Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thay đổi cách quản lý hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật) là một số những kiến nghị nổi bật được nhiều doanh nghiệp đưa ra trong bối cảnh Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế sau 18 năm được ban hành.
Song, những gì đang diễn ra trong thực tế lại có phần trái ngược. Qua rà soát cho thấy, có đến 14 trong tổng số 88 Luật, Pháp lệnh có nội dung vướng mắc, chưa thống nhất với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bao gồm: Luật An toàn thực phẩm, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Dược, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Giá, Luật phí và lệ phí, Pháp lệnh Quản lý thị trường. “Chẳng hạn, Luật An toàn thực phẩm quy định tất cả các sản phẩm thực phẩm phải công bố hợp quy. Tuy nhiên, trong khi hiện nay có đến hàng chục nghìn sản phẩm thực phẩm, thì Bộ Y tế mới chỉ có 65 quy chuẩn. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là ‘lấy quy chuẩn ở đâu mà hợp’?”, ông Nguyễn Hồng Uy cho biết. Hay khi nhìn sang lĩnh vực dược phẩm, chữ “quy chuẩn” hoàn toàn không có trong Luật Dược, không có trong dược phẩm, mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh dùng trong y tế, mà chỉ là tiêu chuẩn (ví dụ như thuốc Việt Nam sẽ theo dược điển Việt Nam, thuốc nhập từ Mỹ sẽ theo dược điển Mỹ). “Có thể thấy rằng một luật được gọi là ‘luật mẹ’ nhưng khi đưa ra thì rất nhiều luật chuyên ngành không thể tuân thủ được”, ông Nguyễn Hồng Uy chỉ ra vấn đề.
Chưa kể đến, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành do quy định phân công quản lý tại các luật chuyên ngành khác nhau (ví dụ: quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm, quản lý hiệu suất năng lượng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...) dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra. “Có những mặt hàng vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu do Bộ Công thương quản lý vừa phải kiểm tra chất lượng do bộ, ngành khác quản lý như quạt điện, tủ lạnh, tủ kết đông, bóng đèn huỳnh quang…” - một vấn đề được chỉ ra trong tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung.
Một vấn đề nổi bật khác mà đã được thảo luận rất nhiều trong các buổi góp ý về dự thảo sửa đổi luật là việc quản lý hàng hóa nhóm 2 (các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn). Hiện nay, việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Tuy nhiên, cách hiểu và việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn chưa được quy định cụ thể trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nên dẫn đến tình trạng chưa thống nhất. Một ví dụ tiêu biểu là việc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được ban hành nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) để quản lý, hoặc việc ban hành Danh mục có tên nhóm hàng hóa nhưng chưa có đầy đủ chi tiết mặt hàng và mã số HS (HS Code),...
Và có một thực tế đáng chú ý là: hiện nay có nhiều sản phẩm, hàng hóa được đưa vào Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhưng lại không rõ cơ sở khoa học về khả năng gây mất an toàn. “Điều này dẫn đến những vướng mắc đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo luật định. Bên cạnh đó, việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo cách thức quản lý riêng cũng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện”, ban soạn thảo dự thảo luật sửa đổi phân tích. Khi so sánh với thế giới, chưa có quốc gia nào đưa ra định nghĩa cụ thể về sản phẩm nhóm 2. Theo ông Nguyễn Hồng Uy, chỉ có Mỹ và EU có quy định tương tự, nhưng họ chỉ giới hạn trong 9 loại, bao gồm chất nổ, khí nén, chất lỏng dễ cháy, chất rắn dễ cháy, các chất phóng xạ… Trong khi đó, tại Việt Nam, các mặt hàng như gạo, ngô, khoai, sắn… cũng được được vào danh mục này do lo ngại việc bảo quản không hợp lý có thể gây chất độc - trong khi đó đây là vấn đề nằm ở việc bảo quản chứ không nằm ở bản chất tiềm ẩn nguy hại của sản phẩm.
Thay đổi hướng quản lý
Những thực tế này đỏi hỏi phải tiếp cận việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo một cách thức mới. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng Ban quản lý Chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia (Bộ KH&CN), dự thảo Luật đề xuất bốn nhóm chính sách: sửa đổi, bổ sung quy định về xác định sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy nhanh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Sau khi rà soát các thủ tục hành chính theo quy định của Luật hiện hành, Ban soạn thảo cũng đã đề xuất bãi bỏ ba thủ tục hành chính: công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng đối với một số hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu; đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi năm thủ tục hành chính: đăng ký miễn kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu; đăng ký kiểm tra chất lượng đối với một số hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu; đăng ký chỉ định tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp; đăng ký hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch.
Đây cũng là những vấn đề mà đại diện các doanh nghiệp và ngành hành trăn trở từ lâu. TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh vào thủ tục công bố sản phẩm hợp quy. “Tôi cho rằng đây chính là nguồn gốc của nhiều vấn đề và là căn nguyên của những xung đột pháp lý trong quá trình thực thi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa trong gần 20 năm vừa qua”.
Hạn chế này cũng là điều mà ông Nguyễn Hồng Uy chỉ ra. Theo ông, thủ tục công bố hợp quy thực chất chỉ là một bước tiền kiểm mang tính hình thức, gần như không có ý nghĩa gì trong thực tiễn. Bằng chứng chủ yếu dựa trên phiếu kiểm nghiệm của một lô hàng duy nhất và kết quả chỉ có giá trị đối với mẫu thử, song, tờ giấy này lại được sử dụng như một giấy chứng nhận áp dụng cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lô hàng. “Chúng ta coi trọng giấy tiền kiểm mà lại bỏ qua hậu kiểm. Điều này dẫn đến những vụ việc như vụ giá đỗ ngậm chất kích thích thời gian qua tại siêu thị Bách Hóa Xanh. Cơ sở sản xuất này có đầy đủ giấy chứng nhận, nhưng trong 3-4 năm kể từ khi sản xuất không có cơ quan chức năng nào đến thực hiện hậu kiểm", ông Nguyễn Hồng Uy phân tích. "Người tiêu dùng thấy có giấy chứng nhận là tin tưởng, nhưng thực ra nếu không có hậu kiểm thì tờ giấy chứng nhận lại trở thành công cụ để những đối tượng kinh doanh không lành mạnh lừa người tiêu dùng”.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cũng cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro, trong đó sẽ xác định mức độ nguy hiểm của sản phẩm, đánh giá lịch sử cam kết và hành động của doanh nghiệp, và xem xét các cảnh báo từ quốc tế. “Đây là những hoạt động mà các nước tiên tiến đang ứng dụng, và thực tế chúng ta cũng đã làm thành công trong Nghị quyết 15/2018, một phương thức quản lý rủi ro ro hiệu quả và văn minh”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Việc thay đổi hướng quản lý như vậy phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới, song cũng không phải là điều có thể thay đổi một sớm một chiều. “Hậu kiểm nói thì hay nhưng không có tiền thì nhà nước làm sao thực hiện được”, ông Nguyễn Hữu Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert nhận định. Do việc hậu kiểm yêu cầu rất nhiều kinh phí, ông Dũng cho rằng, trong luật sửa đổi cần phải có cơ chế kiểm tra hậu kiểm rõ ràng và hợp lý. “Tôi cho rằng việc hậu kiểm sẽ hiệu quả nhất khi giao cho hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình quản lý nhà nước: xây dựng tiêu chuẩn, tổ chức chương trình chứng nhận, thanh tra, kiểm tra. Khi đó, nhà nước chỉ cần kiểm tra, giám sát các tổ chức này, như vậy sẽ đúng nghĩa là xã hội hóa và như vậy mới có thể huy động nguồn lực từ xã hội”, ông Dũng đề xuất. “Xã hội hóa không chỉ là công việc đóng góp tiêu chuẩn mà còn phải là công việc chuyển giao quyền quản lý một cách thực chất”.
Bốn nhóm chính sách lớn được tập trung sửa đổi:
1. Sửa đổi xác định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.
2. Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
3. Phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
4. Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
|
Theo khoahocphattrien.vn