Những gì chúng tôi viết dưới đây không chỉ rút ra từ kinh nghiệm của mình khi làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hai tỉnh miền núi Lào Cai, Sơn La mà có thể còn áp dụng cho đa số các địa phương khác ở Việt Nam. Nông nghiệp, du lịch và kinh doanh văn hóa bản địa đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế trên khắp mọi miền đất nước. Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu để đem lại giá trị gia tăng cho những lĩnh vực này.
Không tìm được nhân lực
Chị Lò Thị Bưởi, vừa là một người mẹ với con nhỏ, vừa là một nữ doanh nhân khởi nghiệp đầy nghị lực tại Sơn La. Chị tự mình gánh vác mọi công việc từ sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm đến marketing và quản lý tài chính. Hình ảnh chị địu con sau lưng, vừa học hỏi vừa làm việc, không chỉ là minh chứng cho sự kiên trì mà còn là sự eo hẹp về thời gian trong việc tung hứng giữa “việc nhà” và “việc nước”.”Có những lúc biết là đăng bài thì có khách hàng, mà không có thời gian để đăng bài rồi trả lời khách hàng” chị chia sẻ.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với chị Hà Thị Hoa – Chủ homestay “đa nhiệm” tại Bản Phụ Mẫu. Chị phải đảm nhận gần như mọi vai trò: từ đón khách, đóng gói sản phẩm, trả lời tin nhắn, đến việc tự sản xuất thủ công các sản phẩm để bán thêm.”Tôi không cần ai làm thay hết mọi việc, chỉ mong có người hỗ trợ quản lý và bán hàng trên các nền tảng số, nhưng tìm và tuyển dụng được nhân sự phù hợp tại địa phương thật không dễ,” chị Hoa tâm sự.
Riêng việc vận hành doanh nghiệp thường ngày cũng đủ để trải kín mít lịch trình của hai người phụ nữ, nói gì đến dành thời gian bổ sung kĩ năng số. Còn nếu các chị tìm kiếm và tuyển dụng nhân lực số tại địa phương thì như mò kim đáy bể.
Nhân lực số làm những gì?
Đối với các doanh nghiệp tập trung ở hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch – cũng là hai lĩnh vực khá phổ biến ở Việt Nam, nhân lực số chủ yếu thực hiện các công việc như: số hóa thông tin sản phẩm (bao gồm quay video, chụp ảnh quy trình sản xuất), xây dựng nội dung số (tạo bài viết quảng bá sản phẩm, trả lời các tin nhắn, bình luận của khách hàng), tin học văn phòng (sử dụng các công cụ cơ bản như Excel, Google Drive, Gmail để lưu trữ dữ liệu, trao đổi với các đối tác). Những công việc này không đòi hỏi trình độ cao, nhưng lại khó khăn với các doanh nghiệp vì thiếu nhân sự được đào tạo bài bản.
Những nhân lực này cần phải biết cách tạo ra những hình ảnh và video quảng bá thu hút trên các nền tảng phổ biến như YouTube, TikTok và Facebook. Nội dung không chỉ cần đẹp mắt mà còn phải có cách kể chuyện hấp dẫn, truyền tải được nét độc đáo của sản phẩm, dịch vụ, từ đó giúp xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và thu hút khách hàng tiềm năng. Với lĩnh vực nông nghiệp, kĩ năng xây dựng nội dung số này còn giúp những cơ sở kinh doanh minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu, quá trình sản xuất và chế biến, từ đó tạo lòng tin đối với người sử dụng. Với lĩnh vực du lịch, kĩ năng này nhằm mục đích để vừa khơi gợi sự tò mò, vừa khuyến khích sự bao dung với những nền văn hóa bản địa khác biệt. Những cách kể chuyện và trình bày nội dung sống động về phong tục, lễ hội, hay cuộc sống thường ngày giúp khách du lịch thực sự trải nghiệm và thấu hiểu không khí địa phương.
Ngoài ra, với lĩnh vực nông nghiệp, nhân lực số còn cần thêm kĩ năng thiết kế bao bì, phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp, không chỉ có hình thức bắt mắt mà còn truyền tải được giá trị văn hóa, chất lượng của sản phẩm bản địa. Còn với riêng lĩnh vực du lịch, khả năng giao tiếp ngoại ngữ là một kĩ năng thiết yếu. Việc thông thạo ngoại ngữ không chỉ giúp tạo ra các nội dung hướng tới khách du lịch quốc tế trên các nền tảng số mà còn cho phép họ tận dụng các công cụ trực tuyến hỗ trợ dịch vụ, chẳng hạn như website đa ngôn ngữ và hệ thống đặt phòng trực tuyến để mang lại sự thuận tiện cho khách hàng, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đào tạo và tìm kiếm nhân lực số như thế nào?
Dựa trên khảo sát và kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi với các doanh nghiệp trong khuôn khổ dự án IDAP - Tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sơn La và Lào Cai, chương trình đào tạo nhân lực số cần phải được thiết kế một cách linh hoạt, tập trung vào những kĩ năng cơ bản nhưng thiết yếu nói trên. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ vào thực tế càng dễ, càng nhanh càng tốt.
Kỹ năng số hóa cơ bản
Các khóa đào tạo cần cung cấp kiến thức nền tảng về tin học văn phòng như sử dụng Excel, Google Drive, Gmail và các công cụ cộng tác trực tuyến. Đây là những kỹ năng tối thiểu giúp doanh nghiệp tổ chức và quản lý công việc một cách khoa học, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc số hóa dữ liệu sản phẩm, quy trình sản xuất, và các tài liệu liên quan sẽ giúp doanh nghiệp bước đầu làm quen với môi trường làm việc số hóa.
Phát triển nội dung số và quản lý mạng xã hội
Đào tạo kỹ năng quản lý mạng xã hội và xây dựng nội dung quảng bá trực tuyến là một trong những yêu cầu cấp thiết. Các chương trình cần hướng dẫn doanh nghiệp cách quay video, chụp ảnh sản phẩm, sáng tạo nội dung hấp dẫn, và sử dụng các công cụ như Facebook Ads, Google Ads để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Những kỹ năng này không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.
Ứng dụng công cụ tự động hóa và phân tích dữ liệu
Các chương trình đào tạo cũng nên giới thiệu cách sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đơn giản để tự động hóa các công việc hằng ngày như trả lời tin nhắn khách hàng hoặc quản lý dữ liệu bán hàng. Đồng thời, việc phân tích dữ liệu cơ bản sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh.
Xây dựng nhận thức về chuyển đổi số
Ngoài kỹ năng thực hành, các chương trình cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần hiểu rằng những công việc tưởng chừng nhỏ, như quay chụp sản phẩm hay thiết kế bao bì, thực tế là bước khởi đầu quan trọng để tiến tới số hóa toàn diện và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Tận dụng nguồn nhân lực trẻ và linh hoạt
Những nhu cầu số hóa cơ bản trong giai đoạn đầu chuyển đổi số, như quản lý mạng xã hội, xây dựng nội dung quảng bá trực tuyến, hay sử dụng các công cụ tin học văn phòng, mở ra cơ hội lớn cho sự tham gia của nguồn nhân lực part-time, đặc biệt là sinh viên. Với kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, truyền thông, hoặc kinh tế, sinh viên có thể dễ dàng đảm nhận những công việc này nhờ tính linh hoạt và không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
Sự phát triển của các công cụ cộng tác trực tuyến như Zoom, Google Workspace hay Microsoft Teams đã giúp sinh viên ở xa, chẳng hạn tại Hà Nội, hỗ trợ doanh nghiệp ở Lào Cai hay Sơn La trong việc xây dựng nội dung quảng bá, thiết kế bài đăng, hoặc phân tích dữ liệu bán hàng mà không cần trực tiếp đến địa phương.
Việc hợp tác với sinh viên không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực mà còn thúc đẩy một mô hình làm việc mới, tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Mối liên kết này tạo cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức thực tế, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp địa phương.
Chúng tôi nhận thấy rằng, chuyển đổi số không phải lúc nào cũng là những công nghệ phức tạp hay chi phí lớn, mà có thể bắt đầu từ những bước cơ bản như tạo dựng hình ảnh sản phẩm, đào tạo kỹ năng tin học, hoặc hướng dẫn sử dụng các công cụ trực tuyến. Khi các doanh nghiệp nhận ra giá trị của chuyển đổi số, họ không chỉ cải thiện hoạt động kinh doanh mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững. Những bước tiến nhỏ nhưng vững chắc này sẽ là nền móng để các doanh nghiệp địa phương, kể cả ở những nơi có nguồn lực và điều kiện hạn chế, có thể tiến xa hơn trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.
Theo khoahocphattrien.vn