• Tin tiêu điểm
Tin tức - Sự kiện › Tin trong nước3/4/2025 15:8

Để KH&CN trở thành động lực của nền kinh tế

Tại buổi làm việc với bộ KH&CN, ngày 1/4/2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng giao cho Bộ KH&CN tám nhiệm vụ liên quan đến những mục tiêu trước mắt và dài hạn ở khắp các lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.


Công nhân Công ty Juki (quận 7, TP HCM) lắp ráp máy bằng công nghệ cao. Ảnh: BLĐ

“Nâng cao nhận thức, tạo xung lực mới trong toàn xã hội về vai trò của KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số”, là yêu cầu được Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong buổi làm việc đầu tiên, diễn ra vào ngày 1/4/2025, với Bộ KH&CN, sau quá trình sáp nhập, sắp xếp bộ máy Bộ KH&CN và Bộ TT&TT. “Cần đưa KH&CN trở thành động lực của nền kinh tế, qua đó thể hiện vai trò và sứ mệnh mới của ngành KH&CN”.
 
Phó Thủ tướng phân tích, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ 13 (năm 2021), hai mốc quan trọng trong lộ trình phát triển đất nước vào năm 2030 và 2050 đã được xác định, trong đó mốc năm 2030 là “Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Nếu chúng ta muốn vượt qua được và muốn giữ được mục tiêu này thì phải có động lực lớn là KH&CN, đổi mới sáng tạo”.

Thách thức vượt qua các giới hạn

Mục tiêu lớn được đặt ra cho Bộ KH&CN là đưa KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số trở thành động lực của nền kinh tế. Đây thực sự là một thách thức, bởi không dễ để chuyển đổi các nội hàm nhiệm vụ này thành những tác động được vào mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, được chứng thực qua những con số, thước đo định lượng cụ thể, mặc dù trên thế giới, những quốc gia phát triển đã là những ví dụ sống động của việc tạo ra được những thành tựu đột phá về AI và sức mạnh tính toán, công nghệ sinh học và chỉnh sửa gene, công nghệ năng lượng và khoa học vật liệu, khám phá không gian, y học chính xác…
 
Trong buổi làm việc với Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã đặt thực trạng KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số Việt Nam vào bối cảnh chung của KH&CN thế giới, nhấn mạnh vào những xu thế phát triển nổi bật của thế giới, theo góc nhìn của ông. Phó Thủ tướng cho rằng, việc định vị được những xu thế phát triển này sẽ giúp Bộ KH&CN biết mình ở đâu, có trong tay những gì và cần nắm bắt, theo đuổi những xu hướng nào. “Thứ nhất, có thể thấy dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực KH&CN, ĐMST ngày càng gia tăng, trong đó bao gồm vốn đầu tư công và đầu tư từ khu vực tư nhân”, ông nói. Trong thời gian gần đây, những dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới như AI, lượng tử lên tới hàng tỉ USD. Riêng trong năm 2024, các startup về công nghệ lượng tử đã gọi được 1,5 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm, theo dữ liệu của Crunchbase - một nền tảng hàng đầu cho nghiên cứu và triển vọng của công ty tư nhân, cung cấp dữ liệu toàn diện và các công cụ tình báo. Con số này gần gấp đôi con số 785 triệu USD huy động được vào năm ngoái và vượt qua mức cao nhất mọi thời đại được huy động vào năm 2022 là gần 963 triệu USD. Mới đây, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin, OpenAI đã huy động được tới 40 tỷ USD tài trợ mới từ các nhà đầu tư do SoftBank Group đứng đầu, định giá công ty sáng tạo ChatGPT này ở mức 300 tỷ USD.

Một khách mời trải nghiệm dịch vụ y tế thông minh qua việc khám và nhận thông báo tình hình sức khỏe qua điện thoại.

Xu hướng đầu tư cho hai công nghệ dẫn đầu này cũng liên quan đến xu thế tiếp theo mà theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, “AI và AI tạo sinh phát triển ngày càng nhanh và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế”.

Những chuyển động của dòng đầu tư và sức ảnh hưởng của các công nghệ nhận được đầu tư đã ảnh hưởng đến các xu hướng chủ lưu khác. Đó là hoạt động KH&CN, ĐMST ngày càng phát triển và dựa trên nền tảng của các hệ sinh thái, và với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các viện, trường, các tập đoàn lớn, các startup... và chịu tác động ngày càng lớn từ các yếu tố địa chính trị; sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn lực cho phát triển lĩnh vực KH&CN, ĐMST (nguồn nhân chất lượng cao, dữ liệu và năng lực tính toán...); Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách và thúc đẩy hợp tác công tư, với tham vọng dẫn dắt trong các lĩnh vực KH&CN, ĐMST, chuyển đổi số, đặc biệt là một số sản phẩm công nghệ, đặc biệt sản phẩm trong các ngành công nghệ mang tính chiến lược như bán dẫn, AI, robot, thiết bị không người lái...
 
Trong bối cảnh sôi động đó trên thế giới Việt Nam còn đang ở một vị trí khá khiêm tốn. Phó Thủ tướng cho rằng, muốn đưa KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số trở thành khâu đột phá và động lực của nền kinh tế, Bộ KH&CN cần khắc phục được sáu hạn chế trong thời gian tới. Đó là 1) Khoảng cách KH&CN của chúng ta với các quốc gia khác vẫn còn lớn; 2) Nhận thức của chúng ta về KH&CN, ĐMST ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ; 3) Hành lang pháp lý còn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều điểm nghẽn; 4) Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa đạt được bước đột phá chiến lược, khả năng ứng dụng vào thực tế còn hạn chế; 5) Nhân lực KH&CN còn thiếu hụt, 6) Nguồn lực đầu tư cho cơ sở nghiên cứu khoa học như hệ thống phòng thí nghiệm và hạ tầng số chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
 
Các hạn chế này gắn liền với những điểm nghẽn cơ chế, chính sách tồn tại hàng thập kỷ qua, khiến cho các nhà khoa học chưa được đầu tư một cách xứng đáng để có thể phát huy năng lực và sự sáng tạo của mình và để góp phần đưa các tri thức, các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Giải quyết được các hạn chế này cũng là thách thức với Bộ KH&CN, tuy nhiên Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&CN đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của hệ thống chính trị, qua việc ban hành các văn bản quan trọng như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và Nghị quyết 03/NQ-CP của chính phủ ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý “Tinh thần Nghị quyết 57 đã bao phủ tất cả, đã khác biệt và đột phá. Bây giờ cách tiếp cận của Bộ KH&CN cần phải thay đổi, khác biệt và vượt lên trên quan niệm hiện hành. Khi đã được ưu tiên đến mức độ như thế thì chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, sáng tạo và hiệu quả hơn”.

Các thành viên Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) nghiên cứu, chế tạo vệ tinh Micro Dragon. Ảnh: congnghe.tuoitre.vn

Những nhiệm vụ trọng tâm

Câu chuyện đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành mối quan tâm lớn, không chỉ của Bộ KH&CN mà còn của chính phủ và xã hội. Có thể thấy rằng, ngày nay, ở rất nhiều lĩnh vực, khoảng cách giữa phát triển công nghệ và ứng dụng nó trong thực tiễn đang được ngày một rút ngắn. Đây cũng là lý do trong buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long đã báo cáo với Phó Thủ tướng về kế hoạch xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung, hay còn gọi là siêu máy tính AI. “Về cơ bản, chúng ta sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng tính toán phân tích dữ liệu có chip GPU, theo tính toán trị giá khoảng 100 triệu USD. Chúng ta dùng hạ tầng AI này với hai mục đích, một là tất cả các doanh nghiệp có ý tưởng muốn phát triển AI và có dữ liệu thì họ đến trung tâm này để huấn luyện AI, hai là sử dụng hạ tầng này để cung cấp dịch vụ. Khi sử dụng hạ tầng AI này thì hàng trăm doanh nghiệp có thể đến đặt hàng, phát triển các ứng dụng AI”, ông nói.
 
Bộ KH&CN tính toán, một trung tâm hạ tầng AI như vậy sẽ được ra đời trên cơ chế hợp tác công tư. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, trong trường hợp này “Nhà nước đầu tư, nhà nước không vận hành mà là doanh nghiệp vận hành, hạ tầng vật lý để đặt thiết bị sẽ dùng các trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp”. Theo nhận định của ông, việc đầu tư vào trung tâm hạ tầng AI như vậy sẽ thúc đẩy ứng dụng AI, “Đất nước mình không có cơ sở hạ tầng AI này mà muốn phát triển AI thì chỉ nói suông thôi, nói cho vui thôi”.
 
Việc tận dụng các thế mạnh của công nghệ tiên tiến vào thực tiễn cũng đang được Bộ KH&CN thúc đẩy. Một trong số đó là tạo ra các ứng dụng AI, trợ lý ảo hỗ trợ người dân và giới công chức. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết “Chúng ta đang xây dựng trợ lý ảo theo hai hướng. Một hướng ở đây là mỗi người dân Việt Nam có một trợ lý Việt Nam được xây dựng hơi giống ChatGPT có chức năng hỗ trợ, cung cấp các kiến thức nền tảng chung. Hướng thứ hai là xây dựng trợ lý ảo trong môi trường làm việc, tức là một công chức có thể hỏi trợ lý ảo này thủ tục mua một cái máy tính, thủ tục bổ nhiệm một trưởng phòng… hay có thể giúp phát hiện mâu thuẫn giữa các văn bản luật, hỗ trợ tra cứu tài liệu”.
 
Việc định hướng tạo ra cơ sở hạ tầng AI và phát triển trợ lý ảo đã được Phó Thủ tướng đánh giá “Đây là cái mới của chúng ta, chúng ta đi từ nhu cầu thực tế mà phát triển công nghệ để phục vụ sản xuất…”.
 
Trong danh mục công việc của Bộ KH&CN năm 2025 không chỉ có AI mà còn một danh mục quan trọng khác: công nghệ chiến lược. “Chúng ta lựa chọn một số công nghệ mũi nhọn để tập trung nguồn lược và chính sách trong một thời gian nhất định. Nền kinh tế sẽ rất cần những công nghệ này”, Phó Thủ tướng gợi ý. Hiện tại, chương trình phát triển công nghệ chiến lược được xây dựng với hai hợp phần là công nghệ chiến lược và công nghiệp chiến lược, trước mắt sẽ thông qua danh mục công nghệ chiến lược. “Từ danh mục công nghệ chiến lược sẽ trỏ ra sản phẩm chiến lược liên quan đến doanh nghiệp chiến lược để nhà nước tài trợ. Đó là tư tưởng phát triển công nghệ Việt Nam, nó chỉ rõ con đường làm chủ công nghệ của Việt Nam là đi từ làm chủ sản phẩm, thiết kế sản phẩm”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nói.
 
Đó sẽ là một con đường mà các nguồn lực đầu tư của nhà nước cần được tập trung để xây dựng các cơ sở hạ tầng KH&CN, trong đó phòng thí nghiệm trọng điểm cho các công nghệ chiến lược song song với chương trình công nghệ chiến lược. “Với nội hàm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ dùng chung, hiện nay chúng tôi đang xây dựng các dự án liên quan đến đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung, phục vụ các nhiệm vụ về công nghệ chiến lược và hệ thống các phòng thí nghiệm dùng chung cho các tổ chức KH&CN công lập theo tinh thần Nghị quyết 57”, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ KH, KT và Công nghệ, cho biết.
 
Những đầu tư lớn như vậy được Bộ KH&CN kỳ vọng sẽ là cú hích để thúc đẩy bộ máy KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số tạo ra những sản phẩm hữu hình. Đi kèm với nó sẽ là những bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả ở mọi nhiệm vụ trong phạm vi quản lý như KH&CN, ĐMST, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng…, được xây dựng dựa trên việc tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. “Từ nay trở đi, tất cả các lĩnh vực của mình phải đo được đầu ra, và khi đo được đầu ra thì chúng ta có thể chuyển được từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. “Bộ tiêu chí như thế này sẽ giúp chúng ta biết được các quyết định đầu tư hiệu quả hay không hiệu quả”.
 
Khi nhìn lại 180 nhiệm vụ mà Bộ KH&CN sẽ thực hiện trong năm 2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh “Các nhiệm vụ cụ thể bàn đến rất hay và sát sườn, mang tính chiến lược cốt lõi và có thể thực hiện được ngay, ví dụ như chương trình AI, trung tâm dữ liệu dùng chung, hạ tầng số…”. Tuy nhiên ông lưu ý, vì khối lượng công việc nhiều nên “lúc nào cũng tinh thần sẵn sàng, vừa chạy vừa xếp hàng” để đạt được mục tiêu và thời hạn đề ra.
 
Trước tiềm năng mà KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quy tụ được dưới tinh thần của Nghị quyết 57, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN mạnh dạn sáng tạo, dám chấp nhận thách thức. Ông gợi ý “Chúng ta có thể đặt mục tiêu trở thành cường quốc về AI, hay là trung tâm quốc tế về bán dẫn, trung tâm về nguồn nhân lực công nghệ cao… Bây giờ chúng ta nên mạnh dạn nắm bắt xu hướng để chọn lựa một số ngành mang tính chiến lược để tập trung tạo sức bật”.
 
Tinh thần này đã có ở Bộ KH&CN, ngay từ việc tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia. "Chúng ta cấu trúc cho gọn các chương trình lại với quan điểm, giao tối đa các chương trình KC, KX cho các bộ, ngành. Bây giờ chúng ta chỉ tập trung vào những chương trình lớn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
 
 
Trên đường đưa KH&CN trở thành động lực của nền kinh tế, Bộ KH&CN được Phó thủ tướng nêu rõ tám nhiệm vụ quan trọng:
 
Thứ nhất, sớm kiện toàn bộ máy tổ chức. Bộ KH&CN phải coi đây là cơ hội để tái cấu trúc bộ máy và cơ hội sàng lọc, sắp xếp lại nhân lực cho phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
 
Thứ hai, quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội và Nghị quyết 03 của Chính phủ, coi đây là kim chỉ nam để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, dự án cụ thể, với lộ trình khả thi và trách nhiệm rõ ràng.
 
Đề nghị Bộ KH&CN phải nâng cao nhận thức, tạo xung lực mới trong toàn xã hội về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học làm nhân tố then chốt, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và thúc đẩy. Nâng cao nhận thức đó phải cụ thể hóa việc này ngay trong Bộ, cần có một chương trình cụ thể để theo dõi các nhiệm vụ của 57, cập nhật, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 57.
 
Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; quyết tâm loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và đề cao tính linh hoạt của thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong quá trình phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
 
Tập trung vào năm luật sẽ thông qua vào năm 2025. Về cơ bản, quá trình sửa đổi lấy ý kiến đều đạt được đồng thuận và đánh giá có chất lượng tốt. Nếu áp dụng các luật này sẽ tạo được thay đổi lớn, ví dụ Luật KH&CN, ĐMST sẽ giúp chúng ta giảm khoảng 45% thủ tục hành chính.
 
Hoàn thiện thể chế phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, hài hòa được lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong sử dụng dữ liệu; xây dựng cơ chế thí điểm để doanh nghiệp có thể thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy sở hữu trí tuệ, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu, rút ngắn thủ tục…
 
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược, trong đó, sớm thúc đẩy hoàn thành hai tuyến cáp quang biển và triển khai mạng 5G toàn quốc, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, và phát triển các công nghệ mũi nhọn như AI, IoT, blockchain, bán dẫn... Hạ tầng số phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
 
Thứ năm, tập trung nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các ngành công nghệ chiến lược. Thúc đẩy mạnh liên kết ba nhà, nhà nước - nhà khoa học – doanh nghiệp- lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu, trong đó xây dựng cơ chế thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt là các trí thức khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho nhóm nghiên cứu xuất sắc, cơ chế ghi nhận, tôn vinh nhà khoa học xứng đáng được truyền thông để lan tỏa trong xã hội.
 
Mục tiêu đến năm 2030 đạt mục tiêu trong Nghị quyết 57 là chi cho R&D phải đạt 2% GPD, nhân lực KH&CN đạt 12 người trên một vạn dân.
 
Thứ sáu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp gắn với nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta thống nhất tinh thần khuyến khích doanh nhiệp tổ chức hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy KH&CN trong doanh nghiệp, trở lại đóng góp cho nền kinh tế. nếu làm tốt sẽ thúc đẩy tác động xã hội.
 
Hiện nay việc đầu tư của doanh nghiệp FDI không kết nối được với doanh nghiệp Việt Nam. Cần tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI, nâng cao được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam mà vẫn thu hút được doanh nghiệp FDI chất lượng cao để họ có thể kết nối được với nhau, qua đó đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nghiên cứu các quỹ đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, đầu tư mạo hiểm.
 
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tối đa nguồn lực từ các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn để nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên nền tảng số, trong đó có việc nhấn mạnh vào việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ, bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu.

 
Theo khoahocphattrien.vn
 
 

Lượt xem: 3

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2137832- Đang online : 1228