Trên con đường dài đòi hỏi sức bền và nội lực, điện hạt nhân Việt Nam được tiếp sức bằng những văn bản và chính sách mới. Liệu đây có phải là một cú hích đem đến sự phát triển bền vững cho điện hạt nhân?
“Chúng tôi đã nhìn thấy cam kết hết sức mạnh mẽ và nghiêm túc của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev đã trả lời hãng thông tấn Nga TASS vào cuối tháng 1/2025, sau khi trở về từ chuyến làm việc tại Việt Nam.
Quả thực, bằng chứng cho sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc trở lại với điện hạt nhân tiếp tục được thể hiện bằng những cơ chế, chính sách phát triển điện hạt nhân của Chính phủ: Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua và dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương công khai xin ý kiến tham vấn rộng rãi.
Tuy không trực tiếp tác động như 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận mà phiên họp lấy ý kiến vào ngày 10/2/2025, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, đề cập tới, nhưng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được coi như những chính sách nền tảng cho chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam trong thời gian tới.
Không chỉ dự thảo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh hay Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử mà sẽ còn nhiều chính sách khác được xây dựng, bàn thảo và thông qua trong thời gian tới, qua đó tạo nền tảng vững chắc, bài bản và minh bạch cho phát triển điện hạt nhân với các dự án tầm cỡ trăm năm.
|
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Tháng 5/2023, Quy hoạch điện VIII được chính thức thông qua, với nội dung chủ yếu là quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng. Một trong số những quan điểm của Quy hoạch điện VIII là phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của KH&CN thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải carbon thấp.
Ngay từ khi ra đời, Quy hoạch điện VIII đã tạo ra nhiều luồng tranh luận khác nhau. Một mặt, có ý kiến cho rằng, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2016), Quy hoạch điện VIII đã là một bước tiến khi cho thấy cam kết đa dạng hóa các nguồn năng lượng, tập trung vào năng lượng tái tạo như gió và Mặt trời, tránh được sự phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện than. Mặt khác, cũng có ý kiến của nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, sự thiếu vắng của một nguồn năng lượng quan trọng trong quy hoạch là điện hạt nhân, bất chấp một trong những quan điểm chính của quy hoạch là bám sát xu thế phát triển của KH&CN trên thế giới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, là một bước lùi.
Khi đó, phần nhiều các ý kiến này đều thống nhất ở quan điểm: thứ nhất, tuy cần khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời nhưng cần tính đến bản chất của loại hình năng lượng này để xem xét tỉ lệ đóng góp vào cơ cấu điện năng quốc gia. Bởi dẫu có nhiều lợi thế như sạch, xanh song năng lượng tái tạo cũng ẩn chứa một số hạn chế như nguồn năng lượng không liên tục, không ổn định, công suất thấp, phân tán, chiếm nhiều diện tích; thứ hai, Quy hoạch bỏ qua điện hạt nhân trong khi đây là nguồn điện bắt đầu được châu Âu xem xét như nguồn năng lượng xanh (theo Tổ chức Hạt nhân thế giới WNA, các nhà máy điện hạt nhân gần như không phát thải khí nhà kính trong suốt thời gian vận hành và trong suốt vòng đời của nó, điện hạt nhân chỉ tạo ra lượng carbon dioxide tương đương với điện gió và bằng 1/3 so với điện mặt trời). Họ cũng lưu ý, trên thế giới, trong vòng hơn một thập niên qua đã xuất hiện xu hướng phục hưng điện hạt nhân.
Họ dẫn ra số liệu: trên thế giới có 443 lò hạt nhân đang vận hành và phát điện, tổng công suất lắp đặt khoảng 394.000 MWe. Có 52 lò hạt nhân đang được xây dựng ở nhiều nước. Nhật Bản, quốc gia từng xảy ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng đã vận hành trở lại lại 12 lò hạt nhân, năng lượng tái tạo và điện hạt nhân giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện, với tỷ lệ tương ứng là 22-24% và 20-22%...
Dựa trên thảo luận và phân tích về vai trò của điện hạt nhân trong bài toán điện năng đi kèm với bài toán chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia đã đề xuất với chính phủ việc giữ lại hai địa điểm đã được quy hoạch và khảo sát ở Ninh Thuận (Phước Dinh và Vĩnh Hải); và đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch Điện VIII để có cơ sở chuẩn bị cho việc quay lại với điện hạt nhân, và giữ nguồn nhân lực về công nghệ hạt nhân mà Việt Nam đã đào tạo. Cho đến nay, khi chủ trương về phát triển điện hạt nhân đã thay đổi, mới thấy giá trị và tầm nhìn của những quan điểm ‘khác’ này.
Với chủ trương mới của Đảng và chính phủ về phát triển điện hạt nhân, bản dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện tám mà Bộ Công thương đang xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi đã đề cập đến khả năng phát triển điện hạt nhân và cho rằng “việc lập quy hoạch phát triển điện hạt nhân theo Luật Quy hoạch và Luật Năng lượng nguyên tử cần sớm được triển khai để chi tiết hóa các địa điểm có thể xây dựng được các nhà máy điện hạt nhân (đặc biệt là các lò hạt nhân quy mô nhỏ SMR) cũng như các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo tính khả thi của phát triển điện hạt nhân”.
Theo dự thảo, cơ cấu nguồn điện của Quy hoạch điện VIII điều chỉnh không chỉ có nguồn điện hạt nhân xuất hiện mà còn điều chỉnh tăng công suất các nguồn điện khác so với Quy hoạch cũ. Dự kiến đến năm 2030, điện hạt nhân sẽ có 2400 – 4800 MW, dự kiến trong giai đoạn 2031 - 2035 (chiếm tỷ trọng 0,8 – 1,2% cơ cấu công suất năm 2035); đến năm 2050, nguồn điện hạt nhân chiếm 4.800 – 9.800 MW (0,6 – 1,2%). Do có sự xuất hiện của nguồn điện mới trong hệ thống lưới điện quốc gia nên phương án truyền tải điện cũng sẽ phải thay đổi, đi kèm với việc xem xét tính toán và xây dựng các đường dây đấu nối nguồn điện từ hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, thậm chí tính đến phương án đấu nối trong trường hợp tiếp tục phát triển nguồn điện hạt nhân tại các vị trí tiềm năng.
Có thể thấy, nếu những vấn đề cơ bản liên quan đến điện hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân trong dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được thông qua, sẽ là một trong những khuôn khổ pháp lý quan trọng để nguồn điện hạt nhân chính thức có mặt trong cơ cấu nguồn điện năng quốc gia và là cơ sở để Việt Nam tiến tới xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2.
Xây dựng năng lực dài hạn về điện hạt nhân
Nếu dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa điện hạt nhân vào cơ cấu điện năng quốc gia thì chính sách quan trọng tiếp theo, là Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt nền tảng năng lực quan trọng cho phát triển điện hạt nhân.
Ở lĩnh vực năng lượng nguyên tử, một lĩnh vực mà chính sách đầu tư gần như bị bỏ lửng sau nhiều năm phát triển, sự xuất hiện của một quy hoạch phát triển như vậy có thể làm thay đổi cục diện phát triển, bởi nói như giáo sư Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, “Ứng dụng năng lượng nguyên tử thì có nhiều nhưng điện hạt nhân có tỉ trọng lớn nhất và quan trọng nhất. Vì vậy, chúng ta cần có chương trình rất rộng để phát triển điện hạt nhân”.
Dĩ nhiên, nội dung Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử bao hàm một diện rất rộng các tiềm năng phát triển và ứng dụng, trong đó điện hạt nhân được đề cập tới như một phần quan trọng với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là khẩn trương hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia để phục vụ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu, triển khai Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia; nghiên cứu, xây dựng định hướng đẩy mạnh thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Quy hoạch này là cơ sở để những người làm trong ngành năng lượng nguyên tử xây dựng những nội dung rất cụ thể, những dự án nghiên cứu tăng cường năng lực của họ về công nghệ hạt nhân.
Hiệu quả của những dự án như vậy đã được chứng minh theo thời gian. “Từ năm 2010 đến nay, cả ngành năng lượng nguyên tử có khoảng 30 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp nghị định thư, cấp bộ liên quan đến công nghệ hạt nhân, phân tích an toàn hạt nhân… Chính từ việc tham gia thực hiện các nghiên cứu ấy mà chúng ta có tiếng nói trong việc lựa chọn công nghệ cho Ninh Thuận 1 với công nghệ AES-2006 của Nga”, phó giáo sư Nguyễn Nhị Điền nhớ lại con đường xây dựng năng lực của ngành năng lượng nguyên tử. Trong giai đoạn trước năm 2016, ông và các đồng nghiệp của mình đã có thể có được những đóng góp giá trị và những cơ hội học hỏi giao lưu, học hỏi quốc tế là qua các dự án nghiên cứu cấp bộ và cấp quốc gia. “Sự liên tục duy trì năng lực của chúng ta vẫn được giữ bấy lâu nay. Những việc đó vẫn cần phải tiếp tục trong thời gian tới, cần phải làm sao đó có được những đề tài cho anh em làm tiếp”.
Giờ đây, ông và các cộng sự đứng trước con đường phát triển điện hạt nhân và cơ hội nghiên cứu công nghệ hạt nhân một cách bài bản mà một trong những điểm mốc quan trọng là xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tuy với những người ngoài cuộc, một nhà máy điện hạt nhân chỉ thực sự có ý nghĩa khi dòng điện sinh ra từ lò phản ứng bắt đầu được nối lưới điện nhưng với những người làm về năng lượng nguyên tử nói chung và riêng là công nghệ hạt nhân, việc hướng đến nhà máy ấy đã đủ giấc mơ đời người và việc chuẩn bị cho nó ngay từ trên giấy đã là một khối lượng công việc khổng lồ. Theo phó giáo sư Nguyễn Nhị Điền, trong lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có 19 vấn đề hạ tầng, trong đó, ta chỉ có thể làm được 7 đến 8 vấn đề về an toàn, an ninh hạt nhân, nên cần có nhiều thành phần tham gia.
Để nâng cao năng lực, đủ sức tham gia vào các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, ngành năng lượng nguyên tử cần đến khung chính sách của Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, qua đó có điều kiện triển khai các nhiệm vụ lâu dài và trước mắt về điện hạt nhân. “Trước mắt, nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ hạt nhân và an toàn hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng để có thể tư vấn, hỗ trợ cho chính phủ và các chủ đầu tư quay trở lại chương trình hạt nhân, lựa chọn công nghệ phù hợp để tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong giai đoạn tiếp theo, khi triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam phải có đội ngũ chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy cần xây dựng một chương trình phát triển quốc gia nghiên cứu hỗ trợ đảm bảo an toàn trong điều kiện Việt Nam, nâng cao năng lực nội địa hóa, sản xuất các thiết bị trong nhà máy điện hạt nhân”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nói trong phiên họp tổng kết viện.
Đó là lý do mà kèm theo Quy hoạch là những giải pháp mà ngành năng lượng nguyên tử đang chờ đợi: xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình R&D cấp quốc gia; phát huy tối đa hiệu quả của Quỹ NAFOSTED trong hỗ trợ hoạt động KH&CN của ngành năng lượng nguyên tử; tăng ngân sách cho nghiên cứu KH&CN, cung cấp và bảo lãnh tín dụng cho việc ứng dụng công nghệ mới; xây dựng mới các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế thuộc Dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân Quốc gia, phát triển năng lực nghiên cứu về năng lượng hạt nhân, đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Ở thời điểm này, có thể nói, ước mơ họ có từ mấy chục năm trước giờ đang dần trở thành hiện thực với sự hiển thị của những dự án lớn liên quan về đào tạo nguồn nhân lực đã được Quy hoạch mở đường: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai, ứng dụng và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân”, “Đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật “Tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam”, “Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân”, “Nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia”…
Phát triển tiềm lực KH&CN hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân
Mục tiêu đến năm 2030: Tái cấu trúc chức năng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hiện có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và chất lượng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN hạt nhân trong các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Tiềm lực, trình độ KH&CN phát triển ngang bằng với mức trung bình của các nước phát triển, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nền tảng cho phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ và điện hạt nhân, góp phần quan trọng và hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và thực hiện Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia.
Cụ thể đến năm 2030 đạt mục tiêu:
- Nâng cấp và xây dựng mới một số phòng thí nghiệm hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng KH&KT hạt nhân trong các ngành, lĩnh vực; sản xuất đồng vị phóng xạ, công nghệ bức xạ, thiết kế, chế tạo và nội địa hóa các thiết bị bức xạ và thiết bị ghi đo bức xạ;
- Đổi mới các chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bổ sung các chuyên ngành mới, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo hiện có;
- Nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá, thanh tra an toàn, an ninh, thanh sát và giám định hạt nhân; hoàn thiện và bảo đảm hoạt động của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, hệ thống phòng chuẩn liều phóng xạ ion hóa quốc gia, hệ thống quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử, từng bước nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phù hợp với tiến độ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
Định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân đến năm 2030
Về phát triển các cơ sở nghiên cứu KH&CN:
+Bộ KH&CN tập trung triển khai đúng tiến độ Dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân tại Đồng Nai với lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân 10 MW và hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại; duy trì hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đà Lạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các cơ sở nghiên cứu KH&CN của Bộ KH&CN phục vụ phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; Đầu tư nâng cấp cơ sở ứng dụng bức xạ tại Đà Nẵng, tập trung vào nghiên cứu về công nghệ bức xạ, môi trường biển và tài nguyên biển, quan trắc phóng xạ môi trường tại khu vực miền Trung, đầu tư nâng cấp cơ sở ứng dụng công nghệ bức xạ tại TPHCM, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ, thiết kế và chế tạo thiết bị chiếu xạ bằng máy gia tốc quy mô công nghiệp tại khu vực miền Nam.
+ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng vật lý hạt nhân, vật lý và công nghệ gia tốc, sản xuất và ứng dụng đồng vị phóng xạ, công nghệ bức xạ, khoa học vật liệu,... trong các ngành, lĩnh vực có liên quan; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
+ Phát triển các cơ sở đào tạo chuyên ngành: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm và tăng cường đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực và triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: Đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng năng lượng nguyên tử hiện có, các đề án, dự án về năng lượng nguyên tử đang và sẽ triển khai để xây dựng kế hoạch đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và chuyên ngành hạt nhân; Tổ chức thực tập và bồi dưỡng trong và ngoài nước các chuyên ngành đối với nhân lực quản lý nhà nước ngành năng lượng nguyên tử, nhân lực nghiên cứu - triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử của các bộ, ngành, địa phương và nhân lực hỗ trợ kỹ thuật về an toàn, an ninh hạt nhân.
- Đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân
+ Nâng cao năng lực quản lý nhà nước: Xây dựng, kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, bảo đảm thực hiện chức năng là cơ quan pháp quy hạt nhân, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và yêu cầu của các điều ước quốc tế về hạt nhân mà Việt Nam là thành viên; Tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trong hoạt động thẩm định, cấp phép và thanh tra an toàn bức xạ và hạt nhân, an ninh hạt nhân đối với các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; thực hiện chức năng đầu mối tổ chức triển khai các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh, không phổ biến và bồi thường hạt nhân mà Việt Nam tham gia.
+ Nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh: Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật về an toàn bức xạ và hạt nhân, an ninh hạt nhân; ứng phó sự cố và điều hành ứng phó sự cố; quản lý an toàn chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; quản lý chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ y tế; quản lý chuẩn đo lường bức xạ ion hóa; quản lý công tác kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị bức xạ và thiết bị ghi đo bức xạ; quản lý phóng xạ môi trường toàn quốc; tổ chức và thực hiện hoạt động thông tin pháp quy hạt nhân; đào tạo quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân; Đầu tư xây dựng các hệ thống phát hiện phóng xạ tại một số cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn; , Phát triển mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu và thống nhất trong vận hành giữa các hệ thống quan trắc phóng xạ trên toàn quốc và với quốc tế.
Nguồn: Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
Theo khoahocphattrien.vn