Khoa học công nghệ bước vào giai đoạn 'giải bài toán lớn'
Loạt chính sách vừa được ban hành thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đưa khoa học công nghệ thành động lực then chốt với tư duy đặt hàng, đổi mới sáng tạo và thị trường hóa kết quả nghiên cứu.
Trong kỳ họp giữa năm 2025, Quốc hội đã thông qua một loạt đạo luật quan trọng liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy quản lý và phát triển lĩnh vực này. Từ cơ chế "xin - cho" sang "đặt hàng theo kết quả đầu ra", từ quản lý hành chính nặng thủ tục sang tạo lập thị trường cho nghiên cứu khoa học, để khoa học và công nghệ trở thành một trong những động lực trung tâm của phát triển quốc gia.
Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình cụ thể nhằm thực thi các luật mới: giao nhiệm vụ nghiên cứu cho địa phương theo hướng "giải bài toán thực tiễn vùng miền", khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp vùng. Các chuyên gia cho rằng một giai đoạn phát triển mới đang mở ra cho khoa học công nghệ Việt Nam - nơi nhà nước giữ vai trò kiến tạo, doanh nghiệp dẫn dắt đổi mới, và địa phương đóng vai trò chủ động triển khai.
Trung tâm Nano và Năng lượng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang Huy
Quản lý theo kết quả, khoán chi toàn phần
Một điểm đột phá lớn của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua là thay đổi cách quản lý nhà nước trong nghiên cứu khoa học. Thay vì kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ, Luật chuyển sang cơ chế "quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra". Làm khoa học được nhìn nhận là hoạt động có rủi ro, nhưng phải gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm không còn là cách thức triển khai mà là giá trị thực tiễn và tác động đến phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ khoa học, lấy kết quả làm căn cứ phân bổ ngân sách. Các tổ chức nghiên cứu chỉ được tiếp tục nhận nhiệm vụ mới nếu chứng minh hiệu quả từ nhiệm vụ trước đó.
Luật cũng trao quyền tự chủ mạnh hơn cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài - từ quản lý bộ máy, lựa chọn nhân sự, đến chi tiêu theo cơ chế khoán chi toàn phần. Đổi lại, họ phải thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa.
Người làm nghiên cứu được hưởng ít nhất 30% thu nhập từ việc thương mại hóa kết quả, đồng thời được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản này. Điều này nhằm thúc đẩy tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, gắn nghiên cứu với thực tiễn.
Luật cũng chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về khu vực doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ được khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu - phát triển bằng nguồn lực của mình, mà còn được nhà nước "mồi" bằng ngân sách theo nguyên tắc "chi 1 đồng, hút 3-4 đồng từ xã hội".
Tỷ lệ ngân sách nhà nước tài trợ cho hoạt động R&D của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh - từ mức 10% trước đây lên 70-80%. Ngoài ra, doanh nghiệp được hạch toán toàn bộ chi phí R&D vào chi phí sản xuất - kinh doanh, không bị giới hạn theo tỷ lệ doanh thu như trước.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhận định các động lực tăng trưởng truyền thống như lao động, tài nguyên, đất đai đã đến giới hạn. Muốn đạt tăng trưởng hai con số, Việt Nam phải tìm kiếm động lực mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ông nhấn mạnh doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải đổi mới công nghệ; doanh nghiệp muốn dẫn đầu buộc phải đầu tư vào nghiên cứu - phát triển. Mỗi năm, khoảng 25.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước sẽ được chi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chủ yếu thông qua cơ chế hỗ trợ lãi suất vay. Một quỹ quốc gia về đổi mới công nghệ sẽ được thành lập để triển khai chính sách này.
Một số loại máy bay không người lái do Tập đoàn Viettel phát triển. Ảnh: Giang Huy
Tiến tới làm chủ công nghệ điện hạt nhân
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, khẳng định chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng trong dài hạn.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện môi trường; đồng thời đặt mục tiêu tăng cường năng lực chế tạo và nội địa hóa trang thiết bị, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân. Đây là nền tảng để hình thành ngành công nghiệp hạt nhân quốc gia.
Luật quy định ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng nguyên tử; có chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm cho các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chuyên ngành.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điện hạt nhân là năng lượng xanh, là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia. Hiện một số nước đã đặt mục tiêu điện hạt nhân chiếm từ 10% đến 30% tổng nguồn cung điện quốc gia, để đạt các mục tiêu về trung hòa carbon, tự chủ năng lượng và định vị lại công nghệ quốc gia.
Luật mới tạo hành lang pháp lý cho Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân, phát triển thị trường nội địa về công nghệ, thiết bị, hoạt chất phóng xạ và ứng dụng rộng rãi trong đời sống - từ y tế, nông nghiệp đến công nghiệp.
Mở rộng cửa cho nhân tài vào khu vực công
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho phép cơ quan nhà nước ký hợp đồng với chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu để thực hiện một số nhiệm vụ của công chức lãnh đạo, quản lý. Đây là điểm mới nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong quản trị công.
Cơ quan nhà nước cũng được ký hợp đồng dịch vụ để triển khai các công việc cụ thể, trong trường hợp thiếu hụt nguồn nhân lực. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động này, độc lập với quỹ lương và khoán chi hành chính thường xuyên. Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí, điều kiện cụ thể cho từng nhóm được ký hợp đồng, tùy theo nhu cầu và đặc thù của từng cơ quan.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ bổ sung lực lượng tinh hoa vào bộ máy công quyền một cách linh hoạt, hiệu quả, không phát sinh thêm loại hình công chức mới nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao trong những lĩnh vực then chốt.
Luật cũng bổ sung cơ chế thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. Đối tượng được nhắm đến gồm chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, sinh viên xuất sắc, có đóng góp thực chất cho phát triển quốc gia.
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới... Ông yêu cầu hoàn thiện cơ chế đãi ngộ vượt trội về lương, nhà ở, môi trường làm việc, nhằm đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc trong tháng 8.
Theo định nghĩa trong Luật, người có tài năng là cán bộ, công chức có chuyên môn vượt trội, tư duy đổi mới, sáng tạo, tạo ra sản phẩm cụ thể có giá trị, đóng góp thiết thực cho lợi ích chung. Họ sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ riêng, với kinh phí bảo đảm từ ngân sách nhà nước. Chính phủ sẽ quy định khung cơ chế để triển khai thống nhất trong hệ thống công vụ.
Loạt tên lửa, bệ phóng và radar phòng không tại Triển lãm Quốc phòng 2024. Ảnh: Giang Huy
Địa phương được trao quyền
Nhằm cụ thể hóa các chính sách mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định 180/2025, cho phép triển khai hợp tác công - tư trong các dự án công nghệ cao, công nghệ chiến lược, phát triển hạ tầng số, đào tạo nhân lực và xây dựng các viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ chuyên sâu.
Tổ chức, cá nhân tham gia mô hình này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, miễn - giảm tiền sử dụng đất, thuê đất và được sở hữu kết quả nghiên cứu để tiếp tục phát triển, thương mại hóa. Nhà nước có thể đặt hàng, chỉ định thầu các sản phẩm là kết quả của hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 132 và 133 nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý lĩnh vực khoa học - công nghệ. Đây là bước cụ thể hóa mô hình tổ chức chính quyền hai cấp, bỏ cấp huyện, với định hướng "địa phương quyết định - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm".
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, 52,5% tổng số nhiệm vụ và quyền hạn hiện do Trung ương quản lý (tương đương 117/223 nhiệm vụ) sẽ được phân cấp cho địa phương. Trong đó, 78 nhiệm vụ đã quy định trong Nghị định 133; 39 nhiệm vụ còn lại sẽ tiếp tục được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật sắp ban hành.
UBND cấp tỉnh được giao thêm nhiều quyền như: quản lý sở hữu trí tuệ, phê duyệt chuyển giao công nghệ, cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài. Các chương trình lớn như Đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nhập khẩu công nghệ - trước đây thuộc thẩm quyền Thủ tướng - nay được giao cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
UBND tỉnh cũng được giao vai trò đầu mối trong đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các ban quản lý khu công nghệ cao và xin ý kiến Thủ tướng với các sản phẩm thuộc dự án đầu tư công nghệ cao.
Theo VnExpress
Lượt xem: 2