• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin trong nước25/2/2025 15:10

Điện hạt nhân sẽ cần nhiều công sức và thời gian

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên cần nhiều thời gian, nhất thiết phải trải qua nhiều công đoạn, đánh dấu bằng nhiều cọc mốc. Lễ động thổ xây nền móng lò phản ứng thứ nhất là cọc mốc quan trọng nhất.


Thời gian thi công nhà máy sau cọc mốc này thường không ít hơn bảy năm. Giai đoạn tiền dự án trước cọc mốc cũng mất nhiều năm, tùy thuộc vào trình độ phát triển của đất nước, trước hết là năng lực đội ngũ chuyên sâu.

Nhà máy điện hạt nhân tại Bangladesh.
 
Một trong hai nhà máy ĐHN đầu tiên được xây dựng ở Ninh Thuận sẽ có hai lò năng lượng công suất trên 1200 MWe thuộc thế hệ III+ theo công nghệ lò VVER-1200 của ROSATOM, Nga. ROSATOM hiện đang đứng đầu thế giơí về số lò phản ứng công suất lớn thế hệ III+ với 20 lò đang xây ở bảy nước khắp ba châu lục Âu, Á, Phi.

Nhìn sang láng giềng Bangladesh

Trong số các nước đang làm ĐHN với ROSATOM, trước hết, phải nói đến Bangladesh (BGD) có trình độ phát triển kinh tế xã hội và khoa học hạt nhân gần giống Việt Nam, nên có thể xem như cơ sở tham chiếu tốt cho ta.
 
Nhà máy ĐHN Rooppur, BGD, khởi công tháng 11/2017, sau khi Ủy ban Pháp quy Hạt nhân BGD phê duyệt thiết kế và cấp phép xây dựng. Lễ động thổ được đánh dấu bằng mẻ bê tông đầu tiên xây nền móng lò phản ứng thứ nhất. Lò thứ hai khởi công sau tám tháng ở khu đất liền kề, nhờ đó tận dụng tối đa kinh nghiệm, đội ngũ và phương tiện thi công lò thứ nhất, giúp giảm giá thành điện năng.
 
Dự toán kinh phí xây nhà máy với hai tổ máy lên đến 12,6 tỷ USD, trong đó Nga ứng trước 11,4 tỷ USD dưới dạng vay ưu đãi. Atomstroyexport, công ty xây dựng thuộc ROSATOM, sẽ xây nhà máy theo hình thức chìa khóa trao tay và chịu trách nhiệm vận hành nhà máy trong năm đầu trước khi bàn giao cho chủ nhà. Dự tính ĐHN có thể hòa lưới cuối năm 2023, nhưng bị trễ tiến độ nhiều lần, hiện vẫn chưa thể cán mốc sau tám năm thi công. Công trình quá lớn và phức tạp so với trình độ phát triển của BGD. Trên công trường thường xuyên có 33,000 lao động nội địa, 4000 công nhân và kỹ sư đến từ Nga, cộng với nhiều tư vấn người Ấn Độ. BGD cũng chịu trách nhiệm nhiều khâu quan trọng, nhưng do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn kém phát triển nên nhiều chuyện khó lường đã phát sinh, gây trễ tiến độ.

Các mốc thời gian chính trong xây dựng nhà máy ĐHN Rooppur, Bangladesh
 
  Một số cọc mốc thời gian xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên ở BGD
5 - 2010 Hiệp định khung về hợp tác sử dụng NLNT vì hòa bình giữa hai Chính Phủ
11 - 2010 Quốc Hội BGD thông qua dự án
2011 Phái bộ IAEA đến BGD (hai lần) đánh giá thực trạng chuẩn bị ĐHN
6 - 2013 Ký kết hợp đồng làm luận chứng và đánh giá tác động môi trường giữa Ủy Ban NLNT BGD (BAEC) và ROSATOM Nga
12 - 2013 Ủy ban Pháp quy Hạt nhân phê duyệt dự án
12 - 2015 Ký kết tổng hợp đồng 12,6 tỷ USD giũa BAEC và ROSATOM
   
11 - 2017 Lễ động thổ với mẻ bê tông đầu tiên xây nền lò phản ứng thứ nhất
   
7 - 2018 Động thổ lò thứ hai
8 - 2018 Lắp đặt khay hứng 200 tấn nhằm thu giữ vùng hoạt lò thứ nhất khi bị tan chảy không cho đi vào lòng đất
3 - 2023 Hoàn thành vỏ ngoài nhà lò bằng bê tông ứng lực đường kính 46 m cao 49 m
9 - 2024 Nạp nhiên liệu giả, kiểm chứng các thông số thiết kế thủy lực lò thứ nhất
2025 Nạp nhiên liệu, đo đạc và hiệu chính thông số vật lý và kỹ thuật lò phản ứng
??? Phát điện lên lưới
   

Chấp nhận thể thức chìa khóa trao tay giúp xây lò nhanh, và bên A (BGD) sẽ không chịu thiệt hại nếu bên B làm trễ tiến độ. Nhưng phó thác hết cho bên B trong thi công cũng khó tránh khỏi nhiều rủi ro, ẩn giấu những sai sót có thể ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy, nhất là hàng chục năm về sau. Điều này giải thích tại sao một vài lò phản ứng thế hệ III+ xây dựng ở các nước tiên tiến như Phần Lan, Anh quốc bị trễ tiến độ trầm trọng do thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa hai bên A và B về chất lượng thi công trên công trường. Không chỉ ở BGD, thời gian thi công các nhà máy ĐHN với lò VVER-1200 ở những nước tiên tiến hơn, như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều không ít hơn bảy năm. Xây dựng nhà máy cần tuân thủ đầy đủ quy trình, đảm bảo chất lượng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn hạt nhân.
 
BGD còn phải mất bảy năm trước đó cho giai đoạn tiền dự án, kể từ khi ký kết hiệp định khung với Nga (2010) cho đến cọc mốc động thổ lò phản ứng thứ nhất năm 2017. Thiếu nhân lực chuyên sâu là khó khăn chính, nhất là ở Ủy ban pháp quy Hạt nhân có trách nhiệm xem xét và phê chuẩn địa điểm và luận chứng khả thi công trình. BGD đã phải nhờ Ủy ban Pháp quy Nga đào tạo cấp tốc các ủy viên pháp quy của mình để rồi sau đó xét duyệt luận chứng do ROSATOM soạn thảo. Thiếu nhân lực chuyên sâu cũng dễ dàng bộc lộ trên bàn đàm phán trước các phái bộ IAEA đến khảo sát thực trạng làm ĐHN ở BGD.

Nhân lực chuyên sâu từ đâu?

Họ phải trưởng thành tại chỗ, vì không có cơ sở đào tạo chuyên sâu nào ở nước ngoài về ĐHN, bởi năng lượng nguyên tử thuộc loại khoa học lưỡng dụng, nhạy cảm với an ninh và quốc phòng.
 
Cả BGD và Việt Nam đều có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất thấp, dưới 1 MW, được sử dụng để chế tạo đồng vị phóng xạ quy mô nhỏ và một số nghiên cứu ứng dụng bức xạ ion hóa. Từ các lò nghiên cứu này đã xuất hiện các chuyên gia, nhưng phần lớn thuộc chuyên môn khác, chưa đủ năng lực xử lý, tiếp thu và nội địa hóa công nghệ ĐHN. Cần phải có đội ngũ được trui rèn từ vận hành và khai thác các lò nghiên cứu công suất lớn hơn nhiều, tiếp cận với trình độ thế giới.
 
Năm 2010, khi bắt đầu chuẩn bị làm ĐHN Ninh Thuận, trước yêu cầu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về đào tạo đội ngũ chuyên gia tiến lên nội địa hóa công nghệ, Thủ tướng Nga, lúc đó là V. Putin, đã đề xuất hai bên hợp tác xây dựng cơ sở hạt nhân với lò nghiên cứu công suất 10 - 15 MW, gấp hơn 20 lần công suất lò Đà Lạt. Lò nghiên cứu công suất tương đối lớn chính là công thức mà Nga và Liên Xô đã từng áp dụng để phát triển đội ngũ hạt nhân trình độ cao cho các nước Trung Đông Âu và Cộng hòa Xô viết cũ. Cũng từ những cơ sở nghiên cứu này đã xuất hiện những thuyền trưởng cho chương trình ĐHN cho các nước này.
 
Bắc Triều Tiên là minh chứng điển hình cho sự thành công khi theo đuổi “công thức vàng” trên đây. Tận dụng lò nghiên cứu 5 MW với sự hỗ trợ kỹ thuật ban đầu của Liên Xô, họ đã tiến xa để xây dựng một ngành công nghiệp hạt nhân tự chủ, khá hoàn chỉnh, trong hoàn cảnh bị cấm vận ngặt nghèo. Trên thực tế, khoa học công nghệ hạt nhân đã trở thành xương sống để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Bắc Triều Tiên, tạo thế đứng cho quốc gia này trên thế giới. Qua vài thập kỷ, họ đã tích cóp đủ lượng plutonium để làm bom nguyên tử, và còn đi xa hơn nữa, nhờ có đội ngũ được trui rèn và trưởng thành trên lò phản ứng.
 
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) của ta với lò phản ứng 10 MW mà hai Chính phủ Nga – Việt đã thỏa thuận, và thường xuyên nhắc nhở khi gặp nhau suốt hơn 10 năm qua, vẫn chưa thấy tín hiệu khởi công. Địa điểm đã chốt ở Long Khánh (Đồng Nai), rất tiện lợi về giao thông đến nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Rất có thể, chúng ta đã đánh giá chưa đúng, thậm chí chưa hình dung được vai trò của lò phản ứng công suất lớn đối với sự phát triển KTXH nói chung, và ĐHN nói riêng.
 
Cho nên, trước yêu cầu cấp bách về nhân lực chuyên sâu khi tái khởi động ĐHN, rất cần một tiếng chuông đánh thức và đưa Trung tâm lò nghiên cứu công suất lớn (CNST nói trên) thành hạng mục ưu tiên hàng đầu trong chương trình ĐHN hiện nay. Hơi muộn, nhưng vẫn tốt hơn giữ nguyên trạng
Theo khoahocphattrien.vn
 
 

Lượt xem: 3

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2078848- Đang online : 910