• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin trong nước20/2/2025 15:36

Những điểm nghẽn trong chính sách KH&CN

Cần những chính sách đột phá hóa giải các khúc mắc của hoạt động KH&CN đã tồn tại trong khoảng một thập niên trở lại đây.


Phòng thí nghiệm Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM) là một nơi nghiên cứu và phát triển công nghệ tế bào gốc thành công.

Những tín hiệu mới báo hiệu sự chuyển đổi của hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo đã xuất hiện tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, một văn bản tập trung vào đảm bảo cho KH&CN, đổi mới sáng tạo trở thành đột phá quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm tính khả thi của các chính sách về KH&CN, đổi mới sáng tạo… Liệu việc triển khai các nhóm chính sách từ việc cụ thể hóa tinh thần ấy có khơi thông được mọi điểm nghẽn tồn tại trên dòng chảy KH&CN, đổi mới sáng tạo?
 
Trước đó, hội nghị phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đã truyền đi thông điệp “đầu tư cho KH&CN, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển”. Bảy nhóm nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu các nhiệm vụ cụ thể, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để KH&CN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu của quốc gia.
 
Nội dung các cuộc bàn thảo này đều trên tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Điểm mặt những thách thức

Môi trường hoạt động KH&CN Việt Nam, từ nhiều năm qua, đã được xây dựng và thúc đẩy với nhiều chính sách và cơ chế quan trọng. Có lẽ khó ngay một lúc có thể điểm danh và thống kê đầy đủ các chính sách và cơ chế mới ấy nhưng tựu chung lại, các văn bản quy định và hướng dẫn hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây đều liên quan đến ba cụm chính sách chủ chốt là cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính và chính sách đối với cán bộ KH&CN. Nói một cách đơn giản, ba cụm chính sách này tập trung thúc đẩy những vấn đề liên quan đến chu trình và con đường đầu tư cho các nhà khoa học trong trường, viện thực hiện hoạt động nghiên cứu, từ khoa học cơ bản đến khoa học định hướng ứng dụng; trên cơ sở đó phát triển các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm công nghệ ở những dạng khác nhau và chuyển giao. Việc các doanh nghiệp đón nhận chuyển giao công nghệ mới, dịch vụ mới, giải pháp mới và ứng dụng nó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình chính là đổi mới sáng tạo.
 
 
Các văn bản quy định và hướng dẫn hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây đều liên quan đến ba cụm chính sách chủ chốt là cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính và chính sách đối với cán bộ KH&CN.

Tuy nhiên, không phải lúc nào con đường đầu tư cho khoa học và để nhà khoa học sáng tạo, đem lại cho xã hội những sản phẩm mới, ý tưởng mới và giải pháp mới cũng thông đồng bén giọt. Rất nhiều khung quy định và điều phối các hoạt động sáng tạo này, từ những văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ở các thời điểm khác nhau đến quan điểm khác nhau về đầu tư cho KH&CN, đã dẫn đến nhiều bất cập và chồng chéo, đặc biệt trong gần một thập kỷ qua. Trong một cuộc họp của Bộ KH&CN bàn về đổi mới cơ chế quản lý tài chính các nhiệm vụ KH&CN quốc gia giữa năm 2024, có một câu chuyện được kể lại “Bộ trưởng có lần nói với tôi ‘Tôi về bộ này đến nay, tôi đã thuộc lắm rồi, có mấy con số ám ảnh tôi’. Các con số Bộ trưởng đề cập đến là 95 (Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư, cơ chế tài chính đối với các hoạt động KH&CN); 55 (Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước); 27 (Thông tư 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng toàn bộ hoặc một phần ngân sách nhà nước); 70 (Nghị định 70 về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước)... Nói một hồi xong rồi mới biết, toàn những con số chạy ra chặn chúng ta, tất cả đều vướng mắc”.
 
Mặc dù cho đến nay, cả ba cụm chính sách chủ chốt về đổi mới cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách đối với cán bộ KH&CN đều có vướng mắc nhưng trong số đó, vướng mắc của vướng mắc chính là ở cơ chế tài chính, một cơ chế không chỉ gói gọn trong ba nội dung là cơ chế đặt hàng nhiệm vụ, cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ mà còn liên quan đến hầu khắp các phân đoạn khác trên đường đi của sản phẩm từ phòng thí nghiệm đến thị trường và xã hội. “Nếu không thay đổi được cơ chế tài chính thì chúng ta khó có thể trông mong được gì về đổi mới hoạt động KH&CN”, một giáo sư kỳ cựu, từng giữ chức viện trưởng một viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhưng nay đã về hưu, chia sẻ. Cuộc đời nghiên cứu của ông cũng như của rất nhiều đồng nghiệp trong và ngoài Viện Hàn lâm, một cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, đã chứng kiến nhiều cuộc đổi thay về cơ cấu tổ chức, nhiều chính sách mới hứa hẹn ở thời điểm ra đời… Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn vật lộn để tồn tại: phải đảm bảo có được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành, tạo ra sản phẩm mới có thể chuyển giao cho doanh nghiệp trong khi thiếu hụt về kinh phí, xuống cấp về cơ sở hạ tầng nghiên cứu cũng như chịu sự điều chỉnh của các chính sách tự chủ sai lầm từ xuất phát điểm…
 

Sự xung đột giữa các nghị định, thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khoản của Luật KH&CN đã dựng lên những rào cản và khúc mắc khiến nhà khoa học sau nhiều năm vẫn loay hoay và các nhà quản lý thiện chí vẫn không thể tháo gỡ.
 
Có lẽ, người ngoài cuộc sẽ cảm thấy nhàm chán khi lâu lâu, các nhà khoa học lại lên báo kể khổ hay than thở. Những tình huống “cười ra nước mắt” thì không thể kể xiết như kinh phí đầu tư nhỏ so với mục tiêu nghiên cứu nhưng lại lắm yêu cầu về thủ tục hành chính, chứng từ tài chính; việc thay đổi vật tư hóa chất do thay đổi hướng nghiên cứu thì bị đặt dấu chấm hỏi; hỏng máy móc thiết bị thì không thể lấy kinh phí ở đâu, đến khi có kinh phí thì linh kiện thay thế không còn sản xuất nữa; kết quả nghiên cứu, đến khi tưởng là chuyển giao được thì mới biết mình không phải là chủ sở hữu… Những câu chuyện này tồn tại theo thời gian không phải vì các nhà khoa học thích được cả xã hội chú ý mà vì các chính sách và cơ chế điều phối hoạt động KH&CN vẫn liên tục ra đời nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề.
 
Vì sao vậy? Nguyên nhân là bởi hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến ngành KH&CN và chịu tác động của Luật KH&CN mà còn liên quan đến nhiều ngành khác và do đó, chịu sự chi phối của nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Đấu thầu, Luật Viên chức… “Ở Việt Nam vẫn có quan điểm cho rằng luật chuyên ngành có giá trị cao nhất, ví dụ muốn cấp tiền thì theo Luật Ngân sách, muốn hưởng ưu đãi thuế thì theo Luật Thuế, muốn sử dụng, tuyển dụng cán bộ viên chức như thế nào thì theo Luật Viên chức. Ngành KH&CN muốn làm gì cũng phải trong khuôn khổ của mấy luật ấy, luật ra sau không phủ quyết được luật ra trước”, một nhà quản lý KH&CN từng tham gia xây dựng Luật KH&CN năm 2013 nhận xét.
 
Đó cũng là lý do mà ông Nguyễn Phú Bình, Ban chủ nhiệm Chương trình KC 12, trong cuộc họp bàn về sửa đổi Nghị định 70 vào tháng 12/2023, đã thành thật chia sẻ suy nghĩ của mình “Không phải người ta làm ra luật kém đến mức không dùng được mà ở đây là vướng luật, thứ nhất là Luật Quản lý tài sản công, thứ hai là Luật Ngân sách, thứ ba Luật Kiểm toán, thứ tư là Luật KH&CN. Làm gì thì làm, thông tư nghị định phải theo hệ thống luật. Cái này chưa gỡ được, nếu tất cả chúng ta thay đổi luật thì còn rất lâu”.
 
Trong quá trình triển khai, sự xung đột giữa các nghị định, thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khoản của Luật KH&CN đã dựng lên những rào cản và khúc mắc khiến nhà khoa học sau nhiều năm vẫn loay hoay và các nhà quản lý thiện chí vẫn không thể tháo gỡ. “Rất nhiều lực cản, người ta không làm, người ta sửa hoặc còn gặp nhiều vướng mắc ở các quy định tài chính, hệ thống tài chính. Ngay cả cơ chế khoán, cơ chế cho phép nhà khoa học làm hồ sơ quyết toán nhiệm vụ và thanh lý hợp đồng với hai văn bản là biên bản của hội đồng nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu, đúng với hợp đồng và bảng kê về tài chính theo thực chi chứ không phải theo dự toán, nhưng tới kho bạc thì họ vẫn bảo không, hóa đơn chứng từ đâu. Mặc dù thông tư ấy là Bộ trưởng Bộ Tài chính ký nhưng ‘tôi không chịu trách nhiệm quyết toán được, phải nộp đầy đủ chứng từ đây, tôi mới quyết toán được’”, nhà quản lý khoa học nói khi đề cập đến nguyên nhân vì sao các cơ chế tài chính tưởng chừng rất đổi mới và cấp tiến nhưng trên thực tế lại không hiệu quả như kỳ vọng.
 
Đó thực sự là nghịch lý! Bởi KH&CN là lĩnh vực làm ra cái mới, cái có hàm lượng tri thức cao và hứa hẹn đem lại những giá trị mới cho xã hội nhưng lại bị những "cục máu đông" làm tắc nghẽn dòng chảy. TS Trịnh Thành Trung (ĐHQGHN), trong cuộc họp tháng 12/2023, đã nói lên tâm tư của các nhà nghiên cứu “KH&CN là ngành đặc thù có tính sáng tạo cao nên cơ chế chính sách phải làm sao hỗ trợ để các nhà khoa học có thể sáng tạo được. Còn nếu chính sách vẫn muốn áp đặt khuôn khổ cho nhà khoa học thì không bao giờ có được sự sáng tạo. Chúng ta phải làm cho tính sáng tạo ấy ngày càng được bộc lộ thì đấy mới thực sự là KH&CN”. Vì vậy, theo quan điểm của anh, để nhà khoa học có thể đáp ứng được những yêu cầu của xã hội, cần đổi mới cơ chế chính sách.

Hy vọng gì ở chính sách mới?

Mơ ước “làm sao tính sáng tạo ngày càng được bộc lộ” của các nhà khoa học, thực ra, liên quan trực tiếp đến cả ba cụm chính sách lớn về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách đối với cán bộ KH&CN. Vì cho rằng thật khó hội tụ được đủ các điều kiện lý tưởng, ngay một lúc có thể giải quyết được triệt để và toàn vẹn cả ba cụm cơ chế lớn ấy nên khi đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn, các nhà khoa học đều chỉ nghĩ tới một điều thiết thực, đó là tháo gỡ về cơ chế tài chính, hoặc hoa mỹ hơn là đổi mới cơ chế tài chính.
 
 
Các nội hàm của cơ chế tài chính

Là một trong ba cụm chính sách chính của KH&CN, đổi mới sáng tạo, cơ chế tài chính bao gồm ba nội hàm chính là cơ chế đặt hàng nhiệm vụ, cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ.
 
1. Cơ chế đặt hàng nhiệm vụ: đề xuất nhiệm vụ, dự án KH&CN bằng văn bản từ các bộ, ngành, địa phương tới Bộ KH&CN với cam kết kết quả nghiên cứu được bộ, ngành, địa phương đó tiếp nhận. Khi đó, Bộ KH&CN tiếp nhận đề xuất và hình thành hệ thống nhiệm vụ cấp quốc gia. Đây là cách làm giảm bớt số nghiên cứu xong nghiệm thu xuất sắc mà không có nơi ứng dụng.
 
2. Cơ chế khoán chi: cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng, tạo điều kiện cho nhà khoa học toàn quyền sử dụng cho các nội dung chi, từ vật tư hóa chất, tiền công, thuê chuyên gia, dự hội thảo… để đạt được mục đích nghiên cứu, không nhất thiết phải chi theo đúng định mức như khi lập dự toán nhiệm vụ KH&CN. Nghiệm thu nhiệm vụ chỉ cần biên bản của hội đồng nghiệm thu, đánh giá đề tài, nhiệm vụ và bảng kê về tài chính theo thực chi chứ không phải theo dự toán.
 
3. Cơ chế quỹ: là cơ chế cho phép nhà nước cấp kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN không theo cơ chế dự toán, các nhiệm vụ này được xét duyệt sẽ được cấp kinh phí thực hiện ngay và quyết toán một lần khi hết thúc nhiệm vụ, thanh lý hợp đồng; quỹ có thể tự động chuyển nguồn kinh phí sang năm sau nếu trong năm chưa cấp hết cho các nhiệm vụ KH&CN mà không bị ngân sách thu hồi.
 
Không chỉ quỹ cấp quốc gia mà các bộ, ngành, doanh nghiệp đều có quyền trích ra một khoản kinh phí để lập quỹ KH&CN, qua đó có thể chủ động đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Nếu việc tháo gỡ cơ chế tài chính thành công, đem lại kết quả vượt bậc trong hoạt động khoa học, thì các nhà quản lý đất nước có thể căn cứ vào hiệu quả chính sách đó để tiếp tục sửa đổi hai cụm chính sách còn lại. Tại phiên thảo luận ngày 15/2/2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng chia sẻ khi nhận xét về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo “Những vấn đề mà Chính phủ chọn ở đây chưa chắc đã giải hết được những vấn đề đặt trong bài toán của thực tiễn và chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu nhưng từ tổng kết thực tiễn, từ phản ánh của các nhà khoa học và từ những vấn đề các địa phương phản ánh thì Chính phủ lựa chọn ra những điểm nghẽn mà chúng ta phải tập trung tháo gỡ”.
 
Tâm tư và suy nghĩ của các nhà khoa học dường như đã nhận được sự chia sẻ và hiểu thấu của xã hội, đặc biệt nhà quản lý các cấp và các đại biểu Quốc hội. Có một sự thay đổi rõ rệt kể từ cuối năm 2024 cho đến nay, trong vòng vài tháng, tinh thần Nghị quyết 57 đã lan tỏa đến mức, từ bàn hội nghị đến mạng xã hội và các cuộc trò chuyện ‘trà dư tửu hậu’, đâu đâu người ta cũng đề cập tới từ khóa xu hướng “KH&CN”, “đổi mới sáng tạo”, “khâu đột phá”, “tăng trưởng”, “chấp nhận rủi ro”... Thay vì những câu chuyện mang nhiều tính châm biếm được khơi mào từ các mệnh đề muôn thuở như “tiến sĩ không bằng ông nông dân”, “nhà khoa học chỉ ở tháp ngà”, “đề tài cất ngăn kéo”, “bao nhiêu công trình được ứng dụng”, “mấy vạn tiến sĩ làm gì”, “học toán để làm gì”…, giờ đây mọi người bắt đầu hiểu và cảm thông hơn với nhà khoa học – những người đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để làm ra cái mới, cái sáng tạo với mong ước đóng góp cho đất nước. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, được Cổng thông tin Quốc hội dẫn lời, cho rằng “Muốn tăng trưởng 8% năm nay thì cũng phải dựa vào các lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng hai con số thì cũng lấy KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng quan trọng”.
 
Trong các phiên họp của kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, rất nhiều ý kiến “hợp lòng dân” đã thể hiện sự thấu hiểu đối với hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học và mong muốn có được những chính sách hiệu quả và thiết thực để tạo ra sự thay đổi. Ở cuộc thảo luận ở tổ, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội sẽ nhằm mục tiêu thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc và là việc làm này đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống. Tuy Nghị quyết này không thể giải quyết được hết những vấn đề mà Nghị quyết 57 đặt ra nhưng cũng đáp ứng được sự chờ đợi của các nhà khoa học, các doanh nghiệp. Khi nhìn nhận lại toàn bộ con đường kết nối thành quả KH&CN, đổi mới sáng tạo với thực tiễn, ông cũng đánh giá cần phải có bước căn cơ hơn, đó là phải sửa nhiều các đạo luật liên quan để tháo gỡ cho phát triển KH&CN một cách bài bản, chiến lược hơn trên tinh thần xem xét tổng thể.
 
Có lẽ, ở thời điểm này sẽ không thể dự báo hay đánh giá được tác động của các chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết thí điểm một số chính sách của Quốc hội cũng như là các chính sách khác sẽ ra đời từ tinh thần Nghị quyết 57. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học Việt Nam vẫn đang chờ đợi cái ngày mà những người làm khoa học cơ bản nhận được tài trợ tương xứng với ý tưởng đề xuất từ những chương trình rất đa dạng ở Quỹ NAFOSTED, các chương trình KH&CN do các bộ ngành quản lý theo thông lệ quốc tế; những người phát triển công nghệ có những khoản tài trợ hào phóng để tối ưu công nghệ từ một số ý tưởng, kết quả nghiên cứu trước đó, có thể mở công ty spinoff hoặc hợp tác, chuyển giao cho doanh nghiệp mà không phải vượt các đường biên chính sách, “chuyển giao chui”; các nhà quản lý có thể tuyển dụng các nhà khoa học trẻ tài năng với chế độ đãi ngộ xứng đáng mà không phải lo số “ghế” biên chế… Bởi các chính sách ra đời là để cho môi trường khoa học ngày một thông thoáng hơn và thúc đẩy các nhà khoa học làm việc sáng tạo hơn, cống hiến đúng với năng lực và kiến thức của họ, qua đó xây dựng nền kinh tế tri thức. “Chỉ khi nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu và tạo ra bài báo khoa học, quy trình công nghệ, sản phẩm công nghệ và chúng ta áp dụng tri thức đấy vào trong sản xuất kinh doanh và tạo ra tiền thì lúc đó mới gọi là kinh tế tri thức. Tri thức đấy là tài nguyên vô tận cho một đất nước phát triển”, TS. Trịnh Thành Trung nói.
 
Lúc đó, hẳn các nhà khoa học Việt Nam sẽ có thể hoàn thành được chu trình từ nghiên cứu đến đổi mới sáng tạo, như cách nói của giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) “nghiên cứu là biến tiền đầu tư của nhà nước hoặc của ai đó thành kiến thức của mình và đổi mới sáng tạo là biến kiến thức thành tiền. Cách làm ra tiền này thường thông qua doanh nghiệp khởi nguồn (spinoff) và khởi nghiệp (startup). Cuối cùng thì nhà khoa học phải rút ruột từ hiểu biết để làm ra sản phẩm gì đấy cho xã hội”.
 
Chính sách mới, xét cho cùng, cũng là để nhà khoa học làm tốt những điều như thế.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 6

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2073975- Đang online : 272