ Tư lệnh 86 trong việc xây dựng, duy trì phát triển các Fanpage, kênh thông tin trên mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok với nội dung tuyên truyền thành tựu kinh tế xã hội, nét đẹp văn hóa, truyền thống dân tộc… thu hút hàng trăm nghìn lượt tiếp cận và theo dõi. Các trang mạng xã hội này cũng giúp phát hiện, báo cáo, đề xuất với cơ quan chức năng ngăn chặn hàng nghìn tin, bài viết/video xuyên tạc.
Bên cạnh đó, sự phối hợp của Viettel và Bộ Tư lệnh 86 cũng giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng với bản lĩnh chính trị vững vàng và hiểu biết sâu rộng về pháp luật. Đây chính là chìa khóa để những vũ khí công nghệ sắc bén phát huy hết vai trò trong nhiệm vụ bảo vệ “vùng lãnh thổ đặc biệt của tổ quốc”: Chủ quyền trên không gian mạng.
Theo nhandan.vn
Lượt xem: 15
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"