• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin trong nước31/12/2024 15:13

5 điểm nhấn KH&CN năm 2024

Với các nhà khoa học, những sự kiện của năm 2024 có nhiều ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong tức thời mà còn về lâu dài. Tầm ảnh hưởng của phần lớn những sự kiện này, nhìn về hầu khắp mọi khía cạnh của hoạt động KH&CN, đều được dự đoán là ở mức rất sâu rộng và không thể đo lường được một cách chính xác trong một sớm một chiều.


Nghị quyết hướng tới việc tạo ra những xung lực mới cho đất nước từ đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: TN

Khác với mọi năm, năm 2024 đánh dấu những chuyển động khác biệt trong đời sống KH&CN, từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ. Những con đường phát triển mới bắt đầu được mở ra từ các chuyển động đó, không chỉ dành cho các tổ chức KH&CN ở lĩnh vực công mà còn tạo cơ hội cho các tổ chức KH&CN ở lĩnh vực tư.
 
Việc KH&CN Việt Nam có tận dụng được các cơ hội đó hay không còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các chính sách khác nhau, đặc biệt là Luật KH&CN và đổi mới sáng tạo – dự kiến sẽ được trình Quốc hội và chính phủ vào năm 2025 – cùng một số Nghị định được sửa đổi, cũng dự kiến trình các cấp phê duyệt vào năm 2025.

Thông qua thảo luận và tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, báo Khoa học và phát triển đã lựa chọn năm sự kiện KH&CN của năm 2024, những sự kiện mà khi soi vào đó, chúng ta có thể thấy được những nét chính của cả bức tranh hoạt động KH&CN 2024 tại Việt Nam.

1. Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành, hướng đến việc tạo ra những xung lực mới, qua đó đưa đất nước đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tiếp nối quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu của các giai đoạn trước, Nghị quyết 57 mở rộng thêm vai trò của KH&CN khi bổ sung những nội hàm mới là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm cập nhật và theo dòng phát triển của thế giới.
 
Các vấn đề nền tảng cho phát triển KHCN đã được nhấn mạnh trong văn bản quan trọng này, một số nhà quản lý khoa học cho rằng văn bản đã mở ra những niềm hy vọng mới cho ngành KH&CN Việt Nam, đem lại vị thế mới trên lộ trình phát triển khi dẫn ra một số điểm: kinh phí chi cho R&D đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
 
Nguồn nhân lực nghiên cứu đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%...

Với quyết tâm thực hiện các mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thành lập, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban, và thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.

2. Tái khởi động chương trình điện hạt nhân

Sau gần một thập niên tạm dừng, chương trình phát triển điện hạt nhân đã được chính thức khởi động, sau các cuộc thảo luận ở Quốc hội và Chính phủ. Trong bối cảnh thế giới phục hưng điện hạt nhân và coi đó là một nguồn năng lượng xanh, Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội có được một nguồn năng lượng ổn định trong cơ cấu năng lượng quốc gia, góp phần đạt mục tiêu đưa phát thải về không vào năm 2050.
 
Việc trở lại với điện hạt nhân còn mang nhiều ý nghĩa với Việt Nam, một quốc gia đang đặt các mục tiêu phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng và tạo ra những tiềm lực mới cho đất nước. Bởi lẽ, việc làm chủ một công nghệ đòi hỏi những tiêu chuẩn cao và khắt khe như công nghệ hạt nhân sẽ đem lại sự lớn mạnh về KH&CN, năng lực công nghiệp và năng lực của nguồn nhân lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

TS. Nguyễn Kiên Cường giới thiệu về công việc vận hành lò phản ứng Đà lạt với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki. Ảnh: TN

Quyết định tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở thời điểm này cũng giúp Việt Nam tận dụng được những nền tảng sẵn có về lựa chọn địa điểm, công nghệ, nguồn nhân lực… Tuy nhiên, để quá trình này được thuận lợi, cần có những chính sách đặc biệt để ngành năng lượng nguyên tử có thể xây dựng được nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp quy hạt nhân cũng như những cơ chế phù hợp để có thể mở rộng hợp tác với nhiều ngành nghề khác cho các hoạt động chuẩn bị cần thiết của dự án nhà máy điện hạt nhân.

3. Sự sáp nhập và tinh gọn bộ máy các cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu KH&CN

Công cuộc sắp xếp và tinh gọn bộ máy của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức công lập các cấp đã tạo ra một làn sóng thay đổi lan tỏa từ Trung ương đến địa phương. Có lẽ, sẽ cần đến hàng thập niên sau để đánh giá được hết sức ảnh hưởng sâu rộng của “cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy” này nhưng trước hết, sẽ có những thay đổi thực sự trong ngành KH&CN, khi Bộ KH&CN hợp nhất với Bộ TT&TT và một số tổ chức KH&CN, giáo dục đào tạo có vai trò lớn trong hoạt động KHCN là Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM đều tinh gọn bộ máy hoặc chuyển đổi đơn vị chủ quản.
 
Sự sáp nhập và tinh gọn bộ máy các cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu KH&CN. Trong ảnh: Một nhóm nghiên cứu sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sự thay đổi ấy sẽ không chỉ ở chỗ sẽ giảm thiểu các khâu trung gian, thu gọn và cắt giảm đầu mối quản lý về KH&CN mà còn là tạo một môi trường hỗ trợ sự phát triển KH&CN thêm thông thoáng, gọn nhẹ, bớt các thủ tục hành chính giấy tờ cho các nhà khoa học.
 
Khi khoảng cách giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý khoa học được rút ngắn, những tiếng nói từ dưới lên sẽ có nhiều cơ hội được lắng nghe để điều chỉnh chính sách cho kịp thời. Mặt khác, bộ máy các tổ chức KH&CN, các cơ sở giáo dục được tái cấu trúc sao cho tối ưu các nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực cũng là bước đà để cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo thêm hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để cho làn sóng thay đổi đạt được mục tiêu đã kỳ vọng thì ngành khoa học chờ đợi sự ban hành của các chính sách mới hỗ trợ, thúc đẩy liên quan đến các vấn đề tài chính cho khoa học, tự chủ các tổ chức KH&CN, ưu đãi nhà khoa học…

4. 10 năm Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Từ đề xuất của Tia Sáng với Bộ KH&CN về phương án tổ chức một giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu, một trí thức lớn của khoa học và giáo dục Việt Nam, dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã tồn tại một thập kỷ. Dẫu còn khiêm tốn về tuổi đời so với nhiều giải thưởng dành cho khoa học cơ bản trên thế giới song Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã chứng tỏ được vị thế và ý nghĩa ở một quốc gia mới hội nhập về KHCN như Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, một trong hai nhà nghiên cứu giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, cùng GS. Mikhail Kiselev bên dưới bức chân dung của GS. Abdus Salam tại ICTP.

Theo đánh giá của cộng đồng nghiên cứu, đây thực sự là một trong những giải thưởng hiếm hoi do khoa học và vì khoa học ở Việt Nam. Không nổi bật vì số lượng tiền thưởng hay những quảng bá rầm rộ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu vẫn có một giá trị lớn lao, đồng thời là niềm khích lệ tinh thần vô giá đối với những người làm nghiên cứu cơ bản trong điều kiện hạn hẹp về điều kiện vật chất và môi trường khoa học chưa thật sự tối ưu như ở nhiều nền khoa học tiên tiến.
 
Việc được vinh danh bằng một giải thưởng như Giải thưởng Tạ Quang Bửu không chỉ là sự tưởng thưởng đối với người được trao mà còn là sự động viên các nhà khoa học trẻ tiến bước trên con đường khám phá.

5. Dấu ấn của ICTP với khoa học Việt Nam

Dấu ấn của Trung tâm Vật lý lý thuyết Abdus Salam (ICTP), một tổ chức nghiên cứu về vật lý và toán học dành cho các nhà nghiên cứu thuộc thế giới thứ ba do nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel Vật lý Abdus Salam thành lập, với KH&CN Việt Nam rất đậm nét.
 
Từ năm 1964, khi Việt Nam vẫn còn đang bề bộn trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã có điều kiện gia nhập và học hỏi trong một cộng đồng khoa học rộng lớn.
 
Bên cạnh những nơi như Viện Liên hợp hạt nhân Dubna và một số cơ sở nghiên cứu khác ở Liên Xô và Đông Âu, ICTP là một “cánh cửa nhìn ra thế giới” hiếm hoi với các thế hệ các nhà khoa học Việt Nam.


Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
 
Theo số liệu từ Hội Vật lý Việt Nam, trong giai đoạn 1970-2011 đã có 1123 nhà khoa học Việt Nam đến tham dự các hoạt động khoa học khác nhau tại ICTP, và khoảng 70 nhà khoa học của Việt Nam là cộng tác viên của ICTP trong các giai đoạn khác nhau. Một số lĩnh vực như vật lý, toán học, cơ học, khoa học trái đất nghiên cứu tại VAST đều nhận được hỗ trợ của ICTP.
 
 
60 năm nhìn lại, ICTP là nơi góp phần đào tạo và tạo cơ hội phát triển cho nhiều nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam như các giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Đào Vọng Đức, Hà Huy Khoái, Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa… Thành quả từ ICTP cũng giúp khẳng định một điều: môi trường hợp tác quốc tế và hỗ trợ nhà khoa học là những yếu tố quan trọng để các nhà khoa học phát huy năng lực và trưởng thành.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 11

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1943249- Đang online : 2371