Quỹ Toàn cầu Hitachi vừa công bố danh sách các nhà khoa học đoạt Giải thưởng Sáng tạo châu Á năm 2024, trong đó, Việt Nam có sáu đại diện.
Trong đó, có hai nghiên cứu của các nhà khoa học Việt đoạt Giải thưởng sáng tạo xuất sắc, gồm:
Nghiên cứu "Tổng hợp vật liệu nano từ sinh khối để ứng dụng trong sản xuất Furfural và xử lý nước thải" của PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Hóa học và Dầu khí ĐH Quốc gia, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, tập trung vào việc phát triển vật liệu có nguồn gốc sinh khối (bã mía, lõi ngô, thân ngô,…) nhằm ứng dụng xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường do thuốc nhuộm hữu cơ, kim loại nặng và thuốc kháng sinh gây ra. Ngoài ra, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp giúp nâng cao giá trị kinh tế, giảm chi phí xử lý chất thải và hướng tới phát triển bền vững.
“Nghiên cứu và phát triển dược phẩm có nguồn gốc từ cây thuốc đặc hữu Việt Nam” của PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung, Phó Giáo sư, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên; từ đó, phát triển cơ sở dữ liệu dược liệu quốc gia cho Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện quản lý và bảo tồn hiệu quả bằng cách cung cấp dữ liệu cần thiết về các loài thực vật bản địa, quý hiếm.
Nghiên cứu tổng hợp vật liệu nano từ sinh khối của PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu. Ảnh: NNC
Các nghiên cứu còn lại đều đoạt giải Khuyến khích, đó là: "Chuyển đổi bùn thải giấy thành nanocellulose vi khuẩn để sản xuất giấy bền vững" của PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Trường Đại học Bách khoa TPHCM; "Phát triển các chất xúc tác vàng có hoạt tính cao và vật liệu nanocompozit dựa trên sinh khối bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận bề mặt và cơ hóa học” của PGS.TS Lương Xuân Điển, Trường Hóa và Khoa học Đời sống, Đại học Bách khoa Hà Nội; "Phát triển lợi ích sức khỏe và các sản phẩm dựa trên thực vật bền vững từ cây trồng nông nghiệp Việt Nam" của PGS.TS Vũ Thu Trang, Trường Hóa và Khoa học Đời sống, Đại học Bách khoa Hà Nội; "Chiến lược sinh thái cho canh tác lúa-cá bền vững” của TS Võ Nguyễn Xuân Phương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Quỹ Toàn cầu Hitachi được thành lập từ năm 1967 với mục tiêu lâu dài là thúc đẩy nghiên cứu học thuật, KH&CN và có mối quan hệ bền vững, lâu dài với các nước ASEAN thông qua hỗ trợ trong phát triển nguồn nhân lực về KH&CN. Hằng năm, Quỹ đều cấp học bổng nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn cho các nhà khoa học đăng ký nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu tại Nhật Bản.
Từ năm 2020, Quỹ triển khai một chương trình mới mang tên Giải thưởng Sáng tạo Châu Á nhằm thúc đẩy phát triển KH&CN, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hiện thực hóa một xã hội bền vững trong khu vực ASEAN.
Năm 2024, Giải thưởng thu hút các nghiên cứu từ 26 trường đại học và tổ chức nghiên cứu ở sáu quốc gia ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam). Giải thưởng gồm các hạng mục Sáng tạo tốt nhất, Sáng tạo xuất sắc và Khuyến khích.
Nghiên cứu đoạt Giải thưởng Sáng tạo tốt nhất trị giá 3 triệu Yên (khoảng 510 triệu đồng). Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc trị giá 1 triệu Yên (khoảng 170 triệu đồng). Giải thưởng Khuyến khích, trị giá 500 ngàn Yên (khoảng 85 triệu đồng).
Theo khoahocphattrien.vn